(CHG) Khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là một vấn đề bức xúc toàn cầu, có những tác động xấu ở cả trong lẫn ngoài vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia. Trong 5 năm qua, cùng với các bộ, ngành Trung ương và địa phương, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã vào cuộc quyết liệt và đã chứng tỏ được vai trò không thể thiếu trong công cuộc phòng ngừa, ngăn chặn, chống khai thác IUU cả ở trong và ngoài nước.
Cán bộ Đồn Biên phòng Phước Tỉnh, BĐBP Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên truyền về quy định chống khai thác IUU cho ngư dân. Ảnh: Lê Chương
Cả hệ thống chính trị “nhập cuộc”
Trên thế giới, Ủy ban châu Âu (EC) hiện có quy định chống khai thác IUU tích cực nhất trong các khu vực nhập khẩu thủy sản (TS). Từ năm 2010, EC yêu cầu tất cả các sản phẩm TS nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) phải có chứng nhận khai thác, có thông tin về các loài, vị trí khai thác, tàu cá, ngày khai thác và bất kỳ hoạt động trung chuyển nào.
Trong trường hợp sản phẩm bị nghi ngờ là IUU, các quốc gia thành viên EU có thể từ chối nhập khẩu. Ngày 23/10/2017, EC đã chính thức cảnh báo “thẻ vàng” đối với nghề khai thác cá và mặt hàng hải sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU vì chưa đáp ứng được yêu cầu chống khai thác IUU. Đây là một thách thức lớn đối với ngành TS, ảnh hưởng đến xuất khẩu TS của nước ta sang EU - một thị trường chiếm 16-17% giá trị xuất khẩu TS hàng năm của Việt Nam. Đồng thời, nếu Việt Nam không tích cực tháo gỡ “thẻ vàng” thì không chỉ nguy cơ “hiệu ứng Domino” có thể xảy ra đối với các nước nhập khẩu mặt hàng TS của ta, mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín đối ngoại và thương hiệu TS Việt Nam trên trường quốc tế.
Rõ ràng, chống khai thác IUU hơn 5 năm qua đã trở thành vấn đề quốc gia “đại sự”, nên toàn bộ hệ thống chính trị ở nước ta đã nhập cuộc, tập trung triển khai quyết liệt, dồn dập các hành động thực hiện các khuyến nghị, quy định của EC về khai thác IUU để sớm thoát “thẻ vàng” của EC. Đáng kể là: Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với quy định của quốc tế, trong đó có EC, như: rà soát, bổ sung 14 quy định nhận diện và chống khai thác IUU trong Luật TS 2017; ban hành mới các văn bản, kế hoạch hành động của Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC.
Nâng cao năng lực thực thi quản lý Nhà nước và kiểm soát tàu cá của ngư dân nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài, đặc biệt là sự tham gia tích cực, chủ động, có hiệu quả của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, như: BĐBP, Cảnh sát biển, Kiểm ngư… trong chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm IUU.
Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động, tập huấn, đào tạo cho các cơ quan quản lý Nhà nước về TS, các doanh nghiệp liên quan và đặc biệt là các chủ tàu hiểu về IUU và giải pháp chống khai thác IUU.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã định hướng chuyển đổi nghề cho một số cộng đồng ngư dân khai thác IUU... cũng như tăng cường các giải pháp bảo vệ nguồn lợi TS để “giữ chân” ngư dân ở lại đánh cá trong “ao nhà”, hướng tới một nghề cá bền vững và có trách nhiệm ở nước ta. Nếu không thể bỏ được nghề, họ vẫn phải đánh bắt IUU trong nước, thì vô hình trung, ngư dân sẽ tự đập vỡ “niêu cơm Thạch Sanh” của chính cộng đồng và gia đình mình. Vì khai thác IUU sẽ làm mất đi khả năng phục hồi, tái tạo tự nhiên của nguồn lợi TS.
BĐBP đồng hành cùng ngư dân
Những nỗ lực ngăn chặn khai thác IUU trong hơn 5 năm qua vẫn chưa đủ để gỡ được “thẻ vàng” của EC, nhưng trong “cuộc chiến” chống khai thác IUU đầy cam go này, ngư dân ta không “cô đơn”. Họ thường xuyên nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ và đồng hành của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển như: BĐBP, Cảnh sát biển, Hải quân, của các tổ chức quần chúng-xã hội và chính quyền các địa phương ven biển.
Mục tiêu chung là giúp ngư dân hiểu được lợi ích của việc không tham gia khai thác IUU ở nước ngoài; khai thác hải sản hiệu quả, bền vững, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo, cũng như góp phần xây dựng một vùng biển xanh và hòa bình.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã định hướng, hướng dẫn các địa phương giảm cường lực khai thác, chuyển đổi nghề để phát triển nghề cá bền vững. Ảnh: Lê Khoa
Có thể nói, gần gũi và tiếp cận hằng ngày với ngư dân chính là cán bộ, chiến sĩ BĐBP - những “chiến sĩ quân hàm xanh” có nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia trên biển, trong phạm vi từ 12 hải lý trở vào hết ranh giới trong của khu vực biên giới biển quốc gia về phía đất liền. Các chiến sĩ quân hàm xanh không chỉ thường xuyên gần dân, mà còn chủ động bám sát địa bàn, đến với dân để nói cho dân nghe, tuyên truyền cho dân hiểu, vận động dân làm đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ nguồn lợi TS, gìn giữ các khu bảo tồn biển, bảo vệ môi trường và chống khai thác IUU cả ở nước ngoài và trong nước.
Cán bộ biên phòng đã đến từng nhà, rà từng tàu, trước nhất là kiểm tra mức độ an toàn của tàu thuyền, tình trạng trang thiết bị thông tin liên lạc, ngư lưới cụ đánh cá và nhân thân của ngư dân trước khi xuất và cập bến. Và, sau đó là xử lý những ngư dân và tàu/thuyền đánh cá cố tình vi phạm các chính sách và quy định pháp luật có liên quan đến IUU.
Khi ngư dân gặp khó khăn trên biển, kể cả trong lúc thiên tai và các sự cố do “nhân tai” thì các chiến sĩ áo xanh luôn có mặt kịp thời để hỗ trợ, cứu trợ hoặc ngăn chặn. Đặc biệt, BĐBP đã chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề phát sinh, các vụ khai thác IUU ở các khu vực biển cấm khai thác hoặc phải bảo tồn theo quy định của pháp luật.
Ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận - nơi đi đầu cả nước trong việc áp dụng thành công “đồng quản lý” nguồn lợi TS ven bờ, BĐBP bên cạnh nhiệm vụ tuần tra thường xuyên trên biển, còn tham gia trực tiếp các Tổ chống khai thác IUU do cộng đồng cư dân tự quản, dưới sự bảo trợ của chính quyền địa phương. BĐBP đã phối hợp với các Tổ chống khai thác IUU hay Hội đồng đồng quản lý nghề cá ven bờ của địa phương tổ chức nhiều chuyến tuần tra chung về chống khai thác IUU và phối hợp xử lý tốt các trường hợp vi phạm.
Một số trường hợp “cộm cán” trong hoạt động IUU, thậm chí có biểu hiện chống đối nguy hiểm thì bên cạnh biện pháp thuyết phục, giáo dục, BĐBP đã cùng các đoàn thể địa phương đến vận động tại nhà, làm công tác cá biệt với đối tượng để ký cam kết tuân thủ nghiêm túc các quy định cấm IUU. BĐBP còn giúp các địa phương quản lý chặt và ngăn chặn các tàu thuyền của địa phương đi khai thác IUU ở vùng biển các nước láng giềng.
Ngoài ra, không ít đơn vị BĐBP có những sáng kiến giúp ngư dân IUU chuyển nghề không xâm hại nguồn lợi TS. Thậm chí, có những hoạt động hỗ trợ một số gia đình ngư dân đánh cá IUU còn khó khăn thoát nghèo, để chồng con họ yên tâm bám biển quê hương, đánh bắt cá một cách có trách nhiệm, vì lợi ích chung của cộng đồng.
Với cách làm “bám dân, bám tàu, bám biển, bám sát đối tượng”, các đơn vị BĐBP ven biển và trên các đảo thực sự và luôn luôn là địa chỉ đáng tin cậy và là chỗ dựa vững chắc của cư dân nói chung và ngư dân nói riêng ở 28 tỉnh ven biển, bao gồm 12 huyện đảo của nước ta. Thông qua đó, BĐBP nước ta đã chứng tỏ là lực lượng không thể thiếu trong công cuộc phòng ngừa, ngăn chặn và chống khai thác IUU cả ở trong và ngoài nước. |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XV Đoàn thành phố Hải Phòng.
Nguồn: https://www.bienphong.com.vn/bdbp-cung-dong-hanh-ho-tro-ngu-dan-chong-khai-thac-iuu-post458306.html
4