(CHG) Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các lực lượng của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại địa phương quyết liệt ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý.
Cần tăng cường ngăn chặn gia cầm nhập lậu vào Việt Nam, bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước. Ảnh minh hoạ.
Vừa qua, Bộ Y tế cho biết, một trường hợp người nhiễm virus cúm gia cầm, chủng A/H5 tại tỉnh Phú Thọ. Đây là trường hợp đầu tiên sau 8 năm Việt Nam không có trường hợp người tử vong hoặc nhiễm virus cúm A/H5.
Như vậy, trong giai đoạn từ năm 2003 đến tháng 10/2022, tổng số người nhiễm virus cúm gia cầm A/H5 tại Việt Nam lên 128 trường hợp, trong đó có 64 (chiếm 50%) trường hợp tử vong do virus cúm gia cầm A/H5N1.
Tại công điện khẩn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm ngày 21/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8 và các chủng virus cúm gia cầm khác theo quy định của Luật Thú y.
Đối với địa phương có ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày hoặc địa phương phát hiện gia cầm có kết quả dương tính với virus cúm gia cầm A/H5, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh do các chủng virus cúm A/H5 cần xử lý tiêu hủy gia cầm, công bố dịch và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tổ chức điều tra xác định nguyên nhân, nguồn lây nhiễm để xử lý kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.
Với các địa phương khác, rà soát, tổ chức tiêm mới, tiêm bổ sung vắc xin cúm gia cầm phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được phòng vắc xin.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm dịch tại gốc; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn; tăng cường truyền thông để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm qua biên giới...
Các tỉnh, thành phố chỉ đạo các lực lượng của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389 địa phương) quyết liệt ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý, đặc biệt đối với các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam.
Bộ giao Cục Thú y tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc tổ chức thực hiện phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm; chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, cung ứng vắc xin gia cầm để đánh giá hiệu lực các loại vắc xin đã được phép lưu hành tại Việt Nam, các loại vắc xin mới đăng ký kiểm nghiệm, khảo nghiệm, lưu hành theo quy định.
Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã xảy ra 34 ổ dịch cúm gia cầm tại 19 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 77.000 con gia cầm. Nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng, nhất là nguy cơ xuất hiện một số chúng virus cúm gia cầm (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N5..) xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. |
2
Đắk Nông: Phát hiện và xử phạt cửa hàng kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas
(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Xem chi tiết
Gian nan “cuộc chiến” phòng, chống vi phạm trong thương mại điện tử
(CHG) Trong thời đại công nghệ 4.0, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển mạnh mẽ và trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là cùng với sự phát triển của TMĐT là sự gia tăng các hình thức buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đe dọa cả người tiêu dùng và doanh nghiệp hợp pháp. Trong guồng quay đó, tỉnh Bình Dương cũng không phải là ngoại lệ khi thị trường trực tuyến trở thành điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Xem chi tiết