Nông sản ùn ứ do đâu?
Ùn ứ nông sản là một trong những vấn đề được quan tâm đặc biệt tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 12/1.
Trong 2 năm qua, từ năm 2020 đến tháng 11/2021, dù trong bối cảnh dịch bệnh và tình hình khó khăn, song với sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là với việc thực hiện Chỉ thị 26 ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì việc lưu thông, xuất khẩu nông sản vẫn đạt kết quả tích cực.
Về vấn đề ùn ứ nông sản xuất khẩu, bà Nguyễn Cẩm Trang – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương lý giải, nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp khiến Trung Quốc tạm dừng thông quan ở hầu hết các cửa khẩu; và ở một số cửa khẩu vẫn được giao nhận hàng hoá thì lại thực hiện các biện pháp chống dịch chặt chẽ là từ khi dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát ở phía Bắc, Trung Quốc đã có sự quan ngại về tình hình dịch bệnh. Dù ta đã có nhiều nỗ lực giao thiệp với phía bạn để không gián đoạn giao thương nhưng phía bạn đã có các giải pháp tăng cường kiểm soát hàng hoá nhằm phòng chống dịch. Đây là nguyên nhân khách quan dẫn đến tình hình ùn ứ thời gian qua.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Chỉ khi nào các doanh nghiệp lớn tham gia và đưa thành các chuỗi, tìm cách phối hợp với nông dân và đạt được tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu thì mới không còn chuyện "giải cứu" |
Về nguyên nhân chủ quan, không thể phủ nhận các hạn chế cố hữu trong sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam thời gian qua như sản xuất chưa đúng với quy trình, tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường; chất lượng hoặc bao gói vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu của thị trường nhập khẩu; việc truy xuất nguồn gốc, đăng ký vùng trồng còn chậm… Điều này dẫn đến việc trong số các sản phẩm nông sản xuất khẩu, vẫn có nhiều sản phẩm chưa thể xuất khẩu chính ngạch mà vẫn phải sử dụng hình thức trao đổi cư dân biên giới.
Bà Nguyễn Thị Cẩm Trang: Do việc đàm phán về quản lý chất lượng còn chậm nên đến nay, cả nước mới có 9 sản phẩm được công nhận xuất khẩu sang Trung Quốc |
Đối với vấn đề đàm phán, ta đã ký kết ACFTA (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc), trong đó ta đã đàm phán mức thuế về 0% đối với các sản phẩm nông sản xuất khẩu. Đồng thời, ta cũng có Hiệp định RCEP với mức giảm thuế xuất khẩu rất sâu. “Tuy nhiên, việc đàm phán về quản lý chất lượng còn chậm nên đến nay, cả nước mới có 9 sản phẩm được công nhận xuất khẩu sang Trung Quốc. Đồng thời, việc đàm phán về kiểm dịch cũng còn chậm nên 100% sản phẩm trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải kiểm dịch, trong khi đó, con số này với trái cây Thái Lan là 30%. Đây là khó khăn rất lớn cho nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc” – bà Trang chỉ rõ.
Kể từ khi xuất hiện tình trạng ùn ứ, Chính phủ đã vào cuộc sớm và có các cuộc họp chỉ đạo các bộ ngành nhằm tháo gỡ tình trạng này. Bộ Công Thương và các tỉnh biên giới cũng đã tích cực có các biện pháp tháo gỡ, khuyến cáo doanh nghiệp để có điều tiết tiến độ đưa hàng lên biên giới kịp thời. Đặc biệt, các địa phương biên giới cũng có những biện pháp phòng dịch đối với các xe, hàng ùn ứ tại cửa khẩu thời gian qua.
Lãnh đạo Bộ Công Thương còn nhanh chóng thành lập các đoàn công tác đến các tỉnh biên giới nắm bắt tình hình. Về đối ngoại, Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao đã trao đổi với phía bạn để có giải pháp kịp thời trước mắt tháo gỡ khó khăn như thống nhất quy trình giao nhận hay kéo dài thời gian thông quan tại cửa khẩu.
“Nhờ đó, đến nay tình hình đã có những tiến triển tích cực. Nhiều cửa khẩu đã thông quan trở lại như Quảng Tây đã cho mở lại cửa khẩu tại Đông Hưng từ 10/1. Đặc biệt, với mặt hàng thanh long, từ 12/1 đã bắt đầu được thông quan qua cửa khẩu Lào Cai. Đây là tín hiệu tích cực, thể hiện sự vào cuộc kịp thời của các bộ ngành và địa phương biên giới thời gian qua” – bà Trang thông tin.
Cần giải pháp căn cơ
Thực tế, tình trạng ùn ứ nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc trong giai đoạn cận Tết đã xảy ra trong nhiều năm gần đây với những nguyên nhân đến từ nội tại của sản xuất, xuất khẩu nông sản. Do đó, bà Nguyễn Cẩm Trang cho rằng, cần các giải pháp căn cơ để hạn chế tình trạng này.
Cụ thể, cần quan tâm đến chất lượng nông sản, nâng tầm nông sản xuất khẩu để đa dạng hoá thị trường; xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc và thâm nhập vào các thị trường đã ký kết các FTA nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan từ thị trường này.
Đối với địa phương sản xuất, Bộ Công Thương đề nghị địa phương cần quan tâm đến kế hoạch kết nối cung cầu ngay từ đầu vụ, đặc biệt là với người mua, khách hàng tại Trung Quốc. Đã có rất nhiều kinh nghiệm từ các địa phương như Bắc Giang, Hải Dương làm rất tốt việc kết nối giao thương ngay từ đầu vụ nên vài năm gần đây, không có tình trạng tắc nghẽn với nông sản ở các địa phương này. Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị đàm phán về kiểm dịch để ta có nhiều loại quả hơn xuất khẩu sang Trung Quốc và giảm bớt tỷ lệ trái cây phải kiểm dịch.
Đối với câu chuyện logistics cảng biển, có thể thấy càng trong bối cảnh dịch bệnh thì càng thấy logistics có vai trò quan trọng để giữ vững luồng lưu chuyển hàng hoá. Chính vì năng lực logisics ở đâu đó chưa đảm bảo yêu cầu nên mới dẫn đến tình trạng có sự ùn tắc cảng biển hoặc chi phí kho vận tăng cao. Đặc biệt, thời gian vừa rồi khi xuất khẩu nông sản qua đường bộ khó khăn thì càng đặt ra vấn đề phải quan tâm đến việc chuyển sang các hình thức khác như đường sắt hay đường biển.
Do đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ùn tắc trước đây tại cảng Cát Lái khi các địa phương giãn cách trong bối cảnh Covid-19. Đồng thời, đã đề nghị Hiệp hội Logistics Việt Nam, Hiệp hội Cảng biển có biện pháp giảm phí lưu kho, lưu bãi để khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp khi lưu thông qua vận tải đường biển.
Tận dụng tốt hơn thị trường nội địa
Thị trường nội địa với 100 triệu dân cũng là mảng thị trường quan trọng để tiêu thụ nông sản trong giai đoạn khó khăn. Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương cho biết, cả nước đã có hơn 12 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Trong đó có nhiều hàng hoá, bao gồm nông sản chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm đã vào được các kênh khó tính nhất tại thị trường trong nước. Thị trường trong nước đã tổ chức được một mạng lưới tiêu thụ hàng hoá, kể cả trong bối cảnh khó khăn nhất như bão lụt, thiên tai hay hàng hoá từ biên giới quay lại nội địa do dịch bệnh. Nông sản cũng được đưa vào chương trình bình ổn thị trường được triển khai trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là kênh tiêu thụ đặc biệt với mức tiêu thụ và hợp đồng tiêu thụ hàng năm được chốt cho các doanh nghiệp rất lớn.
Bà Lê Việt Nga: Chúng ta cần tiêu thụ hàng nông sản theo cách văn minh, bài bản, khoa học bắt kịp theo xu hướng thế giới |
Dù khó khăn như vậy nhưng cuối năm 2021, các chương trình kết nối cung cầu vẫn được tổ chức tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tạo điều kiện ký 500-600 hợp đồng để tiêu thụ nông sản, hàng hoá và tham gia vào các chương trình bình ổn thị trường trong nước.
Năm nay cũng là năm đặc biệt vì Bộ Công Thương đã ký 2 Chỉ thị rất quan trọng. Trong đó, ngày 25/ /5 năm 2021, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT về việc tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường trong nước các sản phẩm nông sản của địa phương có sản lượng nông sản lớn, sản xuất tập trung trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Sau khi có chỉ thị này, Bộ Công Thương đã tập trung nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực của chương trình xúc tiến thương mại để tiêu thụ nông sản và hàng hoá thiết yếu tại thị trường trong nước.
“Chúng ta cũng chứng kiến những lãnh đạo của Bộ như Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã trực tiếp tham gia các cuộc kết nối cung cầu không chỉ trong nước mà còn với các thương vụ trên thế giới để tiêu thụ nông sản. Nhờ đó, hơn 300.000 tấn vải thiều; hơn 100.000 tấn nhãn; hơn 4 triệu tấn gạo, nông sản, rau củ quả, hàng trăm triệu quả trứng đã được tiêu thụ… từ tháng 8 đến 31/12/2021. Mạng lưới tiêu thụ nông sản thực sự là bệ đỡ cho doanh nghiệp trong giai đoạn gặp khó khăn hoặc việc lưu thông giữa các vùng miền gặp khó khăn” – bà Lê Việt Nga chia sẻ. Đồng thời cho biết, Bộ Công Thương cũng cố gắng tiêu thụ trong các khu vực mang tính vùng để giảm khó khăn cho logistics và hạn chế rủi ro do dịch bệnh. Việc này cũng có sự vào cuộc của cả các doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp bưu chính… để hỗ trợ tiêu thụ cho bà con.
Ngay cả khi xảy ra vấn đề hàng hoá từ cửa khẩu quay trở lại thị trường trong nước do không được thông quan, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 14 ngày 29/12/2021 về việc tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước nhằm giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong đó nêu rõ các giải pháp tiêu thụ hàng hoá trong nước, hàng nông sản, hàng hoá phòng chống dịch tại thị trường trong nước, giảm khó khăn cho xuất khẩu. Đến nay, các kênh phân phối lớn nhất đã lên các chương trình tiêu thụ hàng Tết lồng ghép với chương trình kích cầu, với bình ổn thị trường, tiêu thụ hàng Tết với nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn để hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
Cũng nhấn mạnh đến vai trò của địa phương trong tiêu thụ nông sản, bà Lê Việt Nga thông tin, ngày 11/1, Sở Công Thương Hà Giang đã báo tin vụ năm nay, sản phẩm cam đã tăng giá 3 lần do áp dụng bán hàng qua mạng, livestream. Nhờ vậy, doanh nghiệp không cần mang hàng xuống Hà Nội bán như mọi năm mà doanh nghiệp đã đến tận nơi để mua. Hoặc Hưng Yên – một trong những vựa nông sản sát với Hà Nội đã tiêu thụ hết nông sản của tỉnh với giá ổn định. Trong đó nhãn lồng và cam rất được giá.
Trước những điển hình như vậy, bà Nga khẳng định: “Với bất cứ địa phương nào, nếu quan tâm hỗ trợ nông dân tìm kiếm thị trường thì ắt sẽ rất thành công trong tiêu thụ hàng hoá. Chúng ta cần tiêu thụ hàng nông sản theo cách văn minh, bài bản, khoa học, bắt kịp theo xu hướng thế giới”. Bộ Công Thương cũng đã trình Chính phủ và được phê duyệt Đề án đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản tại Quyết định 194 được phê duyệt cuối tháng 2/2021, trong đó nêu rõ quan điểm, mục tiêu, giải pháp để sắp tới có bước ngoặt trong tiêu thụ nông sản.
Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện chỉ có 9 loại hoa quả của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, còn lại các mặt hàng nông sản khác muốn xuất khẩu thì đều qua tiểu ngạch. Đáng chú ý, kể cả thịt heo cũng chưa được xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, nên nếu sản xuất ra thừa thì quay lại phải nhìn vào sự hỗ trợ ngay tại thị trường trong nước. Do vậy, có thể thấy sự nhìn nhận, đầu tư của người nông dân vẫn chưa theo kịp với yêu cầu của thị trường.
“Chỉ khi nào các doanh nghiệp lớn tham gia và đưa thành các chuỗi (đầu ra họ lo, giống của họ), tìm cách phối hợp với nông dân và đạt được tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu thì mới không còn chuyện "giải cứu” – Thứ trưởng Hải khẳng định.Nguồn: Báo Công Thương
(CHG) Ngày 14/11/2024, Văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long đã hỗ trợ truy xuất nguồn gốc điện tử cho hơn 25 chủng loại sản phẩm nông sản của hơn 50 tổ chức, doanh nghiệp.
Xem chi tiết(CHG) UBND TP Cần Thơ vừa ban hành Kế hoạch tổ chức Triển lãm “Cần Thơ- 50 năm thành tựu và phát triển”.
Xem chi tiết(CHG)Năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ tổng số 185 tổ chức, cá nhân và đã tiến hành kiểm tra theo kế hoạch 185 tổ chức, cá nhân, đạt 100% kế hoạch, qua đó phát hiện 4 tổ chức, cá nhân vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 5 triệu đồng.
Xem chi tiết(CHG)Thực hiện Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2024 đã được ban hành theo Quyết định số 119/QĐ-QLTTGL ngày 26/12/2023 của Cục QLTT tỉnh Gia Lai. Các Phòng, Đội QLTT trực thuộc đã bám sát kế hoạch được phê duyệt, tiến hành kiểm tra theo danh sách được phân công. Đến nay lực lượng QLTT hoàn thành 100% kế hoạch kiểm tra, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 942 triệu đồng.
Xem chi tiết(CHG) Diễn ra trong 9 ngày (từ 09/11 - 17/11), Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội mở ra những cơ hội khám phá những di tích lịch sử, công trình di sản cũng như không gian sáng tạo chưa từng có.
Xem chi tiết