(CHG) Được quảng cáo là “phòng thí nghiệm” của tuổi trẻ - nơi nghiên cứu và cho ra đời nguồn năng lượng mang tên “Youth”, thế nhưng thực tế tại cửa hàng thời trang mang thương hiệu TEELAB (số 6 Mê Linh, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), toàn bộ các hàng hóa tại đây vi phạm các quy định của pháp luật về việc ghi nhãn hàng hóa, một số sản phẩm có dấu hiệu “mập mờ” về nguồn gốc sản phẩm.
Cả cửa hàng vi phạm
Thời gian qua, người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, gửi thông tin tới Quỹ Chống hàng giả phản ánh việc cửa hàng thời trang mang thương hiệu TEELAB có dấu hiệu mập mờ về nguồn gốc hàng hóa, vi phạm các quy định của pháp luật trong việc ghi nhãn sản phẩm... Quỹ Chống hàng giả đã bàn giao thông tin trên tới Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG).
Cửa hàng mang thương hiệu thời trang TEELAB số 6 Mê Linh, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngày 14/12, phóng viên Tạp chí CHG đã có buổi trao đổi và chuyển thông tin trên tới Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc và ông Nguyễn Đức Trung, phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi tiếp nhận thông tin bằng hình ảnh và sản phẩm cụ thể liên quan đến thương hiệu thời trang trên, ông Trung đã nhận định: Sản phẩm có vi phạm trong việc ghi nhãn và có dấu hiệu gian lận về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Ông Nguyễn Đức Trung đã chỉ đạo kiểm tra đột xuất đơn vị kinh doanh trên.
Lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng thời trang mang thương hiệu TEELAB số 6 Mê Linh, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Chiều cùng ngày, lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng thời trang mang thương hiệu TEELAB. Trong quá trình kiểm tra, một cán bộ QLTT cho biết: “Qua quá trình tiến hành kiểm tra sơ bộ, nhận định toàn bộ hàng hóa không thể hiện được đơn vị chịu trách nhiệm về hàng hóa, địa chỉ sản xuất không có, không có chứng nhận hợp quy...”.
Kết thúc quá trình kiểm tra, phần lớn hàng hóa tại cửa hàng thời trang mang thương hiệu TEELAB đã bị lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc niêm phong, chờ xử lý.
Gian lận về xuất xứ hàng hóa?
Trong những năm gần đây, TEELAB nổi lên là một thương hiệu thời trang có phong cách thiết kế khá ấn tượng, mang đậm chất đường phố, nhưng vẫn thời thượng. Bởi vậy, thương hiệu thời trang này luôn được giới trẻ ưa chuộng và săn đón.
Điều lạ là, đáng lẽ đơn vị sở hữu thương hiệu thời trang TEELAB cần phải nâng cao chất lượng, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật trong việc kinh doanh hàng tiêu dùng (cụ thể là hàng may mặc), bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng... thì đơn vị này có xu hướng đi ngược lại.
Không chỉ vi phạm các quy định của pháp luật về việc ghi nhãn hàng hóa, thời trang TEELAB còn có dấu hiệu gian lận về xuất xứ sản phẩm.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong việc ghi nhãn hàng hóa, tại đây, một số sản phẩm có dấu hiệu gian lận về nguồn gốc xuất xứ: trên nhãn gốc của sản phẩm là tiếng nước ngoài (chữ tượng hình), nhãn phụ tiếng Việt ghi thông tin sản phẩm rất sơ sài, dòng chữ: Sản xuất tại Việt Nam được in đậm, như một lời khẳng định của thương hiệu TEELAB đây là sản phẩm được sản xuất trong nước.
Nhãn phụ tiếng Việt của sản phẩm ghi đậm dòng chữ: Sản xuất tại Việt Nam, thế nhưng khi phóng viên sử dụng Google dịch, kết quả khiến phóng viên không khỏi ngỡ ngàng: sản phẩm trên do một công ty ở nước ngoài sản xuất.
Khi sử dụng phần mềm Google dịch nhãn gốc của sản phẩm, kết quả khiến phóng viên không khỏi ngỡ ngàng: sản phẩm trên do một công ty ở nước ngoài sản xuất. Cụ thể, đơn vị sản xuất là Công ty TNHH Thương mại Quảng Châu Nili, địa chỉ số 149-512 đường Xiwan, quận Lili, Quảng Châu và địa chỉ kho hàng số 81, đường Yongqing, Yanbu, thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông...
Có hay không việc thương hiệu thời trang TEELAB đang lừa dối người tiêu dùng, gian lận về xuất xứ hàng hóa? Điều đó hy vọng phía cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh phúc sớm đưa ra kết luận, nhằm bảo vệ người tiêu dùng tỉnh nhà và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trên (nếu có).
Lực lượng Quản lý thị trường phụ trách địa bàn nói gì?
Trong quá trình lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc đang tiến hành kiểm tra cửa hàng hàng thời trang trên, một người dân thường xuyên làm việc gần đó cho phóng viên hay: “Cửa hàng TEELAB này bán hàng mạnh lắm, họ mở được khoảng ba năm rồi...”.
Ba năm, một quãng thời gian không phải ngắn, thế nhưng dường như cán bộ công chức QLTT phụ trách địa bàn không hề biết cơ sở trên hoạt động kinh doanh những sản phẩm gì, nguồn gốc hàng hóa từ đâu. Như vậy thì họ đã hoàn thành vai trò, trách nhiệm của mình chưa? Lời biện hộ của ông Bùi Văn Đạm, Đội trưởng Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: "công việc nhiều"; “lực lượng mỏng”... liệu có chính đáng?
Ông Bùi Văn Đạm, Đội trưởng Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc trao đổi thông tin với phóng viên của Tạp chí CHG.
Cùng với đó, ông Đạm cho rằng: “Bà con mua về, không phải là nơi phát luồng hàng hóa... chúng tôi cần các anh tìm ra đầu mối, phát luồng hàng hóa... chúng tôi ủng hộ hoàn toàn, bây giờ mấy cơ sở nhỏ lẻ thế này, anh vào chỗ nào cũng thấy... Mình phải tùy theo tình hình, tính chất, mức độ vi phạm... Về Thủ đô Hà Nội, vào chỗ nào chẳng có hàng giả, hàng không nhãn, bắt ngay chợ Đồng Xuân, Ninh Hiệp ý. Các ông không viết, nay mai tôi viết hẳn tin về cho Bộ trưởng, hẳn cho chủ tịch hội...”.
Hệ thống cửa hàng TEELAB tại một số tỉnh thành
Không biết có phải ý của ông Đạm cho rằng: cửa hàng kinh doanh trên chỉ là một đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, nên việc kiểm soát, giám sát của lực lượng chức năng phụ trách địa bàn là không cần thiết?
Kết thúc buổi kiểm tra, toàn bộ hàng hóa tại cửa hàng thời trang mang thương hiệu TEELAB bị lực lượng chức năng tiến hành niêm phong, chờ xử lý.
Có thể vì thế, khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra đột xuất, toàn bộ sản phẩm hàng hóa đang bày bán tại đây đã bị lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc niêm phong, chờ xử lý. Đó là bài học lớn không chỉ dành cho chủ cơ sở kinh doanh, mà còn là bài học đắt giá đối với lực lượng QLLT phụ trách địa bàn trong việc kiểm soát, giám sát hàng hóa lưu thông trên thị trường. Bởi vậy, đề nghị Ban chỉ đạo 389 tỉnh Vĩnh Phúc, Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc làm rõ vai trò, trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra vụ việc trên.
Ngày 31-8, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc họp với Tổng cục Quản lý thị trường và Sở Công thương, Ban chỉ đạo 389 tại 63 tỉnh và thành phố về việc ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, trong đó có vấn đề xăng dầu.
Tại cuộc họp, bên cạnh chỉ ra những mặt đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ ra những hạn chế trong tổ chức và hoạt động của lực lượng quản lý thị trường 8 tháng qua. Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, công tác thanh tra, kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường còn chưa sâu sát, áp dụng chế tài xử phạt không đủ sức răn đe; công tác quản lý, giáo dục cán bộ ở nhiều đơn vị cơ sở chưa tốt; tình trạng nhũng nhiễu, thậm chí bảo kê của cán bộ trong khi thi hành công vụ vẫn xảy ra ở nhiều nơi.
Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu, tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nội bộ, chấn chỉnh hành vi bảo kê, nhũng nhiễu. “Nặng hơn phải xử lý bằng hình sự để tạo sức răn đe, hướng tới một lực lượng mạnh. Tổng cục Quản lý thị trường cần quy định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm”, Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo.
|
4
Đắk Nông: Phát hiện và xử phạt cửa hàng kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas
(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Xem chi tiết