(CHG) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có công văn số 7499/BNN-TY ngày 9/11/2022 đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý buôn bán, sử dụng thuốc thú y, thủy sản.
Liên tiếp phát hiện các vụ việc vi phạm nghiêm trọng về thuốc thú y, thủy sản giả
Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 6 Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã xử phạt 2 cơ sở kinh doanh thuốc thú y 20 triệu đồng về hành vi buôn bán thuốc thú y có hàm lượng thuốc ngoài mức giới hạn cho phép so với hàm lượng ghi trên nhãn mác.
Căn cứ kết quả thẩm tra, xác minh thông tin, ngày 20/7/2022, Đội QLTT số 6 chủ trì Đoàn kiểm tra liên ngành 389/TG đột xuất kiểm tra 2 hộ kinh doanh buôn bán thuốc thú y trên địa bàn xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Đội QLTT số 6 kiểm tra một cơ sở kinh doanh thuốc thú y.
Đoàn kiểm tra đã lấy 2 mẫu thuốc thú y gửi kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả, 2 mẫu này đều có hàm lượng thuốc vượt mức cho phép ± 10% so với hàm lượng ghi trên nhãn. Cụ thể, các chỉ tiêu tetracycline, vitamin B1, vitamin B2, vitamin B6 chỉ đạt từ 71% - 81%, vitamin A vượt hơn 100%. Tang vật vi phạm là 620 gói thuốc thú y, loại 1kg/gói và 10g/gói, trị giá hàng hóa gần 10 triệu đồng.
Sau khi có kết quả kiểm tra, ngày 18/8/2022 Đội QLTT số 6 đã lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt 20 triệu đồng đối với 2 trường hợp vi phạm trên về hành vi buôn bán thuốc thú y có hàm lượng thuốc ngoài mức giới hạn cho phép ± 10% so với hàm lượng ghi trên nhãn mác. Ngày 19/9/2022, 2 cơ sở trên đã nộp tiền phạt theo đúng quy định.
Với những người chăn nuôi, thuốc thú y rất cần thiết để đảm bảo sức sống cho vật nuôi. Khi vật nuôi bị ốm, bệnh, người nông dân lại mua phải thuốc thú y không đảm bảo chất lượng có thể dẫn đến vật nuôi bị chết. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới kinh tế của người nông dân.
Ngày 30/9/2022, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh Sóc Trăng đã triệt phá vụ sản xuất thuốc thú y thủy sản giả với số lượng cực lớn.
Cụ thể là khoảng 8 giờ sáng ngày 28/9/2022, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an tỉnh Sóc Trăng phối hợp lực lượng liên quan kiểm tra đột xuất xe ô tô BS 83C-051.54, do Đỗ Quốc Thành (35 tuổi, ngụ tại TP.Sóc Trăng) điều khiển lưu thông trên đường Phạm Hùng, P.8. TP.Sóc Trăng.
Thời điểm kiểm tra, trên xe có 3 túi ni lông và 2 thùng giấy chứa nhiều hàng hóa là thuốc, thức ăn, sản phẩm xử lý dùng trong nuôi trồng thủy sản không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng giá trị hàng hóa theo hóa đơn là 35 triệu đồng. Nghi vấn đây là hàng giả nên lực lượng công an lập biên bản, tạm giữ số hàng hóa trên.
Làm việc với công an, Thành khai nhận số hàng hóa trên do Thành nhận chở thuê cho Đỗ Quốc Đạt (42 tuổi, ngụ tại P.8, TP.Sóc Trăng).
Lực lượng chức năng thực hiện khám xét 4 căn nhà tại P.8, TP Sóc Trăng, phát hiện, tạm giữ nhiều dụng cụ, phương tiện và nguyên vật liệu dùng để sản xuất, pha trộn, đóng gói các sản phẩm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản gồm: trên 2,6 tấn đậu các loại; gần 3.000 chai và can nhựa chứa dung dịch chất lỏng; trên 1.200 gói chứa chất bột; 9 cối xay bột;6 cân điện tử; nhiều chai nhựa, bao bì chưa qua sử dụng cùng nhiều tang vật khác. Ngoài ra, công an còn tạm giữ trên 6.000 sản phẩm đã đóng gói, đóng chai có dán nhãn nhưng không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ.
Lực lượng chức năng phát hiện nhiều thuốc thú y, thủy sản giả.
Các vụ việc trên cho thấy, một lượng lớn thuốc thú y, thủy sản giả đã và đang được sản xuất đưa ra thị trường. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả và năng suất nuôi trồng, gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi trồng. Ở quy mô lớn hơn, việc sản xuất, buôn bán thuốc thú y, thủy sản giả, kém chất lượng nêu trên còn gây ảnh hưởng lớn tới ngành nông nghiệp của cả nước.
Cảnh báo về việc sử dụng thuốc thú y, thủy sản kém chất lượng
Theo báo cáo của các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT, từ số liệu cảnh báo của các nước nhập khẩu thủy sản Việt Nam, thời gian qua, vẫn còn tình trạng buôn bán và sử dụng thuốc thú y giả, kém chất lượng, có dư lượng kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, vi phạm quy định về ghi nhãn thuốc...
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cũng phát hiện nhiều mẫu thủy sản có tồn dư kháng sinh cấm sử dụng như Enrofloxacin, Ciproflaxacin và Chloramphenicol. Những vi phạm trên gây mất an toàn thực phẩm, gia tăng tình trạng kháng thuốc, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật của nước ta.
Đáng lo ngại hơn là tình trạng buôn bán thuốc thú y, thủy sản qua mạng đang ngày càng phổ biến. Việc này chưa được quản lý chặt chẽ và rất khó để đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Để mua được một sản phẩm thuốc thú y, thủy sản, người tiêu dùng chỉ cần lên mạng, vào một hội nhóm bất kỳ có liên quan đến việc chăn nuôi và thủy sản sẽ nhận được quảng cáo về các sản phẩm thuốc thú ý thủy sản. Các sản phẩm phổ biến sẽ là kháng sinh, men vi sinh, chất kích thích tăng trưởng, xử lý môi trường... Bằng nhiều kiểu “đánh động tâm lý” khác nhau, người chơi mạng xã hội sẽ nhận được nhiều lời khuyên, hướng dẫn và kêu gọi sử dụng sản phẩm cho đàn chăn nuôi của mình. Nhiều khi, sản phẩm đó còn chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.
Thực tế kiểm nghiệm cho thấy, nhiều cơ sở sử dụng trực tiếp nguyên liệu kháng sinh để phòng, trị bệnh; sử dụng thuốc cấm, đặc biệt là mua các loại thuốc dùng trong y tế để phòng, trị bệnh với liều lượng tùy tiện; sử dụng thuốc sai mục đích, pha trộn kháng sinh vào thức ăn thủy sản để phòng bệnh còn phổ biến; không tuân thủ thời gian ngừng sử dụng thuốc.
Để chấm dứt tình trạng trên, cũng như nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả của công tác quản lý thuốc thú y, giảm thiểu nguy cơ gây tồn dư kháng sinh, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, không ảnh hưởng xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang các nước, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp, các doanh nghiệp và người dân địa phương tổ chức thực hiện nghiêm việc quản lý, buôn bán, sử dụng thuốc thú y, đặc biệt là kháng sinh theo đúng quy định của pháp luật về thú y, chăn nuôi, thủy sản.
Cùng với đó, cần khẩn trương triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT về ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán thuốc, vacine thú y nhập lậu, không rõ nguồn gốc; tăng cường kiểm tra buôn bán, sử dụng thuốc, vacine thú y không rõ nguồn gốc, chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương tổ chức quản lý có hiệu quả hoạt động buôn bán, vận chuyển, sử dụng thuốc thú y, các sản phẩm hóa chất, sinh học xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản.
Địa phương cũng cần thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ sở buôn bán thuốc thú y, các sản phẩm hóa chất, sinh học xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản; tổ chức lấy mẫu kiểm tra chất lượng, thu hồi, tiêu hủy và xử lý các hành vi vi phạm hoặc kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về những trường hợp vi phạm cần phải xử lý hình sự; tổ chức kiểm tra việc sử dụng thuốc thú y, nhất là kháng sinh tại các cơ sở nuôi trồng thủy sản, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo đúng quy định.
Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương kiểm tra, thanh tra, điều tra và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán bất hợp pháp thuốc thú y trên mạng xã hội, qua hình thức trực tuyến; các trường hợp vi phạm quy định về tiếp thị, bán trực tiếp thuốc thú y, các sản phẩm hóa chất, sinh học xử lý, cải tạo môi trường thủy sản tại các vùng nuôi, cơ sở nuôi; chỉ đạo cơ quan thú y, thủy sản tăng cường công tác quản lý vùng nuôi, cơ sở nuôi; hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản các quy trình nuôi an toàn dịch bệnh; không lạm dụng kháng sinh, không sử dụng kháng sinh nguyên liệu, thuốc y tế, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản...
0
Đắk Nông: Phát hiện và xử phạt cửa hàng kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas
(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Xem chi tiết