(CHG) Vừa qua, liên ngành giữa các lực lượng chức năng như Quản lý thị trường, Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh tại Nghệ An đã phối hợp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để truy thu thuế trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn.
Lực lượng chức năng đang kiểm tra hàng hoá vi phạm.
Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử đạt mức 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử 2 con số. Theo tính toán của các tập đoàn lớn thế giới như Google, Temasek và Bain&Company, nhiều khả năng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.
Hiện có khoảng 14 tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới và 8 trang điện tử hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ thuế. Số thuế thu được thông qua các tổ chức, cá nhân Việt Nam khấu trừ, nộp thay khoảng 1.000 tỷ đồng/năm (từ năm 2018 đến hết tháng 10-2021). Các đơn vị này đã khai, nộp thuế với tổng số tiền là 4.263,82 tỷ đồng.
Trong năm 2021, số thuế thu được từ các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như: Google, Youtube, Facebook... là 1.314 tỷ đồng. Trong đó, số thu từ một số tập đoàn lớn như Facebook được 521 tỷ đồng; Google 490 tỷ đồng; Microsoft 164 tỷ đồng. Riêng số thu từ cá nhân tự kê khai, số thuế truy thu, tiền phạt qua thanh tra kiểm tra đối với cá nhân cư trú tại Việt Nam, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại các trang mạng xã hội nước ngoài Google, Facebook, Youtube, Apple... tính đến hết tháng 10/2021 là 498 tỷ đồng.
Thực tiễn này đòi hỏi cần có những thích ứng phù hợp, kịp thời, không chỉ nhằm quản lý hiệu quả mà còn tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động thương mại điện tử. Đồng thời tạo sân chơi bình đẳng giữa loại hình kinh doanh truyền thống và hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, giữa hoạt động kinh doanh trong nước và hoạt động kinh doanh xuyên biên giới.
Bám sát sự chỉ đạo của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nghệ An, qua theo dõi và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, sáng ngày 05/10/2022, Đội Quản lý thị trường số 11 đã phối hợp với Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Nghệ An tiến hành kiểm tra đột xuất tại địa điểm kinh doanh linh kiện điện thoại di động tại đường Quang Trung, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An do ông L.A.T sinh năm 1992 làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, ông T. đang vận hành các tài khoản Fanpage Facebook, Tiktok của mình để thực hiện các hoạt động quảng cáo, chào bán các sản phẩm linh kiện điện thoại trên môi trường Internet. Lực lượng chức năng phát hiện ông T. đang kinh doanh 40 tai nghe không dây, là hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của Apple đang được bảo hộ tại Việt Nam. Đội Quản lý thị trường số 11 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nói trên để xác minh, làm việc với chủ thể quyền để xử lý đúng theo quy trình, quy định của pháp luật.
Làm việc với cơ quan chức năng, ông T. cũng thừa nhận mình là một “KOL” (Key opinion leader - người có sức ảnh hưởng, lượt tương tác lớn với gần 1 triệu lượt follow, 15 triệu lượt like ở mạng xã hội Tiktok), thời gian qua ông đã sử dụng “độ phủ”, lượt tương tác trên “kênh” của mình để tiến hành các hoạt động kinh doanh trên môi trường Internet.
Do hiểu biết pháp luật về thương mại điện tử còn hạn chế, nên ông không biết quyền và nghĩa vụ phải nộp thuế “online” đối với cơ quan Thuế, cũng như còn để xảy ra việc buôn bán các loại hàng hóa vi phạm. Ông T thừa nhận các sai phạm của mình, cam kết sẽ khắc phục. Đoàn kiểm tra đã tiến hành làm việc, ghi nhận các nội dung và chuyển toàn bộ thông tin, dấu hiệu ban đầu cho cơ quan Thuế để tiến hành các biện pháp nghiệp vụ xác minh, truy thu thuế theo đúng quy định.
Theo ông Nguyễn Văn Hường – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Nghệ An cho biết: Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong Thương mại điện tử hiện nay đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức cho các lực lượng chức năng. Các cá nhân vi phạm thường là những người có trình độ, lợi dụng triệt để sự phát triển của Công nghệ thông tin để thực hiện hành vi vi phạm, như mở nhiều tài khoản, đăng ký các thông tin “ảo”, khởi tạo nhanh và xóa dấu vết cũng nhanh, cài đặt chế độ ẩn bình luận, giấu số điện thoại liên hệ....
"Đối với vụ việc nói trên, từ những thông tin đơn giản ban đầu trên mạng Internet, chúng tôi đã phải mất hàng tháng trời để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp đồng bộ với các lực lượng chức năng để triển khai kiểm tra, xử lý một cách có hiệu quả; nhất là các vấn đề liên quan đến hoạt động quản lý Thuế. Thương mại điện tử là lĩnh vực kinh doanh mới đem lại nhiều lợi ích tuy nhiên khuyến cáo các tổ chức, cá nhân khi tham gia cần tìm hiểu kỹ để chấp hành đúng các quy định của pháp luật", ông Nguyễn Văn Hường cho biết. Mới đây, nhằm hóa giải những thách thức trong quản lý thu thuế thương mại điện tử, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Công điện số 889/CĐ-TTg chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan như Bộ Công an; Bộ Công thương; Bộ Thông tin và Truyền thông; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và 63 tỉnh, thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh Thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Thời gian tới bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Cục Quản lý thị trường Nghệ An, Đội Quản lý thị trường số 11 sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan để đẩy mạnh việc thu thập, thẩm tra xác minh thông tin, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử nhất là các vi phạm mang tính chất tổng thể, “chuyên sâu”; bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp người tiêu dùng; thúc đẩy thương mại điện tử phát triển theo chiều hướng tích cực trên địa bàn.
2
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết