(CHG) Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục kiểm tra, kiểm soát bảo hộ thương hiệu, nhưng vi phạm nhãn hiệu hàng hóa là vấn đề thường xuyên xảy ra trong thời gian qua. Việc này chẳng những ảnh hưởng tới người tiêu dùng mà khiến các doanh nghiệp chân chính bị ảnh hưởng, lợi nhuận suy giảm mạnh, thậm chí vì bị xâm phạm sở hữu trí tuệ mà… “đứng bên bờ” phá sản.
Lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện các vụ giả mạo thương hiệu.
Liên tiếp xảy ra vi phạm quyền sở hữu nghiêm trọng
Vừa qua, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục QLTT TP.HCM) đột xuất kiểm tra, bắt quả tang xưởng sản xuất, pha chế và nhiều kho chứa hàng chục nhãn hiệu dầu gội, sữa tắm các thương hiệu nổi tiếng tại xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP.HCM do bà H.N.H (sinh năm 1982, tại Trà Vinh) là chủ sở hữu.
Kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng phát hiện phần lớn hàng hóa đều là các loại dầu gội mang nhãn hiệu như: X-men, Romano, Enchanteur, Clear, Pantene… Tất cả đều mang bao bì, nhãn mác do Thái Lan và một số nước khác sản xuất. Tại các kho chứa, lực lượng chức năng còn phát hiện một lượng lớn sản phẩm đang chờ đưa đi tiêu thụ.
Bà H. cho biết, cơ sở của bà chủ yếu làm theo đơn đặt hàng tại TP.HCM và các tỉnh, bỏ mối tại các chợ và bán trên nền tảng thương mại điện tử facebook, zalo có tên “Phạm Huỳnh”. Theo ước tính, số lượng hàng hóa có dấu hiệu vi phạm lên tới hàng chục tấn.
Vào chiều ngày 28/11, Công an tỉnh An Giang bắt quả tang 2 đối tượng sản xuất thuốc bảo vệ thực vật giả nhãn hiệu nước ngoài tại lô J1, khu vực chợ Cái Sao, khóm An Hưng, phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang. Tang vật thu giữ tại hiện trường gồm: 1 thùng phuy chứa trên 210 lít thuốc bảo vệ thực vật giả chưa kịp đóng chai; 71 chai và 99 gói thuốc bảo vệ thực vật giả thành phẩm nhãn hiệu nước ngoài cùng các nguyên liệu, công cụ, phương tiện và số lượng lớn chai, nắp, bao bì tem nhãn nước ngoài để làm thuốc bảo vệ thực vật giả.
Tại cơ quan công an, 2 đối tượng khai nhận đã sản xuất thuốc bảo vệ thực vật giả từ khoảng đầu tháng 11/2022 đến nay, mỗi ngày tiêu thụ được từ 1-3 thùng. Nguồn nguyên liệu để sản xuất được các đối tượng mua trên mạng. Hiện tại, Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Long Xuyên đang phối hợp cùng các ngành chức năng tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Thực hiện đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022, Đội QLTT số 3 Cục QLTT tỉnh Bắc Giang đã tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý 2 vụ vi phạm về hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Thiện (tổ dân phố Mỹ Điền 1, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) có trưng bày để bán một số hàng hóa có gắn nhãn hiệu “Adidas” (một nhãn hàng thời trang của nước ngoài) có dấu hiệu giả mạo gồm: 12 chiếc quần dài người lớn, 29 chiếc áo khoác nỉ người lớn dài tay, 17 chiếc quần đùi nam người lớn, 30 chiếc áo phông nam cộc tay. Tổng trị giá hàng hóa là 21.150.000 đồng. Ông Thiện không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến hàng hóa trên.
Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Trâm (phố Hòa Bình, thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) cũng bày bán một số hàng hoá là mỹ phẩm không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, không có nhãn mác, không xác định được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Tang vật vi phạm gồm 600 sản phẩm chủ yếu là: đắp mặt nạ, kem bôi da, kem bôi sẹo, keo xịt tóc. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm là 9.720.000 đồng.
Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nhận diện hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ từ góc nhìn doanh nghiệp Hàn Quốc”.
Giải pháp nào để kiểm soát hàng giả trên thị trường
Vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường đã phối hợp với Tổ chức xúc tiến thương mại Hàn Quốc (KOTRA) và Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nhận diện hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ từ góc nhìn doanh nghiệp Hàn Quốc” năm 2022 tại Hà Nội.
Tại hội thảo, ông Kim Kwan Mook - Tổng giám đốc KOTRA cho biết, những năm qua Việt Nam và Hàn Quốc đã có sự hợp tác mạnh mẽ. Nhiều sản phẩm thương hiệu Hàn Quốc đã và đang được phân phối tại thị trường Việt Nam, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Tuy nhiên, cùng sự phát triển của thị trường và nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, hàng hóa đang bị làm giả, làm nhái rất nhiều với hình thức ngày càng tinh vi, khó phân biệt. Đặc biệt, thị trường điện tử phát triển khiến việc buôn bán hàng giả càng trở phức tạp.
Trước thực trạng hàng giả lưu thông trên thị trường, gây tổn thất lớn đối với doanh nghiệp Hàn Quốc cũng như sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam khi mua, sử dụng phải những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, ông Kim Kwan Mook đề xuất cơ quan chức năng hai nước cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong việc ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Cùng chung quan điểm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Thanh Bình nhận định, đấu tranh phòng chống sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp và lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng và sự tham gia tích cực của toàn xã hội.
Thời gian qua, các lực lượng thực thi đã triển khai nhiều biện pháp, xây dựng nhiều kế hoạch kiểm tra, xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bước đầu thu được nhiều kết quả khả quan. Quản lý thị trường đã và đang trở thành lực lượng quan trọng trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường nội địa.
Tuy nhiên, theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thanh Bình, dù đạt được một số kết quả quan trọng,nhưng công tác chống hàng giả vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bởi nhiều nguyên nhân như: Phương thức thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng tinh vi, cơ chế thực thi còn chồng chéo, chưa đồng bộ…
Phó tổng cục trưởng Nguyễn Thanh Bình cũng nhấn mạnh, chỉ có doanh nghiệp mới biết rõ nhất về sản phẩm do mình sản xuất, phân phối trên thị trường. Do đó, việc phối hợp cung cấp thông tin của doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Để tránh xâm phạm nhãn hiệu, các doanh nghiệp cần sớm đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thường xuyên thực hiện khảo sát trực tuyến và trực tiếp thị trường. Đồng thời, sử dụng mã QR Code hoặc bộ Tem chống giả do Bộ Công an cung cấp. Mặt khác, các doanh nghiệp phải chủ động, mạnh tay phối hợp gỡ bỏ các bài đăng xâm phạm, chặn các tài khoản bán hàng giả, hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, chủ động cung cấp thông tin với cơ quan chức năng để phát hiện, ngăn chặn những cơ sở sản xuất, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
(Còn tiếp)
4
Đắk Nông: Phát hiện và xử phạt cửa hàng kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas
(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Xem chi tiết