(CHG) Chợ Đầm Hà vốn được xem là trung tâm mua sắm của huyện, nhưng tại đây đang xuất hiện tình trạng các tiểu thương công khai bày bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên, công tác xử lý chưa được triệt để.
Khó kiểm soát hàng hóa
Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ luôn là vấn đề nhức nhối của xã hội. Các đối tượng kinh doanh lĩnh vực này thường hoạt động lén lút để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, tại chợ trung tâm huyện Đầm Hà, địa chỉ phố Minh Khai, thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh, hoạt động kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng nhái các thương hiệu lớn, có nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam đang diễn ra một cách công khai.
Khảo sát của nhóm phóng viên Tạp chí Điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG) tại chợ huyện Đầm Hà, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh ngày 14/03/2023 cho thấy, nhiều gian hàng tại đây đang bày bán công khai các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ gồm: Giầy dép; quần áo; hóa - mỹ phẩm; đồ chơi dành cho trẻ em; điện gia dụng; túi xách; vali du lịch...
Quan sát trên bao bì của nhiều sản phẩm đang bày bán tại đây đều thấy chữ nước ngoài (chữ tượng hình) nhưng không có nhãn phụ sản phẩm chữ Việt Nam. Đặc biệt, không ít sản phẩm đang bày bán tại đây có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam như Adidas; Nike; Chanel; Gucci...
Điều làm chúng tôi không khỏi “bất ngờ” chính là việc manh nha xuất hiện tệ nạn cờ bạc công khai tại tầng 1 và tầng 2 của khu chợ vào giờ nghỉ trưa giữa các tiểu thương với nhau. Điều đó nếu diễn ra thường xuyên, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới an ninh trật tự và hình ảnh của các tiểu thương kinh doanh chân chính, cũng như để lại những hình ảnh không đẹp trong mắt với khách hàng nơi đây.
Trong vai khách có nhu cầu thuê gian hàng để kinh doanh, chúng tôi tìm gặp ông Hoàng Văn Ninh, Trưởng ban Quản lý chợ huyện Đầm Hà. Tại buổi gặp này, nhiều “góc khuất” trong việc kinh doanh tại chợ Đầm Hà được ông Ninh hé mở: “Buôn bán thì phải có chút gian lận... qua đường biên thì nó là hàng lậu, vào chợ coi như đã là xong... Quản lý thị trường nó là đơn giản... cứ đến cuối năm các hộ có tý đóng góp mỗi hộ mấy triệu lại gọi là có tý quà Tết.
Điều làm chúng tôi bất ngờ là chợ huyện Đầm Hà chỉ cách UBND huyện Đầm Hà, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh có vài trăm mét. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát các hộ kinh doanh của chợ huyện Đầm Hà lại bị buông lỏng quản lý.
Được biết, Nghị định số 98/2020/ NĐ- CP ngày 26/8/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định cụ thể về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng quá hạn sử dụng… mức phạt có thể lên đến 200 triệu đồng tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Nghị định này cũng quy định buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại; buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm; buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng giá trị tang vật, phương tiện vi phạm đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật…
Nghị định 98/2020/ NĐ-CP áp dụng mức tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân thực hiện. Trong trường hợp hành vi vi phạm do tổ chức thực hiện, mức phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.
Phạt tiền gấp hai lần: Hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi.
Sai phạm tràn lan, xử lý “nhỏ giọt”
Sau khi ghi nhận thực tế, nhóm phóng viên Tạp chí CHG đã thông tin tới lãnh đạo UBND huyện Đầm Hà về những bất cập nêu trên. Tại buổi làm việc với phóng viên chiều ngày 22/3, ông Trần Anh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà cho biết: “Thông tin các hộ kinh doanh tại chợ huyện Đầm Hà phải đóng góp, hỗ trợ cho cán bộ quản lý thị trường vào dịp Tết, chúng tôi sẽ cho kiểm tra. Nếu có căn cứ, tôi sẽ báo cáo lên Thường vụ Đảng ủy để xử lý nghiêm. Việc các tiểu thương đánh bạc trong chợ chúng tôi cũng đã thông tin tới Công an huyện để kiểm tra và xử lý”.
Liên quan đến vấn đề gian lận hàng hóa trong chợ Đầm Hà, ông Cường giới thiệu phóng viên làm việc với ông Nguyễn Văn Tuyển, Phó Đội trưởng Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh. Tại buổi làm việc, ông Tuyển thông tin: “Sau khi tiếp nhận thông tin từ UBND huyện Đầm Hà về những phản ánh của phóng viên, đội đã kiểm tra và lập biên bản xử phạt 2 cơ sở kinh doanh, mỗi cơ sở bị phạt 6 triệu đồng với hành vi buôn bán tất giả nhãn hiệu Nike”.
Ông Nguyễn Văn Tuyển, Phó Đội trưởng Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh trao đổi với phóng viên Tạp chí CHG.
Sau đó, ông Tuyển cùng phóng viên kiểm tra thực tế tại chợ huyện Đầm Hà. Dường như đã quá quen với sự có mặt của lực lượng chức năng, nhiều hộ kinh doanh vẫn ngang nhiên bày bán các sản phẩm hàng hóa đã nêu ở trên. Việc một số quầy hàng công khai buôn bán đồ quân trang trái phép, nhưng ông Tuyển lại xử lý bằng hình thức “nhắc nhở” trước mặt phóng viên?
Đối với siêu thị Aloha Mall Đầm Hà vừa qua đã bị các cơ quan báo chí đồng loạt phản ánh về việc bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ông Tuyển cũng thừa nhận đang còn một số tồn tại. Thế nhưng, ông Tuyền lại cho rằng: “Năm ngoái chúng tôi đã xử phạt, năm kia cũng xử phạt, năm nay vẫn còn tồn tại, tuy nhiên không phải cứ đè ra xử phạt ngay. Chúng tôi sẽ tiếp nhận thông tin, cái đấy cứ bình tĩnh”.
Tại huyện Đầm Hà, việc kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu, hàng hóa xâm hại nghiêm trọng đến các nhãn hiệu nổi tiếng đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, thế nhưng lại xử lý rất “nhỏ giọt”. Phải chăng cách làm việc, xử lý như trên của Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh đang là nguyên nhân dẫn tới những sai phạm về hàng hóa tại huyện Đầm Hà vẫn đang tồn tại và chưa có dấu hiệu thuyên giảm?
(CHG) Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng kiểm tra đột xuất 02 cửa hàng kinh doanh có hành vi trưng bày bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và xử phạt 24 triệu đồng.
Xem chi tiết(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết(CHG) - Trong 9 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tỉnh Gia Lai đã quyết liệt thực hiện có hiệu quả các kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Xem chi tiết(CHG) Trên 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu nhập lậu được kinh doanh chủ yếu trên Tiktok, Facebook vừa bị Tổ TMĐT, Cục Nghiệp vụ QLTT đột xuất kiểm tra và tiến hành tạm giữ. Đây là sản phẩm được một hot Tiktoker thường xuyên livestream bán trên Tiktokshop.
Xem chi tiết(CHG) Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng kiểm tra thị trường Tết Trung thu năm 2024 vừa qua, xử phạt 37 đơn vị kinh doanh thực phẩm và đồ chơi trẻ em, với tổng số tiền xử phạt hơn 376 triệu đồng.
Xem chi tiết