Bài 1: Càng cận Tết buôn lậu càng diễn biến phức tạp


(CHG) Mùa nước nổi, và cũng là những ngày cuối năm cận kề, các đối tượng buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam đã đẩy mạnh hoạt động vận chuyển trái phép một số mặt hàng: Đường, thuốc lá, hàng hóa tiêu dùng, pháo nổ, vàng...
Tang vật thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam bị lực lượng chức năng thu giữ.
Lợi dụng mùa nước nổi, tại các khu vực địa bàn có cửa khẩu và tuyến biên giới đường sông, các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng địa hình biên giới nhiều kênh rạch, dòng sông chung để nhập lậu hàng hóa qua biên giới bằng xuồng máy gắn động cơ công suất lớn, có khả năng chạy tốc độ cao để né tránh các chốt kiểm tra trên bờ nhằm đưa được hàng lậu đến điểm tập kết nằm sâu bên bờ nội địa. 
Tuy nhiên, không vì thế mà hoạt động vận chuyển hàng lậu đều trót lọt. Khi đang làm nhiệm vụ trên tuyến sông Tiền thuộc thủy phận ấp Long Châu, xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp (ngày 20/11), tổ công tác thuộc Trạm Cảnh sát đường thủy Hồng Ngự, Phòng Cảnh sát giao thông phát hiện phương tiện vỏ lãi composit, lắp đặt máy không rõ nhãn hiệu, công suất khoảng 25 HP có dấu hiệu nghi vấn nên yêu cầu dừng máy kiểm tra. Các đối tượng đã không chấp hành hiệu lệnh, điều khiển phương tiện chạy vào bờ bỏ trốn, để lại chiếc xuồng máy cùng số hàng hóa trên phương tiện. Qua kiểm đếm, lực lượng chức năng phát hiện, trên chiếc vỏ lãi có 2.500 bao thuốc lá ngoại nhập lậu, gồm 750 bao Jet và 1.750 bao Hero. Tổ công tác đã lập biên bản vụ việc và bàn giao tang vật cùng phương tiện cho Công an huyện Hồng Ngự tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, chỉ trong vòng 4 ngày, từ ngày 18 - /22/8, Cục Hải quan Đồng Tháp đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển thuốc lá lậu về Việt Nam, bắt giữ gần 6.500 gói thuốc lá. 
Được biết, từ đầu tháng 11 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã phát hiện và tạm giữ 4.000 bao thuốc lá nhập lậu. Vụ việc gần đây nhất xảy ta tại xã biên giới Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, An Giang do phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang phối hợp Công an thành phố Châu Đốc (ngày 3/11) kiểm tra căn nhà vắng chủ tại xã biên giới Vĩnh Tế. Lực lượng chức năng phát hiện 2.000 bao thuốc lá nhãn hiệu Hero và Jet có dấu hiệu nhập lậu, được các đối tượng cất giấu tinh vi ở các hầm chứa trong căn nhà. Tổ công tác đã tạm giữ toàn bộ số thuốc lá trên để phục vụ công tác điều tra, xác minh làm rõ. 
Trước đó, ngày 2/11, khi đang làm nhiệm vụ tuần tra tại kênh Vĩnh Thành 3 (thuộc ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Phước), tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh An Giang phối hợp Công an huyện Tri Tôn phát hiện Phạm Long Giang (sinh năm 1975, trú xã Bình Long, huyện Châu Phú, An Giang) điều khiển xuồng máy chạy với tốc độ cao, có dấu hiệu vận chuyển hàng nhập lậu nên đã yêu cầu dừng xuồng kiểm tra. Tuy nhiên, đối tượng không chấp hành mà tăng tốc bỏ chạy. Tổ công tác đã truy đuổi và giữ được phương tiện để kiểm tra. Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện trên xuồng máy có 1.490 bao thuốc lá ngoại nhập lậu. Làm việc với tổ công tác, Giang khai nhận chở thuê số thuốc lá lậu trên cho một người Campuchia.
Cũng trong thời gian này, tại bến đò Mương Miếu thuộc khóm Long Hưng, phường Long Châu, thị xã Tân Châu, tổ công tác thuộc Trạm Cảnh sát đường thuỷ Tân Châu cũng đã phát hiện, tạm giữ 1 xe mô tô chở 500 bao thuốc lá ngoại nhập lậu không có người nhận. Vậy là chỉ trong vài ngày, gần 4.000 bao thuốc lá nhập lậu đã bị lực lượng chức năng tỉnh An Giang thu giữ.
Tại địa bàn tỉnh Long An, từ đầu năm đến nay các lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra, phát hiện trên 2.000 vụ vi phạm, trong đó điều tra khởi tố 22 vụ với 29 đối tượng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước gần 60 tỷ đồng. Trong đó, thuốc lá nhập lậu là vấn đề "nóng" tại địa bàn với nhiều phương thức thủ đoạn vận chuyển tinh vi. 
Các Lực lượng chức năng truy bắt các đối tượng buôn lậu thuốc lá.
Được biết, ngoài các thủ đoạn vận chuyển thuốc lá lậu trên các phương tiện giao thông, các đối tượng buôn lậu còn sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để đưa thuốc lá lậu vào nội địa, khiến các lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn để xử lý theo quy định. Điển hình như vụ lực lượng chức năng tỉnh Long An đã phát hiện 20 bao tải, bên trong chứa 10.000 bao thuốc lá ngoại nhập lậu mang nhãn hiệu Jet, Hero, Nelson được cất giấu tại một kho chứa vật liệu xây dựng trên khu vực biên giới thuộc xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng.
Thu giữ được tang vật của vụ buôn lậu, Cơ quan Công an huyện Tân Hưng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành  điều tra chủ nhân của số thuốc lá nhập lậu nêu trên, nhưng không truy tìm ra được manh mối. Toàn bộ số hàng lậu nêu trên được coi là... “vô chủ”, được lập biên bản thu giữ, đưa về trụ sở để tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật.
Trước những hiện tượng buôn lậu nêu trên, Tổng cục Hải quan cho biết: “Đối tượng buôn lậu điều hành từ xa, thường xuyên thay đổi phương thức, tuyến đường vận chuyển, thời gian, điểm tập kết hàng trên tuyến biên giới; lợi dụng một bộ phận cư dân biên giới không có việc làm, thuê mướn vận chuyển trái phép hàng lậu qua biên giới với số lượng nhỏ lẻ, nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Do đó, đa phần các vụ việc bị phát hiện đều khó bắt giữ các đối tượng chủ mưu, cầm đầu”. 
Theo Tổng cục Hải quan, đối với mặt hàng thuốc lá, các đối tượng buôn lậu nắm rõ hành vi vận chuyển thuốc lá lậu bị xử phạt rất nặng, thậm chí bị khởi tố hình sự nếu vận chuyển số lượng từ 1.500 bao trở lên, nên thường cử người canh gác, khi phát hiện lực lượng chống buôn lậu là tẩu thoát, bỏ lại hàng hóa. Do vậy, phần lớn các vụ buôn lậu bị bắt giữ đều là hàng vô chủ.
Theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), trong những tháng cuối năm, hoạt động nhập lậu hàng hóa qua biên giới Tây Nam sẽ gia tăng mạnh do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa cao vào dịp Tết Nguyên đán 2023, nhất là đối với các mặt hàng như rượu, bia, thuốc lá, pháo nổ, vàng... 
Đây là vấn đề cần được các tỉnh biên giới Tây Nam tiếp tục triển khai kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu dịp Tết Nguyên đán năm 2023, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát địa bàn; tập trung trọng tâm vào đấu tranh với các đối tượng kinh doanh các loại mặt hàng trọng điểm là hàng cấm, hàng có giá trị lớn, thuế suất cao, hàng nhập khẩu có điều kiện. 
(Còn tiếp)
Còn lại: 1000 ký tự
Đắk Nông: Phát hiện và xử phạt cửa hàng kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas

(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.

Xem chi tiết
TP.HCM: Phát hiện nhiều nhãn hiệu nổi tiếng bị làm giả tại Chơ Bến Thành

(CHG) - Chiều ngày 31/10, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP.HCM tổ chức kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh tại chợ Bến Thành và đã phát hiện nhiều sai phạm.

Xem chi tiết
Khánh Hòa: Phát hiện 10 cơ sở kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam

(CHG) Đội Quản lý thị trường số 6 tỉnh Khánh Hòa cho biết, vừa phát hiện 10 cơ sở vi phạm về buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Crocs được bảo hộ tại Việt Nam, Đội đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt trên 140 triệu đồng; đồng thời buộc tiêu hủy trên 700 đơn vị sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Crocs với tổng giá trị hàng hóa tiêu hủy trên 100 triệu đồng.

Xem chi tiết
Phát hiện việc thuốc CEFUROXIM 500mg nghi bị làm giả tại Thành phố Hồ Chí Minh

(CHG) Ngày 9/9, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đơn vị vừa có văn bản thông báo về hàng hoá nghi ngờ giả thuốc CEFUROXIM 500mg của Vidipha sản xuất.

Xem chi tiết
Gian nan “cuộc chiến” phòng, chống vi phạm trong thương mại điện tử

(CHG) Trong thời đại công nghệ 4.0, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển mạnh mẽ và trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là cùng với sự phát triển của TMĐT là sự gia tăng các hình thức buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đe dọa cả người tiêu dùng và doanh nghiệp hợp pháp. Trong guồng quay đó, tỉnh Bình Dương cũng không phải là ngoại lệ khi thị trường trực tuyến trở thành điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Xem chi tiết
2
2
2
3