(CHG) Bà Annie Wallace, Trưởng phòng Biến đổi Khí hậu, Năng lượng và Môi trường USAID Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp khối tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật thông qua việc thực thi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và đề xuất cải thiện khung chính sách.
Hội thảo Dự án bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp
Ngày 30/1, tại Hà Nội, Dự án bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã tổ chức Hội thảo về “Nâng cao trách nhiệm xã hội hướng tới phát triển bền vững và giảm thiếu các rủi ro từ buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật trên không gian mạng”.
Dự án do Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp (MBFP) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức Quốc tế và Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cùng thực hiện. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI-SMEPC) và Hiệp Hội Thương mại điện tử (VECOM) đồng tổ chức hội thảo.
Việt Nam với dân số gần 100 triệu dân và trên 70% sử dụng internet đã tạo nên sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng và ứng dụng thương mại điện tử. Vì thế, nước ta được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia.
Tại hội thảo, ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, thông qua thương mại, các doanh nghiệp không chỉ bán được hàng trong nước, mà còn tăng cường xuất khẩu và tìm kiếm được các nguồn cung cấp đa dạng từ nước ngoài một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí. Tuy nhiên, trên thực tế, song hành với tốc độ phát triển thì cũng xuất hiện nhiều hiện tượng tiêu cực trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Điển hình, nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, buôn lậu, gian lận thương mại xuất hiện ngày càng nhiều trên các gian hàng trực tuyến, cùng với đó là những rủi ro pháp lý tăng cao đối với các bên tham gia thương mại điện tử. Đặc biệt, những vi phạm trong môi trường thương mại điện tử ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp để có thể nhận biệt và phòng ngừa một cách hiệu quả. Ông Nghĩa nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia tại hội thảo, sự phát triển của thương mại điện tử cùng với sức mua đã làm cho nhu cầu về các sản phẩm động vật hoang dã trái pháp luật ngày càng tăng lên. Bên cạnh đó, thị trường mua bán trực tuyến còn thiếu các quy định rõ ràng để kiểm soát, ngăn chặn đã khiến các hành vi vi phạm này trở nên phổ biến hơn phạm vi toàn cầu.
Bà Michelle Owen, Giám đốc văn phòng nhà thầu Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, WWF cho biết, Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp đã tăng cường nhận thức và hỗ trợ cho doanh nghiệp hiểu được chuỗi cung ứng và cách thức vận hành của các đường dây phạm tội buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật. Với kết nối quốc tế và khu vực, các công ty công nghệ Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong việc chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật thông qua việc chặn quảng cáo và không cho phép hoạt động mua bán liên quan trên các nền tảng của mình.
Phát biểu tại hội thảo, bà Annie Wallace, trưởng phòng Biến đổi Khí hậu, Năng lượng và Môi trường USAID Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp khối tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật thông qua việc thực thi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và đề xuất cải thiện khung chính sách.
Ông Bùi Trung Nghĩa cũng nhấn mạnh, phát triển kinh doanh, cụ thể là hoạt động thương mại điện tử phải gắn liền với việc tuân thủ pháp luật, đạo đức kinh doanh, trong đó có việc thực hiện trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường. Hiện nay, kinh doanh có trách nhiệm và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ngày càng nhận được sự quan tâm và đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Do đó, Hội thảo đã giới thiệu hoạt động của Liên minh Chấm dứt buôn bán động vật hoang dã trực tuyến – tổ chức gồm 47 thành viên là các công ty công nghệ toàn cầu và khu vực, trong đó có Meta, Microsoft, Google và Lazada. Đây được kỳ vọng là cơ hội để hợp tác nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp Việt nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay.
1