(CHG) Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế tiếp tục ra văn bản đề nghị Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thẩm mỹ Yody Phương Anh (Công ty Yody Phương Anh)
Quảng cáo về quy trình sản xuất mỹ phẩm của Công ty Yody Phương Anh được gắn logo VTV3, do một tài khoản MXH đăng tải trên nền Tiktok (ảnh cắt từ video).
Liên tục bị xử phạt
Sau khi Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng gải và Gian lận thương mại có bài viết: “Công ty Yody Phương Anh có đang thách thức Công ty Nhật Hàn và cơ quan chức năng”, ngày 18/3/2025, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế tiếp tục ra công văn yêu cầu Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra và xử lý vụ việc, đồng thời báo cáo lại Cục trước ngày 31/3/2025.
Ngày 18/3, Cục quản lý dược - Bộ Y tế tiếp tục ra công văn số 819/QLD-MP về việc kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến Công ty Yody Phương Anh.
Dưới góc nhìn pháp lý và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, câu hỏi đặt ra: liệu Công ty Yody Phương Anh có đang thách thức pháp luật và coi thường quyền lợi của người tiêu dùng? Hay thực tế, cơ quan chức năng chưa thực sự làm tròn trách nhiệm trong việc giám sát, kiểm tra hậu kiểm, khiến công ty này sẵn sàng "đùa giỡn" trên sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng?

Công văn số 433/QLD-MP về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm vi phạm của Công ty Yody Phương Anh.

Danh sách 32 lô mỹ phẩm của Công ty Yody Phương Anh bị Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy.
Chỉ một thời gian ngắn (từ 02/10/2024 đến 23/01/2025) Công ty Yody Phương Anh đã bị Sở Y tế tỉnh Thái Bình và liên tục bị Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh xử lý những vi phạm liên quan đến lĩnh vực sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm. Các vi phạm này chủ yếu liên quan đến việc không tuân thủ các quy định về công bố sản phẩm mỹ phẩm, vi phạm các quy định về ghi nhãn sản phẩm, quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm như thuốc và sản phẩm có chứa chất cấm Corticoid và hàm lượng thủy ngân vượt hơn 43 nghìn lần.
Ngoài việc ban hành các quyết định xử phạt hành chính, buộc thu hồi sản phẩm, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế còn ra văn bản thu hồi phiếu tiếp nhận số công bố sản phẩm của đơn vị này.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Nhật Hàn (Công ty Nhật Hàn), đơn vị có liên quan đến số công bố mỹ phẩm mà Công ty Yody Phương Anh đang sử dụng trên nhãn một số sản phẩm: Yody Phương Anh- Serum giup tái tạo da, số tiếp nhận phiếu công bố 2371/22/CBMP; Yody Phương Anh- Rửa mặt thảo dược, số tiếp nhận phiếu công bố 2373/22/CBMP; Yody Phương Anh- Serum giúp tái tạo da cao cấp, số phiếu tiếp nhận cong bố 2372/22/CBMP-HCM; Yody Phương Anh- Whitening Body Cream, số phiếu tiếp nhận công bố 004015/22/CBMP-HCM... liên tiếp có công văn gửi các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí về việc không sản xuất mỹ phẩm cho công ty này.




Công ty Nhật Hàn tiếp tục ra công văn số 01/2025-CVNH khẳng định những sản phẩm mỹ phẩm có số lưu hành: 2371/22/CBMP-HCM, 2373/22/CBMP-HCM, 2372/22/CBMP-HCM, 004015/22/CBMP-HCM (như cơ quan báo chí đã nêu) không phải do công ty này sản xuất.
Tuy nhiên, người tiêu dùng tiếp tục phát hiện Công ty Yody Phương Anh vẫn ngang nhiên kinh doanh những sản phẩm mỹ phẩm có số công bố trên. Đây là hành vi không chỉ vi phạm các quy định về công bố, sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm mà còn có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của người tiêu dùng, vì mỹ phẩm không được kiểm tra và chứng nhận đầy đủ về chất lượng và nguồn gốc.
“Chúng tôi đã nhiều lần trao đổi với đại diện Công ty Yody Phương Anh là dừng ngay viêc mua nguyên liệu mỹ phẩm linh tinh về đóng thành phẩm để bán cho người tiêu dùng. Đặc biệt, nhiều sản phẩm có sử dụng số công bố liên quan đến đơn vị chúng tôi. Tuy nhiên, đại diện của công ty này trâng tráo trách ngược lại chúng tôi là tại sao cung cấp thông tin cho báo chí, trong khi đó công ty ở Bạc Liêu có cung cấp thông tin đâu. Câu trả lời này của người đại diện Công ty Yody Phương Anh khiến chúng tôi không thể chấp nhận được. Chúng tôi sẽ đề nghị cơ quan chức năng phải thu hồi số công bố liên quan tới công ty Nhật Hàn mà đơn vị này đang sử dụng bất hợp pháp”, một đại diện của Công ty Nhật Hàn bức xúc.
“Lỗ hổng” của cơ quan giám sát?
Để xảy ra vấn đề trên, người tiêu dùng đặt câu hỏi: cơ quan chức năng đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc giám sát và kiểm tra hậu kiểm các hoạt động của công ty Yody Phương Anh hay chưa? Liệu lần kiểm tra và xử lý này có đủ mạnh tay để ngừng hành vi vi phạm của công ty này hay không?
Trao đổi với ông Nguyễn Khắc Ngân, Phó chủ tịch Quỹ Chống hàng giả về những vi phạm liên quan đến Công ty Yody Phương Anh, ông Ngân cho rằng: “Hành vi vi phạm của công ty Yody Phương Anh không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của chính doanh nghiệp này, mà còn đặt ra những nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng.
Đặc biệt, trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng và an toàn của sản phẩm mỹ phẩm, việc một công ty như Yody Phương Anh không tuân thủ các quy định pháp lý càng khiến lòng tin của công chúng đối với các thương hiệu mỹ phẩm trong nước bị xói mòn, hệ lụy để lại là việc “thua trên sân nhà” của các thương hiệu mỹ phẩm Việt. Điều đó khiến các doanh nghiệp chân chính bị cạnh tranh thiếu công bằng.
Đối với doanh nghiệp, có thể xem đây là hành động vi phạm pháp luật rõ ràng, thể hiện sự coi thường các quy định và quyền lợi của người tiêu dùng. Mặt khác, với cơ quan chức năng, cụ thể là Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, chưa thực sự làm tròn trách nhiệm trong việc giám sát và kiểm tra hậu kiểm, thì trách nhiệm cũng thuộc về các cơ quan này. Việc các doanh nghiệp như Yody Phương Anh có thể tiếp tục vi phạm mà không bị xử lý kịp thời cho thấy có thể còn tồn tại các “lỗ hổng” trong công tác giám sát, khiến các công ty này dễ dàng lách luật và tiếp tục có những vi phạm pháp luật nhằm trục lợi”.
Câu chuyện về công ty Yody Phương Anh cho thấy một thực tế đáng lo ngại về việc thiếu sự kiểm soát chặt chẽ trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm. Các cơ quan chức năng cần nâng cao hiệu quả công tác giám sát và xử lý vi phạm, đặc biệt là đối với những công ty có dấu hiệu “nhờn luật”, bất tuân thủ các quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng, cụ thể là Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cần thực thi nghiêm ngặt hơn nữa trong việc hậu kiểm đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, cũng như liên quan đến các số công bố mỹ phẩm mà doanh nghiệp tự công bố, nhằm bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng, tránh xảy ra các hệ lụy nghiêm trọng về sau.
Nếu công ty Yody Phương Anh vẫn tiếp tục hành vi vi phạm mà không có sự can thiệp kịp thời từ cơ quan chức năng, thì không chỉ công ty này mà cả ngành mỹ phẩm Việt Nam sẽ phải đối mặt với những hậu quả khôn lường, lúc đó ai sẽ là người chịu trách nhiệm.
0
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết