(CHG) Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng đúng liều lượng, đúng cách sẽ hỗ trợ, nâng cao năng suất cây trồng. Thế nhưng, nhiều nông dân lại vô tình “đầu độc” chính vườn cây, ruộng lúa của chính mình khi mua phải thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng và thuốc bảo vệ thực vật sử dụng chất cấm.
Thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cấm
Thời gian qua, các cơ quan chức năng liên tiếp bắt giữ, tiêu huỷ thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu. Đáng báo động thuốc bảo vệ thực vật giả, nhái, kém chất lượng và có chứa chất cấm được tuồn ra thị trường ảnh hưởng chẳng những làm giảm năng suất cây trồng mà ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người nông dân.
Lực lượng chức năng phát hiện hàng trăm kg thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ (Ảnh: Báo Công Thương).
Điển hình như tại tỉnh Đồng tháp đã buộc tiêu huỷ thuốc bảo vệ thực vật không được phép sử dụng tại Việt Nam. Kiểm tra hộ kinh doanh đại lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật Lý Xía, xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, Đội Quản lý thị trường số 3 phát hiện có 200 túi thuốc trừ bệnh Super Mancozeb (loại 01 kg/túi tương đương 200kg).
Tại thời điểm kiểm tra, hộ kinh doanh Lý Xía đang buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Đó là thuốc trừ bệnh Super Mancozeb, thành phần: Mancozeb 80% W/W, chất phụ gia 20%, Công ty TNHH Nông nghiệp Lúa Vàng (số 633 Phạm Văn Bạch, phường 12, quận Gò Vấp, TP. HCM) phân phối; ngày sản xuất: 05/01/2022; hạn sử dụng: 02 năm.
Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 6 Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang trong khi kiểm tra 2 cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn huyện Cai Lậy, cũng phát hiện nơi đây bán phân bón không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam. Tang vật vi phạm gần 6 tấn phân bón, trị giá hơn 50 triệu đồng.
Còn tại Đắk Nông, Cục Quản lý thị trường tỉnh này đã phát hiện 1.850 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật vi phạm về ghi nhãn hàng hóa với trị giá hàng hóa theo niêm yết là 267.700.000 đồng. Trong tháng 9, đoàn kiểm tra liên ngành đã xử phạt 10 đơn vị kinh doanh thuốc bảo vệ tại huyện Đắk R’Lấp, Đắk Song, Đắk Mil với số tiền 140.000.000 đồng về các hành vi vi phạm: Bán thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam, ghi nhãn hàng hóa, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Theo thông tư 10/2020/TT-BNNPTNT, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng với nội dung cụ thể.
Đối với danh mục được phép sử dụng: Theo thống kê, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng như: thuốc trừ mồi; thuốc bảo quản lâm sản; thuốc khử trùng kho; thuốc sử dụng cho sân golf; thuốc xử lý hạt giống; thuốc bảo quản nông sản sau thu hoạch, là rất lớn, với 1785 hoạt chất và hơn 4.000 tên thương phẩm. Vì lẽ đó khiến cho người tiêu dùng như đứng giữa “ma trận” thuốc bảo vệ thực vật, rất khó lựa chọn đúng sản phẩm, đúng chỉ tiêu chất lượng.
Cũng theo thông tư trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam, như sau: Thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản lâm sản: 23 hoạt chất; Thuốc trừ bệnh: 6 hoạt chất; Thuốc trừ chuột: 1 hoạt chất; Thuốc trừ cỏ: 1 hoạt chất.
Thế nhưng, có những tổ chức và cá nhân vì ham lợi nhuận, họ cố tình sản xuất, buôn bán và tổ chức sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh mục cấm. Cùng với đó, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật không kiểm soát có thể gây mất cân bằng hệ sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến môi sinh, giết chết các vi sinh vật có lợi trong đất, làm chai lỳ đất, sâu bệnh nhờn, kháng thuốc bảo vệ thực vật, gây tổn hại trực tiếp đến việc canh tác, trồng trọt, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của ngành nông nghiệp.
Bên cạnh đó, thuốc bảo vệ thuộc danh mục cấm chứa nhiều độc tố, tích tụ trong đất không chỉ làm ô nhiễm môi trường canh tác, trồng trọt, mà lượng chất độc tồn dư trong đất quá lâu thời dài sẽ sinh ra các hợp chất mới, có độc tính cao hơn ban đầu. Phần thuốc bảo vệ thực vật dư thừa sẽ lưu cữu và ngấm vào đất, gây ô nhiễm nguồn tài nguyên nước, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến các loài động vật dưới nước và nguồn nước tưới tiêu…
Trong quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhiều người nông dân chủ quan, không trang bị đồ bảo hộ, không vệ sinh tốt sau khi phun ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ. Cùng với đó, nguồn cung ứng các sản phẩm nông sản ra thị trường trong và ngoài nước sẽ bị đứt gãy, vì các sản phẩm nông sản, nông ngiệp bị tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt quá ngưỡng an toàn cho phép, có thể dẫn tới hệ lụy khó lường, thậm chí sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người… Vì có thể tích tụ trong cơ thể lâu ngày, hình thành nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Cách chống thuốc bảo vệ thực vật giả bảo vệ người tiêu dùng
Hàng năm, có hàng triệu người nông dân phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn để mua thuốc bảo vệ thực vật, tuy nhiên nhiều loại trong số đó là những dòng thuốc đã nằm trong danh mục cấm sản xuất, hoặc là thuốc bảo vệ thực vật giả, nhái, kém chất lượng… mà chính họ không thể xác định được. Hậu quả do vấn gây ra là rất lớn, làm cho hàng triệu người dân lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì cây trồng bị thiệt hại, năng suất thấp không có tiền thanh toán mua vật tư nông nghiệp.
Hơn 6,7 tấn thuốc trừ cỏ vi phạm được tập kết tạm tại một cơ quan ở thị trấn Tân Dân, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang (Ảnh: Báo Bắc Giang).
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lợi dụng sự thiếu thông tin của người dân, sự hám lợi của các đại lý để tuồn những loại thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh mục cấm, thậm chí công khai lưu hành trên thị trường và len lỏi vào từng thôn làng. Việc làm này không chỉ gây thiệt hại cho người dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp chân chính.
Điều đó cho thấy cơ chế quản lý và kiểm soát chất lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật còn lỏng lẻo, nhiều bất cập, chồng chéo, thậm chí ngay chính giữa các cơ quan chức năng với nhau. Vì vậy, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” thì mới hiệu quả. Đặc biệt là trong lúc thị trường thuốc bảo vệ thực vật đang diễn ra phức tạp, các quy định pháp lý về quản lý sản xuất, kinh doanh mặt hàng này còn chưa hoàn thiện, thì các bộ, ngành liên quan cần phối hợp với các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền để nông dân nhận biết, sử dụng đúng sản phẩm.
Theo chuyên gia nông nghiệp, cách phân biệt thuốc bảo vệ thực vật giả như sau:
- Đọc kĩ và xem nhãn thuốc trước khi mua: Thuốc bảo vệ thực vật giả thường in thiếu thông tin quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như bao bì không đúng mẫu đăng ký, logo của nhà sản xuất không có hoặc không đúng; tên thuốc không có trong danh mục được cho phép sử dụng; không có hạn sử dụng; không có số đăng ký sản xuất và không có cơ quan cho phép sản xuất...
- Giá cả chênh lệch nhiều so với giá chính thức công bố của các công ty sản xuất và nhà phân phối.
- Khi gọi điện thoại đăng ký trên bao bì thường không liên lạc được.
- Về chất lượng thuốc: Nếu nghi ngờ mua phải hàng giả, hàng nhái phải báo ngay cơ quan chuyên môn như Trạm bảo vệ thực vật, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật, Quản lý thị trường, Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Hội Nông dân các cấp,.. để kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, từ đó đưa ra kết luận chính xác và xử lý kịp thời. Cùng với đó, các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh kiểm tra, kiên quyết xử lý, thu hồi đối với hành vi sản xuất, mua bán phân bón giả và thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh mục cấm.
Trước thực trạng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả, nhái, kém chất lượng lan tràn trên thị trường, nhiều hộ nông dân đã không phân biệt được đâu là thật, là giả nên đã mua về sử dụng. Việc làm này chẳng những gây thiệt hại trong sản xuất, mà còn tác động tiêu cực đến môi trường đất, không khí và sức khoẻ người nông dân.
0
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết