Có lợi thế bờ biển dài, nhiều đảo, với hơn 805.460ha mặt nước, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xem là vùng có tiềm năng rất lớn để phát triển nghề nuôi biển. Tuy nhiên, trong khi các tỉnh miền Trung phát triển nuôi biển khá mạnh và ngày càng nâng dần lên quy mô công nghiệp thì nghề nuôi biển ở các tỉnh ven biển ÐBSCL vẫn chưa được khai thác hiệu quả...
Làm giàu từ nuôi biển
Khi đến đảo Hòn Chuối (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), tôi rất bất ngờ khi được thưởng thức các món ăn từ cá bớp do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòn Chuối chế biến, miếng cá nạc, giòn thơm, vị ngọt tự nhiên. Các chiến sĩ cho biết, sản phẩm cá bớp do người dân nuôi tại đảo Hòn Chuối, đây không chỉ là thực phẩm bổ dưỡng mà còn đang giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu.
Là một trong những hộ dân gắn bó lâu năm với nghề nuôi cá bớp trên đảo Hòn Chuối, chị Huỳnh Mộng Kiều cho biết, hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi cá bớp, đến nay, gia đình chị đã có 20 hộc cá với số lượng khoảng 5.000 con. Mỗi năm, trừ các chi phí, gia đình chị thu về khoảng 700-800 triệu đồng. “Những năm trước, có thời điểm giá cá lên tới 160.000 đồng/kg, nhiều hộ nuôi bội thu hơn cả mong đợi. Ngoài những gia đình nuôi quy mô có thu nhập xấp xỉ tiền tỷ thì các hộ nhỏ cũng có từ vài chục đến vài trăm triệu đồng”, chị Kiều bộc bạch.
Mô hình nuôi cá lồng bè ở xã đảo Tiên Hải, TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: HỒNG ĐẠT |
Phát triển nghề nuôi biển gắn với du lịch để quảng bá hình ảnh địa phương và giúp nông dân làm giàu từ biển cũng là cách mà tỉnh Kiên Giang khai thác. Theo thống kê, tổng diện tích nuôi biển trên địa bàn tỉnh đạt 93.775ha (chủ yếu nuôi cá, nhuyễn thể và cua), sản lượng thu hoạch khoảng 41.740 tấn. Riêng nuôi trai lấy ngọc nhân tạo hiện có 100ha, sản lượng thu hoạch 42.000 viên. Có khoảng 920 cơ sở nuôi biển với hơn 4.000 lồng nuôi, trong đó tỷ lệ cá bớp khoảng 65%, cá mú khoảng 30% và các đối tượng khác (chim vây vàng, hồng mỹ...) khoảng 5% tổng số lồng nuôi.
Thạc sĩ Phù Vĩnh Thái, Phó trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho biết: “Những năm gần đây, nghề nuôi cá lồng bè trên biển trong tỉnh có sự tăng trưởng khá đều đặn cả về quy mô lẫn chất lượng, tại các xã đảo thuộc huyện Kiên Hải, thành phố Phú Quốc, một số xã đảo thuộc huyện Kiên Lương và thành phố Hà Tiên, nghề nuôi biển đang phát triển tích cực, góp phần tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho ngư dân, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo”.
Còn nhiều khó khăn
Mặc dù đã có những bước phát triển nhưng nghề nuôi biển ở ĐBSCL hiện vẫn còn manh mún, ở quy mô nhỏ lẻ nên chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế tự nhiên vốn có. Số địa phương phát triển nghề nuôi biển khá ít, đối tượng nuôi chỉ dừng lại ở một vài nhóm chính như: Nhóm nhuyễn thể gồm: Nghêu, hàu, ngọc trai; nhóm cá gồm: Cá chim vây vàng, cá bớp, cá mú; nhóm giáp xác gồm: Cua, ghẹ..., riêng nhóm rong biển mang lại kinh tế cao, như: Hải sâm, sinh vật cảnh, rong sụn, tảo biển... vẫn chưa được khai thác. Bên cạnh đó, do đang còn trong giai đoạn đầu phát triển nên quy mô nuôi chủ yếu ở mức hộ gia đình, lồng được làm bằng gỗ kích thước nhỏ: Thể tích 27-125m3/lồng, kỹ thuật nuôi còn đơn giản, nguồn giống chủ yếu khai thác từ tự nhiên và thức ăn sử dụng phần lớn là cá tạp. Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ phát triển nuôi biển còn gặp nhiều khó khăn, như: Hạ tầng và dịch vụ cung cấp giống, thức ăn quy mô còn nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất lớn; con giống mới được sản xuất nhỏ lẻ, phần lớn phụ thuộc nhập khẩu...
Chia sẻ những khó khăn trong quá trình nuôi biển, ông Nguyễn Văn Năm, người có hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi cá bóng mú, bóng cọp, bóng sao ở xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Nguồn vốn đầu tư để phát triển nghề nuôi cá bóng mú rất cao, quá trình nuôi cũng nhiều rủi ro. Bởi lồng bè nuôi hầu hết kết cấu bằng vật liệu gỗ, thùng nhựa làm phao nổi, độ bền thấp, cũng vì thế bè nuôi chỉ neo đậu được khu vực ven đảo, chịu ảnh hưởng nhiều bởi các nguồn chất thải khác nhau (sinh hoạt, tàu cá, dịch vụ, du lịch,...). Con giống chưa chủ động sản xuất tại chỗ; thiếu số lượng, khó kiểm soát chất lượng. Dịch bệnh cũng thường xuất hiện làm thiệt hại cá nuôi, các hiện tượng tảo nở hoa, sinh vật lạ xuất hiện chưa tìm được nguyên nhân gây ảnh hưởng rất nhiều trong quá trình nuôi. Đặc biệt, hai năm nay, dịch Covid-19 làm cho đầu ra của cá gặp nhiều khó khăn hơn”.
Ông Nguyễn Văn Buội, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết: “Nghề nuôi biển được tỉnh phát triển từ nhiều năm nay, chủ yếu là nhóm nhuyễn thể với 5.200ha, trong đó, nghêu là 4.200ha, sò huyết và hàu là 1.000ha. Tuy nhiên, địa hình bãi lài, nước đục, độ mặn không ổn định là rào cản lớn trong phát triển đa dạng đối tượng nuôi biển của tỉnh. Ngoài ra, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, môi trường ô nhiễm dẫn đến nghêu chết bất thường. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xảy ra hai đợt nghêu chết cục bộ ở các HTX nghêu: Rạng Đông, An Thủy với tỷ lệ thiệt hại từ 5 đến 30%”.
Sớm đầu tư định hướng phát triển phù hợp
Kiên Giang là tỉnh có vị trí thuận lợi và cũng là cái nôi nuôi biển của ĐBSCL. Chia sẻ kinh nghiệm phát triển nghề nuôi biển, ông Quảng Trọng Thao, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho rằng: “Nuôi biển là một nghề mới, vì thế muốn phát triển bền vững cần bố trí, sắp xếp nghề nuôi biển theo hướng tập trung, liên kết sản xuất bền vững, gắn với công tác giao khu vực biển, cấp phép nuôi biển, cấp mã số cơ cở nuôi (đối với cơ sở nuôi lồng bè) theo quy định. Hình thành vùng nuôi cá lồng bè tập trung, bảo đảm sức tải môi trường và dễ dàng kiểm soát, khắc phục khi có sự cố thiên tai, dịch bệnh xảy ra”.
Để gỡ khó, hướng đến phát triển bền vững nghề nuôi biển tại ĐBSCL, nhiều chuyên gia cho rằng, dù có nhiều lợi thế nhưng cần tùy vào điều kiện tự nhiên của từng vùng mà nghiên cứu, phát triển, quy hoạch những đối tượng nuôi chủ lực, phù hợp. Cùng với đó, muốn nghề nuôi biển phát triển, trước tiên cần đồng bộ hạ tầng phục vụ nuôi biển, như: Cảng biển, giao thông đường bộ, khu hậu cần, các cơ sở nghiên cứu khoa học... Chuyển dịch dần từ nuôi ven bờ, quy mô nhỏ, tự phát sang quy mô doanh nghiệp, hợp tác xã... với sự kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương. Ngoài ra, các địa phương cũng cần có cơ chế, chính sách khuyến khích những nhà đầu tư phát triển nuôi biển xa bờ ở quy mô công nghiệp. Cấp quyền sở hữu ổn định, lâu dài mặt đất, mặt nước phục vụ nuôi biển.
Bàn giải pháp để phát triển bền vững nghề nuôi biển tại ĐBSCL, PGS, TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam cho rằng, Chính phủ cần sớm phê duyệt chiến lược, đề án nuôi biển, triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường tạo nguồn nhân lực cho các địa phương. “Những địa phương có thế mạnh về nuôi biển có kế hoạch chiến lược phát triển nuôi biển gắn với khai thác xa bờ, phát triển du lịch, điện gió. Ðơn cử, có thể sử dụng các giàn khoan dầu khí đã cạn thành trung tâm phục vụ nuôi biển khơi; phát triển đa dạng các hoạt động du lịch biển mới kết hợp với các trại nuôi biển xa bờ; nghiên cứu phát điện bằng năng lượng tái tạo trên biển và phát điện bằng sinh khối vi tảo...”, PGS, TS Nguyễn Hữu Dũng đề xuất.
Nguồn: Theo Báo Quân Đội Nhân Dân