(CHG) Thời gian qua đã xảy ra một số vụ tai nạn liên quan tới bóng bay bơm khí công nghiệp Hydro/Heli. Loại bóng này được bày bán phổ biến ở nhiều nơi như cổng trường học, những điểm vui chơi giải trí, các sự kiện, lễ hội… Điều nguy hiểm là khi phát nổ, loại bóng này lại gây hậu quả nghiêm trọng.
Bóng bay bơm khí công nghệ có khả năng phát nổ gây nguy hiểm.
Những quả “bom” nổ chậm
Như chúng ta đều biết, nguyên lý để quả bóng bay được trong không khí là bởi nó được bơm vào bên trong quả bóng một loại khí nhẹ hơn khí Oxy. Hiện nay, trên thị trường có hai loại khí công nghiệp được sử dụng để làm bóng bay là khí Heli và khí Hydro.
Khí Heli chỉ bằng khoảng 1/8 tỷ trọng của không khí. Vì vậy, khí Heli sẽ lơ lửng trong không khí và thậm chí sẽ bay lên trên. Khí Hydro có trọng lượng chỉ bằng một nửa khí Heli. Nhưng khí Hydro lại dễ cháy nổ. Nếu bóng bay bơm khí Hydro, gặp môi trường dễ bắt lửa là có thể phát nổ, gây mất an toàn cho người xung quanh, nhất là trẻ em. Và thực tế đã có nhiều vụ việc tai nạn xảy ra với khí Hydro bơm bóng bay.
Vụ việc đã xảy ra ở Thái Nguyên khi cô giáo 23 tuổi đang chuẩn bị trang trí cho ngày khai giảng. Quả bóng trang trí có bơm khí Hydro trên tay cô giáo phát nổ khiến toàn thân cô giáo bắt cháy, bốc lửa. Rất nhanh, cô giáo đã chủ động xả nước dập lửa, đồng thời được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên sơ cứu, rồi lập tức chuyển xuống Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác - Hà Nội. Lúc nhập viện, chân và tay cô đã băng kín, hai tai đỏ, toàn thân đau đớn. Các bác sĩ dùng kéo cắt từng lớp băng rồi vệ sinh da. Toàn thân cô bị bỏng nặng và rộng, bỏng đường hô hấp trên và có sốc bỏng, tinh thần hoảng loạn với diện tích tổn thương bỏng trên da hơn 40% và bỏng sâu hơn 20%. Các cô giáo khác bị bỏng nhẹ và đều được cấp cứu kịp thời.
Hình ảnh bàn tay bị bỏng do bóng bay bơm khí phát nổ.
Tại Khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, bệnh nhân D. (39 tuổi, ngụ ở quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, trưa ngày 16/1, gia đình anh đi dự lễ cưới tại một nhà hàng. Khi về, các con và cháu anh D. cầm theo chùm bóng bay trang trí tại đám cưới. Thấy bọn trẻ muốn chia bóng, anh D. dùng bật lửa đốt đoạn dây buộc thắt nút những quả bóng thì cả chùm bóng gần 30 quả đồng loạt phát nổ. Do đừng gần chùm bóng, anh D. và 2 con 11 tuổi và 15 tuổi cùng người cháu 9 tuổi bị lửa bén vào quần áo. Anh D. bị bỏng ở mặt, cổ, tai và 2 bàn tay, phải đi cấp cứu.
Cũng tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, bệnh viện tiếp nhận ba trường hợp khác bị nạn khi đang chụp ảnh cưới với bóng bay. Theo lời kể của bệnh nhân, trong lúc cô dâu tạo dáng với chùm bóng bay thì chùm bóng phát nổ khiến hai nhân viên chụp ảnh bỏng nặng, cô dâu bỏng nhẹ ở mặt, phải hoãn đám cưới.
Những trường hợp như trên cho thấy, các vụ tai nạn do bóng bay dùng khí Hydro không còn là sự cố hiếm gặp. Điều đáng lo ngại là bóng bay bơm khí Hydro vẫn đang có mặt trong mọi buổi tiệc, là thứ đồ chơi quen thuộc của trẻ em mà không được kiểm soát chặt chẽ.
Mới đây, một bà mẹ đã chia sẻ trên facebook của mình như sau: “Hình như mọi người vẫn nghĩ quả bóng đó nó bình thường như em, không hề nha các bác, nó nguy hiểm, cực kỳ nguy hiểm. Em có nhắn cho chủ shop hôm đó trang trí nhà em, ban đầu, em đó nói là bơm khí Oxy và có dặn gia đình là không được để gần lửa, tàn thuốc vì sẽ gây cháy nổ, có báo với khách là trong bóng có khí Hydro nhưng thực ra gia đình em không nhận được bất kỳ lời dặn nào hay tư vấn nào về khí có trong quả bóng đó. Nếu biết chắc em không ngu gì mà đưa mặt em ra làm cái thí nghiệm này.
Nhiều bác hỏi sao tự dưng nó lại gây nổ ạ? Là do khi em nhận bóng đem về thì nó không còn bay, em tháo hơi ra thì nó cũng không hề có mùi giống như mùi những quả bóng bay oxy hình con vật ngoài chợ đâu ạ. Hơn nữa là quả này nó dày, vỏ nó dày gấp mấy lần quả bóng ngoài chợ, còn khí Hydro trong bóng thì không thể nào hết được, loại khí này nó vẫn có thể bám chặt vào thành quả bóng ngay cả khi quả bóng xẹp lép luôn.
Tưởng nó bình thường nên em dùng bơm điện bơm hơi vào và thế là “BÙM”. Có thể là do hơi trong bơm điện nó nóng nên nó gây nổ, khí trong quả nóng nén chặt nên nổ rất to và văng! Em bơm ở góc phòng mà khí nó nén vỡ tan cả kính cửa phòng luôn (từ cửa cách chỗ em ngồi bơm phải 2m).
Nếu hôm đó thay vì chỉ có mình me, mà còn thêm con em nữa thì không hiểu mọi chuyện sẽ như nào? Bản thân em không dám nghĩ tới. Đúng là hiện đại hại tiền thêm nguy hiểm”.
Tai nạn bị bỏng mặt do bóng bơm khí Hydro phát nổ.
Chuyên gia cảnh báo về hiểm họa bóng bay bơm khí Hydro/Heli
Khí Hydro là loại khí dễ cháy nổ, chỉ cần tiếp xúc gần nguồn lửa như tàn thuốc lá, tro đốt vàng mã, nến đang cháy cũng khiến nó phát nổ và tỏa nhiệt rất mạnh. Bởi khí Hydro có cấu trúc phân tử rất bé, có thể dễ dàng thẩm thấu cực nhanh, qua màng bóng bay, chỉ cần tiếp xúc với bóng đèn, hay gặp không khí nóng, khi đi ngoài trời nắng là có thể đủ điều kiện kích hoạt phản ứng, khiến một trái bóng có thể nổ tung.
Khí Hydro bị nén trong bóng bay sẽ phát nổ rất mạnh. Khoảng cách cầm bóng rất gần với tay và mặt, vì vậy, khi nổ sẽ rất nguy hiểm, có thể gây cháy tóc, bỏng mặt, mù mắt, bỏng tay. Các chuyên gia khuyến cáo cần thận trọng khi sử dụng loại bóng bơm khí Hydro để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
Đặc biệt, khi cầm bóng, tránh di chuyển đến nơi có sự thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột như từ ngoài trời nắng vào phòng kín, không để bóng bay trong ô tô hoặc gần vật phát nhiệt như bếp, nến, đèn. Không dùng lửa để cắt dây buộc bóng ra khỏi chùm. Lưu ý, ngay cả khi các trái bóng cọ xát với nhau cũng có thể phát nổ. Những gia đình có trẻ nhỏ, phụ huynh không nên cho trẻ chơi bóng bay bơm khí Hydro trong nhà hoặc những nơi có nguồn lửa, dễ gây cháy nổ.
Hình ảnh bình bơm bóng bay khí công nghệ.
PGS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Khí Heli là khí hiếm, điều chế rất khó và bán rất đắt, không phải ai cũng mua được. Do đó, hơn 90% các loại bóng bay bán trên thị trường đều bơm khí Hydro. Hydro gặp Oxy ngoài môi trường đúng tỷ lệ thì sẽ phát nổ.
Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội cho biết: “Năm nào, khoa cũng tiếp nhận vài trường hợp bỏng do nổ bóng bay, thường là vào các dịp lễ hội. Những bệnh nhân này thường bị tổn thương ở vùng mặt, cổ, gây ảnh hưởng lớn tới thẩm mỹ. Chưa kể, khi bóng nổ, nạn nhân vô tình hít nhiều khí Hydro, có thể bị lơ mơ, ói mửa, co giật, hôn mệ, thậm chí tử vong”.
Ngoài ra, khí Hydro có phản ứng mạnh với clo và flo, tạo thành axit hydrohalic, có thể gây tổn thương cho phổi và các bộ phận khác của cơ thể.
Khi kết hợp với Oxy, Hydro nổ khi bắt lửa hoặc khi có dòng điện đi qua. Nó cũng có thể khiến tất cả các quả bóng gần đó nổ lớn và có lửa bùng ra gây sát thương cho những người đứng gần đó.
Do đó, có thể gọi quả bóng bay bơm khí Hydro/Heli là “quả bom nổ chậm”. Nguy hại ở chỗ, loại bóng này đang được sử dụng thường xuyên. Người dùng còn chưa nhận thức được sự nguy hiểm của nó.
Công an TP. Hà Nội đưa ra khuyến cáo cho người sử dụng bóng an toàn như sau:
Khi mua và thu giữ các loại bóng bay, không nên giữ trong phòng kín, bởi nếu chạm vào nguồn nhiệt như hơi nóng của bóng đèn, bóng bay có thể phát nổ.
Trong trường hợp thu giữ, lực lượng chức năng cần mang đến những nơi thoáng, rộng, dùng vật nhọn chọc thủng. Không nên để bóng bay ngoài trời nắng vì có thể gây nổ. Hơn nữa, khi sử dụng loại bóng bay này, các cơ quan, phụ huynh nên tìm hiểu kỹ lưỡng, cẩn trọng khi sử dụng.
Nếu không may bị bỏng do nổ bóng bay khí Hydro, cần nhanh chóng sơ cứu người bị nạn bằng cách nhặt hết vụn bóng trên người bị bỏng, cởi bỏ quần áo tại khu vực bị tổn thương; Nhanh chóng sử dụng nước sạch làm mát vùng da bị bỏng giúp giảm thiểu mức độ bị tổn thương; Băng vết thương bằng gạc y tế mỏng để tránh nhiễm trùng. Sau đó, đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời hoặc gọi điện thoại 114 để được giúp đỡ. |
10
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết