Vĩnh Phúc: Nhiều cửa hàng bán sản phẩm mẹ và bé không rõ nguồn gốc


(CHG) Thực phẩm chức năng, sữa tươi, sữa bột, đồ ăn dặm, các loại Vitamin... chủ yếu là sản phẩm dành cho mẹ và bé toàn chữ nước ngoài, không tem nhãn phụ, có dấu hiệu hàng hoá buôn lậu, được quảng cáo rầm rộ, bày bán công khai trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc mà lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã biết hay chưa?

Theo nguồn tin từ Quỹ chống hàng giả, người tiêu dùng phản ánh: trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc rất nhiều shop kinh doanh sản phẩm sữa tươi, sữa bột, các loại Vitamin, bột ăn dặm, bỉm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… dành cho mẹ và bé có dấu hiệu hàng hoá nhập lậu từ nước ngoài, không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Phóng viên (PV) của Tạp chí điện tử kỹ thuât chống hàng giả và gian lận thương mại khảo sát trực tiếp một số shop lớn chuyên bán đồ mẹ và bé tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ghi nhận thực tế một số shop chuyên kinh doanh sản phẩm mẹ và bé trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên: shop Sữa Hoàng Yến (hệ thống cửa hàng mẹ và bé) có địa chỉ số 17 đường Nguyễn Tất Thành; hệ thống siêu thị mẹ và bé Titimart, địa chỉ số 58 đường Nguyễn Tất Thành; shop hàng Tiệm Nhà Bơ, địa chỉ số 153 đường Nguyễn Viết Xuân; shop Hạt Gạo Nhỏ, địa chỉ số 148 đường Ngô Quyền; shop Bébé store, địa chỉ số 14 đường Bà Triệu;; shop mẹ và bé Mama Kids, địa chỉ số 241 đường Mê Linh… PV nhận thấy đa số sản phẩm bày bán trong các shop gồm thực phẩm chức năng, bỉm, sữa tươi, sữa bột, bột ăn dặm, Vitamin… dành cho mẹ và bé. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm bày bán trong các shop trên có xuất xứ từ nước ngoài, không có tem nhãn phụ chữ Việt Nam và được bày bán công khai, dường như không "sợ" bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý.

Nhiều sản phẩm bánh kẹo ăn dặm nước ngoài không có tem nhãn mác phụ tiếng Việt

Nhiều sản phẩm bánh kẹo ăn dặm nước ngoài không có tem nhãn mác phụ tiếng Việt

Đặc thù của các shop kinh doanh sản phẩm mẹ và bé tại đây là nằm trên những tuyến phố chính của thành phố Vĩnh Yên. Với mặt bằng rộng, đẹp, đắc địa và chỉ cách một số đơn vị quản lý nhà nước, cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc vài ba km. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà các cửa hàng trên vẫn công khai bày bán một cách ngang nhiên như vậy?

Trao đổi với PV, chị N.V.T cho biết: “Tôi đã từng mua đồ ăn dặm, sữa bột, bỉm và Vitamin tại một số cửa hàng trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, tuy nhiên hầu như các sản phẩm chỉ có chữ nước ngoài trên tem nhãn, không có tem phụ chữ Việt Nam. Đã có đôi ba lần tôi thắc mắc việc nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm thì nhân viên của các shop đều nói là hàng “xách tay” từ nước ngoài về. Tin tưởng vào shop bán hàng, cùng với tâm lý dành cho con những gì tốt đẹp nhất có thể, nên chúng tôi cố gắng mua sản phẩm của “nước ngoài” về cho con sử dụng. Nhiều khi cảm thấy lo lắng và bất an về sản phẩm bởi không có thông tin rõ ràng nên tôi quyết tâm không lựa chọn mua hàng tại những shop kinh doanh này nữa. Giờ tôi và một số bạn bè chủ yếu lựa chọn sản phẩm dành cho con là hàng Việt Nam chất lượng cao, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng”.

Khi chất lượng cuộc sống nâng cao cũng là lúc nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng phát triển, với tâm lý "sính ngoại", người tiêu dùng dễ dàng mắc bẫy của gian thương. Họ dùng mác hàng xách tay để đưa khách hàng vào "ma trận" sản phẩm nhằm"chiếm đoạt" lòng tin của khách hàng.

Các loại sữa tắm, dầu gội nước nhãn hiệu nước ngoài được nhiều mẹ bỉm sữa lựa chọn

Các loại sữa tắm, dầu gội nước nhãn hiệu nước ngoài được nhiều mẹ bỉm sữa lựa chọn

Cần hiểu, hàng "xách tay" được mang từ nước ngoài về Việt Nam sẽ không thể có số lượng nhiều, bởi vậy không thể có nguồn hàng lớn, thậm chí rất lớn để có thể mở thành shop hàng hoặc hệ thống shop hàng. Vì thế rất mong phía cơ quan cần làm rõ "đường đi" của lượng hàng trên từ đâu về Việt Nam nói chung và thành phố Vĩnh Yên nói riêng.

Có hay không những shop bán hàng dành cho mẹ và bé tại thành phố Vĩnh Yên đang bán hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng và thậm chí hàng giả, trốn khoản tiền thuế đối với nhà nước?

Hơn nữa, không hiểu với phép thuật nào, những shop kinh doanh đồ mẹ và bé có dấu hiệu buôn lậu trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên lại có thể "che mắt", qua mặt được cơ quan QLTT, cũng như một số cơ quan chức năng quản lý tỉnh Vĩnh Phúc?

Trích nguyên lời ông Lê Hùng, phó cục trưởng cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc trong một lần trao đổi về vấn đề của hệ thống shop bán hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng Sam Sam trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, phía QLTT có thường xuyên kiểm tra shop này hay không? Câu trả lời của ông phó cục trưởng QLTT làm PV không khỏi ngỡ ngàng, thậm chí có chút lăn tăn, bối rối: "Chúng tôi chưa kiểm tra lần nào... để tôi kiểm tra lại". Câu trả lời của người đại diện phía lực lượng chức năng chuyên trách, tổ chức thực thi pháp luật về phòng chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm,...... của tỉnh Vĩnh Phúc, thể hiện rõ việc hoạt động buôn bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có dấu hiệu buôn lậu tràn lan ở nơi đây. Hậu quả của sự việc trên là 17 mã sản phẩm của chuỗi bán hàng Sam Sam có dấu hiệu buôn lậu, gian lận thuế.

Đối tượng sử dụng sản phẩm của các shop mẹ và bé trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên chủ yếu là các “bà bầu”, bà mẹ sau sinh và trẻ em. Đây là nhóm tiêu dùng đặc thù, thậm chí cần được bảo vệ trước "ma trận" hàng tiêu dùng. Tuy nhiên dường như tại thành phố Vĩnh Yên nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung quyền lợi của người tiêu dùng đang bị lãng quên.

Xin gửi đến ban chỉ đạo 389 tỉnh Vĩnh Phúc, cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc bài viết như lời nhắn gửi của người tiêu dùng tại đây, kính mong sớm nhận được hồi âm.

Chúng tôi tiếp tục đưa tin!

Ý kiến của ông Phạm Lộc Ninh, viện trưởng Viện kỹ thuật chống hàng giả:

“Trách nhiệm hành chính của tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, nhập khẩu, buôn bán hàng hóa được quy định rất cụ thể tại các văn bản quản lý nhà nước. Khi tham gia vào thị trường, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm đều phải bị xử lý theo các chế tài đã được pháp luật quy định.

Đối với các hành vi của shop kinh doanh hàng mẹ và bé tại Vĩnh Yên được phóng viên Tạp chí kỹ thuật chống hàng giả và gian lận thương mại mô tả như trên, nhận thấy việc các shop kinh doanh hàng hóa trôi nổi (hàng xách tay- hàng lậu) không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng…là hành vi vi phạm hành chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng; đối với các sản phẩm là thực phẩm còn gây nguy cơ rất cao ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng khi đối tượng sử dụng phần lớn là trẻ em và người đang mang thai.

Để quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, ngày 09 tháng 12 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2022. Theo đó, một số quy định về nhãn hàng hóa như sau:

1. Lương thực

a) Định lượng;

b) Ngày sản xuất;

c) Hạn sử dụng;

d) Thông tin cảnh báo (nếu có).

2. Thực phẩm

a) Định lượng;

b) Ngày sản xuất;

c) Hạn sử dụng;

d) Thành phần hoặc thành phần định lượng; thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng (nếu có);

Nội dung, cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng và lộ trình thực hiện theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Y tế;

đ) Thông tin cảnh báo;

e) Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.

3.Thực phẩm bảo vệ sức khỏe

a) Định lượng;

b) Ngày sản xuất;

c) Hạn sử dụng;

d) Thành phần, thành phần định lượng (không áp dụng ghi thành phần định lượng đối với phụ gia thực phẩm và phụ liệu) hoặc giá trị dinh dưỡng;

đ) Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản: Công dụng, đối tượng sử dụng, cách dùng;

e) Công bố khuyến cáo về nguy cơ (nếu có);

g) Ghi cụm từ: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe”;

h) Ghi cụm từ: “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

Mức xử phạt VPHC đối với lỗi vi phạm về nhãn hàng hóa có thể lên đến 120.000.000 đồng. Trong một số trường hợp vi phạm cụ thể còn bị tịch thu hàng hóa có nhãn vi phạm có liên quan đến chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, thuần phong mỹ tục; bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông; buộc thu hồi và tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm.

Ngoài hành vi vi phạm quy chế ghi nhãn hàng hóa, cơ sở kinh doanh còn vi phạm : kinh doanh hàng hóa nhập lậu được quy định tại Nghị định 98/2020/ NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ với mức xử phạt VPHC có thể lên đến 200.000.000 đồng và  tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm / buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, hàng hóa không bảo đảm an toàn sử dụng / buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm”.

Còn lại: 1000 ký tự
Hà Tĩnh: Bắt giữ 4 kg vàng vận chuyển trái phép qua cửa khẩu

(CHG) Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh chủ trì, phối hợp với lực lượng Hải Quan tỉnh Hà Tĩnh vừa phát hiện và bắt giữ 4 đối tượng có hành vi vận chuyển trái phép 4 kg vàng qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

Xem chi tiết
Thái Bình: Tịch thu 1.000 chiếc áo chống nắng không rõ nguồn gốc xuất xứ

(CHG) Lực lượng chức năng tỉnh Thái Bình kiểm tra, xử phạt 01 cửa hàng kinh doanh quần áo, với số tiền 45 triệu đồng và tịch thu 1.000 chiếc áo chống nắng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Xem chi tiết
Nghệ An: Xử phạt 01 doanh nghiệp kinh doanh trang sức giả mạo nhãn hiệu

(CHG) Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định xử phạt 01 doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vàng có hành vi buôn bán trang sức giả mạo nhãn hiệu, với mức xử phạt tiền là 55 triệu đồng.

Xem chi tiết
Quảng Ngãi: Liên tiếp xử phạt các hộ kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu

(CHG) Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi liên tiếp kiểm tra đột xuất, xử phạt 03 hộ kinh doanh hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu Nike và Gucci, với tổng số tiền hơn 53.000.000 đồng.

Xem chi tiết
An Giang: Thu giữ số lượng lớn hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

(CHG) Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang thực hiện kiểm tra, thu giữ số lượng lớn hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam

Xem chi tiết
2
2
2
3