(CHG) Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy, tiền tệ qua đường hàng không có chiều hướng gia tăng, do đó Tổng cục Hải quan đôn thúc lực lượng chức năng tiếp tục triển khai công văn số 92/BCĐ 389- ĐVTT và Công văn số 5346/TCHQ-ĐTCBL.
Ma túy ngụy trang trong lon bia gửi từ Hà Lan về sân bay quốc tế Nội Bài.
Thời gian qua, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ, ma túy qua đường hàng không có chiều hướng gia tăng. Hàng hóa vi phạm như vũ khí, chất nổ, rượu, thuốc lá, các mặt hàng tân dược, mỹ phẩm, đồ điện tử, hàng tiêu dùng đã qua sử dụng, các loại hàng hoá khác có trị giá cao.
Đặc biệt, việc vận chuyển trái phép các chất ma túy hoạt động không theo quy luật với phương thức, thủ đoạn ngày cảng tinh vi, liều lĩnh và manh động hơn. Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy cũng khuyến cáo những người đi máy bay phải nêu cao tinh thần cảnh giác, quản lý tốt hành lý tránh để các đối tượng lợi dụng đưa ma túy lẫn vào hành lý của mình. Trong bất kỳ trường hợp nào, nên từ chối khi người lạ gửi hoặc nhờ trông hộ hành lý.
Thậm chí, các đối tượng buôn lậu lợi dụng sự thông thoảng về chế độ chính sách, sự phát triển của thương mại điện tử, phương thức chuyển phát nhanh, dịch vụ ký gửi hàng hóa, hành lý... móc nối, cấu kết với phía nước ngoài hình thành các đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua các cảng hàng không quốc tế.
Để chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, ngày 22/5, Tổng cục Hải quan có văn bản yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như:
Tiếp tục triển khai công văn số 92/BCĐ389 - ĐVTT ngày 5/12/2022 của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính và Công văn số 5346/TCHQ-ĐTCBL ngày 9/12/2022 của Tổng cục Hải quan về việc triển khai Kế hoạch chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua các cảng hàng không quốc tế.
Giao Cục Điều tra chống buôn lậu và các Cục Hải quan các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ, Kiên Giang, làm tốt công tác nghiệp vụ, tăng cường công tác thu thập thông tin, dự báo tình hình, nắm chắc, nhận diện, cảnh báo những phương thức, thủ đoạn buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ, ma túy qua cửa khẩu cảng hàng không quốc tế nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Căn cứ các tuyến bay quốc tế qua cảng hàng không do đơn vị quản lý, các đơn vị xác định mặt hàng trọng điểm và tuyến bay trọng điểm để tập trung áp dụng các biện pháp nghiệp vụ thích hợp.
Trong đó, tập trung trọng tâm vào các mặt hàng trọng điểm gồm: Vũ khí, ma túy, chất nổ, hàng cấm, rượu, tiền tệ, vàng, thuốc lá, các mặt hàng tân dược, mỹ phẩm, đồ điện tử, động vật hoang dã quý hiếm, hàng tiêu dùng đã qua sử dụng, các loại hàng hoá khác có trị giá cao...
Quán triệt đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức công vụ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa, giám sát chặt chẽ hoạt động công vụ kiên quyết không để xảy ra trường hợp công chức, viên chức của đơn vị có hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng.
Kịp thời báo cáo xem xét, xử lý nghiêm đối với công chức, viên chức, người lao động có hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ…/.
2
TECHCOMBANK THAM GIA ĐỒNG SÁNG LẬP TRUNG TÂM CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP THỨ 2 ĐÔNG NAM Á
(CHG) Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thành phố (HEF) lần thứ 5 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP. Hồ Chí Minh", Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã đồng hành cùng các hoạt động của diễn đàn và trở thành một trong những thành viên đồng sáng lập Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là Trung tâm C4IR thứ 2 của Đông Nam Á sau Malaysia, tham gia vào mạng lưới Trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 toàn cầu của WEF.
Xem chi tiết