Những tín hiệu khả quan cho ngành dệt may Việt Nam


(CHG) Với kịch bản tích cực nhất mà ngành dệt may đề ra khi tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam sẽ cán mốc 42 - 43,5 tỷ USD, các doanh nghiệp trong nước đã và đang nỗ lực thích ứng thị trường. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1643/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035” – mang lại một tín hiệu khả quan cho toàn ngành. 
Các doanh nghiệp may mặc đã và đang thích ứng với thị trường trong và ngoài nước.
Bắt buộc phải thích ứng với thị trường
Theo dự báo, tổng cầu thế giới về các sản phẩm ngành dệt may năm 2023 sẽ giảm khoảng 5% so với năm 2022, ở mức gần 700 tỷ USD. Việc sụt giảm này không chỉ gây ảnh hưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam, mà còn ảnh hưởng tới các nước trên thế giới.
Thị trường EU và Nhật Bản vẫn giữ tỷ lệ tăng trưởng dương, nhưng mức tăng trưởng thấp hơn so với các tháng trước đó.
Ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 47 tỷ USD trong năm 2023 do tận dụng một số ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực. Tuy nhiên, ngành may tiếp tục chịu áp lực giảm đơn hàng trung bình từ 25 - 27% do sức mua toàn cầu giảm.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang khẳng định, để ngành dệt may phát triển bền vững, sớm đạt được mục tiêu đề ra, ngành sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư vào chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu để giải quyết phần cung thiếu hụt; đồng thời xây dựng các giải pháp bán hàng FOB (mua nguyên liệu, sản xuất, bán thành phẩm), ODM (thiết kế và sản xuất theo đơn đặt hàng)… cũng như xây dựng giải pháp phát triển đầu tư công nghệ, tự động hoá, quản trị số và môi trường sản xuất, kinh doanh minh bạch bắt kịp xu thế toàn cầu. Hơn nữa, cần đẩy mạnh chương trình đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu đi đôi với bảo vệ môi trường xanh hoá ngành dệt may; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.
Nói về việc tiếp cận với những chính sách lớn của Chính phủ về giảm thuế và cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết: Quốc hội có Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Có thể nói, đây là Nghị quyết quan trọng về gói hỗ trợ cho ngành đông lao động như dệt may: Hỗ trợ tiền nhà 3 tháng, tiền quay trở lại thị trường lao động với công nhân, hỗ trợ lãi suất doanh nghiệp… tạo hành lang tốt, không khí tốt cho doanh nghiệp sản xuất.
"Chúng tôi đang chờ cách thức triển khai để doanh nghiệp có thể tiếp cận. Bởi mỗi doanh nghiệp có đặc thù riêng, như doanh nghiệp dệt may hiện nay, số dự án đầu tư mới không nhiều do dịch bệnh trong 2 năm qua, như vậy hỗ trợ cho đầu tư, doanh nghiệp dệt may sẽ ít được tiếp cận. Còn hỗ trợ cho vay vốn lưu động, hỗ trợ trả lương, lãi suất khoản vay ngắn hạn… thì doanh nghiệp dệt may sẽ tiếp cận tốt hơn, mang lại lợi ích khá hơn", ông Lê Tiến Trường cho hay.
Chia sẻ thêm, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho rằng: "Chúng tôi mong đợi chính sách vĩ mô ổn định, đặc biệt là lãi suất chính thức của hệ thống ngân hàng, để doanh nghiệp cũng được tiếp cận bình đẳng với các quốc gia cạnh tranh khác. Nhiều quốc gia vốn vay chỉ 3 - 4%, còn chúng ta là 8 - 10%, thậm chí hơn 10% cho doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới đang làm cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp yếu đi".
Có thể thấy, ngành dệt may Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia... nhất là với những sản phẩm thiết kế đơn giản. Trong tương lai gần, khoảng 30 - 35% số doanh nghiệp đang làm hàng đơn giản sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng, số còn lại bị chèn ép về giá. Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam không chỉ làm những mặt hàng đơn giản mà vẫn đủ năng lực sản xuất các mặt hàng từ trung đến cao cấp. Đây là một trong những lợi thế để ngành tăng tốc xuất khẩu hàng hóa trong thời gian tới. 
Bên cạnh sự chủ động, tìm kiếm mở rộng thị trường của chính mình, các doanh nghiệp dệt may cũng kiến nghị Nhà nước linh hoạt trong điều chỉnh cơ chế, chính sách, nhất là vấn đề tín dụng, tỷ giá hối đoái theo hướng điều chỉnh giảm giá của đồng Việt Nam so với đồng USD... nhằm hỗ trợ ngành dệt may tận dụng cơ hội, tăng sức cạnh tranh với các nước xuất khẩu.
 
Hướng phát triển lâu dài cho ngành dệt may
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1643/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”.
Mục tiêu tổng quát nhằm phát triển ngành Dệt may và Da giầy là ngành chủ lực về xuất khẩu của nền kinh tế; đẩy mạnh sản xuất sản phẩm có chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; giữ vững vị trí trong nhóm các quốc gia sản xuất và xuất khẩu sản phẩm dệt may, da giầy hàng đầu thế giới.
Đến năm 2035, ngành Dệt may và Da giầy Việt Nam phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển được một số thương hiệu mang tầm khu vực và thế giới.
Ở tầm nhìn ngắn hơn, ngành Dệt may và Da giầy Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giày đạt 108 tỷ USD.
Cụ thể là trong giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giầy cả nước bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 6,8 - 7%/năm, trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 đạt 7,2 - 7,7%/năm. Phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giầy cả nước năm 2025 đạt 77 - 80 tỷ USD và năm 2030 đạt 106 - 108 tỷ USD. 
Đến năm 2025, thu nhập bình quân của lao động trong doanh nghiệp ngành Dệt may đạt trên 90% mức thu nhập bình quân chung của lao động trong doanh nghiệp cả nước và phấn đấu giảm dần khoảng cách với mức bình quân chung cả nước.
Đến năm 2030, phấn đấu thu nhập của lao động đạt tương đương mức thu nhập của lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm dần khoảng cách với mức thu nhập bình quân chung của lao động trong doanh nghiệp cả nước.
Giai đoạn 2031 - 2035, phấn đấu Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may, da giầy đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững; thời trang Việt Nam được ghi danh trên bản đồ thời trang thế giới với các sự kiện về thời trang thu hút được sự quan tâm và tham gia của các hãng thời trang nổi tiếng thế giới.
Điều kiện kiên quyết là ngành Dệt may phát triển theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa. Nghĩa là ngành Dệt may cần đẩy mạnh chuyển từ gia công sản xuất sang các hình thức đòi hỏi năng lực cao hơn về chuỗi quản lý cung ứng, chuỗi giá trị, thiết kế và xây dựng thương hiệu trên cơ sở công nghệ phù hợp đến hiện đại gắn với hệ thống quản lý chất lượng, quản lý lao động và bảo vệ môi trường theo chuẩn mực quốc tế.
Đồng thời, thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và chú trọng đến sản xuất vải, vải nhân tạo, da thuộc, khuyến khích sản xuất vải từ sợi sản xuất trong nước nhằm giảm nhập khẩu, tác động tích cực đến mối liên kết, hình thành chuỗi giá trị và cung ứng hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như đẩy mạnh quá trình nội địa hoá, cải thiện và giảm nhanh khoảng cách chênh lệch về trình độ và năng suất với các nước có nền kinh tế phát triển cao hơn.
Định hướng phát triển thời trang dệt may là thúc đẩy, tạo gắn kết, phối hợp giữa các nhà sản xuất, thiết kế phát triển sản phẩm và kinh doanh để định hướng, tạo ra các xu hướng thời trang cho thị trường trong nước; phát triển xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu quốc gia.
Ngành dệt (gồm xơ sợi, dệt, nhuộm và hoàn tất vải), phát triển sản xuất các loại xơ sợi tổng hợp, xơ sợi chức năng, xơ sợi nguyên liệu mới, thân thiện môi trường, sợi chỉ số cao, chất lượng cao… đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, giảm dần nhập khẩu; đầu tư phát triển mạnh các mặt hàng vải dệt kim, vải dệt thoi, vải kỹ thuật.
Xây dựng một số khu công nghiệp tập trung chuyên ngành, tổ hợp chuyên ngành dệt may và da giầy lớn (gồm chuỗi xơ sợi, dệt nhuộm, hoàn tất vải; thuộc da); ưu tiên dự án có công suất lớn từ nhà đầu tư có uy tín, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có quy trình sản xuất đồng bộ, khép kín và đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường. 
Ngành May lựa chọn phát triển những mặt hàng chiến lược có uy tín trên thị trường, tăng dần tỷ trọng các sản phẩm chất lượng cao; dịch chuyển sản xuất về các huyện, thị xã và các khu vực có nguồn lao động và hệ thống hạ tầng thuận lợi.
Phát triển một số tổ hợp chuyên ngành tại ba miền Bắc, Trung, Nam (kết hợp với ngành Dệt may) và cụm công nghiệp chuyên ngành có vị trí thuận lợi, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hợp thời mạng lưới chuỗi cung ứng từ nghiên cứu phát triển đến sản xuất nguyên liệu, phụ liệu, sản xuất và phân phối sản phẩm, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư tại các vùng kinh tế trọng điểm.
Để đồng bộ với ngành dệt may, Chính phủ cũng sẽ phát triển công nghiệp hỗ trợ, hướng các dự án công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên, phụ liệu tập trung phát triển ở khu vực có mật độ cao các doanh nghiệp dệt may, da giày tại một số địa phương phía Bắc (như Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh...), khu vực miền Trung (như Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định...) và phía Nam (như Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Long An...), để giảm chi phí vận chuyển, hạ giá thành và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, hoàn thiện chính sách pháp luật, kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định của pháp luật về môi trường liên quan đến ngành Dệt may đảm bảo tính minh bạch, khả thi và thuận lợi hóa trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Như vậy, về lâu dài, ngành Dệt may đã có định hướng phát triển bền vững. Việc còn lại là các doanh nghiệp có tận dụng được cơ hội để vượt qua khó khăn, thích ứng với thị trường để đạt được các mục tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có cả việc giành lại lợi thế thị trường nội địa, để phát triển bền vững./.
(Còn tiếp)
Còn lại: 1000 ký tự
“Cơn bão” sáng tạo đổ bộ Hà Nội- hơn 3 vạn người hào hứng khám phá Lễ hội hot nhất trong năm​

(CHG) Diễn ra trong 9 ngày (từ 09/11 - 17/11), Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội mở ra những cơ hội khám phá những di tích lịch sử, công trình di sản cũng như không gian sáng tạo chưa từng có.

Xem chi tiết
TP. Hồ Chí Minh: Thu hút gần 90.000 lượt khách đến với “Tuần lễ sản phẩm OCOP 2024”

(CHG) Diễn ra từ ngày 06- 10/11/2024, “Tuần lễ sản phẩm OCOP 2024” tổ chức tại Công viên Văn hoá Lê Thị Riêng, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh đã thu hút gần 90.000 lượt khách tham quan và mua sắm.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
Truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”- Sức mạnh nội lực của ngành Than

(CHG) Ngành Than là ngành công nghiệp đầu tiên của đất nước ta với lịch sử 184 năm khai thác. Trên hành trình phát triển, ngành Than và Vùng mỏ Quảng Ninh luôn phát huy sức mạnh nội lực “Kỷ luật và Đồng tâm”. Đây được coi là biểu tượng sức mạnh đoàn kết, tinh thần “thép” giúp lớp lớp thợ mỏ tiếp tục phát huy, kết hợp với sức mạnh thời đại để vượt qua mọi khó khăn, đưa ngành Than phát triển mạnh mẽ.

Xem chi tiết
Cơ khí TKV với các hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ

(CHG) Trong suốt quá trình phát triển của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), ngành cơ khí giữ khâu sản xuất quan trọng chuyên chế tạo, cung cấp, sửa chữa thiết bị, vật dụng phục vụ công tác đào lò, khai thác, vận tải khoáng sản. Từ đầu năm 2024 đến nay, cơ khí TKV đã nỗ lực khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, giữ vững đà tăng trưởng ấn tượng.

Xem chi tiết
2
2
2
3