(CHG) Mặc dù là quốc gia có kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt may lớn trên thị trường quốc tế, thế nhưng đã từ lâu nghề dệt may của Việt Nam lại phải “nhường” thị trường nội địa cho nhóm hàng dệt may giả thương hiệu, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc tràn ngập và chiếm lĩnh. Ảnh hưởng của dịch bệnh, suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm cho sức tiêu thụ các mặt hàng dệt may tại thị trường nước ngoài giảm sút... đang làm cho không ít doanh nghiệp may mặc khó khăn, tuy nhiên chưa thấy các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này… hướng nội.
Quản lý thị trường tỉnh Nam Định phát hiện cơ sở chứa 1 tấn vải may mặc không rõ nguồn gốc.
Quần áo giả tràn ngập thị trường trong nước
Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, việc mua sắm trực tuyến ngày càng tiện lợi, hàng hóa giao nhận dễ dàng, nhanh chóng. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các đối tượng “tạo kho” tập kết các mặt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhằm lừa đảo người tiêu dùng.
Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã tăng cường ra quân, phát hiện nhiều kho hàng hóa có số lượng lớn nghi là nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, thậm chí nhiều mặt hàng có dấu hiệu làm giả, làm nhái sản phẩm của các thương hiệu thời trang lớn.
Điển hình trong các tháng cuối năm 2022, thực hiện cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả lực lượng chức năng tỉnh Nam Định kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Nguyễn Thị Tuyết Lan (phường Lộ Hòa, TP. Nam Định). Qua kiểm tra, phát hiện hơn 1 tấn vải may mặc các loại nghi nhập lậu. Toàn bộ hàng hóa có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Thời điểm kiểm tra, chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ của số hàng hóa trên.
Tại Quảng Ninh, Đội Quản lý thị trường số 4 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tiến hành kiểm tra với hộ kinh doanh tại đường Hòa Bình, Khu 2, phường Hòa Lạc, TP. Móng Cái và phát hiện gần 500 sản phẩm may mặc có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas và Lacoset đang được bảo hộ tại Việt Nam. Các mặt hàng giả mạo gồm áo phông ngắn tay, quần đùi, áo lót nam. Tổng giá trị hàng hóa theo giá niêm yết lên đến 90 triệu đồng. Quá trình kiểm tra, nhận thấy tên và logo của các nhãn hiệu không sắc nét, in mờ nhạt, đóng gói không đúng quy cách, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Tại cửa hàng số 6 Hàng Đào, Hà Nội ngang nhiên bày bán quần áo không rõ nguồn gốc.
Bên cạnh đó, hàng nghìn quần áo giả thương hiệu, hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc đã được phát hiện từ các Trung tâm thương mại, các siêu thị cho đến các chợ truyền thống, chợ cóc... Còn nhớ vụ việc lực lượng chức năng phát hiện tại trung tâm thương mại Saigon Square - địa điểm được mệnh danh là “thiên đường mua sắm” của TP. HCM. Hàng nghìn sản phẩm may mặc đã bị làm nhái, không rõ nguồn gốc. Còn tại Hà Nội, trong dịp Tết 2023, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra chợ đêm phố đi bộ Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, phát hiện nhiều sạp hàng, cửa hàng bày bán công khai đủ loại “hàng hiệu” nổi tiếng thế giới với mức giá chỉ từ 100.000 - 200.000 đồng.
Đáng chú ý, các sản phẩm ba lô, giầy dép, quần áo cho đến nội y, tất “nhái” thương hiệu nổi tiếng đều được bày bán tại chợ đêm phố đi bộ Hoàn Kiếm. Số hàng hóa này được chủ sạp mua trôi nổi trên thị trường, rồi mang ra phố cổ bán lại cho khách lẻ kiếm lời.
Lực lượng chức năng kiểm tra các sản phẩm bán online ngay tại cơ sở kinh doanh.
Hiện nay, kênh mua sắm trực tuyến đã và đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, trên sàn thương mại điện tử cũng thường xuyên xảy ra những vụ việc liên quan đến giả mạo thương hiệu, xâm phạm sở hữu trí tuệ, nhóm ngành hàng dệt may cũng không ngoại lệ. Lực lượng chức năng đã phát hiện ra nhiều cơ sở kinh doanh online bán hàng nhái thương hiệu, không rõ nguồn gốc.
Đơn cử, mới đây lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Thiên Ân (thôn Giữa, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) đang kinh doanh quần áo thời trang. Qua kiểm đếm, có 3.204 sản phẩm quần, áo có gắn nhãn hiệu ZARA và 700 đôi tất nam nhãn hiệu NIKE. Tổng giá trị hàng hóa tính theo giá niêm yết gần 60 triệu đồng. Lực lượng chức năng nhận định, toàn bộ số hàng hóa trên có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Theo điều tra, công ty này đã mua số sản phẩm quần, áo, tất nam qua mạng xã hội Facebook để bán kiếm lời. Quá trình mua bán không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của sản phẩm...
Có thể thấy, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu bày bán tràn lan trên thị trường nội địa, đang làm cho nghề dệt may trong nước mất đi lợi thế trước thị trường đông dân đứng thứ 15 trên toàn cầu, với dân số gần 100 triệu người - là điều đang cần các nhà quản lý, các doanh nghiệp dệt may cũng như giới kinh doanh lĩnh vực này quan tâm nhiều hơn nữa trước những khó khăn của thị trường.
Những thử thách không nhỏ của ngành Dệt may
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, năm 2022, ngành dệt may Việt Nam ước đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2021. Ngành dệt may Việt Nam đang xuất khẩu sang 66 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, với 55 mặt hàng chủ lực.
Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam cũng đang phải đứng trước những khó khăn, thách thức như dịch bệnh, suy thoái kinh tế toàn cầu, sức mua giảm trên các thị trường của các nước nhập khẩu lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Đồng tiền ở một số nước nhập khẩu số lượng lớn có xu thế mất giá cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam.
Theo VITAS, ngành dệt may sẽ đối mặt với sự sụt giảm mạnh đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu chính, ít nhất là cho đến nửa đầu năm 2023, trong bối cảnh lượng hàng tồn kho và lạm phát cao, làm giảm tiêu thụ toàn cầu. Điều này đã làm các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam phải cắt giảm 10 - 15% sản lượng, buộc phải cắt giảm lao động kể từ đầu quý III/2022. Nhiều công ty cho biết, giá trị đơn hàng đang phải chịu áp lực giảm giá từ các nhà bán lẻ nước ngoài.
Trước những khó khăn của năm 2022, các doanh nghiệp trong nước đã cải thiện khả năng phục hồi bằng cách tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sẵn sàng đối diện những rủi ro mở rộng thị trường, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.
Ông Nguyễn Văn Hải, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Dệt may Hoà Thọ cho biết, nhờ chủ động triển khai linh hoạt các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, doanh thu của đơn vị trong tháng 01/2023 đạt hơn 493 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch tháng. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 21 triệu USD, bằng 89%; lợi nhuận đạt 27 tỷ đồng, bằng 83% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân (Doximex) - ông Nguyễn Đăng Lợi cho biết, đơn vị đã có những đơn hàng bảo đảm việc làm cho người lao động đến hết quý I/2023. Ngoài ra, đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư, nghiên cứu mở rộng thị trường nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động.
Ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch VITAS, Trưởng ban Phát triển bền vững cho hay, dự kiến trong năm 2023, VITAS sẽ tiếp tục kiến nghị các chính sách với cơ quan chức năng để giúp doanh nghiệp dệt may phát triển nhanh và mạnh hơn. Đồng thời, tăng cường phối hợp với nhiều tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp dệt may với chuyên gia, công nghệ, vốn...
Tuy nhiên, những khó khăn của ngành dệt may ở cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu nước ngoài cũng chưa thể giải quyết được ngay trong năm 2023 mà cần một chiến lược phát triển lâu dài, bền vững, hướng mục tiêu tới các thị trường khó tính như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU)./.
(Còn tiếp)
10