(CHG) Người tiêu dùng tại thành phố Buôn Ma Thuột đang “xôn xao” về nhiều sản phẩm “hàng hiệu” giá vô cùng rẻ đang bày bán tại 02 đơn vị Giày dép cao cấp “Anh Sơn” và Mỹ phẩm nước hoa “Mochi”. Chất lượng của những sản phẩm bày bán tại hai đơn vị trên có “xứng tầm” với thương hiệu trên nhãn sản phẩm? Bản chất của “hàng hiệu” bày bán tại đây có phải hàng chính hãng...? Nhiều câu hỏi đã được người tiêu dùng tại đây gửi tới Quỹ Chống hàng giả, những mong tìm được lời giải đáp.
Thời gian qua, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thông tin tới Quỹ Chống hàng giả (bằng video, hình ảnh và sản phẩm thực tế) về việc một số đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng tại tỉnh này có dấu hiệu vi phạm và vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng. Điển hình như, đơn vị kinh doanh Mỹ phẩm nước hoa Mochi (địa chỉ tại số 10 đường Lê Thánh Tông, Phường Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột ) và đơn vị kinh doanh Giày Dép Anh Sơn ( địa chỉ 65 Phan Bội Châu, Phường Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột ), hai đơn vị trên chủ yếu kinh doanh các sản phẩm liên quan đến thời trang, phụ kiện thời trang, hóa mỹ phẩm… Quỹ Chống hàng giả đã chuyển thông tin tới Tạp chí Điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG).
Đơn vị kinh doanh Mỹ phẩm nước hoa Mochi (địa chỉ tại số 10 đường Lê Thánh Tông, Phường Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột ) và đơn vị kinh doanh Giày Dép Anh Sơn ( địa chỉ 65 Phan Bội Châu, Phường Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột )
Quá trình khảo sát thực tế của phóng viên, nhận thấy những thông tin do người tiêu dùng cung cấp là có cơ sở.
Cụ thể, theo quan sát của phóng viên, cả hai đơn vị kinh doanh trên đều có vị trí vô cùng đắc địa, với lượng khách mua hàng vào ra tấp nập, hai đơn vị luôn là điểm đến, lựa chọn và mua hàng của người dân nơi đây.
Hàng hóa bày bán tại cửa hàng mỹ phẩm nước hoa Mochi.
Tại đơn vị kinh doanh Mochi, hàng hóa: các sản phẩm là hóa mỹ phẩm như dầu gội, son môi, kem dưỡng da, nước hoa, mắt kiếng, nước tẩy trang, thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung... Nhiều sản phẩm có nhãn ghi tiếng nước ngoài (nghi là Tiếng nhật) nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt. Một số sản phẩm trên nhãn thể hiện các thương hiệu nổi tiếng như: Bouquet, Gucci, Naturen Made, Collagen,...
Hàng hóa bày bán tại cửa hàng mỹ phẩm nước hoa Mochi.
Giống như đơn vị kinh doanh Mochi, tại đơn vị kinh doanh giày dép Anh Sơn, nhiều sản phẩm đa dạng về chủng loại, mẫu mã từ; túi sách, mũ vải, thắt lưng, giầy dép, ví da ... mang thương hiệu của các hãng nổi tiếng như Gucci, Chanel, Adidas, Nike, Polo, Burberry... có giá rẻ bất thường như đôi giầy nam Adidas và Nike chỉ có giá 550.000, thấp hơn rất nhiều so với hàng chính hãng. Nhiều hàng hóa có chữ nước ngoài (Tượng hình nghi giống chữ Trung Quốc) nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt.
Hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của cửa hàng Giày dép Anh Sơn.
Ngoài ra, tại cửa hàng này không khó để người tiêu dùng bắt gặp các mặt hàng "trắng" toàn bộ thông tin của sản phẩm. Người tiêu dùng chỉ có thể biết được tên kèm giá tiền thông qua mác Shop giày dép " Anh Sơn " được gắn trên sản phẩm.
Những thông tin của người tiêu dùng cung cấp, cùng việc khảo sát thực tế hai đơn vị kinh doanh hàng tiêu dùng Mochi và Anh Sơn cho thấy, cả hai đơn vị trên đang có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa: không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa có dấu hiệu gian lận thương mại, hàng hóa nhập lậu, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu nổi tiếng đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam... và hàng hóa vi phạm về việc ghi nhãn phụ tiếng Việt, vi phạm về việc ghi hợp quy trên nhãn hàng. Điều đó không chỉ gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc chọn mua và sử dụng sản phẩm, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người tiêu dùng trong việc nhận biết về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, cũng như chất lượng hàng hóa, thậm chí có thể gây nên thất thu ngân sách thuế cho địa phương.
Để khách quan đa chiều, ngày 05/09/2024 phóng viên của Tạp chí CHG đã đặt lịch làm việc với cả hai đơn vị trên, những mong phía đơn vị kinh doanh truyền tải thông điệp tới người tiêu dùng.
Chiều cùng ngày, qua điện thoại ông Hà Vĩnh Khang là Quản lý của đơn vị kinh doanh mỹ phẩm Mochi chia sẻ: “Hai tuần trước đã được đoàn cơ quan chức năng kiểm tra và không bị xử phạt”. Ông Khang còn cho biết: “Mình kinh doanh lĩnh vực mỹ phẩm, nước hoa đã nhiều năm và được tư vấn luật bởi “sếp lớn” nên hàng hóa mua bán đều có hóa đơn, chứng từ. Nên tại thời điểm kiểm tra, shop đã cung cấp đủ các giấy tờ hợp pháp về các sản phẩm trưng bày bán tại cửa hàng’’. Mặc dù cửa hàng vẫn hiện hữu những vi phạm rất rõ ràng về nhãn phụ theo quy định tại Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP .
Cũng buổi chiều cùng ngày, phóng viên Tạp chí CHG nhận được cuộc gọi của người đàn ông tên: Trần Văn Sơn, 63 tuổi, chủ của đơn vị kinh doanh giày dép Anh Sơn. Khi trao đổi về tiêu chí kinh doanh của cửa hàng, Ông Sơn khẳng định rằng: “mình đụng đâu thì mua đó cái nào mẫu mã đẹp, giá rẻ thì mình nhập về bán cho người tiêu dùng kiếm lời, mặc dù biết đó là hàng giả, hàng nhái và kém chất lượng nhưng vì lợi nhuận và là dân kinh doanh nhỏ lẻ nên vẫn kinh doanh được khoảng hơn 20 năm nay và cũng đã bị cơ quan chức năng cụ thể là cục quản lý thị trường xử phạt (vài lần)”. Như vậy, việc cơ quan chức năng kiểm tra thì vẫn cứ kiểm tra, cơ sở phát triển thì vẫn cứ phát triển ngày càng lớn mạnh?
Việc hai đơn vị trên kinh doanh hàng hóa trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột đã lâu, tuy nhiên, các đơn vị chức năng chỉ kiểm tra “nhỏ giọt” hoặc kiểm tra không phát hiện vi phạm của đơn vị, liệu đã nói lên đúng tính chất về hàng hóa tại đây. Bởi vậy, thông qua bài viết, kính mong phía Cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk, cụ thể là Cục Quản lý thị trường khẩn trương vào cuộc thẩm tra xác minh, kiểm tra và xử lý vụ việc.
Hiểu rõ tầm quan trọng về vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nên ngày 19/03/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 389/QĐ-TTg, về “Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả” (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 Quốc Gia) với hệ thống bộ máy đồng bộ từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, bộ máy phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh ở các bộ, ngành ở Trung ương và 63 tỉnh, thành phố; nhiều tỉnh, thành phố có Ban Chỉ đạo 389 đến tận cấp quận, huyện để triển khai nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, tại một số địa phương, trong đó có tỉnh Đắk Lắk, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng gian lận thương mại, thậm chí hàng hóa nhập lậu... vẫn ngang nhiên hiện hữu trên quầy kệ của các gian thương. Điều đáng nói, dù đã tồn tại kinh doanh hàng chục năm và những đơn vị kinh doanh trên chỉ cách Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Đắk Lắk chỉ vài km. Điều đó khiến không ít người tiêu dùng khó tránh khỏi băn khoăn: liệu đơn vị này đã thực sự hoàn thành trách nhiệm khi được nhà nước giao phó?
11
Đắk Nông: Phát hiện và xử phạt cửa hàng kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas
(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Xem chi tiết