Làm gì để đối phó với những cuộc gọi mạo danh lừa đảo?


(CHG) Gần đây, ở các địa phương, nhiều người dân nhận được cuộc gọi từ thuê bao lạ với ý đồ xấu khi mạo danh các cơ quan chức năng, đơn vị nhằm chiếm đoạt tài sản. 

Muôn kiểu mạo danh lừa đảo

Có nhiều hình thức mạo danh từ các thuê bao mà người dân nhận được vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Đa số các cuộc gọi đến đều xưng danh là cán bộ hay nhân viên ở một cơ quan chức năng, doanh nghiệp, bưu cục chuyển phát hay một hãng sản phẩm nào đó, thậm chí là cuộc gọi từ nước ngoài...

Sau khi xưng danh, chủ thuê bao nói nhanh lý do. Có thể là sự quy chụp cho người nghe việc đã vi phạm pháp luật do vướng vào một vụ buôn lậu, ma túy, vi phạm luật giao thông… cần thông tin cá nhân và yêu cầu nộp tiền vào tài khoản để giải quyết. 

Nhiều người dân khi nhận được những tin đó rất bất ngờ, tỏ ra sợ hãi, thậm chí sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của mình nên nhẹ dạ, cả tin chuyển tiền mà không tìm hiểu nguyên nhân. Điều đó vô tình dẫn đến mất trắng số tiền lớn.

Có người nhận được cuộc gọi từ bưu cục báo có hàng chuyển phát và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, phí vận chuyển để nhận hàng. Người nghe dễ dàng tin và nộp tiền vào tài khoản mà không hề hay biết đó là chiêu trò lừa đảo.

Gần đây, nhiều người dân nhận được các cuộc gọi lạ hoặc nháy máy từ đầu số nước ngoài như +563; +255; +370; +381… Nếu nghe hoặc gọi lại, đối tượng sẽ tấn công khách hàng để sao chép các thông tin như thẻ SIM, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng trên điện thoại.

Có trường hợp nhận được thông báo từ một hãng sản phẩm rằng may mắn trúng thưởng với phần quà giá trị, yêu cầu chuyển phí vào tài khoản để tổ chức chương trình trao thưởng. 

Còn nữa, nếu người dân mua một sản phẩm nào đó qua mạng, một thời gian sau sẽ nhận được cuộc gọi mời chào mua một vật mang tính chất tâm linh đã được cúng tại một ngôi chùa nổi tiếng nào đó nên rất linh. 

Nguy hiểm và tinh vi hơn, nhiều cuộc gọi từ messenger lấy hình đại diện của người thân, giả mạo gọi về từ nước ngoài, đề nghị người nhà gửi tiền sang gấp để giải quyết công việc. 

Nhiều phụ huynh cao tuổi, nhìn thấy hình đại diện của con nên không hề nghi ngờ, đã chuyển tiền luôn, dẫn đến mất trắng hàng trăm triệu đồng. 

Làm gì để đối phó?

Từ những “chiêu trò” cuộc gọi hòng chiếm đoạt tài sản, người dân cần tỉnh táo trước những thuê bao lạ gọi đến.

Theo luật sư Lê Thị Dung – Giám đốc Công ty Luật Siglaw, trước những “chiêu trò” cuộc gọi điện thoại nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, người dân cần tỉnh táo trước những thuê bao lạ gọi đến. Đặc biệt, cảnh giác trước đề nghị chuyển tiền và kiểm tra kỹ bản thân có tham gia, liên quan đến những vụ việc, những vấn đề được thuê bao gọi tới không. 

Đối với các thuê bao này, người dân cần trang bị kiến thức để yêu cầu người gọi chứng minh nhân thân. 

Ví dụ, đối với cuộc gọi giả danh cơ quan điều tra, theo quy định pháp luật nếu muốn làm việc, cơ quan điều tra sẽ gửi giấy triệu tập về tận địa chỉ và nếu có liên quan đến vụ án thật thì trong quá trình cung cấp, cơ quan điều tra sẽ lập biên bản. Nếu người gọi đến yêu cung cấp các thông tin cá nhân như mã số định danh, tài khoản ngân hàng, địa chỉ sinh sống... người dân tuyệt đối không cung cấp. 

Đồng thời báo cho cơ quan chức năng nếu nắm bắt được tín hiệu lừa đảo và những chiêu trò lừa có tính chất nghiêm trọng. Thường xuyên cập nhật những thủ đoạn chiếm đoạt tài sản tinh vi qua những cuộc gọi giả mạo và mạng xã hội trên các trang thông tin chính thống cùng cảnh báo của cơ quan chức năng.

Người nhận cuộc gọi không gọi lại số thuê bao lạ nếu biết đó không phải là số của người thân. Không chuyển tiền vào tài khoản lạ nếu không biết rõ lý do. Đồng thời, không tin vào những thông tin mập mờ, chưa chính xác để tránh bị lợi dụng. Không vội mừng trước những phần thưởng “trên trời” không thuộc về mình.  

Luật sư Dung cũng cho biết, việc xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác được xác định là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu hình phạt tương ứng với mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội bao gồm cả xử lý hình sự. 

Trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, người dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng (điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị đinh 144/2021/NĐ-CP).

Trường hợp sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 02 triệu đồng trở lên hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp pháp luật quy định có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017) với mức hình phạt cao nhất là chung thân. 

"Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".

 

Còn lại: 1000 ký tự
Đà Nẵng: Xử phạt 02 cửa hàng trưng bày để bán hàng giả mạo nhãn hiệu

(CHG) Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng kiểm tra đột xuất 02 cửa hàng kinh doanh có hành vi trưng bày bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và xử phạt 24 triệu đồng.

Xem chi tiết
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường

(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.

Xem chi tiết
Gia Lai: Tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 03 tháng cuối năm 2024

(CHG) - Trong 9 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tỉnh Gia Lai đã quyết liệt thực hiện có hiệu quả các kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Xem chi tiết
Hơn 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc bán trên tài khoản Tiktok “Phan Thủy Tiên” bị thu giữ

(CHG) Trên 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu nhập lậu được kinh doanh chủ yếu trên Tiktok, Facebook vừa bị Tổ TMĐT, Cục Nghiệp vụ QLTT đột xuất kiểm tra và tiến hành tạm giữ. Đây là sản phẩm được một hot Tiktoker thường xuyên livestream bán trên Tiktokshop.

Xem chi tiết
Đà Nẵng: Tịch thu hơn 6.200 mặt hàng thực phẩm và đồ chơi trẻ em

(CHG) Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng kiểm tra thị trường Tết Trung thu năm 2024 vừa qua, xử phạt 37 đơn vị kinh doanh thực phẩm và đồ chơi trẻ em, với tổng số tiền xử phạt hơn 376 triệu đồng.

Xem chi tiết
2
2
2
3