(CHG) Từ năm 2008, ngày 20/4 hằng năm được Thủ tướng Chính phủ quyết định là "Ngày Thương hiệu Việt Nam" nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Từ đó tới nay, việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu đã chứng minh đây chính là thành tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là với thương mại - dịch vụ.
Thông qua các hoạt động xây dựng thương hiệu, nhiều hàng hóa, sản phẩm dịch vụ đã có chỗ đứng trong "không gian tiêu dùng", thỏa mãn nhu cầu đa dạng của nhiều đối tượng ở trong và ngoài nước. Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là cơ hội chắp cánh cho những thương hiệu đó vươn tới tầm cao mới, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.
Xây dựng bản sắc thương hiệu quốc gia Việt Nam
Bản sắc quốc gia là những gì mà quốc gia mong muốn định vị, gắn với hình ảnh quốc gia trong tương lai. Một thương hiệu quốc gia tích cực sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư và du lịch, giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận người tiêu dùng quốc tế một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Ý thức được tầm quan trọng của xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam, phát triển hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên bản đồ địa lý kinh tế - chính trị toàn cầu, từ năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 253/QÐ-TTg ngày 25/11/2003 phê duyệt Chương trình xây dựng và phát triển Thương hiệu quốc gia Việt Nam, giao Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai.
Chương trình thương hiệu quốc gia tích hướng tới mục đích xây dựng hình ảnh về Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ đa dạng, phong phú với chất lượng cao; nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế trong quá trình hội nhập. Khuyến khích xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến. Tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam; xây dựng hình ảnh Việt Nam gắn với các giá trị "chất lượng - đổi mới, sáng tạo - năng lực lãnh đạo"; tăng thêm uy tín, niềm tự hào và sức hấp dẫn cho đất nước và con người Việt Nam, góp phần khuyến khích du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài.
Ðến nay, Chương trình thương hiệu quốc gia tích Việt Nam đã thu hút được sự tham gia rộng rãi và thiết thực của cộng đồng doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp có được những kiến thức cần thiết trong quá trình xây dựng và tạo lập thương hiệu, hỗ trợ cho các doanh nhân các điều kiện pháp lý đăng ký và bảo vệ thương hiệu của mình. Nhờ đó, nhiều hàng hóa, sản phẩm dịch vụ của Việt Nam đã tạo được vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc xây dựng thương hiệu là một vũ khí mạnh giúp doanh nghiệp vuợt khó, nâng cao cạnh tranh, chiến thắng trên thương trường. Xây dựng được thương hiệu đã là quan trọng, song duy trì, phát triển và bảo vệ được thương hiệu còn quan trọng hơn. Ðạt được yêu cầu đó trong khi nguồn lực cùng kinh nghiệm về lĩnh vực thương hiệu của ta còn hạn chế, càng đặt ra nhiều thách thức vừa cấp bách, vừa lâu dài.
Bảo vệ thương hiệu diễn ra hết sức phức tạp
Một thương hiệu mạnh không chỉ góp phần tăng lượng khách hàng, mà còn giúp các công ty tăng mức độ uy tín, từ đó thu hút nhiều bên liên quan như nhà đầu tư, đối tác kinh doanh, nhà cung cấp… Các nhà đầu tư sẽ rót vốn vào các công ty có thương hiệu, uy tín cao. Do đó, việc bảo vệ thương hiệu luôn được đặt ra và thực sự diễn ra hết sức phức tạp.
Các chuyên gia cho rằng, trong một thị trường toàn cầu hóa và bùng nổ cạnh tranh, muốn tồn tại các doanh nghiệp phải tạo ra được sự khác biệt để xây dựng được thương hiệu của riêng mình vì thương hiệu không chỉ đem lại cho doanh nghiệp những khách hàng trung thành và lợi nhuận cao hơn mà còn giúp doanh nghiệp hợp tác dễ hơn, truyền thông hiệu quả hơn.
Đối với doanh nghiệp Việt Nam, xây dựng thương hiệu cũng đang là vấn đề sống còn nhưng có rất ít thương hiệu của Việt Nam khẳng định được vị trí của mình ở cả thị trường nội địa và quốc tế. Cụ thể, ở thị trường nội địa, gần 20 năm trước, hàng may mặc Việt Nam đã có những thương hiệu được đánh giá là có triển vọng và khả năng cạnh tranh tốt như Việt Thắng, Việt Tiến, Nhà Bè… Tuy nhiên, đến nay có những thương hiệu vẫn giữ được thị phần, nhưng có những thương hiệu đã đánh mất năng lực dẫn dắt thị trường. Nhiều thương hiệu vang bóng một thời như Giầy Thượng Đình, Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Sá xị Chương Dương, Vang Thăng Long, mỳ Miliket… do áp lực cạnh tranh cũng đang lùi dần vào quên lãng.
Đáng lo ngại, những doanh nghiệp chế biến thực phẩm có thương hiệu lớn, vốn đang được xem là trụ cột thị trường, đang dần mất vào tay những doanh nghiệp ngoại. Cụ thể như các thương hiệu Việt nổi tiếng như Vissan, Công ty CP chế biến hàng xuất khẩu Cầu tre, Kinh Đô, Bibica, ABC…
Các doanh nghiệp Thái Lan kết hợp với doanh nghiệp Việt tạo ra hệ thống siêu thị mini.
Ngoài ra, còn có nhiều sự đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài thông qua hình thức M&A, hay tự thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể như Tập đoàn CJ Chelijedang (Hàn Quốc) đã chính thức mua lại cổ phần của Công ty Cầu Tre với tỷ lệ sở hữu lên tới 71,6%. Tập đoàn này cũng đang nắm giữ 64,9% vốn của Công ty TNHH thực phẩm Minh Đạt và 3,8% cổ phần tại Công ty Vissan.
Hay các doanh nghiệp của Thái Lan hợp tác chiến lược cùng Masan, đầu tư cổ phiếu Vinamilk; vụ Daesang Corp (Hàn Quốc) đầu tư trọn 100% cổ phần của CTCP thực phẩm Đức Việt; CTCP Á Mỹ Gia trao gửi toàn bộ 100% cổ phần của mình cho Earth Chemical (Nhật Bản); Fraser & Neave Ltd. (Singapore) mua 5,4% cổ phần của Vinamilk…
Theo các chuyên gia kinh tế, để xây dựng thương hiệu, từng doanh nghiệp phải có chiến lược riêng của mình và cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt là Cục Xúc tiến Thương mại phải có chiến lược rõ ràng và quyết tâm, có hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp.
Thương hiệu về bản chất là uy tín, danh tiếng của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ hoặc của doanh nghiệp mà khách hàng nhận biết, nhớ đến thông qua nhãn hiệu hàng hóa và những yếu tố ẩn chứa bên trong nhãn hiệu đó. Rõ ràng, thương hiệu là một tài sản vô hình của doanh nghiệp, nó là tổng hợp của nhiều yếu tố, những thành quả mà doanh nghiệp đã tạo dựng được trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của mình. Sự nổi tiếng của thương hiệu là một lợi thế trong kinh doanh và là một bảo đảm cho lợi nhuận tiềm năng của doanh nghiệp.
Vì thế, xây dựng và phát triển thương hiệu là một vấn đề hết sức cần thiết đối với mọi doanh nghiệp để có thể cạnh tranh có hiệu quả trên thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài, nhất là trong điều kiện chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay…/.
Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 8 năm 2022 đã chọn được 325 sản phẩm của 172 doanh nghiệp. 19 doanh nghiệp đã có 8 lần liên tiếp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia kể từ kỳ xét chọn đầu tiên năm 2008
Đáng lưu ý, trong số các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm nay đã xuất hiện thêm nhiều tên tuổi, thương hiệu nổi tiếng trên thị trường. Lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp trải dài trên 30 ngành hàng khác nhau. Về mặt địa lý, các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2022 đến từ 35 tỉnh, thành thuộc cả ba miền Bắc, Trung, Nam. |
(Còn nữa)
3