Trong một bài viết mới đây, tờ Nikkei Asian Review của Nhật Bản nhấn mạnh, khu vực Đông Nam Á đang chạy đua nhằm khôi phục hoàn toàn chuỗi cung ứng. Nêu ra trường hợp điển hình là Việt Nam, hai tác giả Onishi Tomoya và Nakano Takashi nhận định, quốc gia hình chữ S đang thích ứng với trạng thái bình thường mới một cách nhanh chóng.
“Khoảng 200 nhà máy tại Việt Nam là đối tác với thương hiệu thể thao nổi tiếng Nike đã tái khởi động dây chuyền sản xuất. Tập đoàn điện tử Samsung của Hàn Quốc và Intel của Mỹ cũng tăng cường hỗ trợ để các cơ sở của họ tại đây từng bước hoạt động trở lại trong tháng 11 này”, Nikkei Asian Review dẫn chứng.
Những tác động từ các biện pháp phong tỏa, hạn chế chặt chẽ hơn để kiểm soát sự lây lan của đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành công nghiệp ô tô ở Đông Nam Á trong thời gian qua.
Theo Nikkei Asian Review, Việt Nam tập trung nhiều nhà máy sản xuất các bộ dây dẫn điện, trong khi Malaysia là trung tâm sản xuất chất bán dẫn. Chỉ tính riêng Việt Nam đã cung cấp khoảng 40% dây dẫn điện cho ô tô nhập khẩu vào Nhật Bản.
Nhiều nhà máy tại Việt Nam đã bắt đầu nối lại hoạt động sản xuất. Ảnh: AP |
Tình trạng thiếu hụt hai thành phần này là lý do chính khiến Toyota và nhiều nhà sản xuất khác của xứ sở mặt trời mọc buộc phải cắt giảm một nửa sản lượng trong tháng 9 vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù vậy, khi số ca mắc Covid-19 ở Việt Nam giảm dần từ mức đỉnh điểm hồi cuối tháng 8, các hãng sản xuất linh kiện điện và điện tử thiết yếu cho ngành công nghiệp ô tô cũng bắt đầu hoạt động bình thường trở lại, qua đó giúp giải tỏa phần nào quan ngại về nguồn cung trên toàn cầu.
Nikkei Asian Review cho biết, đơn cử như Công ty Furukawa Electric dự kiến sẽ hoạt động hết công suất tại 3 nhà máy ở Việt Nam. Chỉ tính riêng cơ sở tại TP Hồ Chí Minh, Furukawa Electric đã có khoảng 8.000 lao động. Các nhà cung cấp khác như Yazaki và Sumitomo Electric Industries cũng đang có kế hoạch khôi phục sản xuất tại Việt Nam.
Xu hướng tích cực này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ phục hồi lĩnh vực sản xuất ô tô của Nhật Bản, Nikkei Asian Review nhấn mạnh.
Theo tờ Deutsche Welle (DW) của Đức, trong vài thập kỷ qua, Đông Nam Á nổi lên như một nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia thực sự trở thành những trung tâm sản xuất lớn bậc nhất đối với các ngành công nghiệp ô tô, máy tính, điện tử và may mặc.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất của khu vực đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng phát trở lại của virus SARS-CoV-2 trong những tháng gần đây, phần lớn được cho là do biến thể Delta rất dễ lây lan.
Trước tình hình đó, DW đề cao vai trò quan trọng của chính phủ và cơ quan chức năng các nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất.
Trong đó, theo tờ báo Đức, Việt Nam đã và đang tạo điều kiện để các nhà máy tiếp tục mở cửa nếu họ áp dụng biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt, bao gồm cung cấp nơi ăn nghỉ tại chỗ hoặc tổ chức đưa đón công nhân, người lao động trong tình hình mới bảo đảm chặt chẽ, an toàn.
Nhờ vào triển vọng nhanh chóng ổn định được tình hình dịch bệnh và khôi phục hoạt động sản xuất, DW đánh giá Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bởi sự năng động của thị trường lao động, nhu cầu tiêu dùng tăng và nhiều chính sách, điều kiện thuận lợi trong việc thu hút vốn FDI.
Trong báo cáo Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quý III-2021 vừa công bố, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng cho biết, lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu tỏ ra lạc quan hơn về môi trường kinh doanh của Việt Nam sau khi kết thúc thời gian giãn cách xã hội để chuyển sang giai đoạn bình thường mới.
Điều này cho thấy dấu hiệu tích cực và tâm lý lạc quan của các thành viên EuroCham trước những chuyển biến khả quan về tình hình đầu tư và thương mại tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, tiêm vắc xin ngừa Covid-19 là tiền đề để khôi phục sản xuất. DW nhận định rằng, tầm quan trọng của Việt Nam đối với quá trình phục hồi chuỗi cung ứng cũng là một trong những lý do thúc đẩy Liên minh châu Âu hay Mỹ ưu tiên hỗ trợ hàng triệu liều vắc xin thời gian qua cho nước này-đối tác thương mại hàng đầu của họ ở Đông Nam Á.
“Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế của mình trong hoạt động sản xuất toàn cầu”, DW dẫn lời nhà kinh tế Sian Fenner tại Công ty tư vấn Oxford Economics (Vương quốc Anh).
Nguồn: Báo Quân Đội Nhân Dân
Bài báo nghiên cứu "Chống trục lợi bảo hiểm từ hoạt động quản trị, điều hành kinh doanh theo pháp luật bảo hiểm nhân thọ" do Mai Đăng Lưu (Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật, Đại học Huế) thực hiện.
Xem chi tiếtBài báo "Nghiên cứu giải pháp về quản trị chất lượng cho hệ thống cửa hàng Circle K" do Bùi Tùng Lâm (Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Đại Nam) thực hiện.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Rào cản pháp lý đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam - Thực trạng và giải pháp" do Trần Thị Nhật Anh (Trường Đại học Luật, Đại học Huế) thực hiện.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Khảo sát các tính chất của vật liệu đá bazan sử dụng làm phụ gia hoạt tính" dp ThS. Lê Minh Sơn (Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trong hoạt động thương mại điện tử - thực trạng và một số khuyến nghị " do ThS. Nguyễn Thị Hạnh Lê (Khoa Luật, Trường Đại học Văn Lang, Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.
Xem chi tiết