Chia sẻ tại Hội thảo Thương mại điện tử xuyên biên giới diễn ra hồi tháng 10/2023 tại Hà Nội, ông Eric Broussard - Phó Chủ tịch Tập đoàn Amazon, Khối Đối tác bán hàng quốc tế từng thốt lên rằng: “Bạn có tưởng tượng được không, dù ở Mỹ, chỉ với 1 cú click chuột đặt hàng vào tối hôm trước, tôi có thể an tâm đi tắm, thưởng thức bữa tối, lên giường ngủ và nhận sản phẩm của 1 doanh nghiệp Việt Nam được giao đến cửa vào sáng hôm sau!”
Trước đây, việc này có lẽ là không tưởng. Nếu tính khoảng cách, Việt Nam cách Mỹ khoảng 14.000km. Để bay từ Việt Nam sang Mỹ mất khoảng 17 giờ đồng hồ. Đối với đường biển, thời gian vận chuyển container từ Việt Nam sang Mỹ mất khoảng 15 - 35 ngày, tùy vào bang hoặc cảng đến.
Thế nhưng, thương mại điện tử xuyên biên giới đã rút ngắn khoảng cách từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng quốc tế. Những container to lớn giờ thu nhỏ lại trong một cú click chuột.
Sau khi xác nhận đơn hàng của khách đặt trên sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp chỉ cần chuẩn bị sản phẩm. Một trong 3 đối tác của Amazon tại Việt Nam sẽ đến tận kho của doanh nghiệp để lấy hàng, đóng gói, thực hiện hết mọi thủ tục liên quan để vận chuyển hàng đến tận tay khách hàng và thu thanh toán, trong đó bao gồm cả thủ tục hải quan để xuất khẩu hàng.
Đặc biệt, với một số nhóm sản phẩm nhất định, doanh nghiệp có thể lưu kho, hay nói cách khác là “gửi” hàng ở 150 trung tâm hoàn thiện đơn hàng của Amazon tại Mỹ để tiếp cận tới khách hàng nhanh nhất có thể, khi khách hàng đặt đơn sản phẩm sẽ được gửi thẳng từ các trung tâm này, tiết kiệm tối đa thời gian vận chuyển. Đây cũng là lý do vì sao có câu chuyện sản phẩm được giao ngay trong đêm đến tay người dùng mà Phó Chủ tịch Tập đoàn Amazon Eric Broussard đề cập đến ở trên.
Doanh nghiệp cũng có thể “thuê” Amazon hoàn thiện đơn hàng cho các kênh thương mại điện tử khác mà mình kinh doanh. Các trung tâm này sẽ đóng gói, vận chuyển sản phẩm đến tay khách hàng của kênh thương mại điện tử đó, hoặc thậm chí là đến thị trường các nước khác.
Theo báo cáo của Amazon Global Selling, trong vòng 12 tháng tính đến ngày 31/8/2023, đã có 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đã được bán ra cho khách hàng Amazon trên khắp thế giới, tăng cường sự hiện diện của hàng Việt trên toàn cầu.
Giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên Amazon tăng 50%. Số lượng đối tác bán hàng Việt Nam qua Amazon tăng 40%.
Ở bức tranh tổng thể, năm 2023, doanh thu thương mại điện tử B2C của Việt Nam dự báo tăng trưởng 25%, đạt quy mô 10,3 tỷ USD.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử xuyên biên giới gấp 2,3 lần tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử nói chung, với kim ngạch xuất khẩu trực tuyến đạt 80.000 tỷ đồng trong năm 2022 và dự báo đạt 300.000 tỷ đồng vào năm 2027, theo phân tích của Access Partnership.
Access Partnership cũng chỉ ra rằng, nếu các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) đẩy nhanh tốc độ sử dụng thương mại điện tử để xuất khẩu thì doanh thu xuất khẩu B2C qua thương mại điện tử có thể tăng 2,4 lần so với quỹ đạo “kinh doanh theo thông lệ”. Qua đó, thương mại điện tử B2C có thể là ngành xuất khẩu thế mạnh thứ 5 tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới.
SUNHOUSE - thương hiệu gia dụng và thiết bị nhà bếp đã quá quen thuộc tại thị trường trong nước hơn 20 năm qua, bước lên Amazon giữa giai đoạn dịch bệnh Covid-19 với nhiều bỡ ngỡ của một nhãn hàng “có tuổi” lần đầu chuyển đổi số. Thế nhưng, từ căn bếp Việt, SUNHOUSE đã cho thấy khả năng bắt nhịp ấn tượng với dòng chảy thương mại điện tử xuyên biên giới, khi ghi nhận tốc độ tăng trưởng trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt 180% so với năm 2022, trong đó có các sản phẩm thường xuyên “cháy hàng”.
Một gương mặt khác cũng không mới tại thị trường nội địa nhưng chỉ vừa tham gia Amazon năm 2021 là AnEco của An Phát Holdings, với các dòng sản phẩm phân huỷ sinh học. Sau hơn 2 năm có mặt trên Amazon, sản phẩm AnEco đã có mặt trong danh mục Amazon’s Choice cho ngành hàng túi rác phân hủy sinh học, doanh thu tăng trưởng gấp 20 lần so với thời điểm ra mắt năm 2021. Dịp Prime Day 2023, AnEco thu về doanh số tăng trưởng 10 lần so với thường ngày, và tổng doanh thu năm 2023 của AnEco trên Amazon dự kiến sẽ cán mốc triệu đô.
Với Lafooco, chỉ sau 2 tuần mở bán trên Amazon, 3 trong tổng số 4 loại hạt điều của thương hiệu này đã lọt vào top 10 sản phẩm hạt điều mới bán chạy nhất. Riêng hai dòng sản phẩm Hạt điều rang muối biển vị caramel và Hạt điều rang muối biển vị dừa lọt Top 100 sản phẩm hạt điều tại gian hàng Amazon ở Mỹ. Đặc biệt, Lafooco là một trong số các thương hiệu sản phẩm tiêu dùng của Việt Nam đầu tiên được gắn nhãn hiệu “Climate Pledge Friendly” trên Amazon, giúp người mua hàng nhận diện và chọn lựa các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn bền vững và bảo tồn thế giới tự nhiên.
Đối với sân chơi thương mại điện tử xuyên biên giới, cơ hội là như nhau cho các doanh nghiệp. Công cụ mở ra để tất cả doanh nghiệp đều có thể truy cập và sử dụng.
Khi tối ưu hóa được các công cụ này, doanh nghiệp sẽ có lợi thế hơn trong tiếp cận khách hàng, nắm bắt thị hiếu, nâng cao chất lượng sản phẩm để phát triển kinh doanh lâu dài và bền vững.
Thực tế cho thấy nhiều trường hợp thành công trên Amazon là các doanh nghiệp xuất phát điểm từ những ngày đầu non trẻ, đã bắt đầu và thành công.
Giờ đây, xuất khẩu không còn chỉ là những lô hàng lớn, những container đồ sộ. Với doanh nghiệp, xuyên biên giới đơn giản là một chiếc áo, một đôi đũa, một cái giỏ mây một mình vượt “trời cao, biển lớn” đến tận tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, để sản phẩm “rộng đường” đến với người tiêu dùng không đơn giản. Thương mại điện tử xuyên biên giới đã làm cho hàng hóa và sự vận động của chúng phong phú và phức tạp hơn, đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ, đặt ra yêu cầu mới đối với dịch vụ vận tải giao nhận. Đồng thời, để tránh hàng tồn kho, doanh nghiệp phải làm sao để lượng hàng tồn kho luôn là nhỏ nhất. Kết quả là hoạt động logistics phải đảm bảo yêu cầu giao hàng đúng lúc, kịp thời, mặt khác phải đảm bảo mục tiêu khống chế lượng hàng tồn kho ở mức tối thiểu.
Logistics không chỉ là vận chuyển. Logistics là hậu cần, một chuỗi các trải nghiệm từ đóng gói sản phẩm đến vận chuyển, chuẩn bị giấy tờ thủ tục thông quan, hoàn thiện đơn hàng, quản lý hàng tồn kho…
Doanh nghiệp cần tìm hiểu, có sự hỗ trợ đa bên để lên phương án logistics phù hợp về chi phí, sản phẩm… để có thể đưa hàng hóa từ Việt Nam đến thị trường xuất khẩu một cách hiệu quả nhất, tối ưu nguồn lực đầu tư, giảm chi phí vận chuyển và hoàn thiện đơn hàng, rút ngắn thời gian vận chuyển, tránh các vấn đề rủi ro khi vận chuyển cũng như các vi phạm không mong muốn ở các thị trường mục tiêu. Chọn thùng nào để đóng hàng, bảo quản ra sao để giữ được chất lượng hàng, dán mác sao cho tối ưu vận chuyển, lựa chọn đường biển hay đường hàng không,… đây đều là những câu hỏi doanh nghiệp sẽ cần tìm lời giải phù hợp.
Những lời giải này, kết hợp với việc nắm bắt thị hiếu khách hàng quốc tế và chiến lược sản phẩm hiệu quả, sẽ thúc đẩy nhiều hơn những cú click chuột của người tiêu dùng toàn cầu.
"Việt Nam là một mắt xích cung ứng mới nổi của thương mại điện tử toàn cầu. Chúng tôi đề cao năng lực sản xuất, tinh thần khởi nghiệp và tốc độ chuyển đối số nhanh chóng của Việt Nam."
Ông Eric Broussard - Phó Chủ tịch Tập đoàn Amazon, Khối Đối tác bán hàng quốc tế
Nguồn: Tạp chí công thương
(CHG) Ngày 06/12/2024, tại TP Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải báo chí quốc gia và tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững khu vực phía Nam.
Xem chi tiết(CHG) 8 giờ 30 phút ngày 29/11/2024, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí -Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Google News Initiative tổ chức chương trình đào tạo: “Nâng cao kỹ năng số cho phóng viên”.
Xem chi tiết(CHG) Nhằm nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm du lịch nông thôn gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP,… Long An tổ chức Hội nghị liên kết, xúc tiến du lịch nông thôn và sản phẩm OCOP giữa Long An với TP.HCM và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long,…
Xem chi tiết(CHG) Hội chợ Công Thương và sản phẩm OCOP – Đắk Lắk năm 2024 diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 20/11 đến 24/11/2024) tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk, là hoạt động xúc tiến thương mại ý nghĩa, thiết thực thuộc chuỗi hoạt động kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904-22/11/2024). Quy tụ 260 gian hàng của 130 đơn vị đến từ 24 tỉnh, thành phố trong cả nước
Xem chi tiết(CHG)Tối 22/11, tại Quảng trường 10/3 (TP. Buôn Ma Thuột), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), gắn với các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 84 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk (23/11/1940 - 23/11/2024).
Xem chi tiết