(CHG) Tại Hội Nghị giao ban công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quý II/2022, BCĐ 389 quốc gia đã đặt ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm những tháng cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 là cần tiếp tục tăng cường trao đổi, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, địa phương trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt quyết liệt trong việc ngăn chặn thuốc lá nhập lậu tại địa bàn trọng điểm.
Tang vật thuốc lá lậu bị lực lượng chức năng thu giữ.
“Mạnh tay” với buôn lậu thuốc lá
Những tháng cuối năm, việc buôn lậu thuốc lá "nóng" hơn bao giờ hết, đặc biệt là các tỉnh khu vực phía Nam. Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các địa phương chú trọng, kiên quyết đẩy lùi nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hơn nữa.
Do đó, lực lượng chức năng tại các tỉnh phía Nam đồng loạt triển khai những đợt truy quét và đã phát hiện, bắt giữ nhiều hàng hoá được nhập lậu vào thị trường nội địa.
Vụ việc điển hình xảy ra tại tỉnh Quảng Trị vào rạng sáng ngày 29/10, khi đang làm nhiệm vụ trên quốc lộ 9 đoạn qua xã Tân Long (huyện Hướng Hoá), tổ công tác phòng chống tội phạm và ma tuý của Bộ đội Biên phòng Quảng Trị phát hiện ô tô BKS 74C-097.29 có dấu hiệu nghi vấn nên đã yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Tuy nhiên, tài xế không chấp hành, mà điều khiển xe chạy về phía thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị). Tổ công tác đã truy đuổi, đồng thời thông báo cho Công an huyện Đakrông phối hợp chặn bắt. Sau khoảng 25km truy đuổi, lực lượng chức năng đã chặn bắt được phương tiện.
Kiểm tra trên xe, lực lượng chức năng phát hiện có nhiều hàng hóa vi phạm, gồm 3.000 gói thuốc lá Jet, cùng 3.000kg đường kính trắng nhập lậu và 250kg bột ngọt; giá trị lô hàng vi phạm hơn 100 triệu đồng. Lái xe đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng. Hiện vụ việc đang được lực lượng biên phòng phối hợp với Công an huyện Đakrông xử lý vụ việc.
Mới đây, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, Công ty BAT Việt Nam, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường và công an các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị tổ chức tiêu hủy gần 50.000 gói thuốc lá ngoại nhập lậu. Lô hàng tiêu hủy lần này gồm các nhãn hàng: Jet, Hero, 555, Esse, Gem, Capri… Số hàng này đã bị các đơn vị chức năng về phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại bắt giữ, khi đang thẩm lậu vào thị trường Việt Nam qua địa bàn tỉnh Quảng Trị trong thời gian vừa qua.
Địa bàn tỉnh An Giang cũng đang là địa phương "nóng" về thuốc lá nhập lậu trong những tháng cuối năm. Từ đầu tháng 11 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã phát hiện và tạm giữ hơn 4.000 bao thuốc lá nhập lậu.
Vụ việc điển hình xảy ra vào ngày 2/11, tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh An Giang phối hợp Công an huyện Tri Tôn khi đang làm nhiệm vụ tuần tra tại kênh Vĩnh Thành 3 (ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Phước) đã phát hiện Phạm Long Giang (sinh năm 1975, trú xã Bình Long, huyện Châu Phú, An Giang) điều khiển xuồng máy chạy với tốc độ cao, có dấu hiệu vận chuyển hàng nhập lậu nên đã yêu cầu dừng xuồng kiểm tra.
Tuy nhiên, đối tượng không chấp hành mà tăng tốc bỏ chạy. Tổ công tác đã truy đuổi, áp sát để dừng phương tiện. Lực lượng chức năng phát hiện trên xuồng máy có 1.490 bao thuốc lá ngoại nhập lậu. Làm việc với tổ công tác, Giang khai nhận chở thuê số thuốc lá lậu trên cho một người Campuchia.
Cũng trong thời gian này, tại bến đò Mương Miếu thuộc khóm Long Hưng, phường Long Châu, thị xã Tân Châu, tổ công tác thuộc Trạm Cảnh sát đường thuỷ Tân Châu đã phát hiện, tạm giữ 1 xe mô tô chở 500 bao thuốc lá ngoại nhập lậu không có người nhận.
Vụ việc gần đây nhất xảy ra tại xã biên giới Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc, An Giang. Theo đó, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang phối hợp Công an thành phố Châu Đốc đã kiểm tra căn nhà vắng chủ tại xã biên giới Vĩnh Tế, phát hiện trong nhà có 2.000 bao thuốc lá nhãn hiệu Hero và Jet có dấu hiệu nhập lậu. Các đối tượng đã cất giấu tinh vi trong các hầm chứa của căn nhà. Tổ công tác đã tạm giữ toàn bộ số thuốc lá trên để phục vụ công tác điều tra, xác minh làm rõ.
Mới đây, sáng ngày 11/11, Ban Chỉ đạo 389 Tây Ninh do cơ quan thường trực là Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh chủ trì tổ chức tiêu hủy 41.643 gói thuốc lá ngoại nhập lậu. Lô hàng tiêu hủy lần này gồm các nhãn hiệu: Hero, Jet, 555, Ese, Bayon, Craven A, Scott, Cowboy… Số thuốc lá này bị lực lượng chức năng tỉnh Tây Ninh bắt giữ và tịch thu trong đợt 2 năm 2022.
Việc tiêu hủy thuốc lá nhập lậu được tiến hành đúng quy trình, thủ tục và được công khai góp phần nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục, răn đe đối với người có hành vi vi phạm pháp luật, nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng.
Thuốc lá lậu bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ
Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng
Theo Thông báo kết luận số 175/TB-VPTT của Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia – Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, tại Hội nghị giao ban công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quý II/2022, một trong những nhiệm vụ trọng tâm quý IV năm 2022 và dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 là cần tiếp tục tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, đơn vị, địa phương trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Thông báo kết luận số 175/TB-VPTT của Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã đặt ra cho các bộ, ngành, đơn vị, địa phương phải nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, đồng thời khẩn trương triển khai những nội dung, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp cuối năm 2022.
Thông báo kết luận số 175/TB-VPTT yêu cầu lực lượng chức năng tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa; Công điện số 871/CĐ-TTg ngày 29/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, xử lý các hành vi tiêu cực liên quan hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới đất liền.
Giao trách nhiệm cho Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tham mưu Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; Tiếp thu ý kiến tham gia, hoàn thiện dự thảo tham mưu Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia ban hành kế hoạch tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế.
Rà soát, tổng hợp, thông báo những phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để các đơn vị, địa phương kịp thời nắm và chủ động có giải pháp đấu tranh phù hợp, hiệu quả; Chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, lực lượng chức năng ở Trung ương thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương kịp thời nắm và chủ động có giải pháp đấu tranh phù hợp, hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Triển khai quyết liệt nội dung tại công văn số 24/BCDD389-VPTT ngày 18/12/2018 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép khoáng sản và Công văn số 02/BCDD389-VPTT ngày 28/01/2019 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép pháp nổ qua biên giới, cửa khẩu, vùng biển; nghiêm túc triển khai kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 (Thông báo số 245/TB-VPCP ngày 11/8/2022 của Văn phòng Chính phủ); chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia tại Báo cáo số 64/BC-BCDD389 ngày 08/09/2022 của Ban chỉ đạo 389 quốc gia; xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023…
Theo thông báo kết luận số 175/TB-VPTT, đánh giá công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong 9 tháng đầu năm 2022, kết quả phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa tương xứng với tình hình thực tế. Tại một số địa bàn trọng điểm, hoạt động buôn lậu, mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu chưa có dấu hiệu giảm; hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua nền tảng thương mại điện tử có xu hướng ngày càng tăng cao ở nhiều địa bàn.
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế nêu trên là do một số đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thiếu kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Có lúc, có nơi còn chạy theo phong trào, còn nể nang, né tránh trong việc xác định trách nhiệm, xử lý cán bộ có dấu hiệu tiêu cực, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả xảy ra phức tạp, kéo dài…
Đây là những vấn đề cần khẩn trương khắc phục để kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong, và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đạt được mục tiêu đề ra.
5
Đắk Nông: Phát hiện và xử phạt cửa hàng kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas
(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Xem chi tiết