(CHG) Thời gian qua, không ít người dân đã bị lừa đảo bởi các đối tượng tội phạm công nghệ cao thông qua nhiều thủ đoạn tinh vi. Đây là loại tội phạm mới, đang có xu hướng phát triển, đa dạng và khó lường trên quy mô toàn cầu. Là mối đe dọa to lớn đối với sự ổn định, phát triển của các quốc gia và được xác định là một trong những nguy cơ, thách thức lớn nhất của cộng đồng quốc tế.
Tội phạm công nghệ cao gia tăng
Tình hình tội phạm công nghệ cao thời gian gần đây đã diễn ra trên phạm vi cả nước, số lượng vụ bị lừa đảo ngày càng tăng cao, với nhiều hình thức ngày càng tinh vi, gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản và khiến người dân bức xúc, lo lắng.
Lừa đảo công nghệ cao là thủ đoạn lợi dụng công nghệ kỹ thuật cao để thực hiện hành vi lừa đảo. Tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện bằng hình thức cố ý sử dụng tri thức, kỹ năng, phương tiện công nghệ thông tin ở trình độ cao tác động trái pháp luật đến thông tin số được lưu trữ, xử lý, truyền tải trong hệ thống máy tính, xâm phạm đến trật tự an toàn thông tin, gây tổn hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Do đó, các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo nhanh chóng và khi bị phát hiện thì ít để lại dấu vết. Điểm chung của hầu hết các vụ việc lừa đảo bằng công nghệ cao là các đối tượng thu thập được thông tin cá nhân của nạn nhân như tên, tuổi, ngày sinh, số căn cước, thông tin tài khoản ngân hàng...
Các thông tin này do nạn nhân sơ ý để lộ hoặc các đối tượng tự thu thập được. Sau khi lấy được thông tin cá nhân, các đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh cơ quan, tổ chức liên hệ với chủ thể của thông tin đó đề nghị chuyển tiền. Mặt khác, các đối tượng có thể sử dụng thông tin cá nhân của người khác để thực hiện các khoản vay với số tiền lớn và người phải trả là người đã bị lộ thông tin cá nhân đó.
Một trong những thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng là tạo ra các đường link có chứa mã độc, sau đó gửi cho người khác. Khi người nhận được đường link này ấn truy cập, các đối tượng đọc được mã OTP trong khi giao dịch qua tài khoản ngân hàng và qua đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Ngoài ra, các đối tượng còn làm giả trang web của các cơ quan, tổ chức, làm giả các sàn giao dịch điện tử cũng với mục đích chiếm đoạt tài sản.
Mới đây, chị G ở thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, Sơn La, đã bị các đối tượng tội phạm công nghệ cao rút gần 2 tỷ đồng trong tài khoản. Với chiêu lừa đảo gửi tin nhắn giả danh nhà mạng có nội dung: thông báo, khách hàng đã đăng ký, kích hoạt gói dịch vụ có mức phí sử dụng mỗi tháng từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng, nếu muốn hủy dịch vụ thì truy cập vào đường dẫn http:/... Do mất cảnh giác, lầm tưởng tin nhắn của nhà mạng thật nên chị G đã truy cập vào đường dẫn trong tin nhắn trên và làm theo yêu cầu, cung cấp thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng... Hậu quả, chị G đã bị các đối tượng tội phạm chiếm đoạt số tiền gần 2 tỷ đồng.
Nạn nhân bị lừa đảo đang trình báo tại Công An Sơn La. Ảnh: Báo QĐND.
Chủ động chống sự cố an toàn thông tin
Theo số liệu của Trung tâm Giám sát không gian mạng Việt Nam (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ trong 2 tuần từ ngày 12/12 đến ngày 25/12/2022, đã có 1.252 trường hợp tấn công vào các trang, cổng thông tin điện tử của Việt Nam, trong đó các trường hợp tấn công lừa đảo (Phishing) chiếm tới hơn 66%.
Trong khoảng thời gian này, hệ thống đã tiếp nhận phản ánh của người dùng internet về các trường hợp nghi lừa đảo tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn do NCSC quản lý đã nhận được 422 ý kiến phản ánh. Qua kiểm tra, phân tích, có nhiều trường hợp lừa đảo giả mạo website của ngân hàng và các trang thương mại điện tử. Đáng chú ý, hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất là giả mạo thương hiệu, chiếm 72,6%; giả mạo chiếm đoạt tài khoản trực tuyến chiếm 11,4%; 16% còn lại là lừa đảo trúng thưởng, việc làm online, app cho vay...
Thông tin từ các chuyên gia bảo mật cho biết, sự cố tấn công mạng - đặc biệt là lừa đảo trực tuyến nhắm trực tiếp vào người dùng cá nhân đang có xu hướng gia tăng trong những tháng cuối năm 2022, đặc biệt là dịp nghỉ Tết Dương lịch cũng như Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Bởi thời điểm đó, các cơ quan, doanh nghiệp phải bận rộn hoàn thành các kế hoạch năm cũ và chuẩn bị, lên kế hoạch cho năm mới. Đây cũng là thời điểm số liệu và kế hoạch sẽ được cập nhật liên tục. Hệ thống công nghệ thông tin theo đó cũng hoạt động hết công suất, thậm chí, một số cơ quan doanh nghiệp mở cổng cho phép kết nối từ xa để thuận tiện cho các nhân viên làm việc từ xa khi đi công tác. Do vậy, sẽ xuất hiện các cuộc tấn công có chủ đích hoặc tấn công mã hóa dữ liệu, tống tiền doanh nghiệp.
Với vai trò là cơ quan đầu mối, điều phối về an toàn thông tin, Cục an toàn thông tin, Bộ Thông tin và truyền thông đã chủ trì tổ chức 3 nhóm trực 24/7, bao gồm nhóm giám sát, hỗ trợ, ứng cứu xử lý tin nhắn rác trong suốt đợt nghỉ Tết vừa qua. Cục An toàn Thông tin đã ghi nhận và cảnh báo 508 cuộc tấn công mạng, tăng 23% so với tuần trước nghỉ Tết và tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong mạng IP botnet giảm 61,9% so với cùng kỳ năm trước.
Các cơ quan, đơn vị chuyên môn đã chủ động phối hợp với các mạng xã hội, trang tin điện tử tổng hợp, nhất là các mạng xã hội xuyên biên giới để xử lý kịp thời các thông tin xấu độc, thông tin sai sự thật, thông tin giả. Cục An toàn thông tin cũng đã hỗ trợ ứng cứu 41 sự cố an toàn thông tin mạng. Đây đều là những sự cố được đánh giá ở mức trung bình và thấp, không gây hậu quả. Bên cạnh đó, hệ thống hỗ trợ xử lý tin nhắn rác đã tiếp nhận 394 phản ánh về tin nhắn rác suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023, tăng 11% so với năm ngoái.
Ngoài ra, trong kỳ nghỉ Tết đã đảm bảo tuyệt đối an toàn mạng lưới, thông tin liên lạc. Mạng lưới viễn thông hoạt động ổn định, đảm bảo lưu lượng dịch vụ tốt, không xảy ra sự cố.
Hệ thống kiểm soát tần số vô tuyến điện được tăng cường kiểm soát, duy trì hệ thống trực, bảo đảm an toàn, thông suốt trong dịp tết, Hạ tầng kết nối, trung chuyển Internet, các hệ thống kỹ thuật tên miền, tài nguyên Internet quốc gia cũng được bảo đảm hoạt động thông suốt, ổn định.
Theo Cục An toàn thông tin, đợt nghỉ Tết Nguyên đán 2023 không xảy ra sự cố an toàn thông tin mạng nghiêm trọng là bởi công tác đảm bảo an toàn thông tin đã sớm được chuẩn bị và triển khai chặt chẽ, bảo đảm được tuyệt đối an toàn mạng lưới viễn thông, đảm bảo lưu lượng dịch vụ phục vụ tốt nhu cầu của người dân.
Từ Điều 285 đến Điều 294 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), tội phạm công nghệ cao hiện nay được xếp vào nhóm các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông. Cụ thể như sau:
- Điều 285 quy định về tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật.
- Điều 286 quy định về tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử.
- Điều 287 quy định về tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử.
- Điều 288 quy định về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.
- Điều 289 quy định về tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.
- Điều 290 quy định về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
- Điều 291 quy định về tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng.
- Điều 293 quy định về tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh.
- Điều 294 quy định về tội cố ý gây nhiễu có hại.
Mức phạt tù cao nhất của tội phạm công nghệ cao là 20 năm đối với tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. |
(Còn tiếp)
1
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết