(CHG) Từ năm 2021 đến nửa đầu năm 2022, trị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng vượt bậc, chủ yếu là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản và tổ chức tín dụng. Với khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành tăng nhanh trong thời gian gần đây, đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro
Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 và đầu năm 2022.
Theo đó, năm 2021, trái phiếu doanh nghiệp phát hành tại thị trường trong nước đạt 637.117 tỷ đồng, tăng 36,4% so với năm 2020, chủ yếu là trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ (đạt 605.934 tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020).
Tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp bán ra trong năm 2021 đạt 31.183 tỷ đồng. Trong đó, tổng khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn trong năm 2021 là 140.316,9 tỷ đồng.
Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến cuối năm 2021 tương đương 15% GDP, bằng 12,06% quy mô nợ tín dụng ngân hàng (10,44 triệu tỷ đồng, tương đương 124,3 GDP), trong đó, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đạt 13,8% GDP.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đạt 257.857 tỷ đồng. Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tập trung chủ yếu trong tháng 1/2022 và bắt đầu giảm từ tháng 2 đến tháng 4. Cụ thể, khối lượng phát hành trong tháng 1 là 55,9 nghìn tỷ đồng đến khối lượng phát hành tháng 6/2022 khoảng 47,5 nghìn tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, xét theo lĩnh vực hoạt động, lãi suất phát hành bình quân của các tổ chức tín dụng là 4,33%/năm, thấp hơn bình quân toàn thị trường. Trong khi đó, doanh nghiệp xây dựng, bất động sản và thương mại, dịch vụ có mức lãi suất phát hành bình quân cao nhất trong năm 2021, lần lượt là 10,53%/năm, 10,51%/năm và 10,19%/năm.
Trong quý I/2022, các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng phát hành nhiều nhất, chiếm 70% nên bình quân lãi suất phát hành quý I có xu hướng cao hơn so với quý trước và bình quân năm 2021.
Liên quan vấn đề tài sản đảm bảo, trong năm 2021, trái phiếu có tài sản đảm bảo chiếm 49,8%; trái phiếu không có tài sản đảm bảo chủ yếu là trái phiếu do các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phát hành (chiếm 78%). Trong 5 tháng đầu năm 2022, trái phiếu có tài sản đảm bảo chiếm 65,3% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, năm 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục là kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn cho đa dạng lĩnh vực (sản xuất, thương mại, dịch vụ, năng lượng ...).
Dù có các kết quả tích cực, thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 và đầu năm 2022 xuất hiện những vấn đề mới, như rủi ro đối với sự phát triển của thị trường, rủi ro liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ, khả năng thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Bộ Tài chính đã liên tục có những cảnh báo với thị trường, tới nhà đầu tư về những rủi ro này.
Đối với khả năng thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2022, khối lượng trái phiếu đáo hạn vào khoảng 144,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó, khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm 43,2% (khoảng 62,47 tỷ nghìn tỷ đồng), khối lượng trái phiếu các tổ chức tín dụng đáo hạn vào khoảng 29,16 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,2% tổng khối lượng trái phiếu đáo hạn.
Năm 2023 và 2024, khối lượng trái phiếu đến hạn tăng cao so với năm 2022, lần lượt là 171,4 và 329,5 nghìn tỷ đồng, trong đó tổng khối lượng trái phiếu bất động sản đến hạn là 207,8 nghìn tỷ đồng, trái phiếu của các tổ chức tín dụng đến hạn là 207,5 nghìn tỷ đồng.
Trong bối cảnh thị trường có dấu hiệu phát triển nóng, để ổn định thị trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính liên tục chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc ngành Tài chính tăng cường công tác thanh tra, giám sát, nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động phát hành và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp.
Năm 2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán của 3 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng. Bộ Tài chính cũng đang chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kiểm tra 5 công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành, đại lý phát hành, đại lý đăng ký, lưu ký trái phiếu cho các đợt chào bán của 3 công ty nêu trên. Từ nay đến cuối năm 2022, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai các đoàn kiểm tra về hoạt động phát hành, giao dịch, cung cấp dịch vụ liên quan đến TPDN.
Cẩn trọng khi đầu tư trái phiếu. Ảnh minh hoạ
Siết lại hợp lý giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế ban hành ngày 31/12/2020, hiệu lực thi hành ngày 1/1/2021. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế, sau một thời gian thực thi đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện đang sửa Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ, bởi khi nghị định ra đời mong muốn tiếp cận với thông lệ của thế giới, nhưng sau khi ban hành lại thể hiện lỗ hổng, đã có những vi phạm nên cần phải siết lại.
Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi một số nội dung tại Nghị định như: Quản lý chặt các công ty chứng khoán tư vấn phát hành; các doanh nghiệp yếu kém không phát hành; thu hẹp lại mục tiêu huy động trái phiếu chỉ phục vụ cho việc đầu tư triển khai dự án.
Doanh nghiệp sau khi phát hành phải thông báo ngay cho Sở Giao dịch chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thường xuyên có công bố thông tin về việc sử dụng tiền từ huy động trái phiếu.
Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán bao gồm: Phạm vi phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật Chứng khoán và các quy định về xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán.
Song, theo các chuyên gia, dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP đã đưa ra nhiều quy định ngặt nghèo liên quan đến điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, làm khó doanh nghiệp. Ví dụ, doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu riêng lẻ để đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn. Bởi theo Bộ Tài chính, quy định này nhằm hạn chế chuyển vốn giữa các doanh nghiệp.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho rằng, theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và theo thông lệ quốc tế thì góp vốn, cho vay là quyền của doanh nghiệp; việc một công ty mẹ có đủ tiềm lực, uy tín đứng ra phát hành trái phiếu rồi “bơm vốn” cho công ty con là hợp pháp, nếu bị hạn chế quyền này, năng lực của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.
Theo PGS.TS. Đinh Ngọc Thịnh (Học viện Tài chính), công ty mẹ phát hành trái phiếu, để rồi từ đó lấy tiền phân bổ cho công ty con là bình thường.
Ở chiều ngược lại, trước những vụ việc sai phạm nghiêm trọng trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thời gian gần đây, các chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 153 sẽ giúp tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng vốn thu về cũng như trong việc công bố thông tin tới nhà đầu tư và cơ quan quản lý.
Những điểm mới được bổ sung, sửa đổi theo hướng siết chặt có thể sẽ làm giảm lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhưng sẽ giúp tăng chất lượng trái phiếu phát hành cũng như tăng cường sự công khai, minh bạch cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Dự thảo cũng bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành, nhằm tăng tính công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng trái phiếu được phát hành; đồng thời giúp thị trường có thói quen sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm để đánh giá rủi ro của trái phiếu, tiệm cận với thông lệ quốc tế, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định cách thức xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng được phép đầu tư và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Cụ thể dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 16, Nghị định 153 như sau: Trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ chỉ được giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trừ trường hợp thực hiện theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.
Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ có xếp hạng tín nhiệm, trừ trường hợp thực hiện theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, hoặc quyết định của trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.
Trước thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh và phát sinh nhiều rủi ro, Bộ Tài chính khuyến nghị các nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cần thận trọng, tìm hiểu quy định pháp luật và năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, nắm rõ đối với trái phiếu doanh nghiệp trước khi quyết định đầu tư. Một là, đối với các nhà đầu tư cá nhân, khi cân nhắc tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp, cần lưu ý đó không phải là tiền gửi ngân hàng. trái phiếu doanh nghiệp được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Do đó, nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp có rủi ro khi doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu. Hai là, khi được giới thiệu mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhà đầu tư phải lưu ý các quy định của pháp luật chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua. Nếu không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không được mua loại trái phiếu này. Ba là, các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Đó là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành. Bốn là, bảo lãnh phát hành trái phiếu không phải là bảo lãnh thanh toán trái phiếu. Bảo lãnh phát hành chỉ là việc tổ chức bảo lãnh có cam kết với doanh nghiệp phát hành để phân phối số trái phiếu cần phát hành, theo đó không có bất kỳ nghĩa vụ nào với nhà đầu tư. Đối với bảo lãnh thanh toán, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ phạm vi bảo lãnh (bảo lãnh thanh toán gốc, lãi hay chỉ một phần gốc, lãi và nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro đối với phần còn lại). Năm là, tài sản đảm bảo của trái phiếu doanh nghiệp hay các khoản vay tín dụng có nhiều loại như nhà đất, cổ phần, cổ phiếu, các chương trình, dự án đầu tư... Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hiện nay, phần lớn tài sản đảm bảo là bất động sản và các chương trình, dự án, chứng khoán hoặc kết hợp các loại tài sản (bất động sản, chứng khoán). |
(CHG) Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng kiểm tra đột xuất 02 cửa hàng kinh doanh có hành vi trưng bày bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và xử phạt 24 triệu đồng.
Xem chi tiết(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết(CHG) - Trong 9 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tỉnh Gia Lai đã quyết liệt thực hiện có hiệu quả các kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Xem chi tiết(CHG) Trên 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu nhập lậu được kinh doanh chủ yếu trên Tiktok, Facebook vừa bị Tổ TMĐT, Cục Nghiệp vụ QLTT đột xuất kiểm tra và tiến hành tạm giữ. Đây là sản phẩm được một hot Tiktoker thường xuyên livestream bán trên Tiktokshop.
Xem chi tiết(CHG) Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng kiểm tra thị trường Tết Trung thu năm 2024 vừa qua, xử phạt 37 đơn vị kinh doanh thực phẩm và đồ chơi trẻ em, với tổng số tiền xử phạt hơn 376 triệu đồng.
Xem chi tiết