Cẩn trọng khi đặt bút ký hợp đồng mua kỳ nghỉ cao cấp giá rẻ


(CHG) Nghe lời giới thiệu hấp dẫn về các kỳ nghỉ dưỡng cao cấp giá rẻ, nhiều người đã chi từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng để mua kỳ nghỉ du lịch. Tuy nhiên, theo một số luật sư, người tiêu dùng cần đọc kỹ các điều khoản của hợp đồng trước khi ký để loại trừ những nội dung, điều khoản gây bất lợi cho mình… 
Nhiều người đã rơi vào "bẫy" kỳ nghỉ cao cấp của Công ty HFV.
Sử dụng chiêu để tác động khách hàng nhanh ký hợp đồng
Với chiêu thức mời tham dự hội thảo - khách hàng
chỉ đến nghe và không cần mua gì, không ít người đã rơi vào bẫy mua thẻ du lịch nghỉ dưỡng với giá lên đến hàng trăm triệu đồng. Khi phát hiện ra thì hợp đồng đã ký kết, muốn hủy cần có thời gian nhất định, thậm chí mất rất nhiều chi phí.

Đơn cử như trường hợp của chị T.N.P.K. (ngụ tại phường 26, quận Bình Thạnh) chia sẻ, do gia đình thường đi du lịch nên khi nghe nhân viên của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Du lịch Kỳ Nghỉ Gia Đình Hạnh Phúc (Công ty HFV) tư vấn giới thiệu các sản phẩm kỳ nghỉ của Công ty HFV và lợi ích của hợp đồng du lịch chị thấy cũng có nhiều lợi ích thiết thực hơn so với những công ty du lịch khác.

Cụ thể, là được đi nghỉ dưỡng tại các khách sạn 5 sao gồm: Quần thể nghỉ dưỡng FLC (Hạ Long, Quy Nhơn, Sầm Sơn, Vĩnh Phúc), Naman Retreat (Đà Nẵng), Coco Ocean Resort (CocoBay), Ocean Vista (Sea Links Phan Thiết), Wyndham (Legend Hạ Long, Soleil Đà Nẵng, Garden Phú Quốc, BeauRiage Nha Trang, Hồ Tràm…). Đặc biệt, chính sách sử dụng hợp đồng của công ty cũng khá linh hoạt, người mua có quyền chuyển nhượng hoặc cho, tặng, bán, các suất nghỉ dưỡng trong hợp đồng cho người khác, trong khi các công ty khác thì không có chính sách linh hoạt như vậy.

“Theo hợp đồng, có thể tặng cho bạn bè, người thân những chuyến du lịch miễn phí nhân dịp sinh nhật, hoặc một dịp đặc biệt nào đó, như vậy sẽ rất có ý nghĩa. Chính vì những ưu điểm trên, cộng với việc khi ký hợp đồng Công ty HFV sẵn sàng mua lại ngay 15 điểm (tương đương 30 triệu đồng) của khách hàng, nên tôi tin tưởng ký ngay hợp đồng với trị giá 185 triệu đồng”, chị T.N.P.K. ngậm ngùi cho biết.

Cũng được “chào mời” nhiều lợi ích, anh L.K.H. (ngụ tại quận Gò Vấp, TP. HCM) đã ký hợp đồng mua sản phẩm kỳ nghỉ trị giá 170 triệu đồng với Công ty HFV và đã đóng 2 lần với số tiền 139,8 triệu đồng. Tuy nhiên, kể từ khi đóng tiền (tháng 10/2019) đến nay, anh H. chưa được đi du lịch lần nào theo hợp đồng này.

Năm 2022, từng phản ánh tới báo chí, chị Nguyễn Ngọc Diệp (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết về trường hợp bố mình bị mời tham gia hội thảo và dụ dỗ mua gói thẻ du lịch nghỉ dưỡng với giá gần 150 triệu đồng.

Theo chị Diệp, cả bố và mẹ chị đều nhận được rất nhiều lời mời gọi từ một công ty môi giới có trụ sở nằm trên đường Hoàng Cầu, Hà Nội với tên gọi là Paradise Vacation. Dù đã cảnh báo trước với bố mẹ những công ty hoạt động thiếu tính minh bạch nhưng bố chị Diệp vẫn muốn tham gia hội thảo với lời hứa “chỉ đến nghe và không mua gì”.
“Sau hội thảo, không biết nhân viên tư vấn như thế nào mà bố tôi đóng cọc 50 triệu đồng để mua gói du lịch trong vòng 20 năm, tổng giá trị là 150 triệu đồng”, chị Diệp kể.
Một trường hợp khác, bà Đoàn Thị Lang (60 tuổi, TP. HCM) nghe lời bạn rủ tham dự hội thảo sẽ được tặng voucher du lịch miễn phí 3 ngày 2 đêm ở Đà Lạt nên đã quyết định đến nghe tư vấn tại một công ty du lịch tọa lạc tại TP. HCM.
Tại hội thảo, bà Lang được giới thiệu về gói dịch vụ kỳ nghỉ dưỡng trị giá 150 triệu đồng, được sử dụng trong 9 năm dành cho 4 người lớn. Khi cần đi du lịch chỉ cần báo trước 1 tuần sẽ được sắp xếp ở khách sạn 5 sao thuộc hệ thống của công ty.
Theo đó, bà Lang được thỏa thuận đặt cọc 30% giá trị kỳ nghỉ, số tiền còn lại nếu không có sẵn thì sẽ có ngân hàng đứng ra cho vay. Công ty cũng cam kết sẽ mua lại gói nghỉ dưỡng cũng như trả lãi sau 2 năm nếu như bà Lang có nhu cầu bán lại.
Khi bà Lang do dự thì công ty tiếp tục “mời chào” sẽ tăng lãi suất lên mức 9,5% kèm với giảm giá gói nghỉ dưỡng xuống chỉ còn 120 triệu đồng. Đánh đòn tâm lý, công ty nhấn mạnh bà Lang là khách hàng đặc biệt nên mới được hưởng ưu đãi riêng này, bà phải xuống tiền ngay mới được giảm giá và cả hội thảo chỉ còn 2 suất.
“Lúc đó tôi không hiểu và cũng chưa đọc rõ hết các điều khoản hợp đồng, cứ nghĩ cả đời làm lụng rồi thì bây giờ mua gói du lịch để đi chơi khi về già nên đã đồng ý nộp tiền. Khi về nhà tôi mới ngớ người ra, tôi gọi lên công ty xin hủy thì công ty nói tôi sẽ mất toàn bộ số tiền cọc nếu muốn hủy”, bà Lang buồn bã nói.
 
Bản ký kết duy nhất mà bà Lang được phép giữ.
Để thu hút được nhiều khách tham gia, hầu hết các công ty đã dùng cách cho nhân viên gọi điện đến người dùng để tặng một voucher miễn phí nghỉ dưỡng 3 ngày 2 đêm tại một căn hộ khách sạn trong các quần thể nghỉ dưỡng của các tập đoàn lớn.
Thật ra, đây là cách tiếp cận và “kéo” về công ty, sau đó các tư vấn viên sẽ dụ các khách hàng ký hợp đồng mua bán thẻ điểm nghỉ dưỡng bằng những lời lẽ thuyết phục, hấp dẫn. Nhiều nạn nhân thừa nhận, họ đến chỉ để tìm hiểu sản phẩm, nhưng khi nghe tư vấn thì họ đều bị lạc vào mê hồn trận, không thoát ra được và gần như 100% khách hàng đến nghe tư vấn đều đã đặt bút ký hợp đồng.
Chị Lê Thị M.C. (ngụ tại TP. Thủ Đức) dẫn chứng, nhân viên Công ty HFV chào chị hợp đồng trị giá hơn 200 triệu đồng, nhưng thấy chị chần chừ họ “chốt” luôn: “Nếu đồng ý mua hôm nay thì công ty sẽ hạ giá bán cho chị giá 177 triệu đồng”, thấy giá quá hời, chị C. đồng ý mua ngay.
Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Du lịch Kỳ Nghỉ Gia Đình Hạnh Phúc (gọi tắt Công ty HFV) thành lập vào tháng 6/2019, có trụ sở chính (theo giấy phép của Sở Kế hoạch – Đầu tư) tại phường 15, quận Tân Bình, TP. HCM do ông Phan Nguyễn Tấn Tài (SN 1990, ngụ tại quận 7, TP. HCM) làm Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật.
Những hình ảnh khách sạn, resort sang chảnh kèm lời quảng cáo khó lòng bỏ qua để “dụ” người mua.
Người tiêu dùng cần tỉnh táo, đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng
Với cách làm như trên, trong năm 2019 và 2020 chỉ riêng ở TP. HCM, Công ty HFV đã ký hợp đồng với gần 100 người, trong đó nhiều người đã lớn tuổi, nghỉ hưu. Người ít nhất mua hợp đồng trị giá 35 triệu đồng, cao nhất 290 triệu đồng, nhiều người đứng tên mua 2 - 3 hợp đồng. Trong số đó, chỉ có vài người đi được 1 - 2 kỳ nghỉ dưỡng, còn hầu hết chưa kịp đi thì Công ty thông báo tạm dừng kinh doanh do bị dịch Covid-19. Đến ngày 16/2/2022, Công ty HFV tiếp tục có thông báo tạm thời đóng cửa toàn bộ văn phòng tại Hà Nội và TP. HCM do vẫn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và mở cửa hoạt động trở lại từ đầu tháng 12/2022.
Tuy nhiên, đến hết thời hạn tạm ngưng hoạt động, công ty vẫn im lặng, các phòng giao dịch, trụ sở công ty vẫn đóng cửa. Khách hàng liên tục gọi điện thoại, email đều không được, thậm chí đến tận nơi ở của Tổng Giám đốc Công ty nhưng địa chỉ này đã có người khác ở. Bất lực, các nạn nhân đã làm đơn kêu cứu khắp nơi nhưng không được giải quyết.
Năm 2017, chia sẻ với báo chí, anh Phạm Thiên Nam (40 tuổi, TP. HCM) cho biết, theo lời nhân viên tư vấn tại một hội thảo nghỉ dưỡng, anh mua gói nghỉ dưỡng hạng Bạc, trị giá hơn 60 triệu đồng cho thời hạn 7 năm để gia đình có suất nghỉ dưỡng 8 ngày 7 đêm mỗi năm vào tháng 11 và 12 (mùa thấp điểm) tại Cocobay Đà Nẵng. Nếu không sử dụng thì hoàn toàn có thể cho thuê, đem tặng hoặc sang nhượng lại cho người khác.
Khi sử dụng, anh Nam mới biết, gói nghỉ dưỡng này có chi phí phát sinh đi kèm quá cao, riêng phí duy trì thường niên là 5 triệu đồng/năm, dịch vụ thì nghèo nàn, chứ không được như quảng cáo. 
Đáng chú ý là trong khoảng thời gian dịch bệnh căng thẳng, dù không thể đi du lịch cũng như sử dụng được dịch vụ nghỉ dưỡng thì anh Nam vẫn bị bắt đóng khoản phí thường niên là 5 triệu đồng/năm. Phía công ty liên tục gửi mail theo đợt để nhắc nộp tiền mà không hề nhắc đến vấn đề yếu tố khách quan là dịch bệnh.
Cùng với đó, sau khi nhờ bạn sinh sống tại khu vực Cocobay Đà Nẵng đi qua khảo sát thì anh được biết khu nghỉ dưỡng mà anh ký kết hợp đồng hiện nay đã dừng thi công và “hết sức hoang tàn” không như quảng cáo. Một số dịch vụ tiện ích như công viên, khu vui chơi đi kèm thì đều đã được chủ đầu tư sang nhượng cho khác bên khác nên nếu bây giờ có đi nghỉ dưỡng anh sẽ phải bỏ thêm tiền riêng để được sử dụng các dịch vụ trên.
Không muốn tiếp tục sử dụng dịch vụ, anh Nam quyết định rao bán lại gói ưu đãi với mức giá không đến một nửa với thời điểm mua ban đầu, tuy nhiên, vẫn không thể tìm được người mua. Vậy là, gói dịch vụ gần như bị bỏ phí.
Khi liên hệ với công ty để hỏi về việc muốn bán lại với giá “cắt lỗ” cực thấp, phía công ty từ chối và khuyên anh nên nộp phí duy trì thường niên còn thiếu để tiếp tục sử dụng dịch vụ.
“Mình cảm thấy quá rủi ro khi không có gì đảm bảo mình sẽ được sử dụng dịch vụ như ý muốn. Chưa kể mình tham khảo có những người bạn mình mua gói giá trị hơn nhưng đến khi đi nghỉ vẫn bị xếp ở những đơn vị lụp xụp không đúng như cam kết. Do đó, mình sẽ bỏ gói nghỉ dưỡng này, coi như là một trải nghiệm tệ cho biết”, anh Nam bộc bạch.
Luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP. HCM cho biết, Hội đã tiếp nhận nhiều vụ khiếu nại về việc mua kỳ nghỉ du lịch và bị mất tiền với hình thức giống nhau. Thực chất, công ty mời chào tặng voucher, giới thiệu sản phẩm du lịch chỉ là “cò” giới thiệu khách sạn để ăn hoa hồng. Nhiều “cò” mời khách dự hội nghị hoành tráng trong khách sạn 5 sao, chiếu cảnh du lịch đẹp, kỳ nghỉ vui vẻ để dụ khách. Sau đó, nhân viên tư vấn kéo dài đến 22 giờ để khách mệt, ký hợp đồng nhanh. Phía công ty còn tung “chim mồi” để khách tin và ai không có sẵn tiền mặt thì nhân viên cho mượn tiền để đặt cọc trước.
"Khi thấy dấu hiệu lừa đảo, khách hàng cần làm đơn tố giác gửi đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an địa phương để công an vào cuộc, giải quyết vụ việc", Luật gia Phan Thị Việt Thu nhấn mạnh.
Còn Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS chia sẻ, người tiêu dùng cần cân nhắc thật kỹ, đặc biệt cần tỉnh táo trước những chiến thuật tâm lý của đội ngũ tư vấn viên trước khi quyết định đặt cọc bất kỳ khoản tiền nào hoặc đặt bút ký vào bất kỳ tài liệu nào với doanh nghiệp. Mỗi gói dịch vụ sở hữu nghỉ dưỡng mà người mua cần tìm hiểu kỹ. Ví dụ, tại thời điểm ký kết, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này có đủ điều kiện để kinh doanh ngành nghề dịch vụ lưu trú theo quy định của pháp luật hay không? Ngoài ra, trước khi ký, người tiêu dùng cần đọc kỹ các điều khoản của hợp đồng để loại trừ những nội dung, điều khoản gây bất lợi cho người tiêu dùng…/.
Luật sư Nguyễn Đức Mạnh, Phó Giám đốc Công ty Luật BizLink nhận định, phần lớn nhà đầu tư đồng ý ký kết hợp đồng với nhân viên của doanh nghiệp ngay khi được tư vấn trực tiếp mà không có thời gian đọc kỹ hợp đồng. Trong nhiều trường hợp nhân viên giới thiệu sản phẩm sai mục đích, cung cấp thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn cho nhà đầu tư, đến khi xảy ra tranh chấp, nhà đầu tư khiếu nại tới cơ quan có thẩm quyền thì không có tài liệu, chứng cứ xác thực.
“Chính ngay trong hợp đồng các công ty sử dụng để ký kết có thể bị gài cắm nhiều nội dung, điều khoản không rõ ràng, gây bất lợi cho nhà đầu tư, miễn trừ trách nhiệm cho phía công ty cung cấp dịch vụ và loại bỏ quyền khiếu nại khi có vấn đề của nhà đầu tư”,
Luật sư Nguyễn Đức Mạnh nhấn mạnh.
Còn lại: 1000 ký tự
Đà Nẵng: Xử phạt 02 cửa hàng trưng bày để bán hàng giả mạo nhãn hiệu

(CHG) Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng kiểm tra đột xuất 02 cửa hàng kinh doanh có hành vi trưng bày bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và xử phạt 24 triệu đồng.

Xem chi tiết
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường

(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.

Xem chi tiết
Gia Lai: Tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 03 tháng cuối năm 2024

(CHG) - Trong 9 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tỉnh Gia Lai đã quyết liệt thực hiện có hiệu quả các kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Xem chi tiết
Hơn 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc bán trên tài khoản Tiktok “Phan Thủy Tiên” bị thu giữ

(CHG) Trên 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu nhập lậu được kinh doanh chủ yếu trên Tiktok, Facebook vừa bị Tổ TMĐT, Cục Nghiệp vụ QLTT đột xuất kiểm tra và tiến hành tạm giữ. Đây là sản phẩm được một hot Tiktoker thường xuyên livestream bán trên Tiktokshop.

Xem chi tiết
Đà Nẵng: Tịch thu hơn 6.200 mặt hàng thực phẩm và đồ chơi trẻ em

(CHG) Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng kiểm tra thị trường Tết Trung thu năm 2024 vừa qua, xử phạt 37 đơn vị kinh doanh thực phẩm và đồ chơi trẻ em, với tổng số tiền xử phạt hơn 376 triệu đồng.

Xem chi tiết
2
2
2
3