(CHG) Trong kế hoạch bình ổn thị trường năm 2023 - 2024, TP. HCM sẽ bình ổn giá cho 19 nhóm thuốc sản xuất trong nước, giá bình ổn thấp hơn thị trường 5 - 10%.
Theo kế hoạch bình ổn, giá bán của các nhóm thuốc trong chương trình thấp hơn giá bán của sản phẩm cùng loại (cùng hoạt chất) trên thị trường ít nhất là 5 - 10%.
Thuốc trong chương trình gồm 19 nhóm thuốc sản xuất trong nước trị các bệnh thường gặp ở nhiều người, các bệnh mãn tính, có nhu cầu sử dụng nhiều.
Đó là các thuốc giảm đau - hạ sốt, chống dị ứng, trị tiêu chảy, trị bệnh đau dạ dày, trị ho, thuốc tim mạch, trị tiểu đường, thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc nhỏ mắt, thuốc trị giun, trị thấp khớp, vitamin - khoáng chất, thuốc dùng ngoài, thuốc cải thiện tuần hoàn não, chống rối loạn tâm thần, thuốc từ dược liệu...
Danh mục thuốc bình ổn có hơn 180 mặt hàng, trong đó gồm các mặt hàng thiết yếu thông thường. Số lượng thuốc bình ổn chiếm 50% nhu cầu của các nhóm thuốc thiết yếu người dân thành phố sử dụng trong năm.
Thời gian thực hiện chương trình bình ổn giá thuốc từ ngày 01/04/2023 - 03/03/2024.
Giá thuốc phải niêm yết công khai và thống nhất ở tất cả các điểm bán thuốc bình ổn giá và bán thấp hơn giá bán của sản phẩm cùng loại (cùng hoạt chất) trên thị trường ít nhất từ 5 - 10% và được đăng ký với Sở Y tế, Sở Tài chính.
Trường hợp thị trường biến động tăng hoặc giảm đối với giá nguyên vật liệu, các chi phí đầu vào làm ảnh hưởng đến cơ cấu giá thành sản xuất thì sẽ có sự điều chỉnh giá bán phù hợp.
Việc thực hiện kế hoạch nhằm chủ động, đảm bảo cung cầu các mặt hàng dược phẩm thiết yếu, ổn định giá cả trên địa bàn.
Kế hoạch cũng nêu thuốc trong chương trình là thuốc sản xuất trong nước tại các nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO, bảo đảm chất lượng. Nhất là lượng thuốc trong chương trình có khả năng cân đối cung cầu cho người dân thành phố, kể cả trong trường hợp có xảy ra biến động giá thuốc, nhu cầu sử dụng thuốc thiết yếu tăng cao.
Bên cạnh bình ổn giá thuốc, ngày 21/03/2023 Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cũng đã ký ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phục vụ học tập năm 2023 - Tết Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn.
Tham gia Chương trình có 11 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu gồm: lương thực (gạo, lương thực chế biến khô, bột...); đường RE, RS; dầu ăn; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ quả; thủy hải sản; gia vị; sữa.
Các tháng thường, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 23 - 31%, các tháng Tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25 - 43% nhu cầu thị trường.
Ngoài ra, còn có 05 nhóm hàng phục vụ học tập năm 2023 - 2024 gồm: tập vở; cặp, ba lô, túi xách; đồng phục học sinh; giầy dép học sinh; dụng cụ học tập. Lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 35 - 50% nhu cầu tiêu dùng của học sinh, sinh viên trên địa bàn Thành phố năm học 2023 - 2024.
Thời gian thực hiện chương trình là 12 tháng, bắt đầu từ ngày 01/04/2023 đến hết ngày 31/03/2024./.
Nguồn: https://congthuong.vn/19-nhom-thuoc-duoc-binh-on-gia-trong-nam-2023-tai-tp-ho-chi-minh-247762.html
2
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết