(CHG) Trong 3 tháng ra quân triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023 (từ ngày 11/11/2022 đến nay), các đơn vị trực thuộc Cục Quản lý thị trường Thừa Thiên Huế đã kiểm tra, xử lý 192 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 660 triệu đồng.
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa tại cơ sở có dấu hiệu vi phạm.
Thực hiện kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường trực thuộc theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, kịp thời phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả, hoạt động sản xuất, kinh doanh; kịp thời phát hiện và xử lý các tổ chức/cá nhân thực hiện hành vi vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Thường xuyên giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu, nghỉ bán xăng dầu không có lý do, nhằm góp phần bình ổn thị trường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong dịp Tết.
Với việc triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ và sự quyết tâm cao trong đợt cao điểm, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiểm tra, xử lý 192 vụ với tổng giá trị thực hiện hơn 3,3 tỷ đồng, tổn số tiền thu nộp ngân sách hơn 660 triệu đồng. Trong đó, tiền xử phạt vi phạm hành chính là 412 triệu đồng, số tiền bán hàng tịch thu hơn 253 triệu đồng, trị giá hàng hóa tịch thu chờ bán hơn 1,3 tỷ đồng và trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy gần 1,4 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ kiểm tra, xử lý tăng gáp 4 lần, tổng giá trị thực hiện tăng gấp 3 lần, trong đó tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước tăng 4,5 lần.
Bên cạnh việc kiểm tra, xử lý, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tổ chức 02 Hội nghị tuyên truyền tập trung; thực hiện tuyên truyền, cung cấp đường dây nóng 456 cơ sở và ký cam kết 219 cơ sở, treo 50 băng rôn, khẩu hiệu, 22 áp phích tại các chợ, tuyến đường trọng điểm trên địa bàn tỉnh với nội dung như: Chung tay phòng, chống hoạt động vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả là trách nhiệm chung của nhà nước, doanh nghiệp và người dân nhằm tuyên truyền các tổ chức, cá nhân kinh doanh không kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cung cấp đường dây nóng của Ban chỉ đạo 389 và các đội quản lý thị trường để kịp thời tiếp nhận thông tin phản ánh về các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tiếp tục bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân tỉnh để triển khai đồng bộ, thường xuyên, có hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là trong hoạt động thương mại điện tử, góp phần ổn định môi trường kinh doanh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
0
Đắk Nông: Phát hiện và xử phạt cửa hàng kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas
(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Xem chi tiết