(CHG) Gần đây, người dùng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Đã có nhiều học sinh bị loạn thần, ảo giác, suy hô hấp, thậm chí suýt tử vong sau khi hút thuốc lá điện tử.
Thuốc lá điện tử tấn công giới học sinh sinh viên
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, gần như ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc nhập viện sau khi sử dụng thuốc lá điện tử, chủ yếu lại là giới trẻ.
Tháng 7/2022, bệnh nhân nữ K.N. (20 tuổi) cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê sâu, mất ý thức sau khi sử dụng thuốc lá điện tử. Qua kiểm tra đánh giá, N. có tổn thương đa cơ quan nặng nề, suy tim, não có tổn thương, tổn thương gan, thận, tình trạng rất nặng. Trước đó, bệnh nhân hoàn toàn khoẻ mạnh. Mẫu thuốc lá điện tử bệnh nhân sử dụng đã được gửi đi xét nghiệm tại Viện Pháp y Quốc gia. Kết quả cho thấy một chất cần sa tổng hợp là ADB-BUTINACA có trong dung dịch của thuốc lá điện tử.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, bản thân dung dịch được sử dụng trong thuốc lá điện tử đã có chứa 60 dạng hóa chất chưa đốt cháy, ở dạng khói có khoảng 50 hóa chất. Trong đó, có nhiều loại hoá chất khác nhau và có thể gây tổn hại các cơ quan khác nhau, làm tăng khả năng mắc ung thư. Đặc biệt, trong thuốc lá điện tử có thành phần vitamin E, khi đốt cháy sẽ tạo nên thành phần độc hại gây tổn thương phổi.
Đáng báo động hơn khi một trường tiểu học tại TP. HCM phát hiện có học sinh lớp 4 đã hút thuốc lá điện tử. Qua trò chuyện, học sinh này cho biết đã mua thuốc lá điện tử ở một con hẻm cạnh trường. Qua facebook, em này đã biết cách sử dụng thuốc lá điện tử.
Một số phụ huynh thông tin thêm là có trường hợp học sinh bán cho nhau. Cũng có trường hợp người xấu đem thuốc lá đến cổng trường tiểu học mời các bé học sinh hút, dụ dỗ hút có mùi vị rất ngon, hoặc “hút thuốc lá điện tử mới sành điệu, hiện đại, hợp thời”.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, thuốc lá điện tử cũng gây nguy hại đối với sức khoẻ cộng đồng tương tự như thuốc lá thông thường. Hàm lượng nicotine của thuốc lá điện tử có thể lên đến 24mg, trong khi đó, lượng nicotine trong thuốc lá truyền thống lại ở mức có 4mg.
Ở lứa tuổi học sinh, do thể chất đang phát triển nên khả năng gây tác hại còn nhiều hơn so với người trưởng thành. Nếu hút trong thời gian dài sẽ gây giảm sự chú ý, thay đổi tính cách, suy giảm khả năng học tập.
Đối với người lớn, sử dụng thuốc lá điện tử cũng gây ra những nguy hại đối với sức khoẻ gồm: Ảnh hưởng tới khả năng sinh sản và khả năng mang thai do trong thuốc lá điện tử có hoá chất diethylene glycol và nitrosamine gây hại đến khả năng sinh sản. Nicotine có thể làm giảm kích thích tình dục cũng như gây ra các vấn đề rối loạn cương dương, giảm ham muốn tình dục.
Nicotine có trong thuốc lá điện tử khiến mạch máu trở nên hẹp hơn. Các đĩa đệm ở lưng dưới không nhận đủ lượng máu được cung cấp có thể dẫn đến thoái hoá đĩa đệm và các vấn đề về lưng. Thuốc lá điện tử không chỉ thúc đẩy mụn trứng cá do các độc tố có hại trong nicotine, mà còn có thể làm tăng quá trình lão hoá sớm do nicotine gây ảnh hưởng tới dinh dưỡng của da.
Bên cạnh đó, nicotine trong thuốc lá điện tử có tính gây nghiện cao, làm giảm sự phát triển của não bộ, gây ảnh hưởng tới sự chú ý, mất khả năng kiểm soát, dẫn đến nghiện nicotine.
Nicotine có trong thuốc lá còn có hại cho hệ tim mạch, làm tăng huyết áp và gây tăng adrenaline, tăng khả năng bị đau tim. Phổi cũng bị ảnh hưởng do sử dụng thuốc lá điện tử sẽ hít vào lượng lớn hoá chất nguy hiểm, như acetaldehyde và formaldehyde gây bệnh phổi.
Thuốc lá điện tử ảnh hưởng có thể gây bệnh phổi cho người sử dụng.
Luật Phòng chống tác hại thuốc lá quy định không cho phép người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá. Điều 29 Nghị định 117/2020 quy định các vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá, cũng nêu rõ cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng thuốc lá.
Tuy nhiên, với những tác hại của thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng, cần một biện pháp xử phạt mạnh tay hơn, nhất là đối với những người bán thuốc lá điện tử cho trẻ vị thành niên.
Tăng cường truyền thông tác hại của thuốc lá điện tử
Trước phản ánh người dùng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là học sinh, Bộ Y tế vừa có công văn số 474/KCB-QLHN đề nghị sở y tế các địa phương tăng cường truyền thông về tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha. Theo đó, Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế tham mưu UBND các tỉnh có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, các cơ quan truyền thông thường xuyên tuyên truyền về tác hại thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Văn bản nêu trên cũng yêu cầu các ngành chức năng kịp thời có các quy định để ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm này tại các cơ quan, công sở và nhất là các cơ sở giáo dục đào tạo. Đồng thời tăng cường hoạt động kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha.
Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng đề nghị Sở Y tế các địa phương phối hợp với các cơ quan truyền thông và các đơn vị liên quan kịp thời phổ biến thông tin tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tới công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị, người dân trên địa bàn. Đồng thời tăng cường phối hợp với sở giáo dục và đào tạo để cung cấp thông tin và phổ biến rộng rãi về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới cho học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn quản lý.
Tại các cơ sở khám chữa bệnh, sở y tế các địa phương chỉ đạo đơn vị tích cực cung cấp các thông tin về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới tới người bệnh, người nhà người bệnh.
Mới đây, tại Hội thảo khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh 13 - 15 tuổi tại Việt Nam năm 2022, do Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần văn Thuấn thẳng thắn chỉ ra rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá cho thanh thiếu niên ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Tỷ lệ hút thuốc lá ở nữ giới có xu hướng tăng.
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở học sinh nhóm tuổi 13 - 15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2014 lên 0,8% năm 2022. Bên cạnh đó, tình hình sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong giới trẻ đang có xu hướng gia tăng. Theo đó, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trên 15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, đặc biệt là tập trung ở nhóm tuổi 15 - 24 tuổi với tỷ lệ là 7,3%. Ở nhóm tuổi học sinh từ 13 - 15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 3,5%, trong đó học sinh nam là 4,3%, học sinh nữ là 2,8%.
Những phân tích nêu trên cho thấy rằng, đã đến lúc cần phải đưa việc quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới vào Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng buôn bán, sử dụng thuốc lá điện tử tràn lan như hiện nay. Nhất là khi thuốc lá điện tử đang tấn công vào giới học sinh, sinh viên./.
Công văn số 474/KCB-QLHN gửi các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha nêu rõ:
1. Tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các Sở ban, ngành, các cơ quan truyền thông của tỉnh thường xuyên tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và kịp thời có các quy định để ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm này tại các cơ quan, công sở và đặc biệt là tại các cơ sở giáo dục đào tạo; tăng cường hoạt động kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha.
2. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, các đơn vị liên quan kịp thời phổ biến thông tin về tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tới công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị, người dân trên địa bàn. Lồng ghép tuyên truyền tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong các cuộc họp, hội thảo, hội nghị, sự kiện của cơ quan, đơn vị, cộng đồng.
3. Tăng cường phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để cung cấp thông tin, và phổ biến rộng rãi về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới cho học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn quản lý.
4. Chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tích cực cung cấp các thông tin về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới tới người bệnh, người nhà người bệnh và người dân trong cộng đồng. |
4
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết