(CHG) Theo đánh giá của Sách trắng thương mại điện tử, người tiêu dùng Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến có tỷ lệ cao nhất trong khu vực. Các hình thức gian lận trên sàn thương mại điện tử ngày càng phổ biến, thủ đoạn tinh vi hơn. Nhằm tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 Quốc Gia vừa ban hành Kế hoạch 92/KH-BCĐ389 ngày 13/9/2022, trong đó việc kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử được chú trọng hàng đầu.
Ảnh minh họa
Gian lận trên điện tử ngày càng tinh vi hơn
Thống kê của Bộ Công thương, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam (TMĐT) năm 2021 đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020, thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Toàn cảnh kinh doanh sàn thương mại điện tử nửa đầu năm 2022 cũng cho thấy, Việt Nam đang trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.
Các sản phẩm làm đẹp, thời trang nữ, gia dụng được quan tâm, mua sắm nhiều nhất trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki và Sendo. Các mức giá trên sàn thương mại điện tử Việt Nam phân khúc từ 200 nghìn đồng tới 5 triệu đồng dễ “chốt đơn” nhất.
Tuy nhiên, nhiều sàn thương mại điện tử mải chạy theo việc thu hút người bán tham gia, chưa chặt chẽ các khâu kiểm soát, xác minh các loại hàng hóa, nên đã tạo kẽ hở cho hàng nhái, hàng giả chen chân vào.
Ông Nguyễn Đức Lê – Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết: Lợi dụng sự phát triển nhanh của thương mại điện tử và phương thức mua bán không tiếp xúc, thanh toán qua internet dễ dàng… nhiều tổ chức, cá nhân tìm mọi cách để trục lợi. Tình trạng kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng xảy ra trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng rõ rệt.
Thương mại điện tử trước đây chỉ là bán hàng trên website của doanh nghiệp, cao hơn nữa là trên các sàn thương mại điện tử. Nhưng hiện nay, các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok cũng bán được hàng… Vì vậy, việc đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, xâm phạm bản quyền sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Đối tượng buôn bán cũng có nhiều thủ đoạn tinh vi hơn.
Trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) thực hiện kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với số tiền xử phạt lên đến hơn 20 tỷ đồng.
Dự báo trong 2-3 năm tới, tỷ lệ gian lận thương mại điện tử sẽ chiếm từ 50-60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung.
Cũng trong năm 2021, các đơn vị chức năng của Bộ Công thương đã yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ gần 14.000 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị Covid-19 có dấu hiệu vi phạm trên gần 4.300 gian hàng.
Một thống kê khác của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho thấy, mỗi năm cơ quan này nhận được khoảng 1.500 đơn khiếu nại của người tiêu dùng. Trong đó, 50% số khiếu nại liên quan tới các giao dịch mua bán trên các nền tảng trực tuyến, gồm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và mua bán không có hóa đơn chứng từ.
Gian lận thương mại điện tử ngày càng tinh vi, nhiều thủ đoạn mới. (Ảnh minh họa)
Cần kiểm tra, xử lý "nặng" hơn gian lận trên TMĐT
Trước tiên, việc xử lý gian lận thương mại điện tử phải được gắn trách nhiệm với chủ sàn. Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), để bán hàng qua mạng, hầu hết các đơn vị đều phải đầu tư rất nhiều, nhưng chỉ cần một đơn giao không đúng, bị tố trên mạng xã hội thì phải rất lâu mới vực lại kinh doanh.
Bởi vậy, hiện nay các doanh nghiệp đều phải có chính sách hậu mãi, không phải mua hàng rồi miễn đổi trả như trước. Do đó, người tiêu dùng thậm chí có thể trả hàng khi không hài lòng, không cần là hàng kém chất lượng.
Thời gian qua, để lọc hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một số sàn thương mại điện tử đã dùng công nghệ “máy học” (một ứng dụng của trí tuệ nhân tạo AI) như Tiki, Sendo, Chotot… thế nhưng, chủ các sàn thương mại điện tử cũng thừa nhận, dù áp dụng giải pháp nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để tình trạng hàng giả, hàng nhái.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các sàn thương mại đang áp dụng chế độ đền bù cho khách hàng không may mua phải hàng giả, hàng nhái trên sàn. Theo đó, người mua thanh toán hàng hóa qua nền tảng của sàn thương mại điện tử từ 3-7 ngày sau khi giao hàng thành công, nếu không có khiếu nại gì của người mua, sàn mới thanh toán tiền cho người bán.
Tuy nhiên, việc ngăn chặn hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái không còn là vấn đề của một cá nhân, tổ chức hay công ty, mà là trách nhiệm của toàn xã hội và Nhà nước.
Để công tác chống hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc trên sàn thương mại điện tử hiệu quả, cần tăng cường phối hợp giữa các đơn vị chức năng liên quan.
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường – ông Trần Hữu Linh cho biết: Hàng hóa giới thiệu trên các website bán hàng trực tuyến, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, ứng dụng bán hàng rất phong phú, đa đạng với hàng nghìn chủng loại sản phẩm, nhiều hình thức dịch vụ phong phú, đa dạng với hàng nghìn chủng loại sản phẩm, nhiều hình thức dịch vụ giao nhận, thanh toán khác nhau. Mặc dù đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, nhưng số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp, trong khi các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp.
Việc xử lý vi phạm đối với các hành vi gian lận thương mại trên các sàn thương mại điện tử cũng gặp không ít khó khăn, do việc thực hiện kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp ảo không đơn giản.
Cũng chính vì tốc độ tăng trưởng nhanh và doanh nghiệp ngày càng lớn, các đối tượng thường xuyên tận dụng mọi kẽ hở để vừa cung cấp thông tin về hàng hóa, thông tin giao dịch trên internet, quảng bá trực tuyến và khuyến mại rầm rộ; vừa buôn lậu hoặc đưa những hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ qua cửa khẩu, biên giới, cảng biển, sân bay… bán tràn lan trên thị trường nội địa với quy mô lớn.
Để ngăn chặn những tình trạng nêu trên, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành quyết định thành lập tổ công tác về thương mại điện tử với nhiệm vụ tham mưu, giúp việc Tổng cục trưởng trong quản lý thị trường về thương mại điện tử.
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã ban hành Công văn số 1621/TCQLTT-VPTC gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố về việc thành lập tổ công tác thương mại điện tử.
Tổng cục Quản lý thị trường cũng chủ trì thành lập đoàn theo dõi tình hình thi hành pháp luật về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử…
Mới đây, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng nắm tình hình địa bàn nội địa; xây dựng, triển khai các phương án, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng hóa hoặc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đồng thời chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát các trang thông tin điện tử, ứng dụng thương mại điện tử, các nhóm mặt hàng và hành vi vi phạm phổ biến để đánh giá đúng thực trạng, kịp thời phát hiện, trao đổi thông tin, phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử…
Với sự chỉ đạo sát sao Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thông qua Kế hoạch 92/KH-BCĐ389, công tác chống hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc trên môi trường thương mại điện tử sẽ hiệu quả cao hơn, sự tăng cường phối hợp giữa các đơn vị chức năng, giúp người tiêu dùng trong việc chủ động trang bị các kỹ năng mua hàng trên mạng.
(Còn tiếp)
(CHG)Từ năm 2021 đến tháng 10/2024, Công ty TNHH Văn phòng phẩm Tuấn Như do ông Lê Công Tuấn làm Giám đốc đã kinh doanh, bán buôn các mặt hàng văn phòng phẩm không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, với tổng giá trị hàng hóa hơn 171 tỷ đồng và có hành vi trốn thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền trốn thuế hơn 5,8 tỷ đồng.
Xem chi tiết(CHG) Đội Quản lý thị trường số 6 tỉnh Khánh Hòa cho biết, vừa phát hiện 10 cơ sở vi phạm về buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Crocs được bảo hộ tại Việt Nam, Đội đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt trên 140 triệu đồng; đồng thời buộc tiêu hủy trên 700 đơn vị sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Crocs với tổng giá trị hàng hóa tiêu hủy trên 100 triệu đồng.
Xem chi tiết(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết(CHG) - Trong 9 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tỉnh Gia Lai đã quyết liệt thực hiện có hiệu quả các kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Xem chi tiết(CHG) – Lực lượng chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn xe tải vận chuyển 1.563 chiếc áo, váy và áo vest có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu thương hiệu thời trang Zara, Mango đang trên đường đi tiêu thụ.
Xem chi tiết