Diễn biến phức tạp, khó lường
Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bình Dương (BCĐ) cho biết, hiện nay TMĐT đang phát triển “thần tốc” đã và đang tạo ra nhiều thách thức cho các lực lượng chức năng nói chung và lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) nói riêng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hoá. Đặc biệt, thời gian gần đây, việc sử dụng mạng xã hội như Tiktok, Zalo, Facebook... để kinh doanh bùng nổ mạnh mẽ. Người dân từ khắp mọi nơi vẫn hằng ngày livestream bán hàng. Theo thống kê, trong năm 2023, doanh thu của hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh Bình Dương đạt khoảng 24.308 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng mức bán lẻ hàng hóa của tỉnh.
Tính đến tháng 12/2023, đã có 532 doanh nghiệp với 2.930 sản phẩm đăng ký tham gia sàn TMĐT của tỉnh Bình Dương. Ngoài các doanh nghiệp lớn, có hệ thống website công khai, có đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, có địa điểm kho hàng cụ thể, hàng hóa đạt chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, vẫn còn một số cá nhân, hộ gia đình, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường xuyên sử dụng các nền tảng công nghệ và các sàn TMĐT để thực hiện hoạt động chào hàng, giới thiệu, mua bán hàng hóa, tiềm ẩn nguy cơ là hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo nguồn gốc, xuất xứ.
Tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Kế hoạch 198/KH-BCĐ389 của BCĐ về tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động TMĐT diễn ra mới đây, ông Nguyễn Trần Hiệu, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bình Dương dự báo trong thời gian tới, nhu cầu của người dân mua hàng trên không gian mạng gia tăng. Các đối tượng kinh doanh lợi dụng môi trường TMĐT để buôn lậu, gian lận thương mại... sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Cũng theo ông Hiệu, hiện nay, các phương thức giao dịch chủ yếu là hàng thật, tiền thật; tuy nhiên xu hướng TMĐT thời gian tới đối diện với hàng thật, tiền ảo, tiền số; hàng ảo, tiền thật và cuối cùng là hàng ảo và tiền cũng ảo. Lúc đó khái niệm hàng hóa đi qua biên giới không còn như hiện nay nữa nên công tác kiểm tra, kiểm soát càng thêm khó khăn.
Dễ thực hiện và khó phát hiện
Theo BCĐ trên thực tế, thời gian qua vẫn còn tâm lý “ngại” xử lý đối với các vụ vi phạm TMĐT ngay tại lực lượng cơ sở, bởi mất thời gian và dễ bị khiếu kiện vì người bán có thể xóa bỏ, thay đổi nội dung, chứng cứ một cách nhanh chóng. Đáng chú ý, đặc trưng riêng của TMĐT có bên thứ ba là các công ty chuyển phát, khác hẳn với thương mại truyền thống là “tiền trao cháo múc” nên theo quy định, xe chuyển phát đã kẹp chì không được mở niêm phong. Thế nên dù có xác định được phương tiện chở hàng cấm, hàng lậu, hàng giả cũng khó xử lý ngay.
Trong thời gian khoảng 3 năm, từ ngày 1/11/2020 đến 30/12/2023, trên địa bàn tỉnh Bình Dương chỉ tiến hành kiểm tra, phát hiện xử lý được 13 vụ vi phạm trong TMĐT với tổng số tiền phạt thu nộp ngân sách 371 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu: không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan quản lý Nhà nước; cung cấp thông tin sai lệch về thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website TMĐT; sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website TMĐT bán hàng khi chưa được duyệt hoặc xác nhận thông báo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Theo lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Bình Dương các hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường TMĐT có tính ẩn danh rất cao, dễ giả mạo, thay đổi che giấu nhân thân lý lịch người thực hiện để đối phó với cơ quan chức năng. Vi phạm trên môi trường mạng xã hội dễ thực hiện và khó phát hiện xử lý hơn (đối tượng không có kho hàng/cửa hàng, hàng hóa phân tán nhiều nơi, chỉ tiếp nhận đặt hàng online). Các gian hàng, các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo lập và đóng lại trong thời gian ngắn. Thông tin sản phẩm đăng tải trên mạng là hàng thật, nhưng khi khách hàng nhận được sản phẩm có thể là hàng giả.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay, tình trạng kinh doanh buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên các website, trang mạng xã hội (Facebook, Tiktok, Zalo...) đã và đang ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, cũng như quyền lợi của người tiêu dùng. Trước tình hình đó, Cục QLTT tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT nhằm kịp thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, để phát hiện, xử lý vi phạm việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc, xuất xứ... trên môi trường điện tử gặp không ít khó khăn, thách thức.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Bình Dương phát biểu tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ phòng, chống vi phạm trong thương mại điện tử.
Tăng cường công tác quản lý
Trước thực trạng trên, BCĐ vừa ban hành Kế hoạch số 109/KH-BCĐ389 tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT. Theo đó, BCĐ yêu cầu Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành tăng cường rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những bất cập, sơ hở để hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động TMĐT. Đồng thời xây dựng quy chế phối hợp quản lý và cung cấp thông tin nâng cao chất lượng quản lý hoạt động TMĐT; xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT (sàn giao dịch TMĐT, hệ thống thông tin giao dịch điện tử, dữ liệu giao dịch điện tử, cơ chế kiểm soát hàng hóa trong giao dịch điện tử,...) và kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu liên quan của các lực lượng chức năng thuộc các sở, ngành; xây dựng hệ thống giám sát, thu thập dữ liệu về giao dịch TMĐT trên các nền tảng mạng xã hội để bổ sung nguồn dữ liệu đầu vào cho cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh.
Lực QLTT tỉnh Bình Dương kiểm tra, phát hiện các cơ sở kinh doanh vi phạm.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn; thường xuyên bổ sung kiến thức nghiệp vụ, cập nhật các xu hướng phát triển của công nghệ thông tin, nền tảng công nghệ mới cho các lực lượng chức năng đáp ứng yêu cầu, nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng chống các đối tượng sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động TMĐT.
Ông Nguyễn Phương Đông, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Bình Dương cho biết, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên môi trường TMĐT là nhiệm vụ chính hiện nay. Cục QLTT tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai rà soát, bám sát địa bàn, phân công cụ thể đến từng kiểm soát viên để thu thập thông tin, xử lý nghiêm vị phạm nhằm đạt được chỉ tiêu đăng ký thi đua của đơn vị trong năm 2024.
(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Xem chi tiết(CHG) - Chiều ngày 31/10, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP.HCM tổ chức kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh tại chợ Bến Thành và đã phát hiện nhiều sai phạm.
Xem chi tiết(CHG) Đội Quản lý thị trường số 6 tỉnh Khánh Hòa cho biết, vừa phát hiện 10 cơ sở vi phạm về buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Crocs được bảo hộ tại Việt Nam, Đội đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt trên 140 triệu đồng; đồng thời buộc tiêu hủy trên 700 đơn vị sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Crocs với tổng giá trị hàng hóa tiêu hủy trên 100 triệu đồng.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 9/9, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đơn vị vừa có văn bản thông báo về hàng hoá nghi ngờ giả thuốc CEFUROXIM 500mg của Vidipha sản xuất.
Xem chi tiết