(CHG) Thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sáng 2/11, các ĐBQH cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh bảo vệ quyền lợi thì cần có những quy định ràng buộc trách nhiệm của người tiêu dùng khi xảy ra việc lạm dụng quyền trong quan hệ tiêu dùng.
Đa số ĐBQH tán thành việc ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); cho rằng, đây là hoạt động cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhiều ĐBQH chỉ rõ, sau 12 năm thi hành, Luật hiện hành đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bao gồm các vấn đề liên quan đến tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định của Luật, sự thay đổi của thực tiễn sản xuất, kinh doanh cũng như những yêu cầu, xu thế mới đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật quy định về nguyên tắc, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo ĐBQH Nguyễn Văn Thuận (Cần Thơ), việc mới chỉ nhắc đến “trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng” là chưa đầy đủ, có thể dẫn đến kẽ hở trong pháp luật. Đồng thời, chưa bảo đảm tính thống nhất, chính xác trong văn bản, bởi trong dự thảo Luật còn một số quy định về “trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khác không phải tổ chức, cá nhân kinh doanh”. Do đó, ĐB Nguyễn Văn Thuận đề nghị, cần chỉnh lý phạm vi điều chỉnh theo hướng quy định về “trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh và tổ chức, cá nhân có liên quan”.
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ 16 (Nghệ An, Tây Ninh, Phú Yên). Ảnh: Hồ Long
Về Quyền của người tiêu dùng (Điều 15), ĐBQH Lại Văn Hoàn (Thái Bình) cho rằng, quy định như dự thảo Luật còn một số nội dung chưa phù hợp và khả thi. Đơn cử như Khoản 6 quy định “Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, an toàn, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh đã đăng ký, công bố, niêm yết, quảng cáo, cam kết hoặc theo quy định của pháp luật”. Trong khi đó, Khoản 4 lại quy định “Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh về giá cả, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh”.
Theo ĐB Lại Văn Hoàn, quy định như vậy thì không rõ trong trường hợp nào tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể trao đổi với người tiêu dùng trước khi phải đứng ra là một bên bị khiếu nại, tố cáo hoặc bị đơn trong vụ việc dân sự.
Do đó, để nâng cao việc áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng và giảm thiểu khiếu nại, khiếu kiện không cần thiết, ĐB Lại Văn Hoàn đề nghị, Ban soạn thảo cân nhắc quy định theo hướng là tổ chức, cá nhân có quyền thương lượng với người tiêu dùng để lựa chọn cách giải quyết trong trường có cách hiểu không thống nhất hoặc sai khác vấn đề của sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời, bổ sung quy định cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh có quyền yêu cầu người tiêu dung thương lượng khi có tranh chấp liên quan đến sản phẩm, dịch vụ đã cung cấp.
Về nghĩa vụ của người tiêu dùng (Điều 16), ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) chỉ ra thực tế, một số trường hợp người tiêu dùng đã lạm dụng quyền của mình để làm ảnh hưởng tới lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh. Ví dụ như đưa tin sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; một số cơ quan truyền thông đưa tin về việc khách hàng đến sử dụng các dịch vụ nhưng khi livestream trên mạng đưa tin không đúng, thậm chí là hạ bệ uy tín của đơn vị kinh doanh.
Do đó, ĐB Nguyễn Văn Huy đề nghị, bên cạnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì cần có những quy định ràng buộc trách nhiệm của người tiêu dùng khi xảy ra việc lạm dụng quyền trong quan hệ tiêu dùng để tránh những trường hợp như vậy. Cụ thể, bổ sung nghĩa vụ của người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra và phải có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa những thông tin sai sự thật về sản phẩm mà anh sử dụng.
0
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết