​Mối lo hàng giả gắn mác khuyến mãi dịp nghỉ lễ


(CHG) Nghỉ lễ 30/04 – 01/05 năm nay sát với dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nên được nghỉ dài hơn mọi năm đến 5 ngày. Theo các nhà kinh doanh, năm nay người dân có xu hướng đi chơi xa nên hoạt động mua sắm trước lễ dự kiến tăng khoảng 30 - 50% so với ngày thường. Tuy nhiên, lợi dụng điều này, nhiều cá nhân và doanh nghiệp nhỏ lẻ có thể tung chiêu khuyến mãi ảo, nhập nhèm giá cả cũng như mẫu mã sản phẩm nhằm trục lợi, người tiêu dùng nên hết sức cảnh giác.

Khuyến mãi nhiều mặt hàng tại hệ thống siêu thị mỗi dịp lễ, Tết.
Khuyến mãi, giảm giá đa dạng ngành hàng tiêu dùng
Theo khảo sát của phóng viên Tạp chí Điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG), thời điểm nghỉ lễ 30/04 – 01/05 hằng năm, hệ thống các siêu thị thường tăng lượng hàng hóa và áp dụng nhiều chương trình khuyến mại giảm giá sâu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng của người dân.
Các mặt hàng hóa gồm rau xanh, củ, quả, trái cây, nước giải khát mùa hè, thực phẩm tươi sống, gạo… khá dồi dào. Cùng với đó, là nhóm các thực phẩm khô, hàng hoá gia dụng, thời trang, kính mắt, đồ bơi mùa hè… Các mặt hàng bán chạy có thể kể đến là điện tử-điện máy, đồ dùng gia đình, thời trang may mặc, các loại nước giải khát…
Chương trình khuyến mại diễn ra trên diện rộng nhiều mặt hàng, với nhiều hình thức khác nhau như giảm giá đến 50%, tặng quà kèm giảm giá, “mua 2 tặng 1”, chiết khấu thanh toán trên hóa đơn với những hóa đơn thanh toán cao…
Nhiều nhà bán lẻ giảm giá mạnh cho hàng nghìn sản phẩm để giúp người dân mua sắm và tiết kiệm, gồm: thực phẩm tươi sống giảm giá từ 10 - 20%; đồ dùng nhà bếp giảm 21 - 47%; sản phẩm chăm sóc sức khoẻ mua sản phẩm thứ 2 cùng loại giá giảm còn 50% hoặc giá chỉ còn vài nghìn đồng…
Các siêu thị, hệ thống bán lẻ đều chú trọng đến chất lượng hàng hóa, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh, củ quả… đồng thời giữ bình ổn giá dù nhu cầu thị trường có tăng.
Ưu đãi “khủng”
Theo nhiều người tiêu dùng, hoạt động khuyến mãi, giảm giá được các nhà bán lẻ “chạy” liên tục trong năm, tuy nhiên, vào những dịp lễ lớn thì mức ưu đãi cao hơn so với thời điểm bình thường.
Chị Nguyễn Thúy Hằng, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ: "Năm nào cũng vậy, cứ gần đến kỳ nghỉ lễ dài ngày, tôi hay vào siêu thị mua sắm một số hàng hóa thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm để chuẩn bị đi chơi với gia đình và mua cả đồ dự trữ. Tôi thấy nhiều mặt hàng được khuyến mại giá rất hấp dẫn, nhất là các mặt hàng đồ uống, trái cây, thực phẩm, mỹ phẩm, đồ gia dụng như giấy vệ sinh, xà phòng, nước giặt... sẽ giảm giá khá sâu. Tôi sẽ tiết kiệm được một khoản kha khá cho gia đình”.
Tương tự, chị Quỳnh Anh (Quận 1, TP. HCM) cho biết, chị rất thích các thương hiệu thời trang lớn và chỉ chờ dịp nghỉ lễ 30/04 – 01/05 để mua, vì dịp này nhiều hãng sale tới 50% cho tất cả các sản phẩm. “Dành tiền mua quần áo dịp này sẽ có cơ hội mua được nhiều hơn những món đồ mình thích”, chị Quỳnh Anh háo hức chia sẻ. Tuy nhiên, chị cũng lo lắng về chất lượng hàng khuyến mãi liệu có phải là hàng tồn, hàng lỗi mốt hay cận hạn sử dụng được nhà bán lẻ tận dụng cơ hội này để “đẩy” đi không?
Anh Trọng Đức (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, vào dịp 30/04 - 01/05 anh thường vào hệ thống siêu thị điện máy để săn hàng giảm giá, phục vụ cho mùa hè. Anh cho biết, tham khảo giá vài năm trở lại đây, các thiết bị điều hòa, quạt máy, tủ lạnh... thường được giảm giá đến 30%, thậm chí miễn phí công lắp đặt điều hòa, cùng nhiều chính sách ưu đãi, hậu mãi của nhà cung cấp. Đây là điều rất đáng chờ đợi để mua sắm.
Theo các nhân viên ở một số siêu thị lớn của Hà Nội, trước những ngày lễ, mặt hàng gia dụng, thực phẩm khô, đồ dùng gia đình... bán khá chạy, trong khi vào cao điểm lễ thì thực phẩm lại là mặt hàng “sốt” nhất. Sức mua cũng thường tăng vào thời điểm chiều và tối khi các gia đình kết hợp mua sắm và đi chơi thư giãn.
Ông Trần Tấn Hoàng Hậu, Giám đốc tiếp thị hệ thống Thiên Hòa chia sẻ với báo chí: “Trước đây, vào những ngày cao điểm, các mặt hàng mang tính thời vụ sẽ tăng giá nhưng hiện nay xu hướng ngược lại. Nhà bán lẻ phải tìm đủ cách để kéo người tiêu dùng mua sắm: Tung hàng mẫu mới, cho trải nghiệm mua sắm, giảm giá, trả góp…”.

Nhiều khách hàng tận dụng chương trình giảm giá ngày lễ để mua quần áo của các thương hiệu nổi tiếng.
Cẩn trọng với hàng khuyến mãi dịp nghỉ lễ
“Ăn theo" mùa lễ 30/04 - 01/05, không chỉ hệ thống siêu thị mà hàng loạt cửa hàng và sàn thương mại điện tử (TMĐT) cũng đua nhau tung ra các sản phẩm giảm giá để thu hút khách hàng.
Rất nhiều chương trình khuyến mãi "khủng", khuyến mãi "sập sàn", giảm giá tới 70%, thậm chí 90%... được quảng cáo. Tuy nhiên, đó rất có thể là cái bẫy được người bán giăng sẵn.
Còn nhớ dịp nghỉ lễ 30/04 - 01/05/2022, sau khi "săn sale" được 20 hộp miếng dán ngải cứu giảm đau và giải độc với giá 21.000 đồng/hộp 12 miếng, giảm 50% giá theo như quảng cáo trên một trang TMĐT, chị Ngọc (quận Phú Nhuận, TP. HCM) mới phát hiện giá thật của loại miếng dán này là 21.000 đồng/hộp, thậm chí có cửa hàng còn bán với giá chỉ 20.000 đồng/hộp.
Trên một sàn TMĐT khác, có cửa hàng rao bán nồi chiên không dầu với thương hiệu, xuất xứ rõ ràng, mẫu mã rất đẹp và giá chỉ có 17.710 đồng. Tuy nhiên, khi chọn mua nồi chiên, hình ảnh sản phẩm hiện ra lại là một... chiếc móc dán. Nếu chuyển qua chọn đúng hình nồi chiên, mức giá công bố là 600.000 - 700.000 đồng.
Đây là một trong những chiêu trò khá phổ biến của nhiều nhà cung cấp trên nhiều sàn TMĐT nhằm dụ người dùng ham rẻ truy cập vào "cửa hàng" của mình.
Không chỉ trên các sàn TMĐT, một số doanh nghiệp bán hàng qua website riêng, thậm chí cả hệ thống bán lẻ lớn cũng dùng chiêu trò để thu hút người dùng.
Nhiều website tổ chức các lễ hội bán lẻ với quảng cáo giảm giá đến 49%, 50%, thậm chí 70 - 90%. Nhưng trong thực tế, chỉ một vài sản phẩm giảm giá 50%, còn lại chỉ khoảng 10 - 20%.
Để không rơi vào “ma trận khuyến mãi”, các chuyên gia khuyên người tiêu dùng nên cẩn trọng và lưu ý với các chiêu trò gắn mác khuyến mãi đánh lừa người mua, tuồn hàng giả, hàng kém chất lượng ra thị trường.
Theo đó, khi mua hàng khuyến mãi, người tiêu dùng phải so sánh giá của sản phẩm đang giảm giá tại cửa hàng này với cửa hàng khác để xác định đó là khuyến mãi thật hay khuyến mãi ảo.
Lưu ý chất lượng và thời hạn bảo hành sản phẩm bởi nhiều cửa hàng nhỏ lẻ không có chính sách "hậu mãi" như bảo hành, đổi trả đối với các mặt hàng khuyến mãi.
Khách hàng cần tìm hiểu kỹ thông tin người bán cả trên website chính, fanpage chính (có dấu xác thực xanh)...
Với các mặt hàng có giá trị cao, người dùng nên chọn các hệ thống uy tín, có chương trình khuyến mãi cũng như các chính sách bảo hành, hậu mãi rõ ràng để an tâm khi mua sắm./.
Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, kinh doanh hàng giả trên môi trường TMĐT tập trung vào 3 nhóm hàng hóa chính, gồm: Đồ công nghệ điện tử; quần áo, giầy dép, mỹ phẩm; và đồ gia dụng. Hàng giả liên quan đến vi phạm chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ, giả mạo tem nhãn, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và bản quyền tác giả cũng khá phổ biến, nhất là đối với các mặt hàng giầy dép, thực phẩm chức năng, điện thoại thông minh…
Còn lại: 1000 ký tự
Đà Nẵng: Xử phạt 02 cửa hàng trưng bày để bán hàng giả mạo nhãn hiệu

(CHG) Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng kiểm tra đột xuất 02 cửa hàng kinh doanh có hành vi trưng bày bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và xử phạt 24 triệu đồng.

Xem chi tiết
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường

(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.

Xem chi tiết
Gia Lai: Tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 03 tháng cuối năm 2024

(CHG) - Trong 9 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tỉnh Gia Lai đã quyết liệt thực hiện có hiệu quả các kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Xem chi tiết
Hơn 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc bán trên tài khoản Tiktok “Phan Thủy Tiên” bị thu giữ

(CHG) Trên 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu nhập lậu được kinh doanh chủ yếu trên Tiktok, Facebook vừa bị Tổ TMĐT, Cục Nghiệp vụ QLTT đột xuất kiểm tra và tiến hành tạm giữ. Đây là sản phẩm được một hot Tiktoker thường xuyên livestream bán trên Tiktokshop.

Xem chi tiết
Đà Nẵng: Tịch thu hơn 6.200 mặt hàng thực phẩm và đồ chơi trẻ em

(CHG) Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng kiểm tra thị trường Tết Trung thu năm 2024 vừa qua, xử phạt 37 đơn vị kinh doanh thực phẩm và đồ chơi trẻ em, với tổng số tiền xử phạt hơn 376 triệu đồng.

Xem chi tiết
2
2
2
3