Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế dữ liệu tại Việt Nam


Đề tài Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế dữ liệu tại Việt Nam do TS. Đặng Thị Bích Ngọc (Học viện Ngân hàng) thực hiện.

TÓM TẮT:

Cũng như đất đai và lao động trong kỷ nguyên nông nghiệp; công nghệ và vốn trong kỷ nguyên công nghiệp; trong nền kinh tế dữ liệu, dữ liệu đóng vai trò như một nguồn tài nguyên cho tương lai, tạo ra sự bứt phá tăng trưởng kinh tế số. Theo các chuyên gia, dữ liệu là “dầu mỏ”, là nguyên liệu cho nền kinh tế số... Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam không nằm ngoài xu thế này. Bài viết phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số thông qua xây dựng những ngành công nghiệp dựa vào dữ liệu.

Từ khóa: dữ liệu, kinh tế dữ liệu, kinh tế số, chuyển đổi.

1. Khái quát về dữ liệu

Bên cạnh các nguồn lực: đất đai, vốn, lao động, tài nguyên khoáng sản, dữ liệu đã trở thành đầu vào quan trọng của quá trình sản xuất trong các mô hình kinh tế truyền thống. Dữ liệu cung cấp nguyên liệu cho các thuật toán trí tuệ nhân tạo, từ đó tạo ra những dự báo được sử dụng cho nhiều ứng dụng… Dữ liệu có đặc điểm khác biệt so với những yếu tố đầu vào truyền thống. Nếu tài nguyên, sức lao động, máy móc bị hao mòn và cạn kiệt dần trong quá trình sử dụng thì ngược lại, nguồn dữ liệu không bị cạn kiệt, càng nhiều người sử dụng càng làm tăng tăng giá trị của nó. Dữ liệu riêng lẻ có thể mang ít giá trị, nhưng nó vẫn nhân lên khi được tổng hợp và phân tích với các dữ liệu liên quan khác, từ đó tạo ra cạnh tranh trong quá trình đổi mới sáng tạo và hình thành tri thức. Vì vậy, tích lũy dữ liệu càng nhiều sẽ càng tạo ra cơ hội tăng năng suất và tăng trưởng dài hạn tốt hơn. Trong những năm gần đây, những tiến bộ vượt bậc về khả năng xử lý các tập dữ liệu lớn, điện toán nhận thức, công nghệ đám mây đã mang lại cho con người khả năng khai phá dữ liệu chưa từng có, phục vụ hiệu quả cho mọi hoạt động của con người.

Trong nền kinh tế số, dữ liệu đang được ví như một loại “dầu mỏ” mới - loại nguyên liệu không thể thiếu cho sự vận hành của các chủ thể, từ Nhà nước đến doanh nghiệp. Theo Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF), dữ liệu sẽ thúc đẩy tăng trưởng thông qua việc cải thiện tính hiệu quả và đổi mới của nền kinh tế. Theo đó, dữ liệu có 2 chức năng chính, gồm: (i) dữ liệu là yếu tố đầu vào quan trọng của các hoạt động sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nền kinh tế số; (ii) dữ liệu sẽ làm thay đổi hoàn toàn cách lưu chuyển thông tin, từ đó giảm thiểu tình trạng bất cân xứng thông tin và chi phí giao dịch, qua đó tác động đến tính minh bạch, hiệu quả, công bằng, cạnh tranh.

Hiện nay, quyết định dựa trên dữ liệu theo thời gian thực đang là xu hướng mới và chứng tỏ tính ưu việt trong quản trị và điều hành doanh nghiệp. Thực tế cho thấy những công ty giá trị lớn nhất trên thế giới hiện nay đều có điểm chung lấy dữ liệu là yếu tố trung tâm.

2. Kinh tế dữ liệu

Nhìn từ góc độ hẹp, kinh tế dữ liệu có thể đồng nhất với ngành công nghiệp dữ liệu - một ngành công nghiệp cơ bản tạo ra một nguồn tài nguyên được gọi là dữ liệu và cung cấp nó trên toàn bộ phạm vi của nền kinh tế tổng thể. Theo đó, một hệ sinh thái dữ liệu được vận hành quy tụ những người tham gia thực hiện các hoạt động liên quan đến dữ liệu như tạo lập, tích lũy, xử lý, trao đổi, khai thác và bảo vệ dữ liệu. Nói cách khác, dữ liệu và dịch vụ liên quan tới dữ liệu chính là thành phẩm của ngành công nghiệp dữ liệu. Ngành công nghiệp dữ liệu là một hệ sinh thái bao gồm 3 lĩnh vực: (i) giải pháp dữ liệu; (ii) xây dựng và tư vấn dữ liệu; (iii) dịch vụ dữ liệu. Trong đó, dịch vụ dữ liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất. Doanh thu của các công ty kinh doanh dịch vụ dữ liệu đến từ hoạt động bán, môi giới dữ liệu, cung cấp dịch vụ phân tích dữ liệu, xử lý dữ liệu thô. Có thể gọi các công ty này là công ty dữ liệu. Bên cạnh đó, các công ty xây dựng, tư vấn dữ liệu chủ yếu tham gia vào hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu, tư vấn về chất lượng, thiết kế, sử dụng dữ liệu hay hoạt động xử lý tài liệu, thông tin thành dữ liệu kỹ thuật số,… Còn lại là các công ty cung cấp giải pháp dữ liệu bao gồm sản phẩm giải pháp về mô hình hóa, phân tích hoặc trực quan hóa dữ liệu, công cụ tìm kiếm,…

Với góc nhìn rộng, nền kinh tế dữ liệu hay được gọi là nền kinh tế dựa trên dữ liệu, được định nghĩa như một hệ thống kinh tế, trong đó dữ liệu được sử dụng như một nền tảng cho mọi hoạt động kinh tế và là một nguồn tài nguyên cốt lõi để tạo ra giá trị gia tăng mới trong các ngành công nghiệp truyền thống. Như vậy, bản thân ngành công nghiệp dữ liệu chỉ là một thành phần của nền kinh tế dữ liệu. Giá trị của nền kinh tế dữ liệu theo góc nhìn này sẽ bao gồm tổng giá trị của nền công nghiệp dữ liệu và giá trị kinh tế gia tăng dưới sự tác động của dữ liệu.

Dù nhìn ở góc độ nào cũng cho thấy, nền công nghiệp dữ liệu là nền tảng cho việc hình thành và phát triển của nền kinh tế dữ liệu. Với tư cách là một ngành công nghiệp, công nghiệp dữ liệu đóng góp trực tiếp vào hệ thống kinh tế quốc gia. Mặt khác, thành phẩm của ngành công nghiệp mới này tạo nên những tác động liên kết đối với những ngành công nghiệp khác của nền kinh tế.

3. Sự hỗ trợ của ứng dụng dữ liệu cho phát triển các lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam

Ứng dụng dữ liệu hỗ trợ nâng cao hiệu suất và tối ưu hóa thời gian và chi phí cho khách hàng trong nhiều lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam. Cụ thể, dữ liệu được phân tích chuyên sâu về doanh nghiệp, tài chính, vĩ mô kết hợp với nền tảng công nghệ sẽ hỗ trợ hoạt động tài chính, thương mại, hợp tác đầu tư... của các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực.

Đối với các tổ chức tài chính, dữ liệu có thể phục vụ hoạt động quản trị rủi ro tín dụng của doanh nghiệp, hỗ trợ phân tích tiềm năng của từng tệp khách hàng, từ đó phát triển các dịch vụ và chính sách tín dụng hay bảo hiểm phù hợp. Cụ thể, dựa trên cơ sở dữ liệu lớn về thị trường và doanh nghiệp kết hợp với các công nghệ và thuật toán học máy (machine learning - ML) có thể xây dựng lên các mô hình chấm điểm, nhờ đó có thêm cơ sở thông tin để dự đoán các xu hướng rủi ro và triển vọng tương lai của doanh nghiệp trước khi ra quyết định đầu tư, hợp tác. Ứng dụng dữ liệu cũng có thể giúp sàng lọc đối tác và đối chuẩn một cách hiệu quả và chính xác dựa trên hồ sơ kinh doanh được phân tích tùy chỉnh. Đồng thời, hỗ trợ cải tiến quy trình dịch vụ, tối ưu hóa chi phí nhân sự, đặc biệt ở các khâu thẩm định, quản lý rủi ro, bán hàng và tiếp thị.

Trong lĩnh vực sản xuất - thương mại và các lĩnh vực tư vấn, dịch vụ khác, dữ liệu sẽ được phân tích để phục vụ quá trình tìm kiếm đối tác hợp tác tiềm năng, hạn chế tối đa rủi ro từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng. Đồng thời, dữ liệu hỗ trợ phân tích ngành, phân tích đối thủ cạnh tranh để xây dựng chiến lược phù hợp, cũng như phục vụ hoạt động tư vấn nghiên cứu của nội bộ và đối tác.

4. Thực trạng phát triển kinh tế dữ liệu tại Việt Nam hiện nay

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nhận ra giá trị tiềm năng của dữ liệu và bắt đầu đầu tư vào công nghệ và nhân lực để xử lý phân tích dữ liệu. Giai đoạn 2021-2022, các doanh nghiệp đã có sự thay đổi tích cực trong nhận thức, giai đoạn 2023-2025 là giai đoạn tăng tốc, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số. Dữ liệu doanh nghiệp đang phát triển nhanh chóng vượt trội so với dữ liệu người tiêu dùng, gây áp lực cho các doanh nghiệp trong việc quản lý và bảo vệ dữ liệu, ứng dụng dữ liệu để nâng cao hiệu suất và tạo ra lợi nhuận.

Với lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, khả năng tiếp thu công nghệ cao, nền kinh tế dữ liệu Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng lớn với quá trình chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào lĩnh vực dữ liệu, chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm. Mặc dù vậy, tỷ lệ doanh nghiệp thực sự sử dụng dữ liệu trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam còn chưa cao. Theo kết quả khảo sát năm 2022 đề cập trong Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp 2022, đa phần DN đã có nhận thức và ý thức được về sự cần thiết phải chuyển đổi số (CĐS), nhưng CĐS chưa đạt mục tiêu kỳ vọng. Các DN chủ yếu đang ở bước số hóa, hoặc đã từng bước sử dụng các công nghệ, phần mềm mới nhưng chưa đạt được mục tiêu đề ra nên đã ngừng sử dụng, hoặc vẫn đang sử dụng nhưng còn gặp khó khăn, chưa thực sự thuận lợi. Cụ thể:

+ Có 48,8% doanh nghiệp đã từng sử dụng một số giải pháp CĐS nhưng hiện tại không còn sử dụng do giải pháp chưa phù hợp, hoặc doanh nghiệp áp dụng để đáp ứng những nhu cầu tức thời đặt ra trong bối cảnh dịch Covid-19 nhưng giờ không còn nhu cầu. Lý do khác cho thực trạng này là việc các doanh nghiệp chưa xác định được mục tiêu và chiến lược CĐS đúng đắn, cũng như thiếu nhân sự phục vụ CĐS cả về lượng và chất. Điều này thể hiện rõ khi chỉ có 6,2% đã hoàn thành xác định mục tiêu CĐS và chỉ 7,6% đã từng bước xây dựng kế hoạch trong ngắn và dài hạn để chuyển đổi số.

+ Có 35,3% doanh nghiệp đã số hóa dữ liệu, quy trình (chủ yếu đưa các dữ liệu, văn bản, giấy tờ từ “bản cứng” thành “bản mềm” lưu trữ trên hệ thống). Đây là hoạt động quan trọng để tiến tới CĐS ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn.

+ Một tỉ lệ nhỏ (2,2%) đã làm chủ công nghệ, phần mềm quản lý để phân tích dữ liệu, tự động hóa để đưa ra các quyết định trong sản xuất, kinh doanh, cho dù một số vẫn còn gặp khó khăn trong quá trình sử dụng công nghệ.

Có nhiều nguyên nhân cho việc này, nhưng kinh nghiệm trong ngành phân tích dữ liệu cho thấy, có những thách thức lớn cần vượt qua để phát triển công nghệ dữ liệu trong doanh nghiệp, bao gồm: chi phí đầu tư công nghệ dữ liệu còn cao; cơ sở hạ tầng thông tin chưa đáp ứng; nguồn nhân lực dữ liệu còn hạn chế; khó tiếp cận thông tin và giải pháp công nghệ phù hợp; tổ chức quản lý, quy trình nghiệp vụ chưa chuẩn hóa. Kết quả khảo sát (Báo cáo Thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2022) cho thấy, chưa đến 40% các doanh nghiệp có ngân sách để đáp ứng nhu cầu CĐS từ mức trung bình đến đầy đủ để tiếp nhận các tư vấn và giải pháp CĐS. Trong khi đó, có đến 43,3% doanh nghiệp có dự toán ngân sách đầu tư cho CĐS, nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Đáng lo ngại, có tới 20% doanh nghiệp hoàn toàn không có dự toán ngân sách đầu tư cho CĐS. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý về quản lý và bảo mật dữ liệu chưa hoàn thiện, đặc biệt là các chính sách về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu cá nhân cũng là một vấn đề ảnh hưởng tới sự phát triển công nghệ dữ liệu trong doanh nghiệp.

5. Một số lưu ý cho Việt Nam khi phát triển nền kinh tế dữ liệu

Vai trò của dữ liệu số ngày càng rõ nét, quan trọng hơn, điều đó được thể hiện ở việc Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số đã chọn năm 2023 là “Năm dữ liệu số quốc gia”, tạo ra giá trị mới từ dữ liệu với mục tiêu xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia, thúc đẩy chuyển đổi số. Để bắt kịp với Cách mạng công nghiệp 4.0, có đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số, quyết định những chiến lược hình thành và phát triển nền kinh tế dữ liệu; một số định hướng chúng ta cần quan tâm là:

Thứ nhất, nhận thức đúng đắn vai trò dữ liệu như tài nguyên nền tảng của nền kinh tế và quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và phát triển các ngành kinh tế dữ liệu. Dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển nền kinh tế số và là tài nguyên cần tận dụng khai thác, chia sẻ. Trong bối cảnh nền kinh tế số với vai trò quan trọng của dữ liệu, hiện có 2 thách thức lớn đang đặt ra đó là công nghệ và thể chế.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống luật, tạo thuận lợi cho phát triển hạ tầng cơ sở dữ liệu. Cơ sở dữ liệu (hạ tầng số) như nền móng của công trình. Để hình thành và phát triển kinh tế dữ liệu, cần xây dựng nền tảng thể chế cho các mô hình kinh doanh kinh tế số, dịch vụ dữ liệu, hoàn thiện hành lanh pháp lý, quy định pháp luật cho các mô hình kinh doanh mới như: thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số... tạo thuận lợi cho việc tổ chức, quản lý, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức, quản lý, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình hoạt động. Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công trực tuyến và Chính phủ điện tử.

Thứ ba, xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu mở. Xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu khác được Chính phủ xác định là 1 trong 4 chính sách tạo dựng nền kinh tế số. Tháng 10/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 175/NQ-CP phê duyệt Đề án Trung tâm Dữ liệu Quốc gia. Đây là trung tâm dữ liệu do Chính phủ xây dựng, quản lý, khai thác và vận hành; tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, chia sẻ, phân tích, khai thác, điều phối dữ liệu của các cơ quan nhà nước theo quy định nhằm hình thành kho dữ liệu về con người và kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia... Việc sớm hoàn thiện Cổng Dữ liệu Quốc gia để công bố thông tin về dữ liệu, cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước để thúc đẩy chia sẻ dữ liệu, minh bạch hóa dữ liệu của cơ quan nhà nước và góp phần thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng dữ liệu của Chính phủ để tham gia nhiều hơn vào các công việc của nhà nước, của xã hội.

Cùng với đó, ban hành chính sách cụ thể về quản lý, sử dụng và chia sẻ dữ liệu. Tổ chức, quản lý dữ liệu số trong cơ quan nhà nước phải đảm bảo thuận lợi cho việc chia sẻ và khai thác dữ liệu số. Tuân thủ các quy định về bảo mật thông tin, các quy định về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến dữ liệu số, quyền riêng tư của tổ chức, cá nhân.

Thứ tư, đầu tư phát triển hạ tầng kết nối. Cần có chính sách cụ thể khuyến khích doanh nghiệp nhanh chóng phát triển dịch vụ internet di động 5G, đầu tư mở rộng mạng lưới cáp quang tốc độ cao và tăng băng thông internet quốc tế. Công nghệ 5G rất quan trọng với sự phát triển, bởi nó tạo ra nền tảng cho chuyển đổi số, ứng dụng Internet Vạn Vật (IoT) để xây dựng các thành phố thông minh, xã hội thông minh và phát triển các ngành công nghiệp dựa trên dữ liệu.

Thứ năm, đầu tư nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số và phát triển các ngành kinh tế dữ liệu. Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả đầu tư, cần rà soát, sắp xếp lại và huy động các nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ ưu tiên phát triển Chính phủ điện tử, điều chỉnh cơ chế đầu tư đặc thù cho công nghệ thông tin, tăng cường xã hội hóa để phát huy hiệu quả hợp tác công - tư trong công tác này. Đồng thời, cần tổ chức đào tạo, tập huấn, khai thác sử dụng các hệ thống thông tin, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân, doanh nghiệp và nghiên cứu, xây dựng cơ chế khuyến khích thu hút nhân tài tham gia xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử. Cùng với đó, để tận dụng nguồn lực vốn đầu tư tư nhân trong nước vào phát triển các ngành kinh tế số dựa vào dữ liệu, Chính phủ có thể tạo thuận lợi và hỗ trợ phát triển một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ và thương hiệu kinh tế số trong nước đã có uy tín, có chính sách ưu đãi với ngành công nghiệp phần mềm, các công viên phần mềm, các khu và dự án công nghệ cao.

Thứ sáu, ngoài ra, cần chú trọng hợp tác công - tư, hợp tác giữa Chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu là quan trọng để thúc đẩy việc sử dụng dữ liệu hiệu quả. Chính phủ có thể tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp và tổ chức sử dụng dữ liệu thông qua các chương trình khuyến khích và cơ hội hợp tác. Trong quá trình này, việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế về bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư là quan trọng để đảm bảo sự an toàn và đáng tin cậy của dữ liệu cá nhân. Việc đảm bảo tuân thủ các quy định này là quan trọng để xây dựng niềm tin của người dùng và đảm bảo rằng dữ liệu được sử dụng một cách hợp pháp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022). Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2022.
  2. Hằng Anh (2024), https://vneconomy.vn/khai-mo-mo-vang-du-lieu-phat-trien-kinh-te-so.htm
  3. Quỳnh Anh (2023), http://baokiemtoan.vn/kinh-te-du-lieu-xu-the-cua-tuong-lai-gan-26784.html

Solutions for the development of Vietnam’s data economy

Ph.D Dang Thi Bich Ngoc

Banking Academy of Vietnam

Abstract:

Just like land and labor in the agricultural revolution, and technology and capital in the industrial revolution, data is a resource for the data economy, fueling breakthroughs in digital economic growth. Data is even considered “the new oil” for the digital economy. This paper analyzed the current situation of Vietnam’s data economy and the country’s digital transformation through the development of data-based industries.

Keywords: data, data economy, digital economy, transformation.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3 tháng 2 năm 2024]

Nguồn: Tạp chí công thương

Còn lại: 1000 ký tự
Nghiên cứu về việc xây dựng các trung tâm chi phí nhằm kiểm soát chi phí của các bộ phận trong Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp

Đề tài Nghiên cứu về việc xây dựng các trung tâm chi phí nhằm kiểm soát chi phí của các bộ phận trong Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp do TS. Đinh Thị Kim Xuyến (Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Chuỗi cung ứng hạt điều xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh thực thi hiệp định CPTPP

Đề tài Chuỗi cung ứng hạt điều xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh thực thi hiệp định CPTPP do Hoàng Minh Tuấn (Trường Đại học Đại Nam) thực hiện.

Xem chi tiết
Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về giám sát các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực tài chính và đề xuất một số giải pháp cho Việt Nam

Đề tài Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về giám sát các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực tài chính và đề xuất một số giải pháp cho Việt Nam do ThS. Nguyễn Ngọc Hà (Khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao) thực hiện.

Xem chi tiết
Tác động của thay đổi mức lương tối thiểu đối với thị trường lao động tại Việt Nam

Đề tài Tác động của thay đổi mức lương tối thiểu đối với thị trường lao động tại Việt Nam do TS. Cao Văn Trường (Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Hệ thống thông tin kế toán trong đơn vị sự nghiệp công lập - Nghiên cứu điển hình tại các trường đại học công lập

Đề tài Hệ thống thông tin kế toán trong đơn vị sự nghiệp công lập - Nghiên cứu điển hình tại các trường đại học công lập do TS. Ngô Thị Thu Trang (Trường Đại học Công đoàn) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3