(CHG) Xuất khẩu gạo trở thành điểm sáng khi đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh hàng loạt mặt hàng khác đang giảm sâu. Sự tích cực được dự báo sẽ tiếp tục duy trì khi nhu cầu thị trường đang ở mức cao cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp địa phương trong việc nâng cao chất lượng, giá trị hạt gạo.
Gạo Lộc Trời lên đường xuất khẩu sang châu Âu. Ảnh: TL
Không đủ gạo để xuất khẩu
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,9 triệu tấn, giá trị 1,52 tỷ USD, tăng 40,7% về lượng và 51,6% về giá trị kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Công bố của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, tuần vừa qua, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam điều chỉnh tăng thêm 5USD, lên 488USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất kể từ đầu năm đến nay và cao hơn 15USD so với mức đỉnh hồi tháng 2.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp:
Năm 2022 mặc dù lượng gạo và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng so với năm 2021, nhưng thị trường xuất khẩu gạo của Đồng Tháp chủ yếu tập trung vào thị trường châu Á chiếm khoảng 80%, trong khi tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu vào châu Âu còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm 1%. Do đó, đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ Đồng Tháp tham gia các sự kiện kết nối thị trường châu Âu do Bộ Công Thương tổ chức để doanh nghiệp (DN) có cơ hội tiếp cận thị trường này nhằm khai thác có hiệu quả EVFTA.
Ngoài ra, hiện một số DN xuất khẩu gạo của Đồng Tháp có nhu cầu xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc. Do đó, đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất phía Trung Quốc bổ sung danh sách DN được xuất khẩu gạo vào Trung Quốc để DN có cơ hội xuất khẩu vào thị trường này, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu gạo của tỉnh. |
Với kết quả đạt được trong 4 tháng đầu năm 2023, gạo trở thành một trong số ít mặt hàng vẫn giữ được tăng trưởng dương khi hàng loạt mặt hàng khác đều rơi vào suy giảm. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thị trường xuất khẩu gạo ghi nhận sự tăng trưởng tốt ở cả các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc và thị trường tiềm năng như Chile, Singapore. Đặc biệt, trị giá xuất khẩu gạo sang EU ghi nhận tăng trưởng rất tốt ở nhiều thị trường nhờ xuất khẩu các sản phẩm gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá trị gia tăng cao. Điều này cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam đang ngày càng tăng, đáp ứng yêu cầu từ cả các thị trường khó tính, đồng thời cho thấy tiềm năng mở rộng thị trường, gia tăng thị phần gạo chất lượng cao của Việt Nam.
Ông Huỳnh Văn Khỏe, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Đại Dương Xanh còn cho biết, DN không đủ gạo để xuất khẩu, đặc biệt là gạo chất lượng theo tiêu chuẩn thị trường. Điển hình như thị trường EU, nhu cầu gạo chất lượng cao là rất lớn. Trước đây, Công ty Đại Dương Xanh xuất khẩu sang EU chỉ 1-2 container/năm (khoảng 20 tấn/container), nhưng hiện nay đã tăng lên vài ngàn tấn/năm, song theo ông Khỏe, nhu cầu của thị trường này vẫn còn rất lớn. “Trước đây khách hàng mua gạo Việt Nam vì giá rẻ, nhưng hiện nay gạo Việt Nam được chọn mua nhờ sự thơm ngon, chất lượng” – ông Khỏe cho hay.
Từ nay đến cuối năm, tình hình xuất khẩu gạo được dự báo sẽ tiếp tục thuận lợi. Đặc biệt, theo ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, việc Trung Quốc thông báo mở cửa trở lại là tín hiệu tích cực cho các nhà xuất khẩu gạo. Trung Quốc cũng đã công bố cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) chính thức là cửa khẩu đủ điều kiện nhập khẩu lương thực vào Trung Quốc với lượng tối đa 200 nghìn tấn/năm. Như vậy, cùng với cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), Việt Nam có 2 cửa khẩu đường bộ được phép nhập khẩu lương thực vào Quảng Tây (Trung Quốc).
Số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, 2 tháng đầu năm nay, trong khi nước này giảm nhập khẩu gạo từ Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, thì lại tăng mạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Qua đó, nâng thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu gạo của Trung Quốc lên mức 19,2% so với 6,7% của cùng kỳ năm 2022.
Tiếp tục nâng cao chất lượng, giá trị
Trước những tín hiệu tích cực từ thị trường gạo thế giới, việc quy hoạch lại vùng trồng, tập trung mở rộng diện tích lúa chất lượng cao là điều mà các địa phương và DN đang hướng tới. Ông Huỳnh Văn Khỏe đặt vấn đề cần quy hoạch lại vùng trồng để gia tăng nguồn cung gạo chất lượng cao, từ đó xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam.
Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết, trong năm 2022 toàn tỉnh có 64.300ha thực hiện liên kết sản xuất lúa gạo với sản lượng 434.000 tấn, chiếm tỷ lệ 17% tổng diện tích sản xuất lúa. Có 43 hợp tác xã, 22 tổ hợp tác và nông dân ký hợp đồng cùng 38 DN trong và ngoài tỉnh thực hiện liên kết. Ông Dũng đánh giá mức độ liên kết này còn khá khiêm tốn so với diện tích và sản lượng của tỉnh. Do đó, thời gian tới Đồng Tháp sẽ tập trung tăng cường liên kết, đẩy mạnh sản xuất gạo chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng năng suất và giảm giá thành để mang lại lợi nhuận cao hơn cho nông dân cũng như ổn định xuất khẩu.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cũng khẳng định vấn đề đầu ra cho lúa gạo không phải là điều đáng lo vì thế giới có biến động đến đâu thì nhu cầu đối với gạo vẫn luôn có. Việc cần làm hiện nay là đẩy mạnh liên kết để nâng cao chất lượng và giá trị hạt gạo. Bởi lâu nay gạo Việt Nam chưa tận dụng được lợi thế nên vẫn bán giá thấp. Hiện các DN đều rất trông chờ có cánh đồng liên kết để vào làm. Khi DN và nông dân cùng liên kết, chất lượng và giá trị của gạo Việt chắc chắn sẽ được nâng lên.
Để khai thác tốt hơn các thị trường trong thời gian tới, ông Nguyễn Thành Huân, Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang cho rằng, các địa phương cũng như DN nên tận dụng hệ thống các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Theo ông Huân, thời gian qua xuất khẩu gạo của An Giang đạt kết quả rất tích cực, một phần là nhờ sự hỗ trợ của hệ thống thương vụ. “Khi địa phương trao đổi thông tin, các thương vụ đều hỗ trợ rất nhiệt tình. Nhờ đó, An Giang đã kết nối DN với các thương vụ để tiếp cận thị trường. Các thương vụ còn đề nghị địa phương đưa sản phẩm mẫu, thông tin về sản phẩm để giới thiệu cho DN tại nước sở tại” – ông Huân chia sẻ. Nhờ đó, bên cạnh các thị trường truyền thống ở châu Á, An Giang đã xuất khẩu gạo thành công vào Nga, Bangladesh. Đặc biệt, Tập đoàn Lộc Trời đã xuất khẩu khoảng 1.000 tấn sang thị trường châu Âu./.
Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/xuat-khau-gao-thua-thang-xong-len-174223-174223.html
0