Kỳ 2: Tái diễn nhiều thủ đoạn giả danh cơ quan điều tra để lừa đảo


(CHG) Thời gian qua, liên tiếp xuất hiện tình trạng giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án… hoặc giả mạo cổng thông tin điện tử của công an để thông báo cho chủ thuê bao có liên quan đến các vụ án đang bị điều tra nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

Giả mạo cổng thông tin của Bộ Công an để lừa đảo

Mạo danh cơ quan pháp luật

Nổi lên nhiều nhất trong thời gian qua là chiêu trò gọi điện thoại giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án… để lấy thông tin điều tra vụ án có liên quan đến nạn nhân. Sau đó, các đối tượng lừa đảo khai thác các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp với lý do phục vụ công tác điều tra rồi chiếm đoạt tài sản.

Tại TP.HCM liên tiếp xảy ra những vụ việc lừa đảo qua những cuộc điện thoại giả danh cơ quan điều tra. Điển hình như trường hợp anh N.H.N (27 tuổi) cho biết, ngày 9.6, anh nhận được cuộc gọi tự xưng là một cán bộ đang làm việc tại Cục Quản lý đường bộ III, báo về việc một chiếc xe ô tô hiệu Innova màu đen gây tai nạn tại ngã tư Điện Biên Phủ giao Nguyễn Tri Phương (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) vào ngày 6/5/2022.

Qua điện thoại, người này cho biết, sau khi gây tai nạn chủ xe bỏ trốn và hợp đồng thuê xe đứng tên anh N. Khi anh N không thừa nhận thông tin này, đối tượng chuyển hướng sang việc anh N. bị lộ thông tin rồi nối máy tới một đối tượng xưng danh là cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.Đà Nẵng.

“Đối tượng tra khảo tôi rất giống với một điều tra viên, kiểm tra thông tin của tôi, sau đó nối máy tới một đầu dây khác cho tôi nghe với cáo buộc tôi liên quan đến vụ rửa tiền, buôn bán ma túy và gửi cho tôi giấy tờ giả mạo viện kiểm sát”, anh N. nói.

Sau khi dùng những từ ngữ đe dọa mà anh N. không chịu thừa nhận, đối tượng chuyển hướng sẽ giúp anh N. minh oan với việc thanh tra tài khoản. Theo đó, đối tượng yêu cầu anh N. liệt kê toàn bộ số tiền trong các tài khoản cá nhân, kể cả số tiền trong thẻ tín dụng. Sau đó, người này hướng dẫn anh N. cài phần mềm bảo mật của Bộ Công an qua đường link (84.8091326.com) và thực hiện thao tác nhập thông tin tài khoản.

Sáng 10/6, đối tượng này tiếp tục bảo anh N. chứng minh tài chính để viện kiểm sát xác định nguồn tiền đến là tiền sạch không dính dáng đến vụ án. Đối tượng luôn miệng nói phải bảo mật thông tin cho ban chuyên án, nếu không sẽ bị kết tội tiết lộ thông tin bí mật quốc gia.

Để chứng minh tài sản, đối tượng yêu cầu anh N. kêu gọi 7 người khác chuyển vào tài khoản với tổng số tiền là 150 triệu đồng. Sau đó, tất cả số tiền trong tài khoản của anh N. đều được chuyển đến tài khoản 42710000974275, có tên Lê Thị Hồng Ngọc, mở tại Ngân hàng BIDV. 

Ngày 11/6, nghi ngờ bị lừa, anh N. đã đến Công an phường 12, quận Bình Thạnh, TP.HCM trình báo vụ việc.

Gần đây, ngày 3/8, thông tin từ Công an quận 12, TP.HCM, cơ quan này đang điều tra một vụ giả danh cán bộ công an lừa đảo chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng. Trước đó, Công an quận 12 đã nhận được đơn trình báo của ông Ma Xuân Đông (53 tuổi, làm việc tại phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM).

Ông Đông cho biết, ngày 9/7, ông nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 09063644XX thông báo số điện thoại của ông đang sử dụng sẽ bị cắt. Ông phải bấm vào phím số 2, rồi làm theo hướng dẫn để biết rõ lý do.

Tưởng thật, ông Đông làm theo thì được người ở đầu dây bên kia thông báo một số điện thoại ông đang dùng có liên quan đến tổ chức tội phạm rửa tiền và buôn bán ma túy đã bị bắt, sau đó nối máy cho ông Đông gặp một người tự xưng là công an.

Người này thông báo ông Đông liên quan đến một đường dây mua bán ma túy và rửa tiền. Ông Đông được yêu cầu kết bạn qua một tài khoản mạng xã hội. Sau đó người này tiếp tục yêu cầu ông Đông chụp thẻ ngân hàng, CMND gửi qua, rồi làm theo hướng dẫn từ đường link được gửi đến để xác minh.

Người này gửi cho ông Đông lệnh bắt giam và nói nếu không muốn bị bắt thì phải chứng minh số tiền 1 tỷ đồng trong tài khoản BIDV là trong sạch. Nhóm này còn yêu cầu ông Đông chuyển 840 triệu đồng trong tài khoản Vietcombank vào tài khoản BIDV.

Liên tục bị hối thúc chuyển tiền, nạn nhân nghi ngờ bị lừa đảo nên đến ngân hàng kiểm tra, phát hiện toàn bộ số tiền trong tài khoản BIDV là 1,840 tỷ đồng đã biến mất.

Thủ đoạn lừa đảo mà ông Đông gặp phải không mới lạ. Đã có rất nhiều nạn nhân bị các đối tượng xấu gọi điện tới tự xưng là công an, nhân viên hải quan… để lừa đảo. Cơ quan chức năng và truyền thông cũng đã đưa ra các lời cảnh báo. Tuy nhiên vẫn có nhiều người “dính bẫy”. 

Trường hợp của bà H. (SN 1940, trú quận Đống Đa, Hà Nội) cũng bị lừa tương tự. Ngày 3/7, Công an phường Thổ Quan (quận Đống Đa) tiếp nhận đơn trình báo của bà H. về việc nhận được cuộc điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an. Đối tượng thông báo bà có liên quan đến một vụ án ma túy và yêu cầu bà chuyển tiền để chứng minh mình không liên quan. 

Quá lo lắng, bà H. đã chuyển 1,2 tỷ đồng vào tài khoản mà đối tượng cung cấp. Sau đó, bà H. nghi ngờ mình bị lừa nên đã đến cơ quan công an trình báo. 

Ảnh minh họa

Không lộ thông tin ngân hàng qua mạng cho… bất cứ ai 

Theo Công an TP.Hà Nội, thời gian qua, mặc dù đã có nhiều cảnh bảo về thủ đoạn mạo danh cơ quan Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng vẫn còn có người “sập bẫy” các đối tượng. Đa phần đó là những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí. Khi xảy ra sự việc, nạn nhân lo sợ bị mất uy tín nên có trường hợp không trình báo với cơ quan công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Chị N.T.L (Phúc Thọ, Hà Nội) đã trở thành nạn nhân của những đối tượng lừa đảo. Ngày 26/4, chị L. nhận được cuộc điện thoại của người lạ (số 88260009275) thông báo việc chị mở tài khoản tại một ngân hàng chi nhánh Đà Nẵng và đang nợ số tiền gần 40 triệu đồng. 

Tuy phủ nhận việc mình vay nợ, nhưng khi người gọi xưng danh là cán bộ điều tra, yêu cầu phải phối hợp thì chị làm theo hướng dẫn, gửi ảnh chụp thẻ ngân hàng, CMND, mã OTP... Sau đó, tài khoản ngân hàng của chị bị mất 395 triệu đồng.

Gần đây, Công an thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đang xác minh, điều tra vụ giả danh cán bộ công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 1 tỷ đồng của người dân. Theo đó, ngày 11/6, bà P. (sinh năm 1958, trú thị xã Sơn Tây) nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là công an, thông báo bà có lệnh bắt và yêu cầu cung cấp tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra. Sau khi làm theo hướng dẫn, bà P. phát hiện tài khoản ngân hàng bị mất hơn 1 tỷ đồng.

Có thể khẳng định, chiêu trò giả danh công an để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản không mới, tuy nhiên các đối tượng đã hoạt động tinh vi hơn. Trung tá Đoàn Tuấn Anh – Phó trưởng Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, để tránh sập bẫy loại tội phạm này, người dân cần nâng cao cảnh giác, thường xuyên cập nhật thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để nêu cao tinh thần cảnh giác, đồng thời có kiến thức để tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn lừa đảo, để tránh mắc bẫy của loại tội phạm này. 

Người dân cũng không nên công khai các thông tin cá nhân trên mạng xã hội, các trang thương mại điện tử, hoặc khi mua sắm tại các cửa hàng, không làm theo yêu cầu của người lạ như tải đường dẫn về cài đặt, đăng nhập các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, tránh việc lộ thông tin cá nhân, khiến tội phạm lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. 

Công an TP. Hà Nội khuyến cáo, khi có nghi vấn, người dân hãy báo ngay đến cơ quan công an nơi gần nhất hoặc gọi điện thoại đến Tổng đài 113; Hotline 069.219.4053 để được giải quyết.

 (Còn tiếp)

Còn lại: 1000 ký tự
Tiền Giang: Xử phạt hơn 100 triệu đồng về hành vi buôn bán hàng giả

(CHG) Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 01 Công ty buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng và không có bản tự công bố sản phẩm, với số tiền xử phạt, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 100 triệu đồng.

Xem chi tiết
Long An: Tạm giữ số lượng lớn sản phẩm quần áo không rõ nguồn gốc xuất xứ.

(CHG) Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An phối hợp Công an huyện Đức Hòa thực hiện kiểm tra cơ sở đang livestream bán hàng trực tuyến, tạm giữ số lượng lớn sản phẩm quần áo không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Xem chi tiết
Thanh Hóa: Phát hiện đường dây sản xuất nước giặt, nước rửa bát giả nhãn hiệu Thái Lan

(CHG) Công an tỉnh Thanh Hóa thông tin, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Nghi Sơn đã hoàn tất hồ sơ đề nghị truy tố 10 bị can trong đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là nước giặt, nước rửa bát giả nhãn hiệu Thái Lan.

Xem chi tiết
Quảng Bình: Tiêu hủy hơn 1500 sản phẩm thời trang giả mạo nhãn hiệu

(CHG) Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình đã tiến hành giám sát tiêu huỷ hơn 1500 sản phẩm thời trang giả mạo các nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam. Tổng trị giá tang vật vi phạm bị tiêu hủy hơn 56 triệu đồng.

Xem chi tiết
Gia Lai: Xử phạt 06 cơ sở vi phạm trong hoạt động kinh doanh dược

(CHG) Lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai kiểm tra, xử phạt hành chính 06 cơ sở kinh doanh dược vi phạm theo quy định của pháp luật, với số tiền 47 triệu đồng.

Xem chi tiết
2
2
2
3