(CHG) Các đối tượng thường xuyên thay đổi địa điểm tập kết hàng hóa, thậm chí thuê chung cư cao cấp để tập kết hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Những thủ đoạn này tuy không mới nhưng đã gây ra không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình xác minh, xử lý.
Lực lượng QLTT TP Hà Nội kiểm tra hàng hóa vi phạm ngày 23/2/2023. Nguồn Tổng cục QLTT
Thuê chung cư cao cấp để tập kết hàng
Năm 2022, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm với quy mô lớn, là các tụ điểm nóng sản xuất, kinh doanh hàng giả trái phép tại các tỉnh, thành phố Thanh Hóa, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương…, thu giữ hàng trăm nghìn sản phẩm vi phạm. Điều đáng nói là hàng hóa bị lực lượng chức năng thu giữ nằm ngay trong các kho chứa hàng của các doanh nghiệp, giấu trong nhà dân, thậm chí ở nơi hẻo lánh, xa dân cư.
Qua theo dõi của phóng viên, trong đợt triển khai cao điểm kiểm tra thị trường dịp Tết và trong những tháng gần đây, ở nhiều địa phương, lực lượng QLTT tiếp tục đồng loạt ra quân kiểm tra đột xuất, phá nhiều tụ điểm, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Các đối tượng vi phạm thường xuyên thay đổi địa điểm, thậm chí sử dụng các căn hộ cao cấp làm điểm tập kết hàng hóa, do đó phải mất rất nhiều thời gian để lực lượng chức năng mới có thể tiếp cận và xử lý. Toàn bộ hàng hóa chủ yếu được kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, không có cửa hàng cũng như thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh hợp pháp.
Liên tiếp trong ngày 16/2/2023, tại địa chỉ 227/25 Nguyễn Tư Giản, phường 12, quận Gò Vấp, lực lượng QLTT TP HCM đã phát hiện và thu giữ hơn 6.000 sản phẩm là dầu gió xanh Singapore, tẩy tế bào chết spa, dầu xả bưởi, kem dưỡng thể Bạch Ngọc Liên, kem bôi mặt Pháp, kem dưỡng thể Pháp, bông tẩy trang…, trị giá hàng hóa niêm yết trên thị trường mạng gần 1,2 tỷ đồng. Cùng ngày, tại điểm kinh doanh 284/1 Phạm Văn Chiêu, phường 9, quận Gò Vấp, lực lượng QLTT TP HCM thu giữ trên 30.000 tuýp/ chai các sản phẩm là khử mùi Coast, Gel lột mụn 24k Gold mask, nước hoa OUD AL SUNTAN, nước hoa Karri, xịt chống nắng M’AYCREATE, tổng trị giá trên 738 triệu đồng.
Tiếp đó, ngày 23/2/2023, lực lượng QLTT Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an và Công an quận Hoàng Mai kiểm tra đột xuất điểm tập kết kinh doanh hàng hoá tại địa chỉ P2.11.12, Park 2, Khu Đô thị Times City, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Tại đây, lực lượng chức năng đã tạm giữ gần 1 tấn bao bì tem nhãn và gần 2 tấn thành phẩm, nguyên liệu thuốc và thực phẩm chức năng tương đương hàng triệu viên các loại hình viên nhộng. Tất cả thuốc được đựng trong các túi lớn, không có bao bì nhãn mác. Chủ hàng là bà N.T.K.A (sinh năm 1991), trú tại một căn hộ thuộc Park9, Khu đô thị Times City, Mai Động, Hoàng Mai, TP Hà Nội khai nhận, đây là các loại thuốc về lợi tiểu và liên quan đến đường tiêu hóa. Tuy nhiên, chủ cơ sở cũng không xuất trình được các giầy tờ hợp pháp liên quan đến kinh doanh các loại hàng hóa trên.
Theo Đội trưởng Đội QLTT số 1, Cục QLTT TP Hà Nội Hoàng Đại Nghĩa, lực lượng chức năng phải mất rất nhiều thời gian để xác minh và kiểm tra được đối tượng do sự tinh vi trong cách thức giao dịch. Lợi dụng sự chặt chẽ trong khâu an ninh, cộng với giá thuê nhà hiện đang xuống thấp, đối tượng thường xuyên thay đổi các điểm chứa trữ hàng hóa từ nơi này sang nơi khác hòng đánh lạc hướng sự chú ý của người dân cũng như cơ quan chức năng. Mọi sự dịch chuyển đều diễn ra nhanh chóng và chuyên nghiệp bằng cách đóng thùng, sử dụng thang máy và xe tải chờ sẵn ở chân tầng hầm và chuyển sang địa điểm khác.
“Chỉ mất vài giờ, đối tượng đã xóa sạch dấu vết ở địa điểm mà chúng tôi xác định, sau đó chuyển sang một điểm khác gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng QLTT trong xác minh thông tin. Mọi thông tin, giao dịch chốt đơn đều được thực hiện thông qua mạng xã hội và vận chuyển thông qua ship code (tức là, người mua hàng sẽ được nhận sản phẩm trước, sau đó mới phải trả tiền cho shipper để hoàn thành đơn hàng-PV) nên việc xóa dấu vết rất nhanh”, Đội trưởng Đội QLTT số 1 chia sẻ.
Xử lý nghiêm các hành vi sai phạm
Mới đây, tại Hội nghị triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Nguyễn Thanh Bình dự báo, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả được sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp nên lực lượng QLTT sẽ tập trung triển khai Kế hoạch về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyển biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa.
“Tổng cục QLTT chú trọng xây dựng lực lượng tinh nhuệ, chủ động, thống nhất, phản ứng nhanh, liên tục, thông suốt hiệu quả 24/7, hướng tới là lực lượng mang tính phòng ngừa, giám sát vì sự phát triển của doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, duy trì có hiệu quả đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của cá nhân, doanh nghiệp để kịp thời kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra nội bộ để chấn chỉnh kịp thời những sai sót nghiệp vụ trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm của tổ chức, cá nhân trong thực thi công vụ; kịp thời biểu dương các oá nhân, đơn vị có thành tích”, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Năm 2022, lực lượng QLTT đã kiểm tra 72.640 vụ, phát hiện, xử lý 43.80 vụ vi phạm; chuyển cơ quan điều tra 127 vụ việc có dấu hiệu tội phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 400 tỷ đồng. Trong đó, tổ chức kiểm tra định kỳ gần 37.000 doanh nghiệp; kiểm tra đột xuất trên 34.000 vụ; kiểm tra chuyên đề hơn 1.000 vụ và trên 220 cuộc thanh tra chuyển ngành. |
Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/muon-kieu-chua-tru-hang-gia-hang-khong-ro-xuat-xu-172166-172166.html
2
Đắk Nông: Phát hiện và xử phạt cửa hàng kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas
(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Xem chi tiết