Tóm tắt:
Bài viết là kết quả đề tài “Nghiên cứu xây dựng một số mô hình khởi nghiệp sáng tạo cho thanh niên tỉnh Lào Cai” thông qua việc khảo sát mô hình khởi nghiệp của thanh niên tại thôn Tả Van Dáy 2, xã Tả Van, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Kết quả khảo sát cho thấy, mô hình Hợp tác xã thanh niên khởi nghiệp đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch tại địa phương và gắn kết các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Từ thực tế mô hình khởi nghiệp nghiên cứu, chúng tôi rút ra một số bài học cho các địa phương khác trên cả nước có điều kiện tương tự tỉnh Lào Cai.
Từ khóa: mô hình khởi nghiệp, dân tộc thiểu số, thanh niên tỉnh Lào Cai, hệ sinh thái khởi nghiệp.
Lào Cai là tỉnh phía Tây Bắc của Tổ quốc, với trên 90% là người đồng bào dân tộc thiểu số [1]. Do đó, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS luôn là mối quan tâm hàng đầu của tỉnh Lào Cai trong thời gian qua. Nhận thức được tầm quan trọng đó, với đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 của Thủ tướng tại Quyết định số 939/QĐ-TTg đã tạo động lực cho nhiều phụ nữ khởi nghiệp trên toàn quốc [5]. Tỉnh Lào Cai đã ban hành Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai” [7]; UBND tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch số 350/KH-UBND về việc Triển khai thực hiện Quyết định số 897/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp, giai đoạn 2022 ‑ 2030" trên địa bàn tỉnh [8]. Qua đó, Tỉnh đoàn đã tổ chức tập huấn, triển khai Đề án cho cán bộ đoàn các cấp, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp tại các buổi sinh hoạt Đoàn các cấp cho trên 33 nghìn cán cán bộ đoàn viên. Nhiều mô hình khởi nghiệp do thanh niên làm chủ đã được triển khai, hoạt động và đã mang lại hiệu quả tạo động lực, lan tỏa đến đông đảo thanh niên của tỉnh Lào Cai, đặc biệt là những thanh niên thuộc người dân tộc thiểu số.
Khởi nghiệp: Đến nay, đã có nhiều nghiên cứu về khởi nghiệp. Tuy nhiên, tùy cách tiếp cận khác nhau mà khái niệm khởi nghiệp được hiểu theo nghĩa khác nhau. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, chúng tôi tiếp cận khái niệm khởi nghiệp ở góc độ khởi nghiệp thông thường theo đó, khởi nghiệp là việc các tổ chức, cá nhân có khát vọng và mong muốn kinh doanh, biến ý tưởng kinh doanh thành các hoạt động kinh doanh dựa trên cơ hội thị trường và lợi thế của bản thân nhằm mục đích mang lại giá trị cho bản thân và cho xã hội [10].
Hệ sinh thái khởi nghiệp (HSTKN): Theo Startup Commons (2018), “Một HSTKN được hình thành bởi những con người, những DNKN trong các giai đoạn phát triển khác nhau và các loại tổ chức khác nhau trong một khu vực (địa lý hoặc địa điểm không gian mạng), tương tác với nhau như một hệ thống để tạo nên các DNKN mới. Các tổ chức này có thể chia thành các nhóm như: trường đại học, tổ chức cung cấp vốn, tổ chức hỗ trợ (vườn ươm khởi nghiệp, tăng tốc khởi nghiệp, không gian làm việc chung,...), tổ chức nghiên cứu, tổ chức cung cấp dịch vụ (như các dịch vụ pháp luật, tài chính…), và công ty lớn. Các tổ chức khác nhau tập trung chuyên biệt vào các chức năng khác nhau của HSTKN hoặc/và vào các giai đoạn phát triển khác nhau của các DNKN”. [3]
Các bộ phận cấu thành HSTKN bao gồm: các ý tưởng, các sáng chế/phát minh và các kết quả nghiên cứu; các DNKN ở các giai đoạn phát triển khác nhau; các nhà đầu tư mạo hiểm; các thành viên của nhóm khởi nghiệp; các nhà đầu tư thiên thần; các bậc thầy truyền nghề khởi nghiệp; các cố vấn khởi nghiệp; những người có ý chí kinh doanh mạo hiểm khác; và các tổ chức khởi nghiệp khác nhau.
Như vậy, HSTKN là toàn bộ những thành tố bên ngoài hỗ trợ cho các mô hình khởi nghiệp, giữa các thành tố này có mối quan hệ qua lại với nhau, tạo nên một hệ sinh thái bền vững.
Bài viết sử dụng phương pháp tổng hợp và phân tích thông tin thông qua kết quả nghiên cứu đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng một số mô hình khởi nghiệp sáng tạo cho thanh niên tỉnh Lào Cai” [9]. Bên cạnh đó, các số liệu thứ cấp được sử dụng thông qua số liệu báo cáo của tỉnh Lào Cai.
Xã Tả Van cách trung tâm thị xã Sa Pa 12km về phía Nam, có khí hậu mát mẻ quanh năm và cảnh quan còn được người dân nơi đây gìn giữ còn khá hoang sơ và trong lành. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề nông và làm dịch vụ du lịch, với 162 hộ gia đình làm dịch vụ homestay. Thôn Tả Van Dáy 2, xã Tả Van là một trong các thôn trong xã có số lượng hộ tham gia du lịch cộng đồng lớn nhất với 50/200 hộ dân của thôn. Mỗi năm Thôn Tả Van Dáy 2 chào đón khoảng 109.500 lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến ăn nghỉ qua đêm tại bản [2]. Đây là lợi thế rất lớn của địa phương trong thúc đẩy các mô hình khởi nghiệp về du lịch cộng đồng.
Nhận thấy tiềm năng từ chính quê hương mình về điều kiện tự nhiên, khí hậu và nhiều nét văn hóa độc đáo như: nghề nhuộm, dệt vải, nghề thêu may truyền thống, nghề làm hương thủ công bằng các loại gỗ, trầm, thảo mộc sẵn có. Với mong muốn vượt lên chính mình và làm điểm tựa cho bà con đồng bào dân tộc Mông, Dao và Giáy, năm 2017, chị Sùng Thị Lan cùng các chị em trong thôn đã thành lập Hợp tác xã (HTX ) Mường Hoa tại thôn Tả Van Dáy 2, xã Tả Van, thị xã Sa Pa nhằm khôi phục nghề nhuộm, dệt vải truyền thống và làm hương (nhang) thủ công bằng các loại gỗ, trầm, thảo mộc sẵn có của địa phương,... từ đó tạo việc làm cho chị em phụ nữ trong thôn.
Từ khi thành lập tới nay, trải qua 6 năm hoạt động, HTX Mường Hoa đã khẳng định vai trò to lớn trong hỗ trợ chị em phụ nữ thôn Tả Van Dáy 2 phát triển kinh tế. Từ lúc thành lập có 9 thành viên tham gia, đến nay, HTX Mường Hoa còn 7 thành viên tham gia, liên kết với các nhóm sản xuất - kinh doanh các sản phẩm, trong đó:
- Hộ tham gia Homestay 10 hộ
- Tắm là thuốc: 03 hộ
- Sản xuất sản phẩm truyền thống 20 hộ: hộ may, lặn hương, vẽ sáp ong
- 01 đội văn nghệ gồm 15 thành viên tham gia.
Các thành viên HTX và các tổ nhóm liên kết phần lớn đều là hội viên của Câu lạc bộ "Phụ nữ khởi nghiệp vì sự phát triển cộng đồng thị xã Sa Pa".
Hình: Mô hình liên kết phát triển du lịch cộng đồng của Thôn Tả Van Dáy 2,
thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai
Kết quả nghiên cứu và khảo sát thực tế mô hình khởi nghiệp tại thôn Tả Van Dáy 2, thị xã Sa Pa cho thấy, vai trò rất lớn của HTX Mường Hoa trong việt kết nối các thành tố trong hệ sinh thái, cụ thể từng tác nhân trong hệ sinh thái như sau:
1) Câu lạc bộ "Phụ nữ khởi nghiệp vì sự phát triển cộng đồng thị xã Sa Pa" thành lập từ năm 2018 duy trì hoạt động với nhiều mảng khác nhau như: homestay, ẩm thực, thổ cẩm, văn nghệ… với sự tương trợ lẫn nhau, đã giúp cho các thành viên tham gia CLB có kỹ năng làm du lịch ngày càng bài bản, chuyên nghiệp hơn. Đã hình thành các tour trải nghiệm gắn với nông nghiệp, văn hóa truyền thống độc đáo. Đến nay, trên địa bàn thị xã Sa Pa có 42 thành viên tham gia CLB. CLB sinh hoạt định kỳ 1 tháng 1 lần nhằm giúp các chị em phụ nữ chia sẻ kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh, các kỹ năng đón tiếp du khách và học hỏi lẫn nhau. Trong hệ sinh thái này, CLB có vai trò quan trọng trong việc kết nối phụ nữ thị xã Sa Pa, hỗ trợ và giúp lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến phụ nữ toàn thị xã.
2) Các trường đại học, các viện nghiên cứu. Các trường đại học, các viện nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cho HTX. Thời gian qua, tại thôn Tả Van Dáy 2, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên; Đại học Thái Nguyên phân hiệu Lào Cai, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển nguồn nhân lực,… đã phối hợp với Tỉnh đoàn, phối hợp với UBND thị xã Sa Pa; phối hợp với thị đoàn Sa Pa tổ chức nhiều lớp tập huấn, tư vấn cho các hộ dân nâng cao nhận thức về phát triển DLCĐ, phương thức làm du lịch, cách thức đón tiếp khách du lịch,… từ đó giúp các hộ dân tham gia vào các dịch vụ phát triển du lịch tại địa phương hiệu quả.
3) Chính quyền các cấp. Những năm gần đây, tỉnh Lào Cai nói chung, thị xã Sa Pa nói riêng đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân khởi nghiệp: hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng chính sách; hỗ trợ bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống: sang sửa, chỉnh trang lại nhà ở của người đồng bào dân tộc Mông, Tày, Nùng, những bài thuốc truyền thống, những làn điệu dân tộc,… qua đó, giúp bảo tồn và phát triển DLCĐ tại địa phương. Đồng thời, những quy định về an ninh, vệ sinh, giá cả dịch vụ,… cũng được quản lý chặt chẽ. Từ đó, giữ gìn hình ảnh của thôn nói chung và của địa phương nói riêng.
4) Các quỹ đầu tư, nhà đầu tư, tổ chức tín dụng, các tổ chức này có vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ khởi nghiệp. Tuy nhiên, tại thôn hiện nay chưa được các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư nào, các hộ tham gia mô hình mới được hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ tổ chức tín dụng trên địa bàn thị xã Sa Pa nhằm đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
5) Vai trò của HTX Mường Hoa
Trong HSTKN của thôn Tả Van Dáy 2, HTX Mường Hoa đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các tổ chức, các hộ dân. Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu, các hoạt động DLCĐ của địa phương được kết nối thông qua HTX Mường Hoa. Trong đó, HTX Mường Hoa là đơn vị liên kết và điều phối các nhóm, có đánh giá của du khách về việc trải nghiệm tại các nhóm, sau đó hằng tháng HTX sẽ tiến hành đánh giá, chấm điểm các hộ, các nhóm tham gia liên kết. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn chỉ diễn ra theo quy định hợp đồng liên kết giữa HTX với các thành viên HTX và các nhóm, song HTX chưa thu phí quản lý hay bất kỳ khoản phí nào từ các thành viên và các nhóm. Việc hoạt động của HTX với các nhóm trên tinh thần tự nguyện và hỗ trợ lẫn nhau.
6) Vai trò của các nhóm liên kết
Chị Sùng Thị Lan Giám đốc HTX Mường Hoa cùng với một số chị trong HTX đi thu mua các trang phục dân tộc của đồng bào (Tày, Nùng, Giáy, Mông, Dao…) về phục chế lại để bán cho du khách. Đối với trang phục mới, chị Lan cùng các chị em trong nhóm sản xuất sản phẩm truyền thống chỉnh sửa lại đường may và hoa văn để giữ nguyên hiện trạng, sau đó bán sản phẩm trang phục truyền thống. Đối với những trang phục không còn nguyên vẹn, hoặc không còn mới, các chị em sẽ tiến hành phục chế thành những sản phẩm truyền thống khác như: túi xách tay, balo, các sản phẩm quà lưu niệm…
HTX Mường Hoa cũng thực hiện mô hình tái chế thổ cẩm nhằm hạn chế chất thải ra môi trường. Váy, áo, khăn thổ cẩm cũ của bà con các dân tộc thiểu số sau khi HTX thu mua về sẽ được giặt sạch, nhuộm lại màu bằng nguyên liệu thiên nhiên, may mới thành vỏ gối, lọ hoa, khăn trải bàn, đồ trang trí thổ cẩm… Nhờ sự quyết tâm và nỗ lực của các thành viên, HTX đã tạo ra được sản phẩm riêng mang đậm tính dân tộc và thu hút nhiều du khách đến tham quan, mua sắm…
Hiện tại, trên địa bàn thôn Tả Van Dáy 2 có 50/200 hộ làm homestay, trong đó có 10 hộ tham gia liên kết với HTX Mường Hoa. Với phong cảnh yên bình, những căn nhà vẫn giữ nguyên được nét văn hóa độc đáo của đồng bào Mông, Tày, Giáy và Dao đã tạo cho thôn một nét đẹp riêng có.
Đặc biệt, khi nhận thức của bà con nơi đây ngày càng được nâng cao về: xây dựng nhà theo phong cách truyền thống của đồng bào mình, vệ sinh sạch sẽ và phong cách đón tiếp du khách chuyên nghiệp. Do vậy các dịch vụ homestay tại thôn đã khá tốt, từ việc xây dựng cảnh quan môi trường, đến thiết kế các phòng ngủ, nhà vệ sinh đều sạch sẽ và đẹp, đồng thời vẫn giữ được sự yên bình của nơi đây. Với mức giá trung bình 120.000 đồng/người/ngày đêm (ngủ đoong), 300.000đồng/người/ngày đêm (nếu ngủ phòng riêng - có ăn sáng kèm theo). Tại các homestay còn phục vụ bữa ăn cho du khách nếu có nhu cầu, với mức giá 150.000-200.000đ/xuất.
Dịch vụ ẩm thực được tất cả các hộ tham gia làm dịch vụ homestay triển khai ngoài các nhà hàng và các quán ăn trên địa bàn. Tuy nhiên, những hộ tham gia liên kết phải cam kết thực hiện tốt quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và phải giới thiệu, quảng bá những sản vật địa phương như: thịt trâu khô, thịt lợn khô, thịt nướng, rau rừng sản vật địa phương, sôi nếp cẩm hoặc bánh trưng đen,… được chế biến theo phong cách và hương vị đặc trưng của địa phương mà không phải nơi nào cũng có.
Tắm lá thuốc là một nét văn hóa của người đồng bào dân tộc Dao đỏ nơi đây. Tắm lá thuốc giúp cho cơ thể được thoải mái và có thể chữa chị được một số bệnh. Những bài thuốc tắm khác nhau thường có công thức khác nhau được trộn lẫn từ nhiều loại thuốc. Một công thức pha chế ít nhất cũng cần 10 loại thuốc khác nhau, nhiều bài thuốc phức tạp còn cần nhiều hơn, có loại đặc biệt cần đến 120 loại. Mỗi loại thảo dược để phát huy tốt nhất công dụng phải có cách sơ chế khác nhau. Có loại được phơi hoặc sao khô đúng cách, hoặc sử dụng tươi mới cho kết quả sử dụng tốt nhất. Một số loại cây thuốc chính như: cây cơm cháy, cây hoa ông lão, cây chùa dù, cây màng tang, cây liên đằng hoa nhỏ. Có một điểm đặc biệt là theo kinh nghiệm của người Dao ở đây, tắm thuốc người Dao Đỏ phải sử dụng thùng tắm làm bằng gỗ pơ mu. Vì gỗ pơ mu có mùi thơm rất dễ chịu và khi cộng hưởng cùng nước thuốc tắm nóng sẽ phát huy hết được những công dụng của các bài thuốc.
Thuốc tắm người Dao Đỏ có các công dụng chính như: giúp chị em nhanh chóng phục hồi sức khỏe sau sinh, nhanh lấy lại vóc dáng, phòng và ngăn ngừa các bệnh hậu sản; tác dụng dưỡng da, giúp da săn chắc, hồng và mịn; tăng cường lưu thông máu, giúp cơ thể sảng khoá, ngủ sâu giấc; giảm đau nhức cơ xương, đau thần kinh tọa; giảm và tẩy mùi khó chịu trên da.
Tại thôn có 3 hộ tham gia dịch vụ tắm lá thuốc người dao đỏ cho du khách, trong đó Lao Home Spa là một trong những hộ đông khách nhất thôn, do chị Lý Tả Mẩy người dân tộc dao đỏ sinh năm 1991 là chủ, (là thành viên của CLB phụ nữ khởi nghiệp thị xã), với 4 phòng tắm gồm 12 bồn tắm lá thuốc, với mức đầu tư ban đầu là 250 triệu đồng gồm:
- Xây 4 phòng tắm: 4 phòng * 35.000.000đ/phòng = 140.000.000 đồng.
- Bồn tắm: 12 bồn * 4.000.000 = 48.000.000 đồng.
- Nồi đun nước tắm lá thuốc: 35.000.000 đồng.
- Hệ thống điện, đường dẫn nước cho các phòng tắm: 27.000.000 đồng. Trung bình, mỗi tháng có 300-400 khách đến homstay sử dụng dịch vụ tắm lá thuốc, với mức thu bình quân 120.000 đồng/người/lượt tắm. Thu nhập bình quân khoảng 10.000.000 đồng/tháng, cao hơn thu nhập từ làm nông nghiệp tại địa phương rất nhiều. Đây cũng là một trong những thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu tại địa phương trong việc phát triển các dịch vụ truyền thống tại địa phương trong thời gian qua.
Ngoài ra, tại thôn còn có một số dịch vụ khác: vẽ sáp ong, dệt, may, thêu, dịch vụ văn nghệ, dịch vụ hướng dẫn viên, cụ thể:
Vẽ sáp ong. Đây là dịch vụ vẽ sáp ong lên vải đang thu hút được nhiều du khách muốn trải nghiệm khi đến với thôn Tả Van Dáy 2, vì những nét đặc trưng riêng có của dịch vụ này. Du khách đăng kí tham gia dịch vụ này sẽ được sửa dụng 1 chiếc bút bằng thanh tre nhỏ dài khoảng 7cm, ngòi bút là một lá đồng bé xíu hình tam giác được nẹp vào thanh tre để vẽ. Ngòi bút càng mỏng hoa văn vẽ càng đẹp và dễ. Khi vẽ, người vẽ luôn phải ngồi bên bếp lửa, chấm bút vào chảo sáp ong đang nóng đặt trên than hồng, đưa tay kẻ những đường thẳng trên vải. Vẽ xong hoa văn thì bỏ vải vào nồi nước đun sôi, đảo đều tay để lớp sáp bong hết, để lại những nét hoa văn đẹp trên nền vải. Sau khi luộc, vải được nhuộm chàm, phơi nắng. Đây là một dịch vụ trải nghiệm được nhiều du khách nước ngoài yêu thích, đặc biệt là các bạn trẻ.
Các loại hình dệt, may, thêu, để làm ra một sản phẩm đẹp thì trước hết phải chọn được chất liệu vải đẹp. Bước đầu tiên là phải có mảnh vải thật vuông mới thêu được hình vuông vắn và đẹp. Các màu chủ đạo của người Mông là màu chàm, màu đen và xanh lá cây. Khi trải nghiệm dịch vụ này, du khách được mua chính sản phẩm do mình làm ra để làm quà lưu niệm.
Về văn nghệ. Để bảo tồn và phát triển những nét văn hóa văn nghệ độc đáo của đồng bào dân tộc Dao đỏ, Giáy,... các thế hệ đi trước đã truyền lại cho thế hệ sau. Bên cạnh đó, để khôi phục và làm phong phú hơn cho các chương trình văn nghệ phục vụ cho du khách, ngoài các phong tục nhảy lửa, được chính quyền địa phương mời các giảng viên tại các trường nhạc viện về hướng dẫn cho các giới trẻ trong thôn, xã, để bảo tồn và phát triển tại địa phương.
Như vậy, có thể thấy được ý chí quyết tâm của thanh niên dân tộc thiểu số tại thôn Tả Van Dáy 2 và sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn. Từ đó, chúng tôi rút ra bài học cho phụ nữ nói riêng và cho các địa phương trong phát triển các mô hình khởi nghiệp, cụ thể như sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho thanh niên và cộng đồng về vai trò của khởi nghiệp, lập nghiệp, từ đó giúp cho thanh niên tự tin vào hoạt động phát triển DLCĐ tại địa phương.
Thứ hai, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa bản sắc của địa phương. Khuyến khích mọi người tham gia khởi nghiệp dựa trên lợi thế của mình.
Thứ ba, cần phát huy vai trò của kinh tế tập thể trong khởi nghiệp; vai trò của các tổ chức hội và các câu lạc bộ tại địa phương, đặc biệt là các HTX khởi nghiệp.
Thứ tư, cần nâng cao nhận thức của mọi người dân về vai trò của DLCĐ, hỗ trợ người dân tham gia vào các hoạt động DLCĐ như: hỗ trợ vốn, đào tạo, tập huấn cho người dân về cách thức đón tiếp du khách, ngoại ngữ và kỹ năng chế biến món ăn…
Tài liệu tham khảo:
Lessons learned from the entrepreneurship model of ethnic minority youth
in Lao Cai province
PhD. Vu Quynh Nam 1
Master. Tran Thi Ngoc Linh 2
1 Director, Institute for Economic Research and Human Resource Development,
Thai Nguyen University of Economics and Business Administration
2 Lecturer, Faculty of Accounting,
Thai Nguyen University of Economics and Business Administration
Abstract:
This paper presents the results of the research project entitled “Developing some creative entrepreneurship models for the youth in Lao Cai province”. In this project, a survey was done to explore the entrepreneurship models of the youth in Ta Van Day 2 village, Ta Van commune, Sa Pa District, Lao Cai province. The survey showed that the youth cooperative entrepreneurship model has played a significant role in developing local tourism activities and connecting various components within the entrepreneurship ecosystem. Based on the project’s findings, some valuable lessons are pointed out for other regions with similar conditions to Lao Cai province.
Keywords: entrepreneurship model, ethnic minority, the youth of Lao Cai Province, startup ecosystem.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22 tháng 10 năm 2023]
Bài báo nghiên cứu "Phân tích tác động nhận thức môi trường của khách hàng đến xu hướng sử dụng thiết bị thông minh trên ôtô" do Phan Văn Nhựt (Khoa Công nghệ Động lực, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Phân tích tác động của quyền chọn thực đến hiệu quả dự án đầu tư do TS. Nguyễn Trung Trực ( Khoa Tài chính - Kế toán, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) thực hiện.
Xem chi tiếtẢnh hưởng các phương pháp sấy đến hàm lượng polyphenol, chlorophyll của bột lá cách (Premna Integrifolia L.) do ThS. Võ Văn Sim - Lê Thị Thanh Ngân - Võ Gia Huy - ThS. Bùi Thu Hà - ThS. Hồ Tấn Thành - ThS. Trần Nguyễn An Sa*(Khoa Công nghệ Hóa học, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.
Xem chi tiếtKinh nghiệm pháp luật Hoa Kỳ về bảo mật thông tin khách hàng của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán do ThS. Nguyễn Thị Bích Mai (Giảng viên, Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) thực hiện
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Ảnh hưởng của tỷ lệ chừa lá và thời gian bao ngọn đến sinh trưởng và tỷ lệ xuất vườn của giống cà phê Robusta TR4 trong vườn ươm" do Đặng Lê Thanh Liên - Nguyễn Thị Lan Thương (Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai) thực hiện.
Xem chi tiết