Hoa quả nhập khẩu giá rẻ: Nhập nhằng nguồn gốc, xuất xứ


(CHG) Hoa quả nhập khẩu đã trở nên phổ biến vài năm trở lại đây. Nhiều người có điều kiện, sành ăn đã không ngần ngại chi vài trăm nghìn đồng đến tiền triệu để mua hoa quả đắt tiền về sử dụng với tiêu chí an toàn cho sức khỏe. Nhưng dạo gần đây, hoa quả nhập khẩu được bày bán khắp nơi với giá rẻ bất ngờ, khiến người tiêu dùng không khỏi nghi ngại về nguồn gốc, xuất xứ... 

Hoa quả nhập khẩu được bày bán khắp nơi từ siêu thị đến chợ tạm. 
Loạn giá hoa quả nhập khẩu
Theo khảo sát của phóng viên Tạp chí Điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG), tại các cửa hàng bán hoa quả ngoại nhập, mặt hàng Cherry Mỹ, New Zealand luôn có mức giá 400.000 – 600.000 đồng/kg tùy loại. Loại quả này còn khó bảo quản, dễ dập nát khi vận chuyển nên cũng ít nhà nhập khẩu. Thế nhưng, trên mạng lại tràn lan giới thiệu về những loại Cherry chín mọng, đỏ au với lời khẳng định nhập khẩu từ "Mỹ, Úc, Canada" cùng mức giá... siêu rẻ.
Chỉ cần tra Google để tìm kiếm quả Cherry giá rẻ, người tiêu dùng sẽ nhận được rất nhiều địa chỉ mua hàng. Các địa chỉ này đều rao bán quả Cherry với giá từ 150.000 - 180.000 đồng/kg kèm theo lời quảng cáo như ngon, mọng, chuẩn hàng nhập khẩu... Có địa chỉ bán cả 10kg cho một đơn hàng, không đồng ý bán lẻ.
Nhiều chủ shop trên mạng còn thông tin, thời điểm này, Trung Quốc đang vào vụ Cherry nên giá rất rẻ. Tùy kích cỡ, Cherry Trung Quốc có giá khác nhau. Loại quả to, ăn giòn và ngọt giá bán lẻ khá cao, 280.000 đồng/kg. Còn loại đang được rao bán 120.000 - 140.000 đồng/kg là loại quả nhỏ, không có độ đỏ thẫm và ăn hơi chua. 
Chị Ngọc Anh (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, chị thấy quảng cáo về Cherry Trung Quốc trên mạng xã hội nhưng chưa mua, một phần vì số lượng mỗi thùng quá nhiều, lên tới 8,7kg mà chủ hàng không bán lẻ, phần vì lo ngại về chất lượng. "Mình nghe hàng Trung Quốc nên cũng ngại chưa dám thử. Bởi trước giờ hoa quả Trung Quốc có tiếng xấu nên dù rẻ mình cũng không muốn mua", chị Ngọc Anh chia sẻ.
Liên quan tới Cherry nhập khẩu, trước đó, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho hay, Việt Nam hiện 
đã cho phép nhập khẩu chính ngạch Cherry từ 4 quốc gia là New Zealand, Hoa Kỳ, Canada và Trung Quốc, còn Australia đang làm thủ tục đàm phán.
Cherry nhập khẩu từ các nước châu Âu, châu Mỹ có giá cao chủ yếu do ảnh hưởng bởi giá thành vận chuyển, chứ không phải vì giá thành nuôi trồng đắt đỏ. Một cán bộ xuất nhập khẩu chia sẻ, để mua được trái Cherry đúng là hàng nhập khẩu từ Mỹ – Úc – Canada hay New Zealand, người tiêu dùng cần mua ở những nơi chứng minh được nguồn gốc nhập khẩu qua giấy chứng nhận kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm, ghi rõ ngày tháng lô hàng xuất đi từ nước nào và đến thành phố nào ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều này sẽ hơi khó vì phần lớn nguồn hàng Cherry bán online hiện nay đang là... hàng xách tay.
Tương tự Cherry, quả Thanh trà từng là loại trái cây nhập khẩu “sang chảnh”, có giá khá đắt đỏ. Thế nhưng, quả Thanh trà Thái Lan lại được rao bán ồ ạt trên mạng xã hội với giá "rẻ như cho".
Chỉ cần lướt qua mạng xã hội, bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng bắt gặp các lời quảng cáo: “Cơn bão mang tên Thanh trà Thái Lan”, “giá siêu sốc”, “Thanh trà Thái Lan siêu rẻ” hoặc “không đâu rẻ hơn”… Nhiều người vì thấy giá rẻ, hình ảnh quả Thanh trà bắt mắt nên đã mua không ngần ngại. Tuy nhiên, cũng không ít người nghi ngại vì sự chênh lệch giá quá lớn này.
“Tôi hơi e ngại khi thấy Thanh trà Thái Lan được rao bán trên chợ mạng chỉ hơn 90.000 đồng/kg, trong khi trước đây tôi phải mua với giá khoảng 180.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 200.000 đồng/kg”, chị Ngọc Diệu (Quận Phú Nhuận, TP. HCM) cho biết.
Trong khi đó, vẫn là loại quả này, các chuỗi cửa hàng trái cây nhập khẩu tại TP. HCM đang bán với giá dao động trong khoảng 185.000 - 200.000 đồng/kg. 
Chị Nguyễn Thị T., chủ cửa hàng trái cây ở quận 5, TP. HCM cho biết, Thanh trà giá rẻ trên chợ mạng chắc chắn là Thanh trà được trồng ở miền Tây “đeo mác” Thanh trà Thái. Vì bề ngoài hai loại Thanh trà gần giống nhau, nên dễ bị các tiểu thương buôn bán không uy tín nhập nhèm. Tuy nhiên, khi ăn, khách sẽ thấy hai loại quả Thanh trà này có hương vị khác hẳn. Thanh trà miền Tây có hình dáng quả tròn nhưng ăn chua, ít ngọt. Còn loại quả nhập từ Thái Lan về có hình bầu dục, ăn ngọt, chỉ xen lẫn chút chua.

Nho Hàn Quốc được bày tại các chợ đầu mối với giá rẻ bất ngờ.
Người tiêu dùng lo ngại về chất lượng hoa quả giá rẻ
Thời gian qua, lực lượng chức năng liên tục bắt giữ những xe chở hoa quả nhập lậu được tuồn vào thị trường Việt Nam. Điển hình như ngày 20/12/2022, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra xe ô tô BKS 89C-244.71 phát hiện trên xe có 500kg hoa quả nhập lậu. Ông Hoàng Mạnh Tuấn là lái xe cũng là chủ hàng.
Cùng thời điểm trên, Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Hạ Long cũng tiến hành kiểm tra 3 xe ô tô BKS 14C-187.68, 34C-176.39, 14C-143.69. Lực lượng chức năng phát hiện có gần 1 tấn hoa quả nhập lậu. Lực lượng chức năng đã lập hồ sơ vụ việc để xử lý theo đúng quy định.
Trong khi đó, ngày 28/09/2022, Đội Quản lý thị trường số 1 Cục Quản lý thị trường Hà Giang phối hợp với các lực lượng chức năng đã kiểm tra xe ô tô tải BKS 88H-015.27 phát hiện trên xe có 170kg hoa quả, trong đó 100kg nho tươi, 70kg dưa vàng. Ông N.Q.T. (ngụ tại xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) là lái xe kiêm chủ hàng thừa nhận toàn bộ số hàng là nhập lậu, được một đầu mối mua gom từ những người dân khu vực biên giới giáp Trung Quốc, sau đó mang đi tiêu thụ.
Trước đó, ngày 24/09/2022, lực lượng Quản lý thị trường Thái Nguyên cũng đã phát hiện trên xe ô tô tải BKS 20C-164.45 và ô tô bán tải BKS 20C-241.66 đang vận chuyển khoảng 300kg hoa quả các loại nhập lậu. Lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính với các chủ hàng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số hoa quả trên.

Qua những vụ việc nêu trên có thể thấy rằng, hoa quả nhập lậu, hoa quả nhập nhằng nguồn gốc, xuất xứ vẫn luôn là mối lo ngại đối với người tiêu dùng, bởi bằng cách này, cách khác tiểu thương vẫn có thể trà trộn bằng đường tiểu ngạch để đánh hàng về tiêu thụ.
Vấn đề ở chỗ, hoa quả nhập lậu giá rất rẻ nhưng không thể chứng minh được độ an toàn cho người sử dụng. Qua tham khảo trên thị trường, các loại hoa quả nhập khẩu có nguồn gốc chủ yếu từ Australia, New Zealand, Mỹ, Nam Phi, Chile... 1kg Nho đen của Mỹ giá khoảng 250.000 đồng/kg, Táo Envy của Mỹ 190.000 - 210.000 đồng
/kg (tùy thuộc kích cỡ to, nhỏ), Mận đường Australia 200.000 đồng/kg, Kiwi xanh New Zealand khoảng 100.000 đồng/kg... Nhưng hoa quả ở chợ giá những loại hoa quả gắn mác nhập khẩu có giá chỉ bằng một nửa.
Theo chia sẻ của chị Trần Thu Hà (Bắc Từ Liêm, Hà Nội): “Nếu so sánh về giá thì có sự chênh lệch rất lớn, như một cân Nho Mỹ tại cửa hàng chuyên hoa quả nhập khẩu bán 200.000 – 250.000 đồng
/kg, trong khi đó, ngoài chợ họ bán có 130.000 – 140.000 đồng/kg, thậm chí hôm nào hàng “xấu” thì họ chỉ bán có 100.000 đồng/kg. Chính vì vậy, người tiêu dùng chẳng biết chất lượng hoa quả nhập khẩu đó thế nào.
Cũng qua khảo sát của phóng viên tại một số chợ đầu mối về hoa quả như chợ Long Biên, chợ Đồng Xuân... luôn có số lượng rất lớn các loại hoa quả nhập, chủ yếu là từ Trung Quốc. Không ít những cửa hàng, người bán hàng tại các chợ đến đây mua hoa quả có nguồn gốc Trung Quốc rồi sau đó về đóng gói, bán với giá hàng nhập khẩu từ Australia, New Zealand, Mỹ...
Chủ một đại lý hoa quả ở chợ Long Biên chia sẻ, trừ một số loại hoa quả đặc trưng mà chỉ có hàng nhập khẩu mới có, như quả Kiwi của New Zealand, Lê thiên đường của Australia... thì còn lại, các loại hoa quả như nho, táo, mận... có xuất xứ từ Trung Quốc là khá nhiều. Chính vì vậy, nhiều cửa hàng, người bán hàng rong thường mua loại này về bán giá hàng “xịn” để kiếm lời.
Theo quy định, việc quản lý nguồn gốc các loại hoa quả nhập khẩu là trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường, nhưng việc kiểm tra, xử lý hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để tự bảo vệ mình, trước khi mua hàng người tiêu dùng nên tỉnh táo chọn lựa những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được mua ở những cửa hàng, đại lý uy tín, đặc biệt là hạn chế mua của hàng rong trên đường và trên mạng xã hội./.
Lưu ý khi mua hoa quả nhập khẩu
Theo chuyên gia, hầu hết cửa hàng tiện lợi hoặc siêu thị, trái cây nhập khẩu được bán đều có đầy đủ tem mác với chỉ số rõ ràng. Khách hàng có thể chú ý ở tem mác này để biết được thông tin về loại trái cây mà mình mua như nhà cung cấp, nơi nhập khẩu, trồng với quy trình nào, có biến đổi gene hay không, nhập khẩu từ nước nào...
Với những loại trái cây không có nhãn mác hoặc nhãn được in không rõ ràng, nên cân nhắc trước khi mua bởi chất lượng có thể không được kiểm định. Nếu sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Về phía người tiêu dùng, các chuyên gia đưa ra lời khuyên, tốt nhất là tránh ăn các loại quả để quá lâu mà không hỏng, bởi dù bên ngoài vẫn tươi nhưng các chất bên trong có thể bị chuyển hóa. Cách tốt nhất là ăn quả theo mùa. Với quả nhập khẩu thì có thể chọn loại rõ nguồn gốc, xuất xứ và dù để lâu vẫn tươi thì cũng nên dùng ngay khi mua.
Còn lại: 1000 ký tự
An Giang: Thu giữ số lượng lớn hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

(CHG) Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang thực hiện kiểm tra, thu giữ số lượng lớn hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam

Xem chi tiết
Đồng Tháp: Phạt tiền 140 triệu đồng về hành vi vi phạm nhãn hàng hóa.

(CHG) Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp thực hiện kiểm tra, phát hiện cơ sở kinh doanh hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định về nhãn hàng hóa, hàng hóa thuốc bảo vệ thực vật, trên nhãn có hình ảnh, chữ viết không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa, phạt tiền 140 triệu đồng.

Xem chi tiết
Tiền Giang: Xử phạt 180 triệu đồng vi phạm kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.

(CHG) Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang thực hiện kiểm tra, phát hiện các cơ sở kinh doanh vi phạm hành chính là không thể hiện đầy đủ tên cơ sở kinh doanh theo đúng Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Xử phạt 180 triệu đồng vi phạm kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.

Xem chi tiết
Bến Tre: Kiểm tra, xử lý vi phạm kinh doanh mỹ phẩm là hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

(CHG) Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre thực hiện kiểm tra, phát hiện kinh doanh buôn bán dược phẩm nhưng không niêm yết công khai chứng chỉ hành nghề dược phẩm, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược tại cơ sở theo quy định pháp luật, kinh doanh mỹ phẩm là hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Xem chi tiết
Khẩn trương thực hiện ngay thanh tra, kiểm tra chuyên ngành thị trường vàng

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu khẩn trương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với thị trường vàng.

Xem chi tiết
2
2
2
3