Tăng cường quản lý mặt hàng dược liệu


(CHG) Việt Nam có nguồn dược liệu phong phú với nhiều loài rất quý. Người dân có truyền thống sử dụng nguồn dược liệu nội địa như một nhu cầu thường xuyên. Tuy nhiên, lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng, nhiều đối tượng đã nhập lậu các sản phẩm dược liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất thuốc Đông y chất lượng kém, hàng giả gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ người tiêu dùng.

Lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai thu giữ dược liệu không rõ nguồn gốc.
Nhức nhối dược liệu không rõ nguồn gốc
Thời gian qua, lực lượng chức năng tại các địa phương đã tăng cường kiểm soát mặt hàng dược liệu trên thị trường, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. 
Tại Lào Cai, ngày 24/3, Đội Quản lý thị trường số 5 phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Công an tỉnh Lào Cai và Công an xã Bản Phiệt (huyện Bảo Thắng) đã phát hiện 40 bao tải hàng (30kg/bao), bên trong chứa nguyên liệu làm thuốc thảo dược bổ máu tập kết trên địa bàn km6, quốc lộ 70, thôn Bản Phiệt. Trên bao bì hàng hóa không thể hiện rõ nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Chủ lô hàng cũng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. 
Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai cũng đã tiến hành kiểm tra lô hàng tập kết tại tổ 3, đường Ngô Gia Tự, phường Cốc Lếu, TP. Lào Cai. Kết quả kiểm tra đã phát hiện lô hàng gồm 30 bao trà Sơn Mật (50kg/bao), 5 bao hoa Tam thất (40kg/bao), 20 hộp quả La Hán (5kg/hộp) không có giấy tờ hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Chủ lô hàng là ông Phạm Văn Nam, sinh năm 1995, trú tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Toàn bộ số hàng hóa có trị giá khoảng 200 triệu đồng, nhưng tại thời điểm kiểm tra, ông Nam không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến hàng hóa.
Được biết, cùng thời gian qua, nhiều dược liệu và sản phẩm Đông y đã bị lực lượng chức năng thu hồi do không có nguồn gốc, xuất xứ. Cụ thể, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền đã có công văn số 894/YDCT-QLD và số 946/YDCT-QLD về việc thu hồi lô dược liệu Tang ký sinh và lô dược liệu Bạch Chỉ (số lô: N0011020, NSX: 14/10/2020, HD: 14/10/2022) không đạt tiêu chuẩn về chất lượng của Công ty Cổ phần Đông y Dược Thăng Long (số 339, đường Quang Trung, phường Quang Trung, quận Hà Đông, TP. Hà Nội). Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền cũng yêu cầu công ty báo cáo rõ nguồn gốc xuất xứ, xuất nhập tồn, đơn vị trúng thầu, phân phối, cơ sở cung ứng và sử dụng 2 lô sản phẩm.
Sở Y tế Hà Nội cũng ra thông báo thu hồi trên địa bàn Hà Nội dược liệu Tang ký sinh số lô 02/2021, NSX: 22/4/2021 và lô dược liệu Bạch chỉ số lô: N0011020, NSX: 14/10/2020, HD: 14/10/2022 do Công ty Cổ phần Đông y Dược Thăng Long phân phối.

Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội tại Công ty Đông y Dược Thăng Long.
Điều đáng lưu tâm là, Công ty CP Đông y Dược Thăng Long liên tục vi phạm trong thời gian qua, dù đã bị cơ quan quản lý nhà nước xử lý. Cụ thể, Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện trong 7 sản phẩm công ty đang kinh doanh và nhập khẩu, thì có tới 4 sản phẩm nhập khẩu (gồm bạch quả, cam thảo bắc, khương hoạt, bạch giới) và 3 sản phẩm trong nước (gồm bình vôi, atiso và ba kích), công ty chưa xuất trình được đầy đủ hồ sơ. 
Sở Y tế Hà Nội đã ban hành văn bản số 3802/SYT-NVD, thông báo thu hồi vị thuốc cổ truyền Ngưu Tất, số lô: N2210111221, NSX: 29/12/2021, HD: 29/12/2023 do Công ty Cổ phần Đông y Dược Thăng Long cung ứng. Mẫu thuốc lấy tại Bắc Ninh không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ số độ ẩm (vi phạm mức độ 3).
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Công ty thực hiện thu hồi triệt để lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên, đồng thời yêu cầu các cơ sở y tế công lập trực thuộc ngành, cơ sở y tế ngoài công lập, doanh nghiệp kinh doanh thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bản khẩn trương rà soát, thu hồi lô thuốc này.
Xử lý mạnh tay để nâng cao chất lượng dược liệu
Theo cảnh báo của các chuyên gia, việc sử dụng dược liệu không rõ nguồn gốc để làm thuốc Đông y sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người dân. Do đó, việc các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng dược liệu và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm bảo vệ người tiêu dùng là điều hết sức cần thiết.
Điển hình như việc khởi tố hình sự vụ án “sản xuất buôn bán hàng giả” với hai đối tượng tại Hà Nam do có hành vi kinh doanh, sản xuất hàng giả là thuốc và thực phẩm chức năng Đông y. Khi kiểm tra kho hàng tại Phủ Lý, Hà Nam lực lượng chức năng đã phát hiện và tạm giữ hơn 4.000 lọ thuốc Đông y trị viêm xoang, chữa phụ khoa… hơn 2.000 lọ thuốc Đông y trị viêm họng, mất ngủ; hơn 1.500 gói Đông y thảo dược trị bệnh trĩ, xương khớp và gần 500kg bột nguyên liệu các loại, viên nén, thuốc trị viêm mũi, giảm cân, tiểu đường cùng nhiều tang vật liên quan.
Các đối tượng khai nhận, đã mua nguyên liệu được bào chế sẵn trôi nổi ngoài thị trường sau đó in bao bì, nhãn mác, đóng gói sản phẩm, tổ chức quảng cáo bán hàng qua mạng xã hội. Trung bình mỗi ngày, các đối tượng này bán hàng, thu về khoảng 200 triệu đồng. Lực lượng chức năng đã khảo sát và giám định sản phẩm. Kết quả cho thấy toàn bộ sản phẩm trong kho hàng đều là hàng giả, tổng giá trị lên đến hơn 1 tỷ đồng.
Ngày 31/12/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư số 38/2021/TT-BYT quy định về chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền thay thế cho Thông tư 13/2018/TT-BYT ngày 15/5/2018, có hiệu lực từ ngày 15/2/2022, quy định việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng; công bố chất lượng dược liệu; kiểm nghiệm chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền; truy xuất nguồn gốc, xuất xứ và thủ tục thu hồi, xử lý dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền vi phạm. 
Bộ Y tế cũng ban hành Dược điển Việt Nam, Dược Điển Việt Nam bản bổ sung, với 399 tiêu chuẩn về dược liệu và thuốc cổ truyền. 
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định số 1157/QĐ-BKHCN ngày 12/5/2017 về việc công bố 25 tiêu chuẩn quốc gia về dược liệu sau chế biến. Đây là Quy chuẩn chất lượng giúp hệ thống kiểm nghiệm kiểm soát chất lượng của dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền lưu hành trên thị trường.
Hệ thống kiểm nghiệm tuyến trung ương và cấp tỉnh, thành phố như hiện nay, về cơ bản, đã kiểm soát tốt được chất lượng của dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền lưu hành trên thị trường.
Tuy nhiên, ngành Dược cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan để nâng cao chất lượng dược liệu trong nước, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa bảo đảm yêu cầu xuất khẩu.
Được biết, cửa khẩu Chi Ma (Việt Nam) - Ái Điểm (Trung Quốc) được coi là “thủ phủ” của mặt hàng dược liệu. Để tạo điều kiện cho việc nhập khẩu dược liệu từ Trung Quốc vào Việt Nam được thuận lợi hơn, đồng thời, đảm bảo chất lượng dược liệu nhập khẩu qua cửa khẩu Chi Ma, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, phòng chống dịch bệnh như điều kiện khi thực hiện nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu quốc tế; UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 2221/QĐ-UBND về quy trình thí điểm nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu song phương Chi Ma.
Đồng thời, phân rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình thí điểm nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu; đảm bảo thực hiện thí điểm thành công việc nhập khẩu mặt hàng dược liệu qua cửa khẩu song phương Chi Ma được thực hiện đúng quy định của Luật Dược năm 2016 và Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 8/5/2017 của Chính phủ. Thủ tục hải quan đối với mặt hàng dược liệu nhập khẩu được thực hiện đúng quy định tại Luật Hải quan năm 2014, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP. Nghị định số 59/2018/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Việc nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma được thực hiện theo quy trình 5 bước. Bước 1 là kiểm soát phương tiện nhập cảnh tại Barie kiểm soát số 1 (qua cổng tiếp giáp với Trung Quốc, trước khi phương tiện vận tải Trung Quốc chở hàng hoá là dược liệu nhập khẩu nhập cảnh vào Việt Nam); Bước 2 là giám sát phương tiện vận tải hàng hoá tại kho, bãi; Bước 3 là thực hiện đăng ký kiểm dịch, kiểm nghiệm; Bước 4 là kiểm tra, giám sát, lấy mẫu; Bước 5 là xử lý kết quả kiểm dịch, kiểm nghiệm.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu dược liệu lớn của Việt Nam. Để đảm bảo quy định mới của Trung Quốc liên quan đến đăng ký xuất khẩu dược liệu xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn đề nghị các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành rà soát các vùng trồng và cơ sở đóng gói dược liệu.
Theo đó, các cơ quan chuyên môn cần hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ về vùng trồng và cơ sở đóng gói theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật; Tiêu chuẩn cơ sở về Quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng, Tiêu chuẩn cơ sở về Quy trình thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói. 
Các đơn vị tiếp nhận hồ sơ của các vùng trồng, cơ sở đóng gói và kiểm tra đánh giá các hồ sơ này theo đề nghị của vùng trồng, cơ sở đóng gói. Tổng hợp thông tin các vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc theo mẫu và gửi về Cục bảo vệ thực vật. Các đơn vị trực thuộc Cục Bảo vệ thực vật chuẩn bị các nội dung theo quy định mới của Trung Quốc để chủ động tuyên truyền, phổ biến thông tin về quy định này của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhằm hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu dược liệu biết và thực hiện theo quy định.
Về lâu dài, ngành dược liệu trong nước vẫn cần sự kiểm soát nghiêm ngặt của các cơ quan chức năng nhằm bảo đảm chất lượng, đồng thời chú trọng việc phát triển nguồn dược liệu tại chỗ nhằm đáp ứng nhu cầu bào chế thuốc trong nước cũng như xuất khẩu sang các thị trường lân cận./.
Còn lại: 1000 ký tự
Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội long trọng kỷ niệm 29 năm thành lập

(CHG) Ngày 15/5, Lễ kỷ niệm 29 năm thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội đã được tổ chức long trọng tại Trụ sở Tập đoàn Geleximco (Đống Đa, Hà Nội).

Xem chi tiết
Thủ tướng: Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phải dũng cảm và chấp nhận rủi ro

Sáng 12/5, tại Đại học Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI.

Xem chi tiết
Bộ Công Thương lấy ý kiến dự thảo quy định về giá bán điện bình quân

Bộ Công Thương hiện đã đăng tải công khai Dự thảo 2 Thông tư quy định tính toán giá bán điện bình quân để lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Xem chi tiết
Vì sao đề xuất điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu dư thừa phát lên lưới giá 0 đồng?

Phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu được miễn giảm thực hiện một số quy định, tiêu chí khắt khe của pháp luật và có nhiều ưu đãi về chính sách… do đó, nếu bán điện thì sẽ xảy ra tình huống vỡ quy hoạch điện của quốc gia và khó kiểm soát hệ thống lưới điện, làm mất an toàn, trục lợi chính sách của nhà nước.

Xem chi tiết
Đề xuất quy định mới về phát hành chứng chỉ tiền gửi trong nước

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định về phát hành chứng chỉ tiền gửi trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Xem chi tiết
2
2
2
3