Cần có biện pháp ngăn chặn hiệu quả nạn buôn lậu xăng dầu


(CHG) Thời gian qua, nạn buôn lậu xăng dầu luôn là chủ đề nóng do mức độ ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước, đặc biệt là thời điểm giá xăng dầu tăng cao, khiến hoạt động buôn lậu xăng dầu càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi. 

 

Hàng loạt vụ buôn lậu xăng dầu sa lưới pháp luật

Đêm 31/7/2022, trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên vùng biển cách Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 10 hải lý về phía Nam, Biên đội 2/2022 thuộc Hải đoàn 18 Bộ đội Biên phòng đã phát hiện tàu cá mang số hiệu TG90187TS, có nhiều dấu hiệu nghi vấn nên tiến hành kiểm tra hành chính. Người điều khiển tàu cá là ông Nguyễn Văn Ngọc Ánh (SN 1974, trú huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang). Tại thời điểm kiểm tra, tất cả 4 thuyền viên trên tàu đều không có giấy tờ tùy thân, bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn theo quy định.

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Ngọc Ánh khai nhận, tàu TG90187TS vận chuyển khoảng 30.000 lít dầu DO. Quá trình kiểm tra, thuyền trưởng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Tổ công tác đã dẫn giải tàu vi phạm về đơn vị (đóng quân tại thành phố Vũng Tàu) để tiến hành điều tra xác minh, xử lý theo quy định.

Trước đó, đêm 20/7/2022, tại khu vực biển Nam Đông Nam, cách cụm đảo Hòn Khoai, tỉnh Cà Mau khoảng 130 hải lý, Biên đội tàu CSB 4039 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 4 đã tạm giữ tàu cá mang số hiệu KG90620TS đang vận chuyển khoảng 20.000 lít dầu DO. 

Toàn bộ số dầu này không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 4 thuyền viên do ông Nguyễn Thanh Tú (SN 1984, trú tại thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng.

Ngày 13/7, Công an huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã phối hợp Đội kiểm soát Hải quan – Cục Hải quan tỉnh, Đội Quản lý thị trường số 3 và Đồn Biên phòng Roòn kiểm tra hai tàu cá có số hiệu QB33155 và QB33362 do Lê Trung Hiếu (SN 1990, ở thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch Quảng Bình) làm chủ sở hữu.

Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác đã phát hiện trong khoang hai tàu cá nêu trên có 33 thùng đựng dầu diesel, ước tính khoảng 7.000 lít. Lê Trung Hiếu đã không xuất trình được giấy phép kinh doanh xăng dầu và không có các hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản, niêm phong, tạm giữ tang vật, phương tiện để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển có thể chia thành 3 nhóm đối tượng: Các chủ tàu cá mua xăng dầu từ tàu nước ngoài với giá rẻ, rồi bán ngay cho các tàu cá khác; Các chủ tàu, doanh nghiệp tư nhân mua xăng dầu từ các tàu vận tải, rồi bán cho những tàu cá hoặc đại lý xăng dầu trên bờ; Các tàu được phép bán lẻ xăng dầu thay vì mua từ đất liền thì mua ngay của các tàu chở xăng dầu trên biển để bán lại. 

Các cơ quan chức năng cho biết, trên tàu mua bán xăng dầu lậu thường không có ngư cụ, phao lưới đánh bắt cá, thay vào đó là các loại đường ống cỡ lớn được để sẵn trên boong tàu. Hải trình của các tàu này thường quanh các vùng biển giáp ranh với các nước khác, không theo luồng tuyến đánh cá cố định.

Tình trạng vận chuyển trái phép mặt hàng xăng dầu tại vùng biển Tây Nam thường diễn ra tại các khu vực tiếp giáp với Thái Lan và Campuchia. Trong quá trình mua bán, vận chuyển xăng dầu lậu, để tránh sự phát hiện của Bộ đội Biên phòng và cơ quan chức năng, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Cụ thể, các đối tượng buôn lậu xăng dầu đã cải hoán tàu cá thành tàu chở xăng dầu, ngụy trang dụng cụ trên tàu thành tàu đánh cá để che đậy việc vận chuyển, mua bán trái phép xăng dầu... Nhiều đối tượng còn sử dụng nền tảng thương mại điện tử trong các giao dịch, áp dụng công nghệ cao vào hoạt động buôn lậu như lắp đặt các thiết bị hiện đại trên tàu để giám sát phương tiện của lực lượng chức năng.

Thậm chí, các đối tượng còn sử dụng biện pháp “trá hình” bằng việc mua bán xăng dầu trên biển thông qua trung gian, hoạt động theo mô hình khép kín. Việc giao nhận xăng dầu diễn ra trên biển, nhưng việc giao nhận tiền lại được thực hiện khá tinh vi, bài bản, người nhận tiền là người địa phương khác và chỉ sử dụng điện thoại bằng sim “rác” để liên lạc...

Hiện nay, vùng biển Tây Nam có số lượng tàu cá hoạt động lớn nhất cả nước, với khoảng 16.000 phương tiện, nên nhu cầu xăng dầu phục vụ cho các tàu cá khai thác thủy sản khá cao. Nắm bắt được thực tế đó, một số đối tượng buôn lậu đã tranh thủ sự chênh lệch giữa giá xăng dầu trong nước và các nước lân cận để tìm mọi cách mua bán, vận chuyển trái phép mặt hàng này từ nước ngoài về vùng biển Việt Nam tiêu thụ.

Các cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý xăng dầu giả 

Đấu tranh ngăn chặn xăng dầu giả

Vừa qua, Bộ Công thương đã có báo cáo gửi Thanh tra Chính phủ, cung cấp thông tin phục vụ việc thanh tra về chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý Nhà nước về xăng dầu.

Theo đó, tình hình buôn lậu, xăng dầu giả, kém chất lượng diễn biến phức tạp, nhất là địa bàn các tỉnh phía Nam và một số tỉnh miền Trung. Điển hình là vụ việc Công an tỉnh Đồng Nai triệt phá đường dây sản xuất, điều chế hơn 200 triệu lít xăng dầu giả, rồi làm hóa đơn giả để hợp thức hóa.

Bộ Công thương đề xuất Chính phủ rà soát lại các loại thuế đang áp dụng nhằm góp phần bình ổn thị trường, bổ sung biên chế, kinh phí, trang thiết bị chuyên dùng cho lực lượng chức năng quản lý thị trường xăng dầu, sửa đổi quy định liên quan về xử lý vi phạm…

Theo TS. Võ Đình Trí, dự báo nhu cầu xăng dầu của Việt Nam trong năm 2022 khoảng 21 triệu m3, tính về giá trị khoảng 420.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 18 tỷ USD). TS. Trí nhận định, đây là một thị trường có quy mô lớn và ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế, nên tính hiệu quả và minh bạch của thị trường cần được quan tâm nhiều hơn. 

TS. Võ Đình Trí cho rằng, hệ thống bán lẻ xăng dầu của Việt Nam hiện quá nhiều tầng nấc bao gồm, thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý bán lẻ và thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu. Điều này dẫn tới việc có quá nhiều tầng bậc trung gian, không chỉ khiến giá xăng dầu đội chi phí mà còn khó quản lý, nhiều hệ lụy như tình trạng buôn lậu, làm giả…

Tại nhiều nước trên thế giới, xăng dầu được phân phối chủ yếu qua hệ thống trạm xăng của các tập đoàn năng lượng, hay các hệ thống chuỗi bán lẻ lớn. Tức là, xăng dầu đến tay người tiêu dùng hầu như là trực tiếp từ đầu mối.

Do vậy, TS. Võ Đình Trí nhấn mạnh, muốn đảm bảo và nâng cao lợi ích của người tiêu dùng, và ngăn chặn tình trạng xăng giả lộng hành, cần thay đổi hệ thống phân phối hiện nay theo hướng giảm các tầng nấc trung gian và siết chặt việc xử lý vi phạm, cấp phép xăng dầu. Việc cấp phép thương nhân đầu mối, cần yêu cầu cao hơn về vốn, điều kiện kinh doanh, để chỉ những doanh nghiệp đủ năng lực mới được làm.

Mặt khác, việc quản lý giá cũng nên để thị trường quyết định và tiệm cận với giá theo thời gian thực. Cơ quan quản lý Nhà nước chỉ tập trung quản lý chất lượng hàng hóa, và đảm bảo cơ chế cạnh tranh minh bạch, bình đẳng giữa các doanh nghiệp tham gia thị trường... Những vấn đề này sẽ góp phần làm lành mạnh thị trường xăng dầu trong nước, và hiện tượng buôn lậu mặt hàng này mất nơi lộng hành. 

Còn lại: 1000 ký tự
Hà Tĩnh: Bắt giữ 4 kg vàng vận chuyển trái phép qua cửa khẩu

(CHG) Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh chủ trì, phối hợp với lực lượng Hải Quan tỉnh Hà Tĩnh vừa phát hiện và bắt giữ 4 đối tượng có hành vi vận chuyển trái phép 4 kg vàng qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

Xem chi tiết
Thái Bình: Tịch thu 1.000 chiếc áo chống nắng không rõ nguồn gốc xuất xứ

(CHG) Lực lượng chức năng tỉnh Thái Bình kiểm tra, xử phạt 01 cửa hàng kinh doanh quần áo, với số tiền 45 triệu đồng và tịch thu 1.000 chiếc áo chống nắng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Xem chi tiết
Nghệ An: Xử phạt 01 doanh nghiệp kinh doanh trang sức giả mạo nhãn hiệu

(CHG) Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định xử phạt 01 doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vàng có hành vi buôn bán trang sức giả mạo nhãn hiệu, với mức xử phạt tiền là 55 triệu đồng.

Xem chi tiết
Quảng Ngãi: Liên tiếp xử phạt các hộ kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu

(CHG) Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi liên tiếp kiểm tra đột xuất, xử phạt 03 hộ kinh doanh hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu Nike và Gucci, với tổng số tiền hơn 53.000.000 đồng.

Xem chi tiết
An Giang: Thu giữ số lượng lớn hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

(CHG) Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang thực hiện kiểm tra, thu giữ số lượng lớn hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam

Xem chi tiết
2
2
2
3