(CHG) Những ngày nghỉ lễ cuối năm, cũng như dịp Tết Nguyên đán là dịp nhu cầu mua sắm các mặt hàng thực phẩm của người dân tăng cao. Lợi dụng điều này, những đối tượng gian thương đã trà trộn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ để tuồn ra thị trường lừa dối người tiêu dùng.
Lực lượng chức năng đã bắt giữ được nhiều tấn thực phẩm bẩn đang được tuồn ra thị trường.
Liên tiếp bắt giữ lượng lớn “thực phẩm bẩn”
Liên tiếp trong những ngày vừa qua, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều vụ việc liên quan tới “thực phẩm bẩn”. Điểm khá giống nhau là số lượng “thực phẩm bẩn” bị phát hiện và thu giữ đều có số lượng lớn, không có nguồn gốc xuất xứ, thậm chí còn đang trong quá trình phân hủy…
Cụ thể như vào ngày 24/12/2022, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an TP. Hà Nội) đã phối hợp với đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) và Công an phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm đã tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm số 46 Trần Nhật Duật, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ hơn 500kg thực phẩm bẩn (phần lớn là nầm lợn) không rõ nguồn gốc xuất xứ, đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi hôi thối, thậm chí đã bắt đầu xuất hiện nấm mốc.
Chủ cơ sở kinh doanh đã không xuất trình được bất kỳ hóa đơn, chứng từ, cũng như chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng hóa trên. Và cho biết: Số nầm lợn trên được thu mua trôi nổi trên thị trường, sau đó sẽ bán lại cho các nhà hàng, quán ăn, quán lẩu nướng trên địa bàn Hà Nội để kiếm lời. Trung bình mỗi kg nầm lợn bẩn, đối tượng sẽ kiếm lời được từ 15 nghìn đồng đến 20 nghìn đồng nếu được tiêu thụ trót lọt.
Trước đó, ngày 16/12, Công an TP. Biên Hòa (Đồng Nai) cũng đã phối hợp với trạm thú y kiểm tra đột xuất kho hàng của Công ty TNHH thực phẩm Long Phát và phát hiện tại đây có trên 25 tấn thực phẩm gồm thịt gà, bò, các loại nội tạng động vật đều không có tem nhãn, giấy chứng nhận hợp chuẩn. Trong đó, nhiều thực phẩm có dấu hiệu hư hỏng, bốc mùi hôi thối. Quản lý của công ty cho biết, số thực phẩm trên được mua trôi nổi trên mạng xã hội, sau đó bán lẻ cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn TP. Biên Hòa và các vùng lân cận. Khi tập kết tại kho của công ty thì bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ.
Cùng ngày 16/12, trên quốc lộ 1A thuộc địa phận phường Hải Yên, TP. Móng Cái, Đội quản lý thị trường số 4 Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông tiến hành dừng xe ô tô BKS 15.024.24 để kiểm tra hành chính. Lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 133kg nội tạng lợn đã chảy nước, bốc mùi hôi thối. Người điều khiển phương tiện là Nguyễn Văn Hưởng (phố Bắc Sơn, thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) đã không xuất trình được giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ của lô hàng. Tài xế Nguyễn Văn Hưởng cho biết, số nội tạng lợn nêu trên được đối tượng mua của một người không rõ tên tuổi, địa chỉ, dự định đem về sơ chế rồi bán cho các cửa hàng ăn uống kiếm lời. Khi di chuyển qua địa phận TP. Móng Cái thì bị lực lượng chức năng bắt giữ.
Mới đây, ngày 26/12, Phòng Cảnh giao thông Công an Hà Tĩnh đã bắt giữ xe tải chở 3,2 tấn thực phẩm, bốc mùi hôi thối di chuyển qua địa bàn và phát hiện, trên xe chở 3,2 tấn thực phẩm có dấu hiệu biến đối màu mắc, bốc mùi hôi thối. Lái xe cho biết, mọi liên lạc với chủ hàng đều thông qua điện thoại nên anh không biết rõ tên tuổi, địa chỉ. Số hàng hóa trên anh nhận vận chuyển thuê từ các tỉnh phía Bắc để đưa vào miền Nam tiêu thụ.
Nghiêm trọng hơn, ngày 8/12 Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai tiến hành kiểm tra cơ sở giết mổ của ông Trương Duy Điệp (ấp Tây nam, xã Gia Kiêm, huyện Thống Nhất). Tại hiện trường, Lực lượng chức năng phát hiện 2 nhân công đang xả thịt 17 con lợn có trọng lượng 657kg. Toàn bộ số thịt lợn nói trên đã biến đổi màu sắc, bốc mùi hôi thối, được giết mổ trên nền sàn xi măng không đảm bảo vệ sinh. Thời điểm kiểm tra, ông Điệp không xuất trình được các giấy tờ chứng nhận cơ sở đủ điều kiện giết mổ cũng như giấy xác nhận nguồn gốc, xuất xứ của số lợn nói trên. Chủ cơ sở khai số lợn trên được ông mua với giá 20.000 đồng/kg, sau đó đưa về xả thịt bán cho một số đầu mối với giá 30.000 đồng/kg để làm thực phẩm, tiêu thụ trên thị trường. Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu thịt lợn chết để gửi đi kiểm nghiệm. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai xác định, số lợn chết tại cơ sở giết mổ của ông Trương Duy Điệp đều dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
Những vụ việc nêu trên chỉ là rất nhỏ so với số vụ việc kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ “thực phẩm bẩn” đã bị phát hiện, tiêu hủy trong những ngày vừa qua. Điều này cho thấy, các đối tượng gian thương đã không từ thủ đoạn nào để trục lợi, kể cả việc đưa các loại “thực phẩm bẩn” lên bàn ăn của người tiêu dùng.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các thực phẩm bán trên thị trường ngày giáp Tết.
Chủ động triển khai nhiều giải pháp chống “thực phẩm bẩn”
Nhằm ổn định thị trường cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng, thời gian qua, lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Nội đã chủ động, phối hợp tốt trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm…đã thu được nhiều kết quả khả quan.
Theo Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, trong tháng 4/2022, các lực lượng chức năng trên địa bàn đã kiểm tra 1.204 vụ; xử lý 944 vụ; khởi tố 4 vụ/12 đối tượng. Trong đó, có 179 vụ hàng cấm, hàng lậu; 62 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, 703 vụ gian lận thương mại. Tổng số thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 57 tỷ đồng.
Mới đây, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch tổng kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn thành phố với mục tiêu kiểm soát và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa là thực phẩm không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường.
Đợt ra quân lần này huy động nhiều lực lượng liên ngành gồm Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, (Công an TP Hà Nội), Cục Hải quan Hà Nội, Sở Tài chính Hà Nội, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế Hà Nội.
Ông Nguyễn Trọng Bình, Trưởng phòng, Phòng Kiểm tra phối hợp liên ngành (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) cho biết, việc mở cửa nền kinh tế trở lại sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề về nhu cầu sử dụng thực phẩm cũng như an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố. Hiện đoàn kiểm tra liên ngành đã có được danh sách hơn 1.000 kho lạnh trên địa bàn Hà Nội và lên kế hoạch kiểm tra hệ thống nhà kho này. Với việc cả hệ thống chính trị vào cuộc, đợt ra quân này sẽ có tính thống nhất và hiệu quả cao.
Mặc dù đã tích cực kiểm tra, kiểm soát, song dường như kết quả này không phản ánh hết thực trạng thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay. Thực phẩm khi nhập lậu vào nội địa, qua nhiều phương thức khác nhau và đa dạng chủng loại, có thể dưới dạng nguyên liệu được các cơ sở chế biến, đóng gói đưa ra thị trường; hay nhập lậu thực phẩm chưa có nhãn về sang chiết và đóng gói dán nhãn xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ...
"Đặc biệt, các đối tượng vi phạm dùng mọi thủ đoạn để tránh bị phạt nặng và truy tố, như chia nhỏ, phân tán để cất giấu, trà trộn với hàng hóa hợp pháp, hay tách các công đoạn vi phạm; vận chuyển qua dịch vụ chuyển phát nhanh; giao dịch qua thương mại điện tử, ứng dụng internet... gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng" - ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh.
Để kiểm soát thị trường thực phẩm nói riêng và chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nói chung dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Quý Mão 2023. Theo đó, lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung cao độ kiểm soát thị trường các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán cùng các mặt hàng có nhu cầu cao trong phòng, chống dịch bệnh; nhất quyết không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
4
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết