(CHG) Tại Tọa đàm Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn chứng khoán được tổ chức ngày 19/7/2023, đại diện Ban tổ chức cho biết, trong thời gian qua, số doanh nghiệp lên sàn còn rất hạn chế. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp quy mô lớn đứng ngoài sàn bởi nhiều lý do khác nhau.
Thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua đã khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế. Thị trường chứng khoán hoạt động hiệu quả đã giúp thị trường vốn trở nên dần cân bằng hơn trong việc bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch.
Quang cảnh Tọa đàm Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn chứng khoán.
Theo Ban tổ chức tọa đàm, thị trường chứng khoán đang đứng trước những cơ hội lớn khi kinh tế vĩ mô đang dần ổn định, dư địa cho tăng trưởng rộng mở. Tuy nhiên, số doanh nghiệp lên sàn bao gồm niêm yết và đăng ký giao dịch trong thời gian qua còn rất hạn chế.
Theo đó, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp quy mô lớn đứng ngoài sàn bởi nhiều lý do khác nhau. Điều này khiến thị trường chứng khoán không có thêm hàng hóa mới, nhà đầu tư không có thêm lựa chọn để đầu tư.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan là khó khăn của kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước và nguyên nhân chủ quan là từ phía các doanh nghiệp và các thành viên tham gia thị trường...
Hiện tại, với nền tảng kinh tế vĩ mô đang chuyển biến tích cực cùng với chủ trương của Chính phủ về xây dựng, phát triển thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, minh bạch, bền vững, thị trường chứng khoán Việt Nam được các nhà đầu tư nhận định có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.
Để tăng quy mô hàng hóa cho thị trường, tăng sức hấp dẫn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, hướng tới mục tiêu nâng hạng, việc khuyến khích thu hút doanh nghiệp lên sàn chứng khoán tập trung trong thời gian tới là rất cần thiết.
Ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) cho biết, từ năm 2021 đến nay, tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng biến động dữ dội với nhiều sự kiện lớn nảy sinh, gây tác động đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Bức tranh thị trường bộc lộ nhiều mảng sáng, tối đan xen, trong đó mảng tối dường như chiếm ưu thế.
“Trong bối cảnh đó, thực tế sau 6 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp mới niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn rất hạn chế chỉ với một vài doanh nghiệp”, ông Phan Quốc Huỳnh cho biết.
Về nguyên nhân, đại diện VASB cho rằng, trong 3 năm trở lại đây, nền kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều thách thức, từ dịch bệnh cho đến chiến tranh, suy thoái toàn cầu. Thị trường chứng khoán hay bất cứ thị trường nào cũng sẽ vận hành theo đúng quy luật của nó, nếu muốn phát triển một cách lâu dài, bền vững, thì sự "thanh lọc" là khó tránh khỏi.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán của VIệt Nam còn non trẻ, hơn 20 năm tuổi, do đó chúng ta phải chấp nhận có những bước đi "chập chững" trước khi hoàn thiện với những bứt phá dài hơi.
Sau thời gian vừa rồi, những câu chuyện xử lý sai phạm xảy ra cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc thực hiện quyết liệt các biện pháp thúc đẩy sự minh bạch, lành mạnh của thị trường chứng khoán để đây thực sự là kênh huy động vốn hiệu quả, là nơi để doanh nghiệp gọi vốn và phát triển lâu dài, bền vững.
Chính phủ, Nhà nước đã và đang thực hiện các biện pháp miễn giảm thuế, phí, bao gồm cả thuế VAT và thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất để hỗ trợ tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là điều rất tích cực trong việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp - đơn vị cung cấp hàng hóa ra trên sàn chứng khoán. “Nếu doanh nghiệp gặp khó khăn, thì thị trường chứng khoán sẽ khó phát triển”, đại diện VASB nhận định.
Kết quả đã thể hiện khá rõ trên thị trường chứng khoán. Thị trường đang ngày càng hồi phục mạnh mẽ, thanh khoản tăng. VN-Index đang hướng đến mốc 1.200 điểm trong tương lai gần.
“Về câu chuyện thúc đẩy doanh nghiệp đại chúng hóa, niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường, tôi cho rằng Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở giao dịch chứng khoán đang tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp lên sàn, tạo điều kiện phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, hướng đến lợi ích chung”, ông Huỳnh cho biết.
Theo chia sẻ của ông Bùi Đình Như, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Tái cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam, hơn 15 năm qua, Công ty đã hỗ trợ khá nhiều doanh nghiệp ban đầu chưa đủ điều kiện lên sàn chứng khoán có thể thực hiện nguyện vọng của họ. Vì chúng tôi hiểu doanh nghiệp đang thiếu ở đâu, cần bổ sung những gì, từ đó dễ dàng giải quyết những trăn trở của ban lãnh đạo doanh nghiệp khi hướng đến việc đại chúng hóa, niêm yết trên sàn.
“Tôi cho rằng, muốn thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn, đầu tiên là phải truyền thông rộng rãi cho cộng đồng doanh nghiệp để những "ông chủ" nhận thức rõ ràng được những cơ hội và thách thức khi lên sàn chứng khoán. Tiếp đó, cũng cần nâng cao tính minh bạch và cho các doanh nghiệp hiểu rõ ý nghĩa của sự lành mạnh, lâu dài và bền vững khi phát triển”, ông Bùi Đình Như nói.
Nguồn: Hải quan Online
0
TECHCOMBANK THAM GIA ĐỒNG SÁNG LẬP TRUNG TÂM CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP THỨ 2 ĐÔNG NAM Á
(CHG) Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thành phố (HEF) lần thứ 5 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP. Hồ Chí Minh", Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã đồng hành cùng các hoạt động của diễn đàn và trở thành một trong những thành viên đồng sáng lập Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là Trung tâm C4IR thứ 2 của Đông Nam Á sau Malaysia, tham gia vào mạng lưới Trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 toàn cầu của WEF.
Xem chi tiết