Phát triển Chương trình OCOP gắn với sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn


(CHG) Điểm du lịch cộng đồng Vườn đá Tả Phìn của Lào Cai đã đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao, là điểm dịch vụ du lịch thứ 2 trên toàn quốc được cấp chứng nhận OCOP.

Lào Cai có tiềm năng về du lịch

Tiềm năng lớn cho phát triển Chương trình OCOP gắn với du lịch

Lào Cai là tỉnh biên giới nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam, có vị trí quan trọng là cầu nối giao lưu, trao đổi kinh tế, văn hóa, du lịch trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Bên cạnh đó, Lào Cai còn có nhiều tiềm năng về các tài nguyên du lịch bao gồm cả tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn với địa hình núi cao hùng vỹ, khí hậu mát mẻ quanh năm kết hợp cùng thảm thực vật đa dạng phong phú, hội tụ 25 dân tộc anh em chung sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 64% dân số toàn tỉnh. Mỗi dân tộc đều có tiếng nói, phong tục tập quán, văn hoá riêng tạo nên văn hoá đa dạng, giàu bản sắc là nguồn tài nguyên văn hóa quan trọng để phát triển du lịch Lào Cai, thu hút lượng khách lớn, đặc biệt là khách du lịch quốc tế như: Tả Phìn, Lao Chải, Tả Van, Bản Hồ, Giàng Tả Chải, Sử Pán, Bản Khoang, Cát Cát (Sa Pa); Tà Chải, Na Hối, Bản Phố, Trung Đô (Bắc Hà); Bản Mế, Cán Cấu (Si Ma Cai); Mường Hum, Y Tý (Bát Xát)...

Chưa kể, kiến trúc nhà ở của các dân tộc tại các bản làng dân tộc cũng tạo ra nét hấp dẫn riêng với du khách như: nhà Trình Tường của người Hà Nhì, nhà sàn truyền thống của người Tày, nhà lợp gỗ của người Mông, nhà trình tường lợp ngói âm dương của người Nùng…

Hàng năm, Lào Cai có khoảng 40 lễ hội thường được tổ chức, trong đó chủ yếu là lễ hội dân gian gắn với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, tập quán vòng đời người và gắn với các di tích danh thắng, với tập quán bảo vệ rừng,... Các lễ hội được tổ chức ở quy mô cấp huyện/thành phố và cấp xã, trong đó có nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch như: Lễ hội bảo vệ rừng của dân tộc Nùng (Mường Khương), Nghi lễ cúng rừng Ga tu tu của dân tộc Hà Nhì tại Y Tý (Bát Xát), Lễ Pút Tồng của người Dao đỏ ở Tả Phìn, Hội Lồng tồng, Hội Xuống đồng của người Giáy, người Tày, Hội xuân đền Thượng của thành phố Lào Cai, lễ hội đền Bảo Hà huyện Bảo Yên...


Ngoài ra, các phiên chợ vùng cao cũng là hoạt động đặc sắc về văn hóa hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Ngoài các hoạt động trao đổi hàng hóa, thì chợ còn là nơi gặp gỡ, tìm hiểu và sinh hoạt văn hóa của các dân tộc. Một số chợ vùng cao nổi tiếng của Lào Cai như: Chợ tình Sa Pa, chợ phiên Cốc Ly, chợ phiên Bắc Hà... Đây là những yếu tố mang lại tiềm năng to lớn cho phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh Lào Cai.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai, dựa vào tiềm năng lợi thế, Lào Cai là một trong những tỉnh đầu tiên của Việt Nam áp dụng mô hình phát triển du lịch cộng gắn với xoá đói, giảm nghèo cho cộng đồng các dân tộc thiểu số với sự hỗ trợ của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng gắn với xoá đói giảm nghèo tại Sa Pa -1998) và Tổ chức Bánh mỳ Thế giới (hỗ trợ xây dựng 02 mô hình du lịch cộng đồng thí điểm tại 2 xã Bản Hồ và San Sả Hồ (Sa Pa).

Sau 2 năm đi vào vận hành mô hình du lịch cộng đồng do Tổ chức Bánh Mỳ thế giới hỗ trợ triển khai đã được chứng minh là hiệu quả trong việc nâng cao sinh kế và tôn vinh các giá trị văn hóa bản địa. Với sự quan tâm của tỉnh, sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài, hoạt động du lịch cộng đồng Lào Cai đang ngày một phát triển. Sản phẩm du lịch nông thôn phát triển mạnh tập trung vào homestay, du lịch trải nghiệm, tham quan Ruộng bậc thang, du lịch nông trại.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 07 tuyến du lịch nông thôn, 25 điểm du lịch cộng đồng, gần 400 hộ gia đình có đủ điều kiện được kinh doanh loại hình lưu trú tại gia (homestay), có 2 nhóm cơ sở lưu trú tại gia (homestay) của đồng bào dân tộc Giáy tại xã Tả Van (Sa Pa) và dân tộc Tày tại Tà Chải (Bắc Hà) được Hiệp hội du lịch các quốc gia ASEAN công nhận đạt chuẩn homestay ASEAN...

Năm 2010 các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai đón 148.740 lượt khách, đến năm 2019 khi chưa có dịch Covid các điểm du lịch cộng đồng đón gần 1 triệu lượt khách tham quan (tiêu biểu là Bản Du lịch cộng đồng Cát Cát được mệnh danh là ngôi làng đẹp nhất Tây Bắc đón gần 800.000 lượt khách tham quan). Du lịch đã và đang đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương, hiện nay tổng số lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch khoảng 25 nghìn người (với 10.000 người trực tiếp và 15.000 người gián tiếp), 2.000 lao động nông thôn tham gia, đóng góp của ngành du lịch trong cơ cấu GRDP của tỉnh giai đoạn 2015-2020 là 15%

Đối với phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch gắn với Chương trình OCOP được tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện Chương trình như ban hành Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”, bổ sung nhiệm vụ chỉ đạo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên cơ sở kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai, ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP đạt chứng nhận (Hỗ trợ 15 triệu đồng/sản phẩm 3 sao; 30 triệu đồng/sản phẩm 4 sao và hỗ trợ 80 triệu đồng/sản phẩm đạt 5 sao).

Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các chủ thể xây dựng hồ sơ dự thi. Tổ chức tuyên truyền chương trình OCOP và quảng bá sản phẩm OCOP trên sóng phát thanh truyền hình, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức Hội chợ sản phẩm OCOP Miền núi phía Bắc... Tổ chức đánh giá sản phẩm OCOP thường niên.

Kết quả đạt được rất khả quan, đến nay, tỉnh đã có 123 sản phẩm được công nhận OCOP của 64 doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình trên địa bàn 54 xã, phường, thị trấn. Các sản phẩm thuộc đủ 6 nhóm ngành là thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ trang trí, vải may mặc, dược liệu và Dịch vụ du lịch và bán hàng, trong đó có 24 sản phẩm 4 sao và 99 sản phẩm 3 sao.

Số lượng sản phẩm được chứng nhận OCOP đạt 155% mục tiêu Đề án. Trong đó, đã công nhận OCOP cho điểm du lịch cộng đồng Vườn đá Tả Phìn đạt 4 sao, tại thời điểm công nhận, đây là điểm dịch vụ du lịch thứ 2 trên toàn quốc được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP sau điểm du lịch của tỉnh Quảng Ninh. Sau công nhận lượng khách tham quan, nghỉ dưỡng tại đây tăng cao hơn khoảng 30% so với trước. Điểm du lịch này được công nhận OCOP có ý nghĩa rất quan trọng, sẽ tiếp thêm động lực để các địa phương, đơn vị khác tiếp tục quan tâm, đầu tư thêm nhiều sản phẩm OCOP khác.

Thành công của mô hình này cũng cho thấy, các địa phương có tour du lịch sinh thái, cộng đồng khác hoàn toàn có thể học tập và nhân rộng mô hình sản phẩm du lịch OCOP theo chuỗi để nâng tầm sản phẩm du lịch của làng bản mình... hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững, tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập cho người dân.

Tỉnh Lào Cai đã có 123 sản phẩm được công nhận OCOP của 64 doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình

Khai thác tiềm năng các điểm du lịch cộng đồng theo hướng đạt chuẩn OCOP

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện khó khăn lớn nhất là các cơ sở du lịch cộng đồng khi tham gia Chương trình OCOP là việc xây dựng hồ sơ dự thi và chưa thấy được lợi ích khi tham gia OCOP nên chưa quan tâm đầu tư xây dựng sản phẩm, nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ thuê đơn vị tư vấn xây dựng hồ sơ.

Để khai thác được tiềm năng của các điểm du lịch cộng đồng theo hướng đạt chuẩn của OCOP, trong thời gian tới tỉnh Lào Cai sẽ triển khai một số giải pháp sau:

Một là, thường xuyên tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức, phương pháp, cách thức tiếp cận và triển khai Chương trình đến đội ngũ cán bộ các cấp, đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất để tạo nên phong trào sâu rộng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP; đặc biệt là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp để thống nhất trong nhận thức và hành động.

Hai là, Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất phát triển sản phẩm OCOP; đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hỗ trợ phát triển sản phẩm, thương hiệu của từng sản phẩm, kế hoạch chuyên biệt, cụ thể bài bản về phát triển sản phẩm OCOP cấp tỉnh và định hướng cấp quốc gia.

Ba là, Đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại; xây dựng chiến lược phát triển thị trường cho các sản phẩm OCOP. Xây dựng hình ảnh sản phẩm OCOP tỉnh Lào Cai chất lượng, an toàn thực phẩm và thân thiện môi trường. Tổ chức tốt chuỗi liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất chất lượng, cải tiến mẫu mã, kiểu dáng bao bì sản phẩm; củng cố, xây dựng và thành lập các điểm giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại và kinh doanh sản phẩm OCOP của tỉnh.

Bốn là, Tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt các ứng dụng công nghệ của nông nghiệp 4.0 vào tổ chức sản xuất hàng hóa, dịch vụ chương trình OCOP. Lấy khoa học công nghệ làm khâu then chốt để tạo đột phá, nâng cao chất lượng, gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa. Các ứng dụng về khoa học công nghệ cần dựa trên nhu cầu cụ thể của các tổ chức kinh tế OCOP (ưu tiên các Hợp tác xã và các doanh nghiệp vừa và nhỏ có địa chỉ ứng dụng cụ thể).

Năm là, Tập trung rà soát các sản phẩm có lợi thế, có nhu cầu thị trường lớn trên cơ sở đó hỗ trợ mở rộng quy mô sản xuất, định hướng để trở thành sản phẩm đạt OCOP cấp quốc gia. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm OCOP theo quy định. Thiết lập bộ máy quản lý có đủ thẩm quyền, năng lực; bảo đảm thực hiện đúng theo chu trình OCOP, đánh giá và phân hạng sản phẩm theo đúng bộ tiêu chí đã đề ra.

Từ nay đến năm 2025, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu sẽ ưu tiên hỗ trợ xây dựng thí điểm 07 mô hình phát triển du lịch nông thôn, nông nghiệp, phấn đấu mỗi huyện đạt chuẩn nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn mang đặc trưng của địa phương, đó là: Phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát; Phát triển du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Bản Phố 2C, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà; Phát triển du lịch cộng đồng tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên; Phát triển dịch vụ trải nghiệm, tham quan tại trại nghiên cứu và sản xuất rau quả Bắc Hà; Phát triển không gian du lịch cộng đồng 4- thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa; Phát triển du lịch cộng đồng dân tộc Xa Phó tại thôn Nậm Rịa, xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai; Phát triển du lịch nông thôn theo các loại hình du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn.

Đồng thời, phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch, phấn đấu có ít nhất 3 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của tỉnh. Đồng thời phát triển nông nghiệp hàng hóa, các sản phẩm OCOP mang đặc trưng vùng miền tạo chuỗi giá trị kết hợp với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, du lịch ẩm thực.

Nguồn: https://congthuong.vn/lao-cai-phat-trien-chuong-trinh-ocop-gan-voi-san-pham-dich-vu-du-lich-nong-thon-245884.html

Còn lại: 1000 ký tự
Quảng Ninh hướng tới thành trung tâm du lịch quốc tế và kinh tế

​(CHG) Mục tiêu đến năm 2050, Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm du lịch kết nối toàn cầu, điểm đến hàng đầu thế giới dựa trên định vị thương hiệu vịnh Hạ Long - vịnh Bái Tử Long là thiên đường cảnh quan và sự phát triển hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế - xã hội - môi trường với chất lượng cuộc sống của người dân và môi sinh đạt chuẩn quốc tế.

Xem chi tiết
Công bố Chỉ số Cải cách hành chính năm 2023: Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu

(CHG) Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2023 trung bình cả nước là 82,66%, tăng 2,58% so với năm 2022 (80,08%). Tỉnh cao nhất là Quảng Ninh, đạt 90,61%, tỉnh thấp nhất là Bắc Cạn, đạt 75,03%..

Xem chi tiết
Tuyển sinh, đào tạo tại Trường Cao đẳng – Kỹ thuật Vĩnh Phúc: Bám sát yêu cầu của doanh ngiệp và nhu cầu xã hội

(CHG) Quá trình tuyển sinh, đào tạo, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc luôn tìm hiểu, bám sát nhu cầu thị trường lao động và việc làm, tăng cường gắn kết với doanh nghiệp. Qua đó, học viên sớm làm quen với môi trường làm việc thực tế, phát triển toàn diện kỹ năng nghề, doanh nghiệp không phải đào tạo lại, nhà trường cũng ngày càng hoàn thiện chương trình đào tạo...

Xem chi tiết
Cục QLTT Đắk Lắk phối hợp Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột đấu tranh phòng, chống gian lận thương mại và hàng giả

​Nhằm tăng cường hiệu quả phối hợp giữa hai cơ quan Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk và Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột, sau nhiều lần góp ý, trao đổi thống nhất giữa hai bên, ngày 13 tháng 4 năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk và Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột đã tổ chức Lễ ký kết Quy chế phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống gian lận thương mại và hàng giả.

Xem chi tiết
Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất

Xác định được tầm quan trọng của khoa học công nghệ (KHCN), thời gian qua, các đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh đã chủ động ứng dụng phần mềm, công nghệ, kỹ thuật vào hoạt động, qua đó tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển bền vững.

Xem chi tiết
2
2
2
3