(CHG) Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, việc thúc đẩy xây dựng các ứng dụng hỗ trợ thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng. Bộ Công Thương đang cùng lúc triển khai xây dựng và vận hành nhiều chương trình, ứng dụng trên nền tảng thiết bị di động và các cổng thông tin chuyên ngành. Chương trình này là tin vui đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Bộ Công Thương đã phối hợp với Napas xây dựng, vận hành hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia KeyPay nhằm hỗ trợ thanh toán điện tử thông qua các loại thẻ ngân hàng. Trong năm 2023-2024, Bộ cũng đã hoàn thành triển khai sàn TMĐT hợp nhất 63 tỉnh/thành (Sanviet.vn), đồng thời hoàn thiện và vận hành hệ thống eCoSys giúp doanh nghiệp có thể in giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) trên giấy A4.
Cùng thời gian trên, hiện Cục TMĐT và Kinh tế số của Bộ này cũng đứng ra chủ trì, xây dựng nhiều ứng dụng như: Go Export (hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua TMĐT), EcomEx (sáng kiến về hệ sinh thái xuất nhập khẩu trực tuyến); Vsign.vn (cổng hỗ trợ khai báo xuất xứ điện tử) và GoOnline (hỗ trợ toàn diện các vấn đề bán hàng, giao hàng, thanh toán TMĐT)…
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, việc thúc đẩy xây dựng các ứng dụng hỗ trợ TMĐT đã trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng
Công cụ hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp
Các ứng dụng hỗ trợ TMĐT sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng chuyển đổi sang mô hình kinh doanh trực tuyến, từ đó mở rộng thị trường, tăng trưởng doanh thu và nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc áp dụng công nghệ số không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mà còn tối ưu hóa quy trình quản lý, tạo ra các cơ hội mới trong việc tiếp cận khách hàng và phân phối sản phẩm.
Với sự phát triển của các công cụ hỗ trợ, hoạt động kinh doanh trực tuyến sẽ trở nên minh bạch và dễ dàng kiểm soát hơn. Các ứng dụng này giúp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo rằng các sản phẩm và dịch vụ được cung cấp qua nền tảng TMĐT đều tuân thủ các quy định pháp lý và không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn có hạn chế về nguồn lực và kinh nghiệm, sẽ hưởng lợi rất nhiều từ các ứng dụng hỗ trợ TMĐT. Những ứng dụng này giúp doanh nghiệp xây dựng và vận hành các kênh bán hàng trực tuyến một cách hiệu quả mà không cần đầu tư quá nhiều vào cơ sở hạ tầng công nghệ. Điều này giúp các doanh nghiệp nhỏ có thể gia nhập thị trường TMĐT một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Với sự phát triển của các công cụ hỗ trợ, hoạt động kinh doanh trực tuyến sẽ trở nên minh bạch và dễ dàng kiểm soát hơn
Bên cạnh đó, các ứng dụng hỗ trợ việc kiểm soát, giám sát hoạt động TMĐT sẽ giúp ngăn ngừa các hành vi gian lận và vi phạm trong môi trường mạng. Đây là yếu tố quan trọng để duy trì một thị trường TMĐT lành mạnh, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Cần sớm thực hiện đồng bộ hóa dữ liệu
Ngoài những mặt tích cực, việc cùng lúc có quá nhiều chương trình, ứng dụng “cạnh tranh” hỗ trợ TMĐT cũng đang khiến nhiều doanh nghiệp tỏ ra lúng túng, không biết nên bắt đầu từ ứng dụng nào, liên thông, liên kết và bảo mật dữ liệu ra sao.
Chủ một doanh nghiệp kinh doanh đồ điện tử ở Hà Nội chia sẻ, việc có quá nhiều ứng dụng khiến doanh nghiệp của anh không biết nên bắt đầu từ đâu và lựa chọn ứng dụng nào để phù hợp nhất. Mỗi ứng dụng đều có những tính năng và lợi ích riêng, nhưng việc phải tìm hiểu và sử dụng nhiều ứng dụng cùng lúc gây mất thời gian và công sức. Ngoài ra, dữ liệu là tài sản quý giá của doanh nghiệp, vì vậy việc liên thông và liên kết dữ liệu giữa các ứng dụng cần được đảm bảo an toàn và hiệu quả. Nếu dữ liệu không được liên thông tốt, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất mát hoặc rò rỉ thông tin.
Đối với việc cung cấp các ứng dụng, giải pháp hỗ trợ quản lý và triển khai TMĐT, hiện nay, thị trường có sự tham gia tích cực, mạnh mẽ từ các bộ, ngành, các fintech, các tập đoàn công nghệ số, TMĐT đa quốc gia. Trong bối cảnh công nghệ TMĐT thay đổi nhanh chóng, các ứng dụng, phần mềm quản lý, hỗ trợ cũng sẽ liên tục cập nhật, thay đổi và ngày càng tối ưu, toàn diện hơn.
Việc cùng lúc có quá nhiều chương trình, ứng dụng “cạnh tranh” hỗ trợ TMĐT cũng đang khiến nhiều doanh nghiệp tỏ ra lúng túng, không biết nên bắt đầu từ ứng dụng nào, liên thông, liên kết và bảo mật dữ liệu ra sao
Mặc dù vậy, để tích hợp và đồng bộ được các thông tin, dữ liệu của khách hàng thì không dễ dàng, do mỗi ứng dụng đều được phát triển rời rạc bởi những nhà cung cấp khác nhau. Ngay cả các ứng dụng, phần mềm có sự tham gia của các bộ, ngành với tư cách như đơn vị hợp tác, chỉ đạo thì việc tích hợp, đồng bộ dữ liệu cũng gặp vướng mắc vì liên quan đến nhiều vấn đề về pháp lý, quyền hạn, chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.
Các chuyên gia cho rằng, để tích hợp, đồng bộ hóa dữ liệu trên các phần mềm, ứng dụng hỗ trợ phát triển TMĐT cho doanh nghiệp thì cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành liên quan. Trước mắt, những ứng dụng chính thức phục vụ quản lý, kiểm soát bắt buộc của các cơ quan nhà nước (liên quan đến các lĩnh vực như: thanh toán, thu thuế, xác thực định danh…) cần sớm được các bộ, ngành thực hiện đồng bộ hóa dữ liệu. Về lâu dài, các cơ quan quản lý cũng cần có các hợp tác, ràng buộc với nhà cung cấp ứng dụng, phần mềm hỗ trợ TMĐT, đặt ra các yêu cầu nhất định về tuân thủ kết nối xác thực dữ liệu, đồng bộ thông tin khách hàng trên các nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp.
Nguồn: Bộ Công Thương
0
Tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp Thăng Long năm 2024
(CHG) Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội vừa tổ chức Lễ tôn vinh Doanh nhân, Doanh nghiệp Thăng Long năm 2024. Đây là dịp để biểu dương, động viên những doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô và đất nước trong năm 2024.
Xem chi tiết