(CHG) Gần đây, thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, thậm chí đã bốc mùi vẫn được bán ra thị trường hàng tấn mỗi ngày. Mới đây, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương vừa ban hành Kế hoạch số 332/KH-BCĐTƯATTP về triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023 với chủ đề “Đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.
Thực phẩm không an toàn tuồn ra thị trường mỗi ngày
Sau Tết, các lễ hội diễn ra sôi động, thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan, trẩy hội tại nhiều địa phương. Do đó, nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm, ăn uống, mua sắm phục vụ lễ hội đầu năm của người dân tăng cao. Để đảm bảo an ninh, an toàn toàn thực phẩm, các lực lượng chức năng đã đồng loạt ra quân triển khai kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thực phẩm bao gói sẵn, nhằm ngăn ngừa không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu methannol...
Điển hình như tại tỉnh Lạng Sơn, Đội Quản lý thị trường số 7 (ngày 14/2/2023) đã phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toan thực phẩm huyện Văn Lãng kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh rau, củ, quả, thực phẩm bao gói sẵn Nguyễn Thị Mẫn (Ki-ốt C.H chợ Na Sầm, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Lực lượng chức năng phát hiện cơ sở đang bày bán 6 túi xúc xích (loại 2,5kg/túi) và 4 túi chả xoắn loại 2,5kg/túi với tổng trọng lượng 25kg. Số thực phẩm này không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn, từ ngày 21/2 - 07/3/2023, đã tổ chức tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm cho 30 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thực phẩm bao gói sẵn. Đoàn kiểm tra đã phát hiện 10 cơ sở vi phạm về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cơ sở chế biến suất ăn sẵn; vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, vi phạm về niêm yết giá.
Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường kiểm tra và phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tại Hà Giang, tổ công tác của Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Giang (ngày 20/2) đã phối hợp với Công an thị trấn Việt Quang kiểm tra xe ô tô tải BKS 24C-102.41. Tại hiện trường, tổ công tác phát hiện phương tiện đang vận chuyển nhiều thùng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Qua kiểm đếm, lực lượng chức năng đã phát hiện trên xe có 60 thùng giấy cát-tông, bên trong có chứa nhiều loại hàng hóa gồm: Bánh trứng, chân gà khô, bánh đa trộn, ngô chiên, chả mực, sủi cảo, xúc xích... với tổng trọng lượng hơn 700kg. Ngoài ra, còn có 20 thùng bia chai, 400 chiếc kem và 100 xiên thịt nướng. Bao bì hàng hóa đều in chữ nước ngoài.
Tại tỉnh Thái Nguyên, rạng sáng ngày 8/3/2023, Tổ công tác Đội Quản lý thị trường số 4 Cục Quản lý thị trường tỉnh đã phối hợp với lực lượng Công an TP. Phổ Yên phát hiện và khám xét phương tiện vận tải đang dừng đỗ trên địa bàn. Trên tùng xe chứa 400kg sản phẩm phẩm là thịt lợn đã qua sơ chế, được hút chân không, được đóng gói với trọng lượng 500g/túi. Toàn bộ hàng hóa đã biến đổi màu sắc, bốc mùi hôi thối, không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Mở rộng kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện tại kho hàng ở nhà riêng của đối tượng có chứa trữ trên 3 tấn các sản phẩm từ lợn gồm đầu lợn, xương lợn, da lợn và lòng lợn các loại được mua gom từ nhiều nguồn. Tổng trọng lượng hàng hóa tại hai nơi khoảng gần 4 tấn.
Toàn bộ số hàng nêu trên đã bị tiêu huỷ dưới sự giám sát của Đội Quản lý thị trường số 4 và các thành viên của Ban Chỉ đạo 389 thành phố ngay trong đêm 8/3. Được biết, đây là vụ việc điển hình về việc ngăn chặn thực phẩm bẩn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Mới đây, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Đắk Lắk (ngày 14/3) cho biết, đơn vị đang củng cố hồ sơ xử lý một cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc với quy mô lớn trên đia bàn TP. Buôn Ma Thuột. Lực lượng chức năng phát hiện trong 3 tủ đông và kho lạnh của cơ sở chứa số lượng lớn thực phẩm đông lạnh. Qua kiểm đếm, đã thu giữ gần 3,5 tấn thực phẩm các loại là gà ủ muối, dồi sụn, mực một nắng, bạch tuộc… nhưng không xác định được thời gian lưu trữ.
Liên tiếp trong những ngày vừa qua, tình trạng thực phẩm không an toàn liên quan đến lợn được phát hiện ở nhiều địa phương như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nội... Tại Hưng Yên, lực lượng chức năng phát hiện có trường hợp lợn chết đã tím tái, nhưng vẫn được đưa ra mổ bán ngoài chợ. Hoặc như trường hợp Công an tỉnh Vĩnh Phúc (ngày 17/2) phát hiện xe máy có kéo theo xe lôi cải tiến chở 350kg đầu lợn còn nguyên lông, màu sắc tím tái, xuất huyết tai và có dấu hiệu bốc mùi hôi thối…
Được biết, cùng ngày 17/2 Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội phối hợp với Đội 4, Công an TP. Hà Nội kiểm tra phương tiện vận tải BKS 29H-338.XX đang dừng đỗ tại Bến xe Tĩnh số 40, huyện Chương Mỹ. Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện thùng xe chở 28 bao tải, mỗi bao nặng 25kg, bên ngoài có in chữ nước ngoài. Kiểm tra thực tế, bên trong các túi chứa nầm lợn có tổng trọng lượng là 700kg. Tất cả số nầm lợn trên đều có dấu hiệu phân hủy và bốc mùi.
Phát hiện nhiều thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc tại Hà Nội.
“Đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.
Đây là chủ đề vừa được Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương vừa ban hành Kế hoạch số 332/KH-BCĐTƯATTP về triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023. Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định nhiệm vụ và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
Tháng hành động năm nay được triển khai từ ngày 15/4/2023 - 15/5/2023 trên phạm vi toàn quốc. Đây cũng là đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.
“Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” là hoạt động gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; Nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; Phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Các tỉnh, thành phố căn cứ vào thực tế, tình hình dịch bệnh trên địa bàn để tổ chức phổ biến công tác triển khai “Tháng hành động” ở địa phương.
Ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, "Tháng hành động" năm 2023 là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người do sử dụng thực phẩm không an toàn.
“Tháng hành động” là hoạt động nhằm gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Trong thời gian qua, công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương, tạo sự chuyển biến rõ rệt, đạt được những thành tích quan trọng trên các lĩnh vực. Văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý an toàn thực phẩm được rà soát, bổ sung, đáp ứng yêu cầu quản lý trong nước và hội nhập quốc tế.
Công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm thời gian qua đã tạo được nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân về an toàn thực phẩm, góp phần tạo được những bước chuyển biến tích cực, do đó, sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng được quan tâm... Bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu sạch và chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế trong hoạt động chỉ đạo, kiểm tra, giám sát. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; tình trạng buôn lậu thực phẩm qua biên giới, quảng cáo thực phẩm sai sự thật, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc kích thích tăng trưởng diễn biến phức tạp; an toàn thực phẩm trong các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục chưa bảo đảm… ảnh hưởng lớn tới an ninh, an toàn thực phẩm - là những vấn đề mà “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” cần khắc phục để bảo vệ sức khỏe của người dân và xã hội./.
11
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết