(CHG) Tại Hà Nội, hiện có trên 1.600 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, chiếm 1/4 của cả nước. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP mong muốn được thành phố hỗ trợ trong công tác tuyên truyền quảng bá cũng như đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm chất lượng.
Các sản phẩm khi tham gia vào phân hạng OCOP vẫn còn gặp phải những “rào cản” mặc dù chất lượng tốt
Vừa qua, tham gia Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố năm 2022, ông Tuấn Khanh (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) cho biết, sản phẩm “Bò miếng cao cấp Kim Ngân” và “Khô ăn liền cao cấp Kim Ngân” của hộ kinh doanh đã được Hội đồng OCOP TP. Hà Nội đánh giá, phân hạng 4 sao. Hiện các sản phẩm được bày bán tại tất cả các đại lý trên địa bàn huyện Đông Anh cũng như một số tỉnh, thành lân cận gồm Hải Dương, Thái Bình, Nam Định...
Hộ kinh doanh Tuấn Khanh giới thiệu sản phẩm trước các thành viên Hội đồng OCOP thành phố Hà Nội
Tuy nhiên, theo ông Khanh, dù sản phẩm chất lượng tốt, có đầy đủ giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn HACCP… nhưng hiện nay, hộ kinh doanh thực phẩm sạch như của ông vẫn gặp rất nhiều khó khăn do trên thị trường còn có rất nhiều sản phẩm giá rẻ, nhái mẫu mã, thậm chí không phải thịt bò khô được bày bán trôi nổi. Sức cạnh tranh bị ảnh hưởng, trong khi đó giá mỗi cân thịt bò tươi, chất lượng của cơ sở đang làm không hề rẻ. Đây chính là các rào cản đối với các doanh nghiệp nhỏ.
“Các sở, ban, ngành cần tạo điều kiện cho các cơ sở, hộ kinh doanh nhỏ và vừa như chúng tôi để có thể đưa những mặt hàng chất lượng nhất và an toàn nhất đến tay người tiêu dùng; tạo điều kiện cho chúng tôi kết nối giao thương với các tỉnh, giữa chủ thể các tỉnh với nhau để tìm đầu ra cho sản phẩm. Hơn nữa, với những mặt hàng trôi nổi ngoài thị trường, mong muốn Cục Quản lý thị trường làm tốt hơn nữa để hạn chế, loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng, giúp những mặt hàng đảm bảo an toàn thực phẩm như của chúng tôi phát triển hơn”, ông Khanh nêu kiến nghị.
Liên quan đến việc tiêu thụ, một số chủ thể OCOP khác cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hỗ trợ hơn nữa kết nối các chuỗi siêu thị, mở thêm điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại quận, huyện, thị xã… Bởi lẽ, hiện nay nhiều doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu có kinh nghiệm đưa hàng những siêu thị quy mô lớn như Big C, Mega Maket… thì mới được duyệt. Cùng với chi phí mở mã hàng, các siêu thị còn yêu cầu ký gửi hàng hóa, như vậy cũng là một khó khăn đối với các chủ thể OCOP.
Tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp chủ động sau khi được kiểm định OCOP
Đánh giá về vấn đề này, “trong thời gian qua, Bộ Công thương đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) triển khai chương trình hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada, Sendo… đã tạo bước tiến mạnh mẽ cho các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh”, ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội cho hay.
Tuy nhiên, ngoài sự hỗ trợ của cơ quan Nhà nước, chính doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP cần tăng cường tuyên truyền về sản phẩm tới người tiêu dùng. Các chủ thể, doanh nghiệp cũng cần chủ động tiếp cận, nâng cao năng lực vận hành trên thương mại điện tử. Từ đó mới có thể quảng bá sản phẩm của mình tiếp cận được nhiều hơn, xa hơn tới người tiêu dùng.
Điều kiện cần cơ bản để có được chất lượng sản phẩm, thì những chủ thể OCOP phải cần có quy trình sản xuất an toàn thực phẩm, nguyên liệu đầu vào.
Cũng theo ông Lê Tự Lực, TP. Hà Nội đã phát triển tới 85 Điểm OCOP tại 25 quận, huyện, thị xã (Điểm OCOP được công khai trên website Sở Công thương). Tại những Điểm OCOP này, các đơn vị quản lý, vận hành đã ưu tiên kết nối, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP của các địa phương. Chủ thể OCOP có nhu cầu giới thiệu, quảng bá thì chủ động liên hệ với các đơn vị quản lý, vận hành Điểm OCOP để được hỗ trợ hiệu quả nhất.
Ngoài ra, các chủ thể OCOP cần tích cực tham gia hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP, đồng thời chủ động nội dung tuyên truyền cung cấp tới các sở, ngành để được hỗ trợ thông tin đến các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền vào những thời điểm thích hợp nhằm quảng bá sản phẩm OCOP đạt hiệu quả nhất.
“Các chủ thể, doanh nghiệp cần tích cực tham gia hoạt động, sự kiện do thành phố tổ chức về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP, từ đó nắm được chính sách nhập hàng của các siêu thị lớn (quy trình, thủ tục, mẫu mã, sản lượng, nhập - hoàn trả sản phẩm, công nợ…), từ đó tổ chức hoạt động kết nối - tiêu thụ sản phẩm OCOP có hiệu quả”, Phó Giám đốc HPA cho hay.
Về phía chủ thể OCOP, hộ kinh doanh Tuấn Khanh cho biết: "Chúng tôi rất mong muốn tham gia các hội nghị, hội thảo do thành phố tổ chức về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP để tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, cũng sẽ học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm từ đó mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa để hướng tới thị trường quốc tế. Sau khi đã được Hội đồng OCOP TP. Hà Nội đánh giá, phân hạng 4 sao, sắp tới hộ kinh doanh chúng tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất, cải thiện mẫu mã, bao bì đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, qua đó, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Với các nguyên liệu đầu vào đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm VietGAP, ISO, HACCP…, quy trình sản xuất, đóng góp tuân thủ nghiêm ngặt vệ sinh sạch sẽ. Chúng tôi hy vọng sản phẩm OCOP 4 sao “Bò miếng cao cấp Kim Ngân” và “Khô ăn liền cao cấp Kim Ngân” của cơ sở không chỉ dừng lại ở những nhà hàng, bữa ăn gia đình mà còn được phổ cập vào bếp ăn văn phòng, bếp ăn khu công nghiệp để tất cả mọi người đều được hưởng giá trị sản phẩm từ OCOP mang lại cho sức khỏe cộng đồng, từng bước đưa thương hiệu OCOP đến gần với người tiêu dùng”.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội năm 2022 chỉ rõ: Thành phố đặt mục tiêu có 400 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP. Đến nay, đã có 488 sản phẩm đăng ký tham gia của 26/30 quận, huyện, thị xã. Công tác đánh giá sản phẩm được Hội đồng đánh giá thực hiện trên cơ sở bảo đảm công bằng, khách quan, chính xác theo các tiêu chí quy định tại bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP nhiều các sản phẩm tham gia lần này đều đạt tiêu chí công nhận 3 sao và 4 sao. |
2