(CHG) Trong suốt chặng đường hơn 60 năm hình thành và phát triển, hoạt động tiêu chuẩn hóa Việt Nam đã có những thay đổi phù hợp với đặc điểm từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế - xã hội đất nước. Về cơ bản, hoạt động tiêu chuẩn hóa Việt Nam cũng đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Nhưng vẫn còn nhiều hạn chế cần được bổ sung vào dự thảo về xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030.
Ảnh minh họa.
Đã có công cụ tiêu chuẩn hóa
Năm 2006, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ra đời nhằm đáp ứng đầy đủ các điều kiện của thành viên WTO. Trải qua 15 năm thực hiện, hoạt động tiêu chuẩn hóa đã thu được những kết quả tích cực, đồng thời cũng nảy sinh một số hạn chế. Cụ thể, đối với công tác quản lý nhà nước, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hiện hành có hơn 13.000 tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam (TCVC), trong đó hơn 60% đạt tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, do 13 bộ quản lý chuyên ngành xây dựng đã và đang trở thành công cụ hữu hiệu, góp phần đắc lực phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội của đất nước. Tiêu chuẩn quốc gia được định hướng xây dựng cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chủ lực và những vấn đề thiết yếu khác của nền kinh tế - xã hội.
Mặt khác, tỷ lệ hài hòa tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực không ngừng được nâng lên, sẽ góp phần đắc lực phục vụ cho việc cải tiến và đổi mới công nghệ, sản xuất và cung cấp các dịch vụ thương mại của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hệ thống tiêu chuẩn được hoàn thiện với hai cấp (TCVN-TCCS), phù hợp với thông lệ quốc tế. Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVC) được xây dựng trên nguyên tắc ưu tiên, hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tạo nền tảng cơ sở kỹ thuật vững vàng, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong nước, loại bỏ rào cản kỹ thuật, tạo thuận lợi hóa thương mại quốc tế.
Công tác kế hoạch TCVN của các bộ ngành từng bước đi vào nề nếp, khai thác hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn đầu tư ít ỏi của xã hội vào phát triển hệ thống tiêu chuẩn. Loại bỏ được tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trước đây khi các bộ tự xây dựng tiêu chuẩn ngành.
Các quy trình, thủ tục tổ chức biên soạn, thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia được hoàn thiện; quy định về thể thức trình bày, ghi số hiệu TCVN phù hợp với hướng dẫn của ISO. Góp phần thuận lợi cho công tác hội nhập, hài hòa hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với yêu cầu thúc đẩy thương mại toàn cầu phải dựa trên nguyên tắc loại bỏ rào cản kỹ thuật, đẩy mạnh hài hòa tiêu chuẩn quốc tế trong các lĩnh vực ưu tiên như nông sản, thực phẩm chế biến sẵn, ô tô và phụ tùng, trong thiết bị y tế, thiết bị điện - điện tử, mỹ phẩm, dược phẩm… ngày càng diễn ra mạnh mẽ và là nhu cầu tất yếu.
Đối với doanh nghiệp, việc xây dựng, công bố các TCVN giúp doanh nghiệp có chiến lược sản xuất và kinh doanh hợp lý; giúp doanh nghiệp kiểm soát chất lượng đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa; thúc đẩy doanh nghiệp công bố hợp chuẩn cho các sản phẩm hàng hóa, thông qua đó ngày càng có nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao và ổn định, góp phần hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển kinh tế -xã hội trong nhiều lĩnh vực; Hệ thống TCVN đã góp phần tích cực nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, bảo đảm an toàn cho con người và môi trường, góp phần tăng cường xuất khẩu và thuận lợi hóa giao dịch thương mại của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đối với người tiêu dùng, hệ thống TCVN bao trùm hầu như tất cả các khía cạnh của cuộc sống như tiêu chuẩn cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hàng ngày giúp người tiêu dùng đảm bảo an toàn sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống. Người tiêu dùng được bảo vệ quyền lợi hợp pháp khi được người bán, người sản xuất, nhập khẩu cung cấp hàng hóa đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, đặc biệt đối với những mặt hàng có khả năng gây mất an toàn, ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
Việt Nam cần xây dựng tiêu chuẩn hoá quốc gia. Ảnh minh họa.
Cần có tiêu chuẩn phù hợp hội nhập quốc tế
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới (gia nhập WTO, ASEAN, APEC), ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP) dẫn đến việc thực thi các Hiệp định này cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ngày càng đối mặt nhiều quy định, yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại các thị trường nước ngoài.
Trên thực tế, nhiều lần hàng hóa của Việt Nam bị cảnh báo tại nước ngoài do không dáp ứng đủ quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật thương mại của nước sở tại. Dư luận hẳn chưa quên việc Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo, thu hồi sản phẩm mỳ ăn liền Hảo Hảo và miến Good của Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam, vì chứa chất Ethylene Oxide (EO) có khả năng gây ung thư. Tương tự, Liên minh châu Âu (EU) cũng ra cảnh báo đối với sản phẩm mì khô vị bò gà, của Công ty cổ phần Thực phẩm Thiên Hương vì chứa chất cấm này.
Thậm chí, theo Văn phòng SPS Việt Nam, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhận 504 thông báo liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, bao gồm biện pháp thay đổi mức dư lượng, phương pháp kiểm dịch. So với cùng kỳ năm 2021, số thông báo tăng khoàng 9%. Nhật Bản là quốc gia có nhiều thông báo nhất với 83 thông báo, chiếm 16,47%. Tiếp sau là Brazil, EU, Canada, Mỹ.
SPS Việt Nam cho biết, mỗi thị trường sẽ có một bộ tiêu chuẩn, cũng như đối tượng quan tâm khác nhau. Ví dụ, Nhật Bản có 5 bộ luật, 3 quy định về chất lượng an toàn thực phẩm; Mỹ có 4 quy định khung; ASEAN lại chỉ quan tâm đến các vấn đề kiểm dịch động vật.
Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, những cảnh báo như trường hợp mì ăn liền Hảo Hảo hay mì khô vị bò gà, hầu như năm nào văn phòng cũng nhận được. Thậm chí, hàng tháng có khoảng 100 thông báo và các văn bản pháp lý có hiệu lực về các biện pháp SPS (biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động - thực vật) mà các thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) áp dụng. Với thị trường EU và các nước liên quan, hàng năm, Văn phòng SPS nhận được khoảng 50 cảnh báo, gồm cả cảnh báo nghiêm trọng và không nghiêm trọng. EU là thị trường có tiêu chuẩn khắt khe về độ an toàn thực phẩm. Những tiêu chuẩn này là một rào cản, thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam trên đường tiến ra thị trường thế giới.
Theo điều 6 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật về nguyên tắc, chính sách cơ bản của hoạt động tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật, chưa thể hiện tính chủ đạo của tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật vào hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể là việc xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật theo nhu cầu hiện tại và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tế cho thấy, hoạt động xây dựng tiêu chuẩn của Việt Nam thời gian qua chưa được hoạch định và thực hiện một cách tổng thể đủ tầm chiến lược. Các bộ ngành hiện nay xây dựng TCVN theo kiểu thiếu đâu bù đó, hoặc nếu có yêu cầu của Chính phủ thì dựa vào kế hoạch xây dựng TCVN. Vì vậy, dẫn đến tình trạng có một số Bộ, kế hoạch xây dựng TCVN bổ sung còn nhiều hơn kế hoạch TCVN hằng năm và đôi khi vẫn còn chồng chéo, trùng đối tượng tiêu chuẩn. Trong khi đó, các Nghị quyết, Quyết định gần đây của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đều nêu rõ là các mục tiêu, định hướng của các ngành, lĩnh vực phải phù hợp với quy định của các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, công nghiệp 4.0…
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước. Trong đó, đối với vấn đề hợp tác quốc tế có một số nội dung như: Nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.
Kinh nghiệm của các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, các quốc gia phát triển và thực tiễn của Việt Nam cho thấy, việc xây dựng tiêu chuẩn phải tôn trọng, ưu tiên nhu cầu thị trường. Như vậy, mới đáp ứng được yêu cầu về quản lý, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Chính doanh nghiệp là hạt nhân của hoạt động tiêu chuẩn hóa. Vì vậy, việc xây dựng tiêu chuẩn phải có sự tham gia, xây dựng đầy đủ của các bên liên quan mà trong đó có doanh nghiệp. Cần tạo cơ chế khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, thu hút và khai thác hiệu quả nguồn lực xã hội.
Việc chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ về tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn cơ sở khiến việc tra cứu, áp dụng tiêu chuẩn đối với các đối tượng có nhu cầu như doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn. Để nắm được thông tin về các tiêu chuẩn cho sản phẩm, hàng hóa, quy trình... theo mong muốn, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thường xuyên phải liên hệ với cơ quan nhà nước về tiêu chuẩn để được đáp ứng nhu cầu.
Với xu thế tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường xuất khẩu hàng hóa là một trong những định hướng lớn phát triển kinh tế xã hội, cùng với đó nhu cầu khai thác, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, nước ngoài tăng cao dẫn đến các hành vi xâm phạm, vi phạm bản quyền tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài ngày càng diễn ra tràn lan.
Hiện nay, đội ngũ công tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại các địa phương trong một số lĩnh vực còn yếu, chưa được đào tạo chuyên sâu, trang thiết bị, cơ sở vật chất chưa đáp ứng đầy đủ để thực hiện các hoạt động về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Hiện nay, Việt Nam còn thiếu các chính sách thiết thực trong việc tập trung đầu tư, phát triển nhân lực tiêu chuẩn hóa đạt trình độ quốc tế; áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để đào tạo, thu hút, sử dụng có hiệu quả nhân lực về tiêu chuẩn trong nước và ngoài nước, nhất là lực lượng trẻ tài năng trong hoạt động nghiên cứu, xây dựng, triển khai áp dụng tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật, chính sách đào tạo về tiêu chuẩn ngay trong các trường đại học như kinh kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, các nước trong khu vực.
(Còn tiếp)
1