(CHG) Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại vào sản xuất than, coi đây là chiến lược phát triển Kinh tế Xanh.
Để phát triển theo xu thế nền kinh tế Xanh, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại vào sản xuất than và bảo vệ môi trường; coi đây là chiến lược phát triển bền vững để tăng năng suất, sản lượng khai thác, bảo vệ môi trường...
Tại các mỏ hầm lò, TKV áp dụng hệ thống cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ trong khai thác than, cải thiện điều kiện làm việc cho thợ lò, hạn chế tác động đến môi trường, tiết giảm nhân công, tăng năng suất lao động. Đặc biệt, gia tăng mức độ an toàn và tối ưu hóa các công đoạn sản xuất than nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng thành công mô hình “Mỏ xanh, sạch, hiện đại, an toàn”.
Từ năm 2010 đến nay, sản lượng khai thác than từ các lò chợ chống giữ bằng giá khung và giá xích, khấu gương bằng khoan nổ mìn đã liên tục tăng lên. Công nghệ khai thác than lò chợ chống giữ bằng giá khung và giá xích đã tạo bước đột phá về sản lượng và năng suất lao động cũng như mức độ an toàn so với các công nghệ khai thác sử dụng vì gỗ hoặc những loại vì thủy lực đơn chiếc trước đó (cột thủy lực đơn, giá thủy lực di động). Hiện nay, giá khung và giá xích đã được áp dụng rộng rãi tại các đơn vị khai thác than hầm lò thuộc TKV với công suất lò chợ trung bình khoảng 150.000 - 180.000 tấn/năm. Sản lượng than khai thác từ các lò chợ chống giữ bằng giá khung, giá xích chiếm khoảng 50% tổng sản lượng than hầm lò của TKV.
Hệ thống giá khung được cân chỉnh đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật tại Công ty than Mạo Khê
Điển hình như Công ty than Mạo Khê, ngay sau khi triển khai áp dụng thử nghiệm thành công giá khung thủy lực ZHF1600/16/24 tại lò chợ mức -150/-80 vỉa 9B Đông - Xuyên vỉa TB.I, công ty đã triển khai nhân rộng áp dụng tại các lò chợ dài và lò chợ ngang nghiêng để thay thế các lò chợ chống giữ bằng cột thủy lực đơn và lò chợ giá thủy lực di động XDY. Nhờ đó, năng suất tăng, đạt từ 950 – 1.000 tấn/ngày và tiết kiệm được tài nguyên.
Bên cạnh hiệu quả về mặt năng suất, tiết kiệm tài nguyên, điều kiện làm việc và thu nhập của thợ lò tại vị trí lò chợ áp dụng công nghệ này cũng được cải thiện.
Ông Nguyễn Duy Tùng - Quản đốc Phân xưởng Khai thác 8 (Công ty Than Mạo Khê) cho biết: Thực tế, khi áp dụng công nghệ khấu chống bằng giá khung thủy lực ZHF 1.600/16/24 phù hợp với điều kiện địa chất của đơn vị, giúp ổn định sản lượng, tăng năng suất lao động. Riêng trong quý I/2023, đơn vị khai thác hơn 60.000 tấn than, đạt 27% kế hoạch năm. Bên cạnh hiệu quả về mặt năng suất, tiết kiệm tài nguyên, áp dụng công nghệ này vào sản xuất còn cải thiện điều kiện làm việc như giảm bụi và an toàn cho công nhân lao động.
Ngoài Công ty Than Mạo Khê, hiện nay, các mỏ hầm lò cũng đang đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong khai thác than, cải thiện điều kiện làm việc cho thợ lò, hạn chế tác động đến môi trường. Điển hình, TKV đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới vào khai thác than như công nghệ áp dụng giàn siêu nhẹ tại Công ty Than Khe Chàm; áp dụng thử nghiệm hóa chất ngăn ngừa rỗng nóc, lở gương trong quá trình khai thác và đào lò tại Công ty Than Khe Chàm, Công ty Than Uông Bí… Thực tế, việc đầu tư đồng bộ thiết bị trong khai thác than của TKV đã góp phần giảm tỷ lệ tổn thất tài nguyên trong khai thác hầm lò xuống còn dưới 20% (giảm 1 đến 3% so với giai đoạn 2015-2020). Nhờ đó, năng suất lao động tính theo giá trị tăng bình quân đạt hơn 12%/năm.
TKV đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ ứng dụng rộng rãi cơ giới hóa đồng bộ và bán cơ giới hóa vào các công đoạn sản xuất chính trong khai thác, chế biến than, khoáng sản; sản lượng khai thác than cơ giới hóa đồng bộ chiếm từ 20 - 25% cơ cấu sản lượng khai thác than hầm lò của tập đoàn. Để hiện thực hóa mục tiêu này, trong kế hoạch năm, TKV chú trọng đầu tư cho nghiên cứu, đầu tư phát triển tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chiến lược phát triển kinh tế xanh.
0